Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Một số hoạt động tiêu biểu của Đảng bộ Nghệ An từ khi thành lập đến nay

Ngày 24/2/1930, Ban Chấp hành Trung ương ra quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Phân cục Trung ương lâm thời tại Nghệ An đã chỉ định ra hai Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An gồm Tỉnh bộ Vinh và Tỉnh bộ Nghệ An.

Ngày 01/9/1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Đến ngày 06/6/1884, Pháp hoàn thành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng Điều ước Patơnốt. Ngày 20/7/1885, Tướng Sơmông đem 2 đại đội lính Pháp gồm 188 tên lính đổ bộ lên Cửa Hội đánh chiếm Nghệ An.

Sau khi hoàn thành việc xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã tiến hành các cuộc khai thác thuộc địa với quy mô ngày càng lớn. Tình hình xã hội Nghệ An có sự thay đổi căn bản: từ xã hội phong kiến độc lập chuyển sang chế độ thuộc địa nửa phong kiến phụ thuộc vào thực dân Pháp; hai giai cấp mới ra đời là công nhân và tư sản; các mâu thuẫn cơ bản trong xã hội diễn ra gay gắt.

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, ở Nghệ An đã xuất hiện nhiều phong trào yêu nước và xuất dương tìm đường cứu nước. Nhưng chưa tìm ra con đường cứu nước đúng đắn đáp ứng yêu cầu của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ nên tất cả các phong trào yêu nước ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung đều thất bại.

Trong số những người Việt Nam xuất dương tìm đường cứu nước đầu thế kỷ XX thì Nguyễn Ái Quốc là người duy nhất có hướng đi độc đáo và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Năm 1924, Người trở về Quảng Châu, Trung Quốc tích cực chuẩn bị cho mọi điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại Quảng Châu, Người đã thành lập “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” (6/1925), ra tờ báo “Thanh niên”, mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ để tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin, lập tổ chức “Thanh niên cộng sản đoàn” đưa 9 thanh niên ưu tú vào tổ chức để bồi dưỡng và kết nạp 5 đảng viên dự bị... Sau khi huấn luyện cán bộ, Người đã đưa họ về nước hoạt động trong phong trào cách mạng nước ta lúc bấy giờ. Nhờ vậy, vào những năm từ 1925 đến đầu năm 1930, các tổ chức tiền thân của Đảng ra đời, Nghệ An đã có cơ sở cách mạng rộng khắp, trở thành địa bàn hoạt động của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Đông Dương Cộng sản Đảng, Tân Việt cách mạng Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam: chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước kéo dài.

Ngày 24/2/1930, Ban Chấp hành Trung ương ra quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Phân cục Trung ương lâm thời tại Nghệ An đã chỉ định ra hai Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An gồm Tỉnh bộ Vinh và Tỉnh bộ Nghệ An.

Ngày 29/3/1931, Xứ ủy Trung kỳ đã quyết định giải thể Tỉnh bộ Vinh, lập ra Khu ủy Vinh và Khu ủy Bến Thủy, trực thuộc Xứ ủy Trung Kỳ; sáp nhập một số chi bộ thuộc 2 đảng bộ: huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên (trực thuộc Tỉnh bộ Vinh) vào Đảng bộ Nghệ An.

Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, cùng với Hà Tĩnh, Nghệ An trở thành trận địa chính trong cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tại đây đã hình thành chính quyền Xô viết thôn xã đầu tiên ở Đông Nam Á. Đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều rắp tâm “làm cỏ” Nghệ - Tĩnh, hòng nhổ hết gốc rễ cộng sản trên địa bàn này. Nhưng, chúng đã bất lực. Chỉ vài năm sau, các cơ sở đảng lại hồi phục và lớn mạnh không ngừng.

Trong thời kỳ 1936 - 1939, Đảng bộ đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ bằng hình thức công khai hợp pháp. Tuy phong trào không mạnh mẽ bằng thời kỳ 1930 - 1931 nhưng cũng tạo ra  những sự kiện có tiếng vang lớn như cuộc tổng bãi công của công nhân Trường Thi, đã xây dựng được một đội quân chính trị to lớn, hàng ngàn quần chúng đủ mọi tầng lớp đã được giác ngộ. Đây là bước chuẩn bị rất quan trọng cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Nghệ An.

Trong thời kỳ 1939 - 1945, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã phải đương đầu với nhiều thử thách: cùng một lúc chống ách thống trị, áp bức của thực dân phản động Pháp, phát xít Nhật và bè lũ tay sai của chúng; đồng thời, phải đối phó với âm mưu, thủ đoạn chống phá phong trào cách mạng vô cùng thâm độc của địch.

Khi đã có tình thế cách mạng trực tiếp, mặc dù hệ thống tổ chức đảng chưa kịp hồi phục, Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh (mà nòng cốt là những đảng viên cộng sản kỳ cựu vừa phải ra khỏi nhà tù đế quốc) đã nhạy bén chớp thời cơ giành chính quyền thắng lợi.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng khôi phục hoạt động của Đảng bộ, củng cố chính quyền, Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng các tổ chức quần chúng và những nhiệm vụ chống 3 thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Đảng bộ và chính quyền tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cho kháng chiến và làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn của chúng để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng hậu phương Nghệ An là cái nôi đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho nhiều nam nữ học sinh (trong và ngoài tỉnh) trở thành cán bộ khoa học lớp đầu tiên của chế độ mới. Đảng bộ đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, xây dựng được hậu phương chiến lược vững chắc và cung ứng đến mức cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc, tiêu biểu là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An lại phải đương đầu với những thử thách mới: hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả của trận lũ lụt lớn vào mùa thu năm 1954, ra sức chống đói và dịch bệnh; đồng thời, bằng mọi biện pháp mềm dẻo và kiên quyết, chống địch dụ dỗ, cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam.

Quá trình tiến hành cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, trong sai lầm có tính phổ biến toàn miền Bắc, Nghệ An cũng phạm sai lầm rất nghiêm trọng. Khi Trung ương Đảng và Chính phủ có chủ trương sửa chữa sai lầm cải cách ruộng đất, toàn Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã tiến hành công tác sửa sai một cách nghiêm túc, có lý có tình đạt kết quả tốt.

Trong thời kỳ khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa (1958 - 1960), đứng trước hàng loạt vấn đề rất mới mẻ, chưa từng có kinh nghiệm, Đảng bộ Nghệ An đã quán triệt và vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Nhờ vậy, sau ba năm nỗ lực phấn đấu, Nghệ An đã căn bản hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, tiểu thương và công thương nghiệp tư bản tư doanh; xác lập được quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ nền kinh tế của tỉnh; đồng thời, đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước năm năm lần thứ nhất, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1961- 1964), Đảng bộ cùng các tầng lớp quần chúng đã tích cực hưởng ứng nhiều phong trào thi đua sôi động như: “Thanh niên năm nhất”, “Phụ nữ năm tốt”, phong trào xây dựng lực lượng hậu bị hoặc các cuộc vận động cải tiến quản lý, “ba xây, ba chống”... Những thành quả đạt được trong thời kỳ này có thể đảm bảo tốt cho việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất.

Quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đang có nhiều hứa hẹn thì đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Đây là thời kỳ mà Nghệ An phải đương đầu với nhiều thử thách gian nan, gay go, phức tạp nhất so với mọi chặng đường lịch sử đã qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhất là các đồng chí từng giữ cương vị cao nhất trong cấp ủy và chính quyền đã dốc hết tâm lực, đêm ngày trăn trở, nghĩ suy để tìm những biện pháp hữu hiệu nhất, nhằm đối phó với mọi tình huống, giữ vững tiến độ sản xuất và chiến đấu, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Trong thời kỳ này, Đảng bộ đã vận dụng đồng thời hai quy luật: quy luật chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc và quy luật phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Để lãnh đạo bảo đảm đánh thắng chiến tranh phá hoại của địch, giữ vững mạch máu giao thông, chi viện kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến, Đảng bộ đã dự báo đúng chiều hướng phát triển của chiến tranh, xây dựng được các phương án bảo vệ tính mạng tài sản của dân, bảo vệ sản xuất, tổ chức đánh địch, bảo vệ mục tiêu... Mặt khác, từ việc nắm vững quy luật phát triển kinh tế, vạch ra được những chính sách cụ thể và biện pháp thích hợp, tạo ra động lực để động viên quần chúng làm ra nhiều của cải vật chất mà xây dựng hậu phương vững mạnh.

Nhờ mưu trí, dũng cảm, phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, giành được những thành tích kỳ diệu, phi thường. Trong những năm 1965 - 1972 qua hai lần đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, với vị trí là “cán xoong”, “yết hầu” mạch máu giao thông, Nghệ An từng phải chịu đựng sự đánh phá điên cuồng, vô cùng ác liệt và dã man của giặc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã ngẩng cao đầu, giáng trả quyết liệt lũ giặc trời tàn bạo. Nghệ An là tỉnh bắn rơi chiếc phản lực Mỹ đầu tiên vào ngày 5/8/1964, Vinh là thành phố đầu tiên trên miền Bắc đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen ngày 14/9/1966. Nghệ An cũng chính là nơi mở đầu cho phong trào bắn máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh.

Thành tích nổi bật nhất trong thời điểm đó là Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao thông vận tải, tiếp viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đảng bộ đã sớm xác định công tác giao thông vận tải là nhiệm vụ trung tâm đột xuất và đã động viên được mọi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia với khẩu hiệu: "địch đánh phá, ta cứ đi", "xe chưa qua, nhà không tiếc"... Lực lượng thanh niên xung phong với những "đơn vị thép" phối hợp chặt chẽ cùng bộ đội, vừa làm giao thông vận tải, rà phá bom mìn, vừa đối phó với "con ma", "thần sấm". 13 Thanh niên xung phong ở Truông Bồn là một biểu tượng tuyệt vời về lòng dũng cảm hy sinh vì mạch máu giao thông. Những chiến dịch vận tải Quang Trung (1966- 1968) với đủ loại phương tiện xe cộ, thuyền bè, liên tiếp chuyển hàng vào tiền tuyến lớn một cách khẩn trương và chu đáo.

Mặc dù chiến tranh tàn khốc, ác liệt nhưng tiến độ sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển. Cuộc đấu tranh quyết liệt chống tư tưởng bảo thủ, lạc hậu để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả đáng kể, sản lượng lương thực dồi dào, đảm bảo nhu cầu đời sống và chi viện các chiến trường. Năm 1972, Nghệ An có 6 huyện đạt năng suất lúa 5 tấn/ha trên diện tích 2 vụ lúa ổn định, gây được tiếng vang lớn.

Một thành tích đáng ghi nhận nữa là, tuy chiến tranh ác liệt, toàn tỉnh vẫn vận chuyển được 22 vạn dân ở đồng bằng lên phát triển kinh tế và xây dựng quốc phòng ở miền núi và trung du.

Ngoài nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, chi viện tiền tuyến lớn miền Nam, Nghệ An còn làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào. Đã có thời kỳ, một vùng miền núi phía Tây Nghệ An trở thành căn cứ địa của cách mạng Lào. Nhiều chiến sĩ bộ đội, dân công hỏa tuyến, cán bộ, chuyên gia của Nghệ An từng tình nguyện chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã anh dũng hy sinh trên Cánh đồng Chum và nhiều nơi khác trên đất nước Lào. Tình hữu nghị đặc biệt giữa hai tỉnh kết nghĩa Nghệ An - Xiêng Khoảng nảy mầm, bén rễ từ lâu được đơm hoa kết trái trong thời kỳ chống kẻ thù chung càng trở nên thắm thiết.

Quá trình phấn đấu của Đảng bộ Nghệ An qua các chặng đường lịch sử từ năm 1954 đến năm 1975 càng làm phong phú và làm sáng tỏ thêm những kinh nghiệm mà Đảng bộ đã tích lũy được trong thời kỳ hoạt động bí mật và thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, nhưng chúng ta phải đối phó với những khó khăn, thử thách rất lớn. Hậu quả chiến tranh rất nặng nề, thành phố Vinh hầu như chỉ còn là đống gạch vụn. Các công trình cầu cống, đường sá, nhà máy, xí nghiệp, thủy lợi, điện, thậm chí cả lò vôi, lò gạch cũng không còn.

Khó khăn lớn nhất là toàn tỉnh thiếu lương thực nghiêm trọng. Từ khó khăn về lương thực chi phối hầu hết các mặt kinh tế - xã hội. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cách mạng tiến công, phát động liên tục phong trào cách mạng quần chúng, hướng vào việc sản xuất nông nghiệp, nhằm vào hai mũi nhọn là thủy lợi, sản xuất màu và chăn nuôi để giải quyết cho được vấn đề lương thực - một vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách của tỉnh kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Đảng bộ và nhân dân Nghệ - Tĩnh đã kịp thời chuyển khí thế cách mạng trong chiến đấu chống Mỹ sang khí thế sôi nổi trong lao động sản xuất và xây dựng, đạt được những thành tích nổi bật. Điển hình là công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ.

Giai đoạn 1978 - 1980, Nghệ Tĩnh là một trong những tỉnh đã mạnh dạn thí điểm cơ chế khoán đến hộ và người lao động, rất phù hợp với nguyện vọng của nông dân. Giai đoạn 1982 - 1985, Nghệ - Tĩnh có sáng kiến sản xuất vụ Hè - Thu để né tránh thiên tai. Sau khi làm thí điểm thành công đã phát triển ra diện rộng, biến vụ Hè - Thu thành vụ sản xuất chính, tự trang trải được lương thực trên địa bàn toàn tỉnh.

Bước sang giai đoạn 1986 - 1991, Nghệ - Tĩnh phát triển mạnh công nghiệp chế biến: cơ khí, xi măng, bia rượu, đường, dệt. Giao thông nông thôn phát triển rất nhanh, trở thành lá cờ đầu toàn quốc. Các Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế được hình thành. Đây cũng là một nét độc đáo của xứ Nghệ.

Từ khi tái lập tỉnh (9/1991), Nghệ An đã nhanh chóng ổn định tư tưởng và tổ chức, tiếp tục giải quyết dứt điểm những vấn đề còn lại, tập trung cho nhiệm vụ trung tâm là xây dựng kinh tế. Sản xuất nông nghiệp đạt được những thành tựu nổi bật. Cơ cấu mùa vụ được chuyển đổi hợp lý và tạo ra được các vùng chuyên canh, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra năng suất, sản lượng cao. Mặt khác, Nghệ An triển khai xây dựng công nghiệp quy mô lớn, hình thành được một số cơ sở kinh tế quan trọng. Phong trào bê tông hóa kênh mương, nhựa hóa đường giao thông phát triển mạnh mẽ, đều khắp từ miền xuôi đến miền ngược, từ đô thị đến nông thôn. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được các cấp ủy đảng quan tâm. Những thành tích về các mặt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục, y tế với những điển hình tiêu biểu cấp quốc gia đã minh chứng rằng Đảng bộ đã gắn liền nhiệm vụ phát triển kinh tế với việc chăm lo phát triển văn hóa - xã hội. An ninh - quốc phòng ngày càng được củng cố và vững mạnh.

Đối với các tỉnh bạn sát với biên giới Việt Nam - Lào: Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlikhămxay, tỉnh luôn duy trì và phát triển tốt mối quan hệ hợp tác nhiều mặt, góp phần xây đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào bền vững, thủy chung.

Công tác xây dựng Đảng về chính, tư tưởng và tổ chức được tiến hành thường xuyên và không ngừng đổi mới. Nhờ vậy, các tổ chức đảng ngày càng được củng cố, đảng viên được sàng lọc, nâng cao bản lĩnh chính trị và phẩm chất cách mạng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tích cực đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức được nhiều phong trào thi đua sôi nổi và lập được nhiều thành tích.

Thực tiễn các phong trào yêu nước và cách mạng ở Nghệ An trải qua gần 90 năm đã khẳng định rằng: sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể qua từng chặng đường lịch sử đã để lại những kinh nghiệm quý báu:

1. Nắm vững đường lối cách mạng của Đảng, vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo vào tình hình cụ thể của tỉnh đề ra nhiệm vụ chính trị phù hợp với từng thời kỳ cách mạng là nhân tố hàng đầu đảm bảo được vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.

2. Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra trong các giai đoạn cách mạng.

3. Quan hệ mật thiết với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công nông với đội ngũ trí thức; tập hợp, động viên mọi tầng lớp quần chúng nhân dân hăng hái thi đua để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong các thời kỳ cách mạng.

4. Luôn luôn coi trọng công tác học tập, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trình độ về lý luận Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc các nội dung và nguyên tắc xây dựng Đảng nhằm giữ gìn và tăng cường bản chất giai cấp công nhân.

5. Coi trọng việc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ và sự chỉ đạo của cấp uỷ đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống đặt ra; đồng thời tích cực học tập các địa phương khác, xây dựng các điển hình tiên tiến, nhanh chóng nhân ra diện rộng./.

 

 Nguyễn Thị Hồng Vui 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

Tin cùng chuyên mục

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (phần cuối)

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (phần cuối)


Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (tiếp theo)

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (tiếp theo)


Ngành tổ chức xây dựng Đảng: 90 năm xây dựng và trưởng thành

Ngành tổ chức xây dựng Đảng: 90 năm xây dựng và trưởng thành


Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An


Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai






Phông lưu trữ Đảng bộ tỉnh Nghệ An: “di sản vô cùng quý báu của Đảng và của dân tộc”

Phông lưu trữ Đảng bộ tỉnh Nghệ An: “di sản vô cùng quý báu của Đảng và của dân tộc”