Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An

Chặng đường lịch sử 90 năm của Đảng bộ tỉnh Nghệ An là lịch sử của quá trình lãnh đạo các phong trào cách mạng ở Nghệ An giành được nhiều thắng lợi vẻ vang và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, góp phần vào sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc.

Chặng đường thứ nhất, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền (1930 - 1945)

Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền đã diễn ra với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa như 3 cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân: Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và cao trào giải phóng dân tộc dẫn tới Cách mạng Tháng tám 1945 (1939 - 1945).

Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, Đảng bộ đã đề ra được những khẩu hiệu đấu tranh sát đúng, phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi thiết thân hàng ngày của các tầng lớp nhân dân nên đã tạo được những phong trào đấu tranh sôi nổi khắp thành thị và nông thôn. Hình thức và phương pháp linh hoạt có tổ chức chặt chẽ, phối hợp giữa nông dân và công nhân, khéo kết hợp giữa đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị, nâng cao ý thức cách mạng của quần chúng. Đó là sự liên minh tự giác có tổ chức giữa hai giai cấp chủ lực của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ.

Từ tháng 8/1930 đến đầu 1931, phong trào thực sự bùng nổ với nhiều cuộc đấu tranh chính trị quy mô lớn và có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tự vệ dẫn tới sự sụp đổ chính quyền phong kiến tay sai ở các làng xã hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Phong trào phát triển tới đỉnh cao đã dẫn đến sự ra đời chính quyền công - nông đầu tiên trong phong trào cách mạng Việt Nam ở một số địa phương, sau gọi là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh đã thực hiện quyền làm chủ của quần chúng, điều hành mọi mặt đời sống xã hội. Chính quyền thực dân phong kiến đã phải chấp nhận một số yêu sách của nhân dân. Trong thực tế, chúng đã phải tính đến chuyện cải thiện đời sống cho dân để tránh hậu họa.

Hoảng sợ trước sự phát triển của phong trào, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tập trung lực lượng thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố trắng. Tiêu biểu cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 của 8.000 nông dân thuộc ba tổng: Phù Long, Thông Lạng và Nam Kim (Nam Đàn) bị thực dân Pháp tàn sát dã man làm 217 người chết, 125 người bị thương.

Trước tình hình đó, cuối tháng 10/1930, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất diễn ra tại làng Đông Xuân, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn (nay thuộc xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương). Đại hội đã kiểm điểm đánh giá ưu, khuyết điểm của phong trào cách mạng trong tỉnh, phê phán những biểu hiện tả khuynh, hữu khuynh trong việc chỉ đạo đường lối, chủ trương cũng Trung ương Đảng; đồng thời thảo luận biện pháp chỉ đạo phong trào, đặc biệt là những biện pháp chống địch khủng bố trắng bảo vệ cơ sở đảng và tính mạng, tài sản của quần chúng. Đại hội bầu Ban Chấp hành chính thức gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Tiềm được bầu làm Bí thư.

Cuộc đấu tranh của công- nông Nghệ Tĩnh phát triển mạnh mẽ chưa từng có chính là nhờ tinh thần quật khởi của quần chúng và sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Đảng bộ Nghệ An. Cao trào cách mạng 1930- 1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh dù chưa thắng lợi nhưng cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng và quần chúng cách mạng, để lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài học quý báu mở đường cho những thắng lợi về sau.

 Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh, hầu hết cán bộ chủ chốt của Đảng bộ, hàng ngàn đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt bớ, giam cầm; một số bị địch bắn ngay tại quê nhà nên đến nửa năm sau 1931, cao trào cách mạng 1930 - 1931 tạm lắng.

Trước tình hình đó, tháng 6/1932, Trung ương Đảng ra chương trình hành động nhằm củng cố, phát triển tổ chức đảng và quần chúng cách mạng chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng.

Cuối năm 1933, Đông Dương viện trợ bộ chỉ định ra Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An do đồng chí Nguyễn Duy Hài làm Bí thư. Sau một thời gian ngắn, nhiều chi bộ cơ sở được hình thành ở Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Anh Sơn với hàng trăm đảng viên. Riêng Diễn Châu, vùng dưới huyện Anh Sơn (tức Đô Lương bây giờ) đã thành lập được Phủ ủy, Tổng ủy lâm thời. Sang năm 1934, Đông Dương viện trợ bộ cử Ngô Tuân (Ba Đốc) về Nghệ An chỉ đạo phong trào. Một  thời gian sau, Tỉnh ủy lâm thời sa vào lưới địch; cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An chuyển từ làng Đông Chữ (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) ra làng Hậu Luật (xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu). Tại đây đã có cuộc Hội nghị đại biểu các đảng bộ huyện để bầu Tỉnh ủy lâm thời. Đồng chí Võ Nguyên Hiến được cử làm Bí thư.

Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I tổ chức ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Ngô Tuân và đồng chí Võ Nguyên Hiến được Đông Dương viện trợ bộ chỉ định tham gia Đại hội. Đại hội khẳng định là đại đa số  đảng viên Vừng Hồng ở Nghệ An đã chuyển thành đảng viên cộng sản hoặc chịu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản. Đại hội yêu cầu các đảng bộ phải nhanh chóng củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong phong trào cách mạng của quần chúng. Tại Đại hội này, đồng chí Ngô Tuân và đồng chí Võ Nguyên Hiến được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương; đồng chí Võ Nguyên Hiến được phân công phụ trách Trung kỳ; đồng chí Ngô Tuân phân công phụ trách Nam kỳ. Đại hội yêu cầu phải nhanh chóng củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ Nghệ An cũng như trong phong trào cách mạng.

Tháng 4/1935, Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An mở Hội nghị đại biểu tại làng Hậu Luật (Diễn Châu) để quán triệt, phổ biến Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng và quyết định đổi tên tờ báo “Chuông cách mạng” thành báo “Tự cứu” và in các văn kiện của Đại hội để huấn luyện cho các cấp bộ đảng. Ngày 13/9/1936, tại làng Đông Chữ (Nghi Lộc), Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An và Huyện ủy Nghi Lộc họp đề cử Ban Chấp hành thống nhất của Đảng bộ Nghệ An. Ban Chấp hành thống nhất đề ra các nhiệm vụ: Củng cố và phát triển Đảng, củng cố các chi bộ cơ sở, tổ chức ra các cơ quan cho thích hợp với điều kiện bí mật. Mỗi cấp bộ phải có 2 mối giao thông liên lạc. Thâu phục quảng đại quần chúng để khuyếch trương thanh thế đòi quyền lợi, củng cố và phát triển các tổ chức quần chúng.

Hội nghị hợp nhất 2 hệ thống tổ chức đảng đã tạo ra sự thống nhất cao trong chỉ đạo phong trào. Nhờ vậy, cách mạng trong tỉnh dần vượt qua thời kỳ thoái trào, tiến tới một cao trào cách mạng mới: Cao trào cách mạng 1936- 1939.

Lãnh đạo phong trào vận động dân chủ, chống phản động thuộc địa, phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình (1936 - 1939)

Tháng 7/1935, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản chỉ ra kẻ thù nguy hiểm của nhân dân thế giới là chủ nghĩa phát xít, đề ra nhiệm vụ chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh, giành dân chủ hòa bình (nguy cơ chiến tranh thế giới đang gần, cần phải đấu tranh ngăn chặn), cho nên giai cấp công nhân quốc tế phải thống nhất hàng ngũ của mình và lập Mặt trận nhân dân rộng rãi với các giai cấp và các tầng lớp khác trong nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt.

Trong nước, Ban Chấp hành Trung ương chủ trương lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương (sau đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương) nhằm tập hợp rộng rãi lực lượng; đồng thời quyết định các hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh từ bí mật hợp pháp sang đấu tranh công khai hợp pháp, nửa hợp pháp để phát triển tổ chức Đảng và Mặt trận, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng.

Tại Nghệ An, việc tập hợp rộng rãi lực lượng cách mạng là một yêu cầu cấp bách. Trước mắt là phải tổ chức cho được một cuộc Đông Dương đại hội tại Vinh để vận động các cựu chính trị phạm và những người có cảm tình với cách mạng đến dự nhằm đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Ngày 20/9/1936, Đông Dương đại hội tỉnh Nghệ An được tổ chức tại thành phố Vinh. Đại hội đã cử đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đông Dương toàn xứ Trung Kỳ tại Huế. Đó là thắng lợi đầu tiên của phong trào đấu tranh hợp pháp ở Nghệ An trong thời kỳ 1936-1939.

Ngày 5/10/1936, Tỉnh ủy họp và quyết định thành lập Ủy ban hành động để chỉ đạo phong trào, thành lập Nhà xuất bản xuất bản “Tập sách tiến bộ” tại Vinh, ra Tờ báo “Dân nghèo”, lập các nghiệp đoàn, các hội ái hữu, làm các bản “dân nguyện” đòi quyền dân sinh, dân chủ... Nổi bật là sự kiện “đón Gô đa” ngày 23/7/1937 tại sân bay Vinh. Đảng bộ tỉnh đã tổ chức mit tinh, biểu dương lực lượng và đưa yêu sách về dân sinh, dân chủ... Nhờ vậy, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển mạnh mẽ tại các xí nghiệp, nhà máy, địa phương.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về lập Mặt trận thống nhất Dân chủ Đông Dương nhằm tập hợp rộng rãi lực lượng chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Đại hội thảo luận các chỉ thị của Trung ương và giao trách nhiệm cho mọi cấp bộ đảng phải nhận rõ vấn đề để củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ.

Tình hình có nhiều biến động, tháng 4/1938, Đại hội Đảng bộ Nghệ An (khóa II) được tổ chức tại làng Đông Chữ (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) với trên 30 đại biểu đại diện cho gần 200 đảng viên của 50 chi bộ thuộc 09 huyện. Đại hội nhận định: “Từ ngày hệ thống tổ chức đảng được phục hồi, tất cả các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn đều hăng hái tham gia “hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp, hoặc tự động”. Các phong trào cách mạng “chứng tỏ đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương đưa ra là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng quần chúng”. Đại hội quyết định đẩy mạnh củng cố các tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng, tổ chức đấu tranh dưới nhiều hình thức. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Dương được bầu làm Bí thư và bầu 3 đại biểu đi dự Đại hội thành lập Liên ủy Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Tình hình đó dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng tình thế theo hướng có lợi cho cách mạng. Ở một số địa phương, bọn thực dân phong kiến phải nhượng bộ, đáp ứng yêu cầu của quần chúng, thay thế một số lý, hương mất tín nhiệm. Ở một số nơi, nông dân đã tìm cách đưa những người tốt đi theo cách mạng ra thay thế thông qua bầu cử.

Đầu năm 1938, hiểm họa chiến tranh bao trùm thế giới. Sau Hội nghị Trung ương Đảng (29/3/1938), Đảng có nghị quyết riêng về vấn đề phòng thủ Đông Dương nhằm phát động một phong trào quần chúng đề cao cảnh giác, chống âm mưu xâm lược của phát xít Nhật; chống sự đầu hàng, thỏa hiệp của đế quốc Pháp đối với phát xít Nhật.

Thực hiện chủ trương đó của Đảng, Tỉnh ủy mở cuộc vận động ủng hộ cuộc đấu tranh chống Nhật của nhân dân Trung Hoa và đòi phòng thủ Đông Dương. Nhiều cuộc đấu tranh công khai đã được tổ chức và giành được kết quả khả quan như Kỷ niệm Quảng Châu công xã, phụ nữ tổ chức gánh hàng ngày xuân, chống dự án tăng thuế, tổ chức đám tang đồng chí Siêu Hải... đã giành được những kết quả đáng kể. Sau các phong trào trên, thực dân Pháp bắt đầu ngăn cấm các hoạt động công khai hợp pháp của quần chúng. Để đối phó với tình hình, từ ngày 09 đên ngày 11/9/1939, Tỉnh ủy họp và quyết định chuyển hướng hoạt động và tổ chức. Ngày 12/9/1939, Khâm sứ Trung Kỳ ra lệnh cấm hội họp, cấm tuyên truyền cộng sản, cấm lưu hành các sách báo tiến bộ... Phong trào vận động dân chủ chấm dứt tại đây.

Dù mới trải qua thời kỳ bị thực dân Pháp và phong kiến tay sai khủng bố trắng khốc liệt nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống tổ chức đảng và tổ chức quần chúng cách mạng đã nhanh chóng được phục hồi. Thời kỳ 1936- 1939, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đã đạt được những kết quả nhất định. Dù phong trào chưa phát triển mạnh bằng các nơi khác trong cả nước nhưng thực sự đã xây dựng được một đội quân chính trị to lớn, hàng ngũ quần chúng đủ mọi tầng lớp đã được giác ngộ; đây là một bước chuẩn bị rất quan trọng cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Nghệ An.

Lãnh đạo thực hiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945)

Thời kỳ 1939- 1945, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phải đương đầu với nhiều thử thách: cùng một lúc chống ách thống trị, áp bức của thực dân phản động Pháp, phát xít Nhật và bè lũ tay sai của chúng; đồng thời, phải đối phó với âm mưu, thủ đoạn chống phá phong trào cách mạng vô cùng thâm độc của địch: Về chính trị: chúng thi hành chính sách phát xít, giải tán các tổ chức đảng, cấm đoán các hoạt động tiến bộ. Tăng cường lực lượng quân sự và bộ máy tay sai, sử dụng bọn chỉ điểm phản động phá hoại các tổ chức cách mạng. Về kinh tế: Thực hiện chính sách kinh tế thời chiến, vơ vét của cải phục vụ chiến tranh... Về văn hóa: Xóa bỏ mọi thành quả tiến bộ giành được trong thời kỳ 1936- 1939, tước đoạt mọi quyền tự do dân chủ; đặc biệt là chúng sử dụng tên phản bội nguy hiểm đã từng giữ chức vụ cao nhất trong Đảng bộ.

 Trước tình hình trên, Đảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn để phát triển lực lượng, chuyển hướng đấu tranh giành độc lập dân tộc, yêu cầu thống nhất lãnh đạo phong trào.

Tỉnh ủy Nghệ An do đồng chí Nguyễn Đức Dương làm Bí thư, thực hiện chủ trương khôi phục tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng cách mạng, xuất bản các tài liệu hướng dẫn công tác củng cố tổ chức và xây dựng phong trào cách mạng theo yêu cầu mới, ra tờ báo “Cởi ách” thay báo “Tân tiến”.

Giữa lúc phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân cả nước dâng dâng cao, tình hình có một số thay đổi. Ở Nghệ An, khởi nghĩa Rạng- Đô Lương (14/1/1941) do Đội Cung chỉ huy thất bại; Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào. Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương 8 và hoàn thiện việc chỉ đạo chuyển hướng chiến lược; từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh giành độc lập dân tộc, lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc ở trong Mặt trận Việt Minh đều lấy tên là Hội Cứu quốc. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Cùng với việc thành lập Mặt trận Việt Minh, Đảng khẩn trương chuẩn bị lực lượng vũ trang và các điều kiện cho tổng khởi nghĩa.

Từ tháng 5/1941 đến đầu năm 1942, tổ chức Đảng ở Nghệ An liên tiếp bị địch bao vây, tấn công, nhiều đồng chí chủ chốt của Tỉnh ủy bị bắt. Hoạt động của Đảng bộ Nghệ An bị gián đoạn. 

Cuối năm 1944, không khí chuẩn bị khởi nghĩa đã sục sôi trong cả nước. Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp.

Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị: “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nêu cao khẩu hiệu: “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Thời cơ ngàn năm có một đang đến gần.

Khi đã có tình thế cách mạng trực tiếp, tại Nghệ An, các cấp bộ Đảng chưa kịp phục hồi, Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh (mà nòng cốt là những đảng viên cộng sản kỳ cựu ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vừa ra khỏi nhà tù đế quốc) do Nguyễn Xuân Linh đứng đầu chủ trương thành lập Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh và các cấp bộ Việt Minh đã nhạy bén chớp thời cơ lãnh đạo phong trào, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 6/1945, đồng chí Nguyễn Xuân Linh đem Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương về chỉ đạo thực hiện ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Ban Chấp ủy Việt Minh liên tỉnh được thành lập, thống nhất chỉ đạo phong trào, chống lại các luận điệu bịp bợm của địch như chiêu bài “Ái quân, ái quốc”, “Đại Đông Á”, đồng thời tích cực chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 10/6/1945, Việt Minh liên tỉnh phát truyền đơn kêu gọi khởi nghĩa và được quần chúng 2 tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ (từ tháng 5 đến tháng 7/1945, ở Nghệ An, riêng các phủ huyện đồng bằng đã có 262 cuộc đấu tranh). Để giải quyết khó khăn do nạn đói cuối năm 1944 và đầu năm 1945 để lại, đồng thời khích lệ tinh thần của nhân dân, Mặt trận Việt Minh đã phát động phong trào phá kho thóc của giặc Nhật để cứu đói và chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 26/7/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng gửi thư cho Xứ ủy Trung Kỳ kêu gọi chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 8/8/1945, Việt Minh Nghệ - Tĩnh tổ chức đại hội đại biểu gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa. Đại hội khai mạc tại làng Châu Sơn, xã Phú Mỹ (nay là xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên) với 40 đại biểu. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành chính thức gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Xuân Linh làm Bí thư.

Tình hình chuyển biến mau lẹ, Chính phủ Nhật chuẩn bị đầu hàng Đồng minh, Ban Thường vụ Việt Minh Nghệ Tĩnh đã kịp thời lập Ủy ban khởi nghĩa và phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh.

Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh, chớp thời cơ thuận lợi đó, Ủy ban khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Trưa ngày 21/8/1945, chính quyền địch tại thành phố Vinh buộc phải tuyên bố đầu hàng cách mạng. Chính phủ cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An do đồng chí Lê Viết Lượng làm chủ tịch, đồng chí Nguyễn Tài làm Phó Chủ tịch và 5 ủy viên đã ra mắt quần chúng nhân dân. Khởi nghĩa kết thúc thắng lợi nhanh chóng mà không hề đổ máu. Sau khi Vinh giành chính quyền, các huyện khác trong tỉnh lần lượt giành thắng lợi: Quỳnh Lưu (18/8), Diễn Châu (221/8), Nghĩa Đàn (22/8), Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn (23/8), Nghi Lộc, Yên Thành (25/8)...

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cả nước, phá tan xiềng xích nô lệ của chế độ phát xít, thực dân, phong kiến trên đất nước ta; mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945: “...Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa...”[1].

(Còn nữa)     

                                  Nguyễn Thị Hồng Vui

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.3.

Tin cùng chuyên mục

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (phần cuối)

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (phần cuối)


Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (tiếp theo)

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (tiếp theo)


Ngành tổ chức xây dựng Đảng: 90 năm xây dựng và trưởng thành

Ngành tổ chức xây dựng Đảng: 90 năm xây dựng và trưởng thành


Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai



Một số hoạt động tiêu biểu của Đảng bộ Nghệ An từ khi thành lập đến nay

Một số hoạt động tiêu biểu của Đảng bộ Nghệ An từ khi thành lập đến nay





Phông lưu trữ Đảng bộ tỉnh Nghệ An: “di sản vô cùng quý báu của Đảng và của dân tộc”

Phông lưu trữ Đảng bộ tỉnh Nghệ An: “di sản vô cùng quý báu của Đảng và của dân tộc”