Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Nhớ về đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Nghệ An

 

Đồng chí Nguyễn Tiềm (1912 - 1932)

Nghệ An là địa phương có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng: “Trong nước ta hàng ngàn năm nay, Nghệ An là nơi xây dựng cơ sở để chống ngoại xâm, giữ vững nước nhà. Khi nào phía Bắc mất, người ta lại vào đây để xây dựng lực lượng, gây dựng sức mạnh, giải phóng cả nước. Do cái cơ sở vị trí truyền thống đó mà chúng ta không lấy làm ngạc nhiên ở Nghệ An đã sinh trưởng những vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc[1]. Đặc biệt, ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nơi đây chính là mảnh đất ươm mầm các tổ chức đảng và diễn ra phong trào cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong buổi đầu cách mạng đó, có công lao rất lớn của các chiến sỹ cộng sản, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên - đồng chí Nguyễn Tiềm.

Đồng chí Nguyễn Tiềm (còn có tên gọi khác là Quảng, Cát, Nhung), sinh ngày 10/11/1912 trong một gia đình khá giả, có truyền thống hiếu học tại xóm Hạ, làng Dương Liễu, tổng Nam Kim (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, có nhiều sĩ phu nổi tiếng, nhiều danh nhân hào kiệt, tiêu biểu cho bản lĩnh và khí phách của một dân tộc anh hùng, đồng chí tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức bóc lột và sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước. Từ một thanh niên yêu nước, Nguyễn Tiềm đã sớm trở thành một cán bộ cách mạng của Đảng và là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Nghệ An.

1. Đồng chí Nguyễn Tiềm sớm giác ngộ lý tưởng Cộng sản và nhanh chóng dấn thân cách mạng với việc tham gia, đứng đầu các tổ chức quần chúng, tổ chức đảng, có nhiều đóng góp lớn trong công tác đảng, công tác hội

Thời niên thiếu, Nguyễn Tiềm được cha dạy học chữ Hán[2]. Đến năm 8 tuổi chuyển sang học chữ Quốc ngữ ở trường làng rồi chuyển lên học Trường Tiểu học Pháp-Việt. Hè năm 1926, Nguyễn Tiềm thi đậu vào lớp Đệ nhất B Trường Quốc học Vinh. Ban đầu, Nguyễn Tiềm lấy làm thích thú và có phần hãnh diện vì được học trường này. Nhưng trong quá trình học, Nguyễn Tiềm nhận thấy nội dung giáo dục luôn ca ngợi nước Pháp và văn minh “Đại Pháp”, tuyên truyền sự biết ơn công “khai hóa văn minh” của chúng. Đặc biệt, một số giáo viên người Pháp luôn miệng chửi mắng và miệt thị học sinh. Điều đó khiến cho Nguyễn Tiềm thấy không những học sinh mà cả dân tộc mình bị xúc phạm và không thể không nghĩ đến thân phận tủi nhục của người dân mất nước, bị áp bức.

Lúc này, các hoạt động yêu nước ở Thành phố Vinh đã phát triển hết sức mạnh mẽ và lan rộng trong các tầng lớp học sinh. Trong trường, Nguyễn Tiềm được nghe các anh chị khóa trên diễn thuyết hoặc sáng tác các tác phẩm ca ngợi những tấm gương nghĩa liệt vì sự nghiệp cứu nước, cứu nhà như: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái... Điều đó càng làm cho Nguyễn Tiềm hào hứng và hăng hái tham gia các phong trào yêu nước do Hội Phục Việt tổ chức. Ngày 27/3/1926, dưới sự lãnh đạo của Hội Phục Việt, lần đầu tiên Nguyễn Tiềm cùng với học sinh trường Quốc học Vinh đã hòa vào phong trào quần chúng công nhân, nông dân, tiểu thương... tuần hành quanh thành phố Vinh, tập trung tại chùa Diệc để dự đám tang cụ Phan Châu Trinh. Sự kiện này đã đánh dấu hoạt động đầu tiên của Nguyễn Tiềm trong sự nghiệp cách mạng của mình.

Đầu năm 1927, khi Hội Hưng Nam (tiền thân của Đảng Tân Việt) cử người vào Trường Quốc học Vinh lập ra tổ chức Sinh đoàn để đoàn kết, tập hợp thanh niên, học sinh nhen nhóm phong trào đọc sách, báo tiến bộ, thơ văn yêu nước, Nguyễn Tiềm hăng hái gia nhập hội kín và được cử vào Ban Chấp hành Sinh hội. Đến cuối năm 1927, khi hai tổ chức Hội Phục Việt và Hội Thanh niên hoạt động mạnh ở Nghệ Tĩnh, Nguyễn Tiềm là một trong ba đoàn viên Sinh đoàn của Hội Hưng Nam được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Nguyễn Tiềm cùng 2 hội viên đó lập thành Tiểu tổ Hội Thanh niên, hoạt động ở Trường Quốc học Vinh.  Bấy giờ, Hội Thanh niên có một hội viên làm việc ở Sở Bưu điện Vinh, Nguyễn Tiềm liên lạc với đồng chí này để đặt mua sách báo và trao đổi về thời cuộc. Vì vậy, Nguyễn Tiềm càng có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về Chủ nghĩa Mác-Lênin để tuyên truyền lý tưởng cách mạng trong hàng ngũ học sinh.

Tháng 6 năm 1929, sau khi được thành lập ở Bắc Kỳ, Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung về Nghệ An xây dựng, phát triển cơ sở đảng và cơ sở quần chúng. Tổ chức Sinh đoàn của Trường Quốc học Vinh được đổi thành Sinh hội, đồng chí Nguyễn Tiềm được cử vào Ban Chấp hành của Sinh hội Quốc học Vinh. Sinh hội Trường Quốc học đã ra tờ báo "Hồng Sinh" lưu hành nội bộ nhằm tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, tác phẩm "Đường Kách mệnh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc... Cuối năm 1929, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ, Tiểu tổ Hội Thanh niên ở Trường Quốc học Vinh đã được chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Tiềm được chỉ định làm Bí thư Chi bộ.

Sau ngày thành lập Đảng 03/02/1930, Tổng Sinh hội Nghệ An được thành lập, gọi là Tổng Sinh hội đỏ, Nguyễn Tiềm được cử làm Bí thư[3]. Tờ báo "Hồng Sinh" đổi thành báo "Xích Sinh" (Sinh viên đỏ) do Nguyễn Tiềm làm Chủ bút để tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời phê phán những nhận thức sai lệch về Chủ nghĩa Cộng sản của một số tờ báo khác (tiêu biểu là tờ báo Tiếng Dân). Phong trào đấu tranh ngày càng đòi hỏi có nhiều hơn các truyền đơn, báo chí của Đảng. Nguyễn Tiềm đã không ngần ngại dùng tiền riêng mua dụng cụ, lập bộ phận ấn loát của Tổng Sinh hội.

Tuy sức vóc nhỏ nhắn nhưng Nguyễn Tiềm vẫn vừa học tập, vừa lao vào hoạt động công tác Hội, công tác Đảng. Không chỉ lãnh đạo phong trào học sinh tại Vinh, Nguyễn Tiềm còn đến các trường ở Nam Đàn, Thanh Chương, thị xã Hà Tĩnh, Đức Thọ... để phát triển lực lượng, tuyên truyền giác ngộ học sinh tham gia cách mạng. Với sự nhiệt tình và năng lực hoạt động của Nguyễn Tiềm và các đồng chí trong Ban Chấp hành Tổng Sinh hội, phong trào học sinh trong Trường Quốc học đã có một tiếng vang lớn trong quần chúng công nhân và nông dân lúc bấy giờ.

Những hoạt động của Nguyễn Tiềm đã bị mật thám theo dõi. Ngày 03/3/1930, thực hiện lệnh của Công sứ Vinh, Hiệu trưởng nhà trường đã ra quyết định đuổi học Nguyễn Tiềm vì tội tham gia "hội kín", mục đích tách đồng chí khỏi phong trào học sinh cho chúng dễ kiểm soát. Sau khi bị đuổi học, Nguyễn Tiềm không về nhà mà bí mật đi xuống tận các phủ, huyện để tuyên truyền, vận động phong trào Cách mạng. Ngày 25/4/1930, Tổng đốc Nghệ An là Hồ Đắc Khải triệu tập các trường ở Vinh tập trung tại nhà Văn Thánh để nói xấu cách mạng và khủng bố học sinh. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tiềm, Tổng Sinh hội Nghệ An đã kịp thời phát truyền đơn vạch rõ âm mưu phản cách mạng của Hồ Đắc Khải và kêu gọi học sinh các trường tẩy chay trò hề diễn thuyết của hắn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Tiềm và các đồng chí trong Tổng Sinh hội, học sinh các trường đã làm ồn ào không cho Hồ Đắc Khải diễn thuyết. Hắn tức tốc tập trung tất cả thầy trò vào “Hoàng cung” dọa nạt. Học sinh kêu la inh ỏi, buộc hắn phải giải tán. Từ đó, phong trào học sinh ở Vinh và nhiều phủ huyện ở Nghệ Tĩnh ngày càng dâng cao. Học sinh ở Vinh, Thanh Chương đã cùng công nhân, nông dân các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên tham gia rải truyền đơn, biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (01/5/1930). Với những hoạt động đó, Nguyễn Tiềm thực sự đã hòa mình trong phong trào quần chúng cách mạng.

Sau ngày 01/5/1930, phong trào cách mạng ngày càng lên cao và mở rộng phạm vi đến nhiều địa phương trong tỉnh. Trước tình hình đó, để tăng cường bổ sung lực lượng lãnh đạo cho phong trào cách mạng, tháng 6/1930, đồng chí Nguyễn Tiềm đã được Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ chỉ định vào Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh bộ Nghệ An phụ trách công tác tuyên truyền (lúc bấy giờ, ở Nghệ An có hai Ban Chấp hành lâm thời là Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh bộ Vinh và Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh bộ Nghệ An)[4]. Để dễ bề hoạt động, Nguyễn Tiềm lấy bí danh là Quảng (về sau còn có bí danh là Cát, Nhung), nhuộm răng đen, mặc quần nâu, mang bị cói, khi đóng vai người đi buôn tơ, buôn thuốc lào, len lỏi về các xóm thợ, các làng quê tuyên truyền xây dựng cơ sở đảng, cơ sở quần chúng.

Cùng với các cán bộ trong Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh bộ Nghệ An, Nguyễn Tiềm đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương của Xứ uỷ Trung kỳ tổ chức một phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, khởi đầu là cuộc đấu tranh của công nhân Vinh-Bến Thuỷ, nông dân Hạnh Lâm (Thanh Chương) ngày 01/5/1930, rồi phát triển thành các cuộc biểu tình, đấu tranh với quy mô toàn huyện ở Nam Đàn (30/8), ở Thanh Chương (01/9), Anh Sơn (08/9)... và đỉnh cao là cuộc biểu tình ở Thái Lão (12/9). Chính quyền Xô-viết dưới hình thức là Xã bộ nông, Thôn bộ nông được thành lập ở nhiều làng xã. Phong trào cách mạng đã thực sự biến đổi về chất, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dày công dẫn dắt của các cán bộ Đảng lúc bấy giờ, trong đó có đồng chí Nguyễn Tiềm.

Như vậy, được nuôi dưỡng từ mảnh đất quê hương giàu truyền thống, sớm được biết đến những tấm gương anh dũng của cha anh, được giác ngộ lý tưởng trong phong trào khi đang là sinh viên, và được dấn thân trong cách mạng qua các tổ chức, trong vòng 4 năm (1926-1930), Nguyễn Tiềm đã thể hiện được khát vọng mãnh liệt, ý chí quyết tâm cứu nước, tận tụy trong công việc và năng lực xuất sắc. Đồng chí trở thành cán bộ tiêu biểu của BCH lâm thời Tỉnh bộ Nghệ An lúc bấy giờ, có uy tín và sức động viên lớn tới tất cả tổ chức đảng và đảng viên ngày đó.

2. Trở thành Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên khi tuổi đời 18, với năng lực lãnh đạo, đặc biệt là khả năng xuất chúng về tuyên truyền, vận động, đồng chí đã cùng Đảng bộ khôi phục các tổ chức đảng, lãnh đạo phong trào dần vượt qua sự “khủng bố trắng” của thực dân Pháp

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giữa tháng 10/1930, BCH lâm thời Tỉnh bộ Nghệ An triệu tập Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ nhất ở làng Đồng Xuân, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn (nay là xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương). Đại hội đã kiểm điểm đánh giá tình hình cao trào cách mạng trong tỉnh, thảo luận các biện pháp chỉ đạo phong trào, chống sự khủng bố của địch, bảo vệ cơ sở đảng và quần chúng. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành chính thức đầu tiên của Đảng bộ tỉnh gồm 7 đồng chí[5], đồng chí Nguyễn Tiềm được bầu làm Bí thư. Mới mười tám tuổi, nhận trọng trách Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, giữa lúc kẻ địch sau một thời gian hoảng loạn nay tập trung toàn lực thực hiện cuộc "khủng bố trắng" một cách khốc liệt nhằm phá hoại cơ sở đảng, phá hoại phong trào quần chúng, Nguyễn Tiềm đã thể hiện rõ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo để đưa phong trào cách mạng vượt qua thời kỳ khó khăn.

Trước tiên, đồng chí phân công các đồng chí Tỉnh uỷ viên trực tiếp về các huyện bám cơ sở, bám phong trào. Cơ quan Tỉnh uỷ được chia nhỏ thành nhiều bộ phận, khi ở Thanh Chương, khi ở Yên Thành, lúc lên Anh Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trong tháng 10 và 11 năm 1930, trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra các cuộc biểu tình lớn, trong đó nổi bật và có ý nghĩa lớn lao nhất là 2 cuộc biểu tình kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ngày 07/11/1930 tại Yên Thành và Diễn Châu[6]. Hai cuộc biểu tình này diễn ra ngoài ý nghĩa về tinh thần bất khuất, dũng cảm của đồng bào còn mang ý nghĩa thiêng liêng về tinh thần Quốc tế vô sản của quần chúng nông dân ở một xứ thuộc địa lạc hậu, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đầu năm 1931, tại làng Lệ Nghĩa (huyện Anh Sơn), đồng chí Nguyễn Tiềm chủ trì cuộc họp Ban Chấp hành Tỉnh bộ để đánh giá tình hình địch, ta và đề ra chủ trương để vừa đối phó với cuộc đàn áp, bắt bớ dã man của địch, vừa lo củng cố tổ chức và tìm ra những biện pháp để giữ vững phong trào, lại vừa lo giải quyết những khó khăn về đời sống cho cán bộ và nhân dân.

Trong những ngày tháng nước sôi lửa bỏng của cao trào cách mạng, Nguyễn Tiềm đã đề ra những chủ trương sáng suốt như vay lúa của các nhà phú hữu cứu đói cho dân nghèo, xây dựng các tổ chức quần chúng Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Phụ nữ giải phóng... làm chỗ dựa cho các tổ chức đảng. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Tiềm rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, cổ động. Bản thân ông trực tiếp phụ trách tờ báo "Tiến Lên" của Tỉnh uỷ, vừa tổng hợp tình hình, viết bài, tổ chức in, vận chuyển về các cơ sở. Đối với các đảng bộ huyện, đồng chí chủ trương xây dựng các tờ báo của huyện đảng bộ trở thành vũ khí tuyên truyền sắc bén cổ vũ phong trào, vạch mặt bọn đế quốc, phong kiến. Dựa vào quan hệ thân thiết với người bạn vong niên cùng quê là Đặng Chánh Kỷ (bấy giờ đồng chí Đặng Chánh Kỷ làm Bí thư Huyện uỷ Nam Đàn, sau làm phái viên của Xứ uỷ ra chỉ đạo phong trào các huyện Yên Thành, Diễn Châu) sáng tác thơ ca, vè... Nhờ vậy, báo chí cách mạng phát triển khắp các huyện: Hưng Nguyên có báo "Sản nghiệp", Nam Đàn có báo "Giác ngộ", Thanh Chương có báo "Nhà quê", Anh Sơn có báo "Gương vô sản", Quỳnh Lưu có báo "Tia sáng", "Lao động", Nghi Lộc có báo "Dân nghèo"... Đường lối, chủ trương của Đảng được thông qua báo chí, thơ ca, truyền miệng, trở thành món ăn tinh thần của quần chúng. Chưa bao giờ, báo chí cách mạng và thơ ca cách mạng phát triển như những năm 1930-1931. Công tác tuyên truyền của Đảng được tiến hành trong mọi dịp có thể được, kể cả ngày giỗ, tết, ngày hội quần chúng và bằng mọi hình thức như rải truyền đơn, mít tinh, diễn thuyết, tổ chức truy điệu liệt sỹ, đọc báo chí, thơ văn cách mạng, diễn tuồng, hát ví, giặm... Đây là một công việc hết sức quan trọng của Đảng trong việc thu phục quần chúng cách mạng. Sự cổ động tuyên truyền có tổ chức, có kế hoạch đúng, chuyên cần là một điều kiện quan trọng để tiến hành các công tác khác của Đảng trong quần chúng, xây dựng được mặt trận thống nhất, xây dựng Đảng vững mạnh, nâng cao trình độ lý luận cho đảng viên, đào tạo thêm cán bộ cho Đảng. Có thể nói, đây là những đóng góp xuất sắc của Bí thư Nguyễn Tiềm trên mặt trận tư tưởng chính trị thông qua báo chí, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ.

Như vậy, đảm nhận cương vị là người đứng đầu Ban Chấp hành Tỉnh bộ Nghệ An, đồng chí Nguyễn Tiềm đã có nhiều đóng góp lớn trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục, và giúp Đảng bộ càng thêm gắn kết với Nhân dân - cội nguồn sức mạnh của Đảng. Những cống hiến của đồng chí là minh chứng công tác bầu cử tại Đại hội thứ nhất là hoàn toàn đúng đắn, niềm tin của tổ chức đảng và Nhân dân trao gửi là đúng người. Đó là một trong những nguyên nhân để phong trào cách mạng lúc bấy giờ vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

3. Hy sinh ở tuổi 20, đồng chí đã để lại một tấm gương sáng về lòng trung kiên với cách mạng, khí phách anh hùng của chiến sỹ Cộng sản

Cuối tháng 5 năm 1931, cơ quan Xứ uỷ Trung kỳ bị địch khủng bố, nhiều cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ như Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Mao bị địch bắt, Bí thư Nguyễn Tiềm được Xứ uỷ điều lên bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ uỷ phụ trách công tác tuyên truyền. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Viết Thuật - Bí thư Xứ uỷ, đồng chí cùng các đồng chí Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi đi về các huyện, các tỉnh ở Trung kỳ vượt qua bao gian nan thử thách của thời kỳ thoái trào cách mạng, giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

Do làm việc, học tập quá sức, lại ăn uống kham khổ nên Nguyễn Tiềm bị đau phổi nặng, nhưng đồng chí vẫn cố sức làm việc. Khi các đồng chí trong cơ quan biết được thì bệnh tình của đồng chí đã nặng. Các đồng chí trong Xứ uỷ mượn nhà bà mẹ Vệ ở Bến Đền, cạnh bờ sông Cửa Tiền, gần nơi đồng chí trọ học những năm học Quốc học Vinh để chăm sóc thuốc thang cho đồng chí. Bà con các cơ sở, các hiệu thuốc bắc ở Vinh và gia đình mẹ Vệ chăm sóc, chạy chữa rất tận tình. Đêm 17/10/1931, bọn mật thám và lính đồn đến vây bắt Nguyễn Tiềm ngay trên giường bệnh. Biết ông là Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, là Thường vụ Xứ uỷ Trung kỳ, mặc dù cơ thể còn ốm yếu, nhưng tên chánh mật thám Bi-ê trực tiếp hỏi cung và chỉ huy bọn tay chân ở nhà lao Vinh dùng đủ mọi cực hình để tra tấn làm cho Nguyễn Tiềm chết đi sống lại nhiều lần trong 2 tháng trời, nhưng Nguyễn Tiềm kiên quyết không khai. Những ngày bị giam ở nhà lao, gia đình mang thuốc men, quà bánh đến, đồng chí phân phát cho các anh chị em cùng giam. Thấy người nào ốm yếu, đồng chí tìm cách động viên, an ủi và vận động anh em tù chăm sóc, bảo vệ. Đồng chí đã dành từng quả cam của gia đình đưa đến để chăm sóc cho những người bị đau nặng.

Ngày 18/01/1932, vì không thể làm lung lay ý chí và tình thần của đồng chí, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã tuyên án tử hình đồng chí Nguyễn Tiềm. Bản án gây nên sự đấu tranh phản đối mạnh mẽ của các tù chính trị, tù nhân nhà lao Vinh và Nhân dân Nghệ An. Trước sức mạnh đấu tranh của Nhân dân, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ buộc phải giảm xuống án khổ sai, chung thân và đày Nguyễn Tiềm vào nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Nhà tù Lao Bảo là nơi rừng thiêng nước độc giáp biên giới Việt-Lào, cùng với chế độ hà khắc của nhà tù, những người khoẻ mạnh cũng khó qua, thì với thân thể bệnh tật ốm yếu như Nguyễn Tiềm lại càng khó khăn hơn. Kẻ địch nhốt ông vào Ca-sô (hầm kín) nhằm làm cho ông chết dần chết mòn. Nhưng Nguyễn Tiềm vẫn điềm tĩnh lạc quan, vẫn tham gia các hoạt động trong nhà tù. Lúc khoẻ, đồng chí vẫn sáng tác thơ ca động viên các bạn tù kiên trung giữ vững khí tiết của người cách mạng. Đặc biệt tình cảm của Nguyễn Tiềm đối với đồng bào, đồng chí vẫn hết sức thắm thiết. Tại đây, đồng chí đã làm bài thơ:

Nhớ ai, ai nhớ đến ta không

Ta nhớ người xa cách mấy trùng

Nhớ lúc luận bàn câu vận mệnh

Nhớ khi hò hét nợ non sông

Nhớ trăng sáng dọi dòng sông Việt

Nhớ gió lùa mây đỉnh núi Hồng

Càng nhớ, càng trông, càng thắc mắc

Trời Tây thăm thẳm tuyệt mù trông[7]

Đêm ngày 11/10/1932, đồng chí Nguyễn Tiềm hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Đồng chí Nguyễn Tiềm đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Tiềm tuy ngắn ngủi nhưng đã sớm thể hiện đầy đủ những phẩm chất cao đẹp của người Cộng sản, cống hiến hết sức quan trọng vào sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Nghệ An cũng như sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc.

Ghi nhận những cống hiến, đóng góp to lớn, đức hy sinh của một vị lãnh tụ cách mạng tiền bối, Đảng và Nhà nước đã công nhận Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Tiềm ở xóm 1, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia. Tại Thành phố Vinh có một đường phố ở phường Đội Cung mang tên Nguyễn Tiềm.

Trong những tháng ngày Đảng ta đang chuẩn bị tiến hành Đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, chúng ta cùng nhau mở lại những trang sách của “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng. Những trang đầu tiên, có rất nhiều tấm gương Cộng sản, trong đó có đồng chí Nguyễn Tiềm - vị Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Càng tìm hiểu, thế hệ trẻ càng khâm phục, biết ơn công lao và sự hy sinh của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cùng nhau chia sẻ những thông tin về Người chính là một trong những cách tốt nhất và ý nghĩa nhất để giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, để Đảng bộ và đảng viên nghiêm túc, quyết liệt, chuẩn bị chu đáo cho các kỳ Đại hội Đảng, nhất là về công tác nhân sự./.

                 Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

Nguyễn Thị Thanh, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại Học Vinh 

                    Nguyễn Thị Hồng Giang, Trường Chính trị tỉnh 

Tài liệu tham khảo

1. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới

2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, tập 1 (1930-1954), Nxb Nghệ An, năm 2018

3. Lịch sử Nghệ An, tập 1 (từ Nguyên thủy đến Cách mạng tháng Tám 1945), Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2012

4. Nghệ An - những con người tiêu biểu, tập 1 (1930-1975), Nxb Nghệ An, năm 2018

5. Nghệ An - những tấm gương cộng sản, tập 1, Nxb Nghệ An, năm 1998

 


[1] Đồng chí Lê Duẩn - “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”

[2] Cha của Nguyễn Tiềm là Nguyễn Danh Chính - một nhà nho yêu nước và giàu lòng nhân hậu. Lúc còn trẻ, cụ đã từng dự kỳ thi Hương nhưng không đỗ, đành ở nhà làm ruộng vườn và nuôi dạy con cái

[3] Cùng với Tổng Sinh hội, các tổ chức quần chúng khác của Đảng cũng được ra đời như Tổng Công hội trong giai cấp công nhân, Tổng Nông hội trong giai cấp nông dân...

[4] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An - Tập 1 (1930-1954), Nxb Nghệ An, năm 2018

[5] Nguyễn Tiềm, Tôn Gia Chung, Nguyễn Sinh Diên, Phan Đình Đồng, Nguyễn Trần Thâm, Phan Huy Thường, Trần Thị Minh Châu

[6] Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi vào đêm 24, rạng sáng 25/10/1917 theo lịch nước Nga, nhằm đêm 06 rạng sáng ngày 07/11/1917

[7] Hồ sơ lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An

Tin cùng chuyên mục

Công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng bộ Nghệ An góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống pháp (1946-1954)

Công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng bộ Nghệ An góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống pháp (1946-1954)


Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (phần cuối)

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (phần cuối)


Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (tiếp theo)

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (tiếp theo)


Ngành tổ chức xây dựng Đảng: 90 năm xây dựng và trưởng thành

Ngành tổ chức xây dựng Đảng: 90 năm xây dựng và trưởng thành


Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An


Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai


Một số hoạt động tiêu biểu của Đảng bộ Nghệ An từ khi thành lập đến nay

Một số hoạt động tiêu biểu của Đảng bộ Nghệ An từ khi thành lập đến nay





Phông lưu trữ Đảng bộ tỉnh Nghệ An: “di sản vô cùng quý báu của Đảng và của dân tộc”

Phông lưu trữ Đảng bộ tỉnh Nghệ An: “di sản vô cùng quý báu của Đảng và của dân tộc”