Sáng ngày 06/9/2019, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý vào dự thảo Tờ trình và Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Dự và chủ trì tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Sáng ngày 06/9/2019, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý vào dự thảo Tờ trình và Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Dự và chủ trì tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Đồng chí Hồ Phúc Hợp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Cùng dự còn có các đồng chí đại diện thường trực một số huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các ban, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Tỉnh ủy; cán bộ, chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Đánh giá sau hơn 5 năm thực hiện, Quy chế bầu cử trong Đảng (theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương) đã cơ bản đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của việc bầu cử trong Đảng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Những nội dung được quy định trong Quy chế đã thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; mở rộng dân chủ, đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy viên, của đảng viên và của đại biểu dự đại hội, góp phần thực hiện tốt công tác cán bộ trong toàn hệ thống chính trị. Quyền ứng cử, đề cử của đảng viên được đề cao, bảo đảm tính khả thi thông qua việc hướng dẫn thực hiện quy trình và thủ tục ứng cử, đề cử. Theo báo cáo tổng hợp đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn quốc có 424 đồng chí không được cấp ủy triệu tập đại hội đề cử nhưng tự ứng cử hoặc được đại biểu đại hội đề cử tham gia cấp ủy và có tên trong danh sách bầu cử, trong đó có 70 đại biểu tự ứng cử (trúng cử 54 đồng chí ở cấp cơ sở), có 354 đồng chí được đại biểu đại hội các cấp đề cử (trúng cử 127 đồng chí).
Bên cạnh những ưu điểm, qua tổng hợp, Ban Tổ chức Trung ương cũng đã đánh giá, quá trình thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng vẫn còn một số hạn chế, bất cập: (1) ở một số tổ chức đảng có ít đảng viên chính thức không lập được ban kiểm phiếu theo quy chế; (2) trách nhiệm của người đề cử chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng đề cử người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào danh sách bầu cử hoặc có trường hợp đại biểu đề cử cả người mà mình không năm chắc lý lịch, năng lực, phẩm chất, nhưng không phải chịu trách nhiệm về việc đề cử của mình; (3) ở một số nơi công tác tổ chức, điều hành hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất còn gặp khó khăn, lúng túng; (4) Quy chế cũng chưa quy định việc cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên để các đại biểu nghiên cứu trước khi bầu cử ở đảng bộ cấp cơ sở; chưa quy định cụ thể về việc bầu cử bí thư, phó bí thư đối với chi bộ có số lượng đảng viên không đủ để bầu cấp ủy theo quy định và việc bầu cử bí thư trực tiếp tại đại hội.v.v
Cũng tại hội nghị trực tuyến lần này, Ban Tổ chức Trung ương đã xin ý kiến góp ý của các tỉnh, thành ủy về dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử Đảng. Ngoài việc tiếp tục kế thừa bố cục và các nội dung của Quy chế cũ theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương; Dự thảo Quy chế lần này đã sửa đổi, bổ sung thêm một số điểm mới mà Quy chế cũ chưa quy định hoặc đang còn những điểm vướng mắc, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện như: quy định về trách nhiệm của người đề cử; quy định về tỷ lệ số phiếu ( phải trên 50%) đối với những người không được cấp ủy cấp triệu tập đề cử, nếu ứng cử hoặc được đề cử tại đại hội khi đưa vào danh sách bầu cử; quy định về số dư đối với danh sách bầu cử; quy định về cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên để các đại biểu nghiên cứu trước khi bầu cử ở đảng bộ cấp cơ sở; quy định về trách nhiệm của bí thư cấp ủy và trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp triệu tập đại hội tại hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất.v.v.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị tổ biên tập, các cục, vụ của Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các địa phương để bổ sung, hoàn thiện dự thảo các văn bản trình tập thể lãnh đạo Ban, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
Lê Văn Lĩnh
Ban tổ chức Tỉnh ủy