Tác phẩm “Dân vận” gồm 4 mục, đăng báo Sự Thật ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tiền đề, cơ sở có tính chất quyết định trong công tác dân vận chính là vì: “Nước ta là nước dân chủ”. Trong mục I này, Người đã tóm tắt bản chất của một nước dân chủ thật sự chính là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của nhân dân.
Tác phẩm “Dân vận” gồm 4 mục, đăng báo Sự Thật ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tiền đề, cơ sở có tính chất quyết định trong công tác dân vận chính là vì: “Nước ta là nước dân chủ”. Trong mục I này, Người đã tóm tắt bản chất của một nước dân chủ thật sự chính là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của nhân dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công của dân. Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra, đoàn thể từ xã đến Trung ương do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[3]. Suy ngẫm sâu sắc về vấn đề này, chúng ta thấy tính chất nhân dân đậm nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh; theo đó: Của dân tức là toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức gánh vác công việc nước nhà; chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân bầu ra, kiểm soát. Do dân là nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình trong mọi lĩnh vực, tự tổ chức lên các Đoàn thể từ Trung ương đến xã và nhà nước chỉ can thiệp khi quyền lợi của dân hay pháp luật bị vi phạm. Vì dân là mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ những lợi ích chính đáng và tạo điều kiện sống thuận lợi cho nhân dân. Các cơ quan công quyền không được đặc quyền, đặc lợi, chỉ có một mục tiêu là phục vụ nhân dân và “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Muốn được dân yêu mến, muốn được lòng dân trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy, phải có tinh thần chí công vô tư”. Trong mục II, trả lời câu hỏi: “Dân vận là gì?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Đó chính là việc tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân (mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng) vào các phong trào cách mạng. Cũng chính trên tinh thần xác định rằng: Công tác dân vận là rất quan trọng, không thể chỉ dùng “báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ 4 bước quan trọng, nhất thiết phải làm trong công tác dân vận. Đó là: 1) Phải “tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: Việc đó có lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. 2) “Bất cứ việc gì cũng đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. 3) Phải “theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân”. 4). “Khi làm xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Trong mục thứ III, “Ai phụ trách dân vận?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lực lượng làm công tác dân vận là: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách Dân vận”. Như vậy, lực lượng làm công tác dân vận không chỉ là những người chuyên trách công tác này, mà là rất đông đảo các tổ chức, cá nhân cùng tham gia; theo đó, “những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”. Mục IV, “Dân vận phải thế nào?” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra, chỉ rõ; đó chính là phương pháp dân vận với những yêu cầu rất cụ thể, được đúc kết bằng 12 từ. Theo đó, những người làm công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, chứ không phải “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Tuy nhiên, trong thực tế, dường như 12 từ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra vẫn chưa được thấu triệt, nên “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Ðó là sai lầm rất to, rất có hại”. Cuối cùng, kết thúc tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đây là “cẩm nang dân vận”, là những chỉ dẫn hữu hiệu, thiết thực đối với những người làm công tác dân vận. Từ 4 mục trong tác phẩm Dân vận, có thể thấy tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác dân vận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Để làm tốt được công việc trọng yếu này, mỗi cán bộ làm công tác dân vận không chỉ phải nhận thức rõ yêu cầu của công tác dân vận để thực hiện phương pháp dân vận đúng mà còn phải huy động mọi người, tổ chức, đoàn thể và phải vận dụng “ngũ quan” trong công tác trên cơ sở hiểu rõ thực tế, nắm vững bản chất của con người, của sự việc để làm tốt công tác dân vận và nói phải đi đôi với làm.
Trao khen thưởng cho gương điển hình tiên tiến về dân vận khéo
Để làm tốt công tác dân vận, nhất là “Dân vận khéo”, người làm công tác dân vận phải thành thạo quy trình dân vận: phải có phương pháp tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu; phải dân chủ bàn bạc với dân để đặt kế hoạch rồi tổ chức cho toàn dân thi hành; phải kiểm tra, theo dõi, động viên, khuyến khích nhân dân; khi xong phải kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng kịp thời. Nhất là, phải tránh bệnh chủ quan, phải phát huy dân chủ, vì “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” và “có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”. Đồng thời, trong công tác phải luôn kiểm tra xem các chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận được thi hành đến đâu; có ưu khuyết điểm, hạn chế gì, để từ đó có hướng giải quyết, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn. “Dân vận khéo” trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là chỉ dẫn cơ bản về phương pháp để mọi cán bộ, đảng viên tiến hành tốt công tác vận động quần chúng. Đặt “óc nghĩ” lên hàng đầu chính là Người đã khẳng định công tác dân vận là một khoa học về con người, một nghệ thuật về vận động con người. Vì thế, người làm công tác dân vận phải dày công suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình và vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động nhân dân có hiệu quả. Cùng đó, Người yêu cầu phải “mắt trông, tai nghe, chân đi” để yêu cầu người làm công tác dân vận phải sâu, sát cơ sở, am hiểu thực tiễn, phải đến với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Còn “miệng nói, tay làm” chính là Hồ Chí Minh yêu cầu người làm công tác dân vận phải làm việc một cách thật sự, phải cùng lao động, cùng hòa vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân để làm dân vận hiệu quả. Cán bộ, đảng viên phải làm gương cho quần chúng, phải luôn thống nhất nói và làm, vì “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” thì không thể hiểu được nhân dân, không thể “vận động” được nhân dân, quy tụ được nhân dân. Theo Người, người làm công tác tưởng nói chung, công tác dân vận nói riêng đều phải chú trọng yêu cầu: trong làm việc, tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo,v.v.. đều phải thấu triệt khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng. Bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định ra cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”. Trong mọi mặt công tác, người cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác dân vận nói riêng đều phải chú ý điều kiện thực tế của đất nước, phải chú ý, vì trong nhân dân có nhiều giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo khác nhau; có bộ phận tiên tiến, bộ phận trung bình, bộ phận chậm tiến; có nghề nghiệp, trình độ, năng lực không giống nhau nên có yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích khác nhau. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng các tầng lớp nhân dân lại không đồng đều về trình độ nhận thức, hoàn cảnh xuất thân, do đó, người làm dân vận phải hiểu rõ thực tế này để có cách làm thật phù hợp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, dân vận không chỉ tuyên truyền suông bằng sách báo, mít tinh, khẩu hiệu, mà phải bằng hành động cụ thể, thiết thực, nên người làm công tác dân vận cũng cần phải quan tâm đến việc xây dựng những điển hình tốt, những tấm gương tốt. Sinh thời, Người đã không chỉ quan tâm đến việc xây dựng những gương điển hình, mà còn trực tiếp viết thư khen ngợi, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu và đề nghị có mục “gương người tốt, việc tốt” trên báo để động viên mọi người noi theo. Người thường nói, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền và cả cuộc đời Người chính là một tấm gương sáng, một tấm gương mẫu mực về “Dân vận khéo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với người dân gần gũi, chân tình như về với người thân, không có sự cách biệt. Người sẵn sàng lội xuống ruộng cầm dây gầu tát nước, đạp guồng nước cùng dân; đến thăm cơ sở hay đơn vị, Người thường không chỉ dừng lại ở phòng khách hay hội trường mà thường xem tận nơi nhà bếp, giếng nước, nơi vệ sinh. Người cũng không chỉ gặp gỡ lãnh đạo mà tận tình thăm hỏi từng người lao động bình thường nhất,v.v.. Người đến với nhân dân để động viên phong trào, biểu dương thành tích và cố gắng của đồng bào, đồng thời cũng nghiêm khắc phê bình những khuyết điểm cần phải sửa chữa, để mỗi người đều tốt hơn lên, công việc cũng đạt chất lượng tốt hơn.
Việc quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, nhất là phương pháp “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng trong vận động, tập hợp, tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc – nhân tố cơ bản để giành thắng lợi trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác dân vận là một nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở và đó là yêu cầu cấp thiết, bảo đảm sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, công tác dân vận của chính quyền cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như chưa gần dân, sát dân, chưa nắm được hết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; có biểu hiện mất dân chủ; một bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở làm việc quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh, xa dân, chưa vận dụng thành thạo quy trình tiến hành dân vận… Do đó, có nơi, có lúc, việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống, chấp hành pháp luật đạt hiệu quả chưa cao. Một số địa bàn cơ sở xảy ra tình trạng mất ổn định do nhân dân chưa đồng thuận, vi phạm dân chủ, khiếu kiện về tranh chấp đất đai kéo dài,v.v.. Việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với công tác dân vận sâu rộng, có hiệu quả chính là góp phần thiết thực thực hiện lời căn dặn của Người: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đồng thời, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý nói riêng trong mọi mặt công tác, nhất là công tác dân vận cũng chính là “lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”, để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, để hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác dân vận và nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành chức năng các cấp ở Nghệ An cần thực hiện tốt một nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị để tiến hành công tác dân vận; trong đó, tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân trực tiếp lãnh đạo công tác dân vận. Cấp ủy cơ sở phải đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể trong kế hoạch công tác; giao trách nhiệm dân vận cho từng cán bộ, đảng viên; lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… cùng tiến hành công tác dân vận. Đặc biệt, phải lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, đôn đốc và có sự phối hợp giữa các tổ chức để thực hiện công tác dân vận nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả.
Thứ hai, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận và phương pháp “Dân vận khéo” một cách nghiêm túc, bài bản, cụ thể và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với chương trình học tập, bồi dưỡng của cán bộ, đảng viên; tập huấn nghiệp vụ; sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề; sơ, tổng kết về công tác dân vận. Quá trình đó đồng thời gắn với quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Thứ ba, thường xuyên bồi dưỡng phương pháp “Dân vận khéo”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần tôn trọng và phục vụ nhân dân; xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Rèn luyện cho cán bộ, đảng viên vận dụng thành thạo các bước công tác dân vận trong tình hình mới: Điều tra, nghiên cứu, khảo sát nắm chắc tình hình nhân dân trên địa bàn thông qua các kênh thông tin khác nhau, các hoạt động của các tổ chức đoàn thể…; tuyên truyền, giáo dục nhân dân về chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định ở địa phương; vận động, thuyết phục nhân dân hưởng ứng, tham gia phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng,v.v..
Thứ tư, chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” chặt chẽ từ lựa chọn mô hình; dự kiến nhân sự; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp dân vận; xây dựng cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết cho công tác dân vận đến thử nghiệm mô hình và tổ chức rút kinh nghiệm, học tập, vận dụng để nhân rộng mô hình. Trong lúc thi hành phải luôn luôn theo dõi, đôn đốc, đồng thời nắm bắt các vấn đề phát sinh để có cách khắc phục kịp thời; khi công việc hoàn thành phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm những việc làm được và chưa làm được để đề ra giải pháp khắc phục; phải chú trọng và có sự động viên, khuyến khích kịp thời bằng các hình thức biểu dương, khen thưởng, đồng thời phê bình các biểu hiện, các cách chưa tốt, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận./.
Nguyễn Mạnh Khôi
Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉn ủy Nghệ An