Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2018 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Năm 2018, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, thực hiện của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cấp uỷ, chính quyền được tăng cường và đẩy mạnh. Các cấp ủy Đảng tập trung chỉ đạo thực hiện Kết luận số 120 –KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và Kế hoạch 13 –KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 120 –KL/TW.HĐND tỉnh thông qua tại các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách nhà nước địa phương và phương án phân bổ ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2018. Chất lượng hội nghị tiếp  xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, các kỳ họp hội đồng nhân dân được nâng lên; sau các kỳ họp tổ chức triển khai có hiệu quả các Nghị quyết đến cử tri.UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 221/QĐ-UBND ngày 14/01/2018 cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ ban hành về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, chủ động và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chính sách phát triển nông thôn mới, các vấn đề liên quan đến việc khiếu nại của người dân. Chú trọng công tác cải cách hành chính, giảm phiền hà cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; tăng cường đối thoại với nhân dân; quan tâm công tác thanh tra công vụ nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của bộ máy chính quyền các cấp.

Hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ và công tác xây dựng điểm sáng về thực hiện QCDC ở cơ sở thiết thực, hiệu quả hơn. Toàn tỉnh đã chỉ đạo xây dựng được 79 điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và 80 điểm sáng về công tác dân vận chính quyền.21/21 huyện, thành, thị; 23 sở, ngành xây dựng chương trình công tác và kiện toàn ban chỉ đạo QCDC ở cơ sở năm 2018. Các huyện, thành thị đã thành lập các đoàn kiểm tra và phân công thành viên Ban chỉ đạo về kiểm tra việc thực hiện QCDC tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung và chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ quan nhà nước để thực hiện việc giám sát, phản biện và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ chính trị về "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" và Quyết định 218-QĐ/TW "Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền", 6/6 đơn vị MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh đều xây dựng và triển khai  kế hoạch giám sát năm 2018 có hiệu quả. Gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đẩy mạnh phong trào quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, như: tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; tích cực vận động đồng bào có đạo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không tham gia các hoạt động gây rối theo một số phần tử cực đoan làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc chủ trì hội nghị đối thoại giữa Bí thư và chủ tịch UBND cấp xã với nhân dân 6 tháng một lần, trong năm 2018 đã tổ chức đối thoại được 465 xã, phường, thị trấn đạt kết quả tốt.

Họp Ban Chỉ đạo triển khai QCDC

Cơ bản các xã, phường, thị trấn đều triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả QCDC ở cơ sở theo Pháp lệnh 34/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tổ chức thực hiện có hiệu quả những việc phải công khai để dân biết, dân bàn, quyết định và nhân dân giám sát. Tập trung công khai các dự án, quy hoạch đất, khu, cụm công nghiệp, dân cư, mức giá bồi thường thu hồi đất của nhân dân, chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, các quy định về thủ tục hành chính, các dự án công khai xin ý kiến dân trước khi thực hiện; công khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách xã; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu,.... Hình thức công khai chủ yếu niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, phát trên hệ thống loa truyền thanh và thông qua họp dân ở khối, thôn, bản. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ. Hiện nay, toàn tỉnh có 181 xã đạt 19/19 tiêu chí, chiếm 42,5%; có 220 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 50,5%; trên 100 xã đạt từ 14-15 tiêu chí; có 6 thôn, bản được UBND các huyện quyết định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới theo bộ tiêu chí của tỉnh; 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Thái Hoà, Vinh, Nam Đàn). Công tác cải cách hành chính ở cấp xã ngày càng được cải thiện và từng bước đi vào hoạt động nề nếp, phục vụ nhân dân tốt hơn. Có 462/480 xã, phường, thị trấn có trung tâm “một cửa” hoạt động tốt. Những khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong bồi thường giải phóng mặt bằng được tập trung giải quyết, đã tạo điều kiện các dự án, các chương trình kinh tế - xã hội đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Những nơi có dự án lớn liên quan đến giải phóng mặt bằng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, ở xã, phường, thị trấn đã kiên trì tuyên truyền vận động, giải thích cho nhân dân hiểu để thực hiện. Toàn tỉnh 480/480 xã, phường, thị trấn có Ban thanh tra nhân dân, trong đó Ban thanh tra nhân dân dân hoạt động tốt chiếm 60%; 480 (100%) xã, phường, thị trấn có Ban giám sát đầu tư cộng đồng, trong đó có 55 % ban hoạt động có hiệu quả. Nhìn chung Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã, phường, thị trấn đã từng bước đi vào hoạt động thực chất hơn, cụ thể hơn trước. Việc xây dựng hương ước, quy ước được quan tâm, có 85% hương ước được phê duyệt, cơ bản các hương ước, quy ước đều thực hiện có hiệu quả.

 

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP trong các cơ quan, đơn vị quan tâm. 100% cơ quan cấp tỉnh đều thành lập Ban thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban thanh tra nhân dân.  100% cơ quan bổ sung, xây dựng quy chế công khai tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ; quy định quản lý và sử dụng tài sản công; quy chế tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ để thực hiện. Ngay từ đầu năm, các cơ quan cấp tỉnh và 100% đơn vị cấp huyện đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức theo nội dung Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đã có  999/999 = 100% cơ quan tổ chức hội nghị cán bộ công chức; 204/434 đơn vị tổ chức hội nghị người lao động, đạt 47%. Nhìn chung hội nghị CBCC, viên chức đều thực hiện đúng quy trình, nội dung quy định tại Nghị định 04/2015/NĐ-CP. Các cơ quan, đơn vị tích cực cải tiến phương pháp, lề lối làm việc của lãnh đạo, cán bộ; tập trung “hướng mạnh về cơ sở”, phân công cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực; thường xuyên nắm bắt tình hình tại cơ sở để có chỉ đạo sâu sát, cụ thể. Thực hiện tốt việc cải cách hành chính; công khai dân chủ, nhất là công khai tài chính, chi tiêu nội bộ, bình xét thi đua khen thưởng, quy hoạch, đề bạt cán bộ trong cơ quan; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân. Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Đài PT-TH tỉnh đối thoại giữa Đại biểu HĐND tỉnh, người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh trên sóng truyền hình có hiệu quả, được nhân dân quan tâm và đồng tình hưởng ứng. Nhiều cơ quan đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức và viên chức tham gia quản lý, giám sát các hoạt động của cơ quan, đơn vị, tạo được sự đồng thuận trong cơ quan.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp (theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP) có chuyển biến. Tính đến ngày 30/10/2018, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là: 17.813 doanh nghiệp. Vốn điều lệ đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 5,6 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 60 doanh nghiệp nhà nước, trong đó Trung ương quản lý 36 doanh nghiệp, tỉnh quản lý 24 doanh nghiệp. Nhìn chung các doanh nghiệp thực hiện QCDC ở cơ sở đã tạo động lực quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào an sinh xã hội. Các công ty, doanh nghiệp thông qua thực hiện QCDC ở cơ sở đã tạo điều kiện để người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động. 

Thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan đơn vị. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2018 đạt 8,02% cao hơn so với cùng kỳ 3 năm gần đây. Thu ngân sách nhà nước trên địa bản 9 tháng đầu năm đạt 9.976,6 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa 8.477,6 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm mới cho 22.502 người; thực hiện tốt việc quản lý, chi trả chế độ  thường xuyên cho trên 77 ngàn người có công với cách mạng. Trong 9 tháng đầu năm toàn tỉnh đã tiếp 4928 lượt công dân, giảm 9,5% so với cùng kỳ; tiếp nhận 4.182 đơn thư các loại, với 322 vụ việc khiếu nại, tố cáo phải giải quyết, tăng 36,4% so cùng kỳ, đến nay đã giải quyết được 292/322 vụ việc đạt tỷ lệ 90,7%.  Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, dân chủ trong trường học, trong ngành giáo dục, ngành y tế, trong lĩnh vực văn hoá, thể thao được chú trọng hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 1.043 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 68,66%. Có 82,5% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tiếp tục được nâng cao. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 81,63% dân số. Thực hiện tốt các chế độ chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng theo quy định; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Thông qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được nâng lên rõ rệt, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, trọng dân, phục vụ dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thực hiện của chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; công tác dân vận chính quyền, tăng cường công tác tự kiểm tra trong nội bộ, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của chính quyền; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ công chức. Tiếp tục tổ chức đối thoại giữa chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND  với nhân dân tại 480/480 xã, phường, thị trấn; thực hiện Quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị theo Quyết định số 2138 - QĐ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các vụ việc bức xúc, nổi cộm, phát sinh từ cơ sở. Gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện Chỉ thị 05 –CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào thi đua "Dân vận khéo" có hiệu quả. Thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể. Đẩy mạnh thưc hiện QCDC trong xây dựng nông thôn mới./.