Banner Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy sub-site-1

Những khó khăn, vướng mắc của cấp ủy và UBKT các cấp trong xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm

Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (thay thế Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013) và Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm (thay thế Quy định số 263-QĐ/TW, ngày 08/10/2014). Các Quy định này là hệ thống chế tài đối với những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, là căn cứ bảo đảm cho việc thi hành kỷ luật trong Đảng được thực hiện nghiêm minh, có tác dụng giáo dục, răn đe đối với tổ chức đảng, đảng viên trong việc chấp hành các quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời cũng tạo điều kiện cho tổ chức đảng, đảng viên vi phạm sửa chữa khuyết điểm, hạn chế vi phạm xảy ra.

Ngay sau khi Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (sau đây gọi tắt là Quy định 102) và Quy định số 07-QĐ/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm (sau đây gọi tắt là Quy định 07) được ban hành, UBKT Trung ương đã xây dựng Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW, ngày 22/3/2018 về thực hiện một số Điều của Quy định 102 và Hướng dẫn số 06-HD/UBKTTW, ngày 18/12/2018 về thực hiện một số Điều của Quy định 07 để hướng dẫn cụ thể một số nội dung thực hiện đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng nhanh chóng triển khai thực hiện các Quy định 102 và Quy định 07 tại địa phương, đơn vị mình. Cùng với đó, UBKT Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nghiên cứu, quán triệt Quy định đến toàn thể các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, đồng thời hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tổ chức triển khai thực hiện các Quy định này.

Trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.201 tổ chức đảng; qua kiểm tra đã kết luận 14.800 tổ chức đảng thực hiện chưa tốt, 2.727 tổ chức đảng có khuyết điểm, vi phạm. Cấp ủy các cấp đã giám sát 183.993 tổ chức đảng; qua giám sát đã phát hiện 1.983 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm và đã chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 316 tổ chức đảng. UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng. Trong đó, UBKT Trung ương kiểm tra 35 tổ chức đảng; UBKT tỉnh ủy và tương đương kiểm tra 533 tổ chức đảng; UBKT huyện ủy và tương đương kiểm tra 4.627 tổ chức đảng; UBKT đảng ủy cơ sở kiểm tra 10.725 tổ chức đảng. Qua kiểm tra, kết luận 10.755 tổ chức đảng có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 830 tổ chức đảng. UBKT các cấp đã giám sát 124.464 tổ chức đảng. Qua giám sát, số tổ chức đảng phát hiện có dấu hiệu vi phạm 1.156 tổ chức đảng và chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 293 tổ chức đảng. Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng, các tổ chức đảng có vi phạm, khuyết điểm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật, đề nghị kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm để rút kinh nghiệm.

Từ năm 2018 đến năm 2020, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xem xét, giải quyết đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị và công tác nắm tình hình, các cấp uỷ, tổ chức đảng và UBKT các cấp đã phát hiện 98.330 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; đã xem xét, xử lý kỷ luật đối với 87.210 đảng viên (hình thức khiển trách 59.777 đảng viên, cảnh cáo 16.913 đảng viên, cách chức 2.576 đảng viên, khai trừ ra khỏi Đảng 7.944 đảng viên). Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật 59 đảng viên; UBKT Trung ương kỷ luật 169 đảng viên; tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy và tương đương kỷ luật 739 đảng viên; UBKT tỉnh ủy và tương đương kỷ luật 1.192 đảng viên; huyện ủy, ban thường vụ huyện ủy và tương đương kỷ luật 6.816 đảng viên; đảng ủy cơ sở kỷ luật 23.775 đảng viên; UBKT huyện ủy và tương đương kỷ luật 16.249 đảng viên.  

Việc xem xét, thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng có thẩm quyền bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. Vi phạm của từng tổ chức đảng và đảng viên được thẩm tra, xác minh đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ, xem xét, kết luận rõ ràng đúng nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm và đảm bảo công minh, chính xác. Vì vậy, hầu hết các tổ chức đảng và đảng viên bị xử lý kỷ luật nhận thức rõ vi phạm, chấp hành nghiêm túc kết luận và quyết định kỷ luật của tổ chức đảng có thẩm quyền, chủ động đề ra biện pháp sửa chữa, khắc phục vi phạm, hậu quả gây ra.

Nhìn chung, Quy định 07 và Quy định 102 và những Hướng dẫn kèm theo đã tạo hành lang, cơ sở pháp lý để cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp kịp thời đối chiếu, áp dụng và xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của tổ chức đảng và đảng viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ được giao. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật của Đảng đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm được xác định rõ hơn về nội dung, định lượng cụ thể hơn lỗi phạm, mức độ vi phạm và hình thức kỷ luật. Quá trình xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên ngày càng bảo đảm phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”; hạn chế tình trạng xử lý kỷ luật oan, sai và khiếu nại kỷ luật Đảng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quy định 102 và Quy định 07 vẫn còn một số điểm bất cập, vướng mắc, hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, khi triển khai thực hiện Quy định 102, Quy định 07 có một số nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa bao quát được những diễn biến mới trong công tác xây dựng Đảng và tình hình vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; thực tế cũng phát sinh những vi phạm mới chưa có trong các Quy định. Một số vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên diễn ra tương đối phổ biến nhưng chưa được kịp thời bổ sung vào trong các Quy định đối với tổ chức đảng và đảng viên như: Vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên (tài nguyên rừng, khoáng sản, tài nguyên nước); vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; vi phạm về an toàn giao thông, trật tự công cộng; vi phạm về lĩnh vực khoa học công nghệ; vi phạm trong hoạt động tư pháp (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án); vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong các ngành; vi phạm quy định về quản lý, kinh doanh thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm; sản xuất, kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng cấm, không bảo đảm an toàn vệ sinh, kém chất lượng...

Thứ hai, qua thực tiễn thực hiện quy định vẫn có một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, UBKT, chi bộ còn lúng túng trong việc xác định nội dung, tính chất, mức độ tác hại và nguyên nhân vi phạm và áp dụng các điều, khoản, mục nên khi áp dụng xử lý kỷ luật chưa tương xứng hoặc chưa đúng. Tình trạng “trên nhẹ, dưới nặng” hoặc xử lý kỷ luật nhẹ hơn để tránh tình trạng khiếu nại kỷ luật đảng. Quá trình thực hiện thi hành kỷ luật còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh, kỷ luật không đúng thẩm quyền, không đúng về nguyên tắc, quy trình và thủ tục. Việc xử lý kỷ luật về chính quyền, đoàn thể trong nhiều trường hợp còn chậm, chưa đồng bộ và kịp thời với kỷ luật về Đảng.

Thứ ba, Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII chỉ rõ những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ; cùng với quy định về những điều đảng viên không được làm mà trách nhiệm quản lý, giáo dục thuộc về tổ chức đảng các cấp. Do đó, cần thiết phải xử lý nghiêm những tổ chức và cá nhân vi phạm theo đúng quy định của Đảng.

Thứ tư, nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền theo Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị liên quan đến trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp nhưng chưa được đưa vào quy định.

Thứ năm, những nội dung về lợi ích nhóm, tiêu cực đã được tổng kết trong Văn kiện từ Đại hội X đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đấu tranh phòng, chống lợi ích nhóm, tiêu cực đang cấp thiết vì những căn bệnh này đang đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng chưa được bổ sung đưa vào quy định. 

Thứ sáu, xuất phát từ việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe đối với cấp ủy, tổ chức đảng bao che và cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế mà cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng đang xử lý hoặc đã kết thúc xử lý. Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 15/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, trong đó đã nêu rõ: “Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm…”. Đồng thời, cụ thể hóa trách nhiệm của ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng theo Quy định số 01-QĐi/TW, ngày 10/5/2018 của Bộ Chính trị về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ bảy, một số số điểm trong các Quy định còn chưa cụ thể, còn có cách hiểu khác nhau nên khó áp dụng, vận dụng. Một số lỗi vi phạm xác định hình thức kỷ luật chưa sát hoặc phù hợp với thực tiễn cũng cần được sửa đổi, bổ sung. Kết cấu của Quy định còn chưa logic; nội dung và các mức độ đánh giá hành vi vi phạm mang tính chủ quan, định tính, chủ thể thi hành kỷ luật khi áp dụng dễ xuê xoa, nương nhẹ dẫn đến mức độ xử lý và hình thức kỷ luật chưa tương xứng với thực tế vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên ở các cấp, trong các lĩnh vực.

Những hạn chế, bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả thi hành kỷ luật trong Đảng, vì vậy UBKT Trung ương đã tham mưu giúp Bộ Chính trị xây dựng, ban hành quy định mới nhằm khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên, do giữa tổ chức đảng và đảng viên luôn có mối quan hệ biện chứng, đan xen, tương hỗ lẫn nhau, trong vi phạm của tổ chức đảng có vi phạm của đảng viên và ngược lại vi phạm của đảng viên có trách nhiệm quản lý của tổ chức đảng; nhiều nội dung vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên là trùng nhau, nên UBKT Trung ương đã tham mưu để Bộ Chính trị cho phép xây dựng dự thảo hợp nhất hai quy định (Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm) thành Quy định về xử lý vi phạm kỷ luật của Đảng. 

Nội dung Quy định mới phải bảo đảm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phải có nội dung và phạm vi điều chỉnh hợp lý, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền trong việc thi hành kỷ luật; quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục xem xét, xử lý kỷ luật; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quy định mới phải dựa trên cơ sở Điều lệ Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (1) và trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, triển khai áp dụng các Quy định 07, Quy định 102 trong thời gian qua, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống quy định của Đảng và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi.

Việc xây dựng về xử lý vi phạm kỷ luật của Đảng cùng với sự nỗ lực quyết tâm cao của các cấp ủy đảng trong công tác quán triệt, tổ chức thực hiện sau đó, tin tưởng rằng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần làm cho kỷ luật của Đảng được thực hiện kịp thời, nghiêm minh, phù hợp với thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hoàng Huy Trung 

Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan UBKT Trung ương 

Nguồn: ubkttw.vn 

Tin cùng chuyên mục

Nhận diện quá trình từ suy thoái về tư tưởng chính trị đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Nhận diện quá trình từ suy thoái về tư tưởng chính trị đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”


Xây dựng văn hóa kiểm tra giúp công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phát triển bền vững

Xây dựng văn hóa kiểm tra giúp công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phát triển bền vững


Sự cần thiết ban hành và một số điểm mới trong Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

Sự cần thiết ban hành và một số điểm mới trong Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm


Đảng bộ thị xã Thái Hòa phát huy vai trò, thẩm quyền của UBKT cơ sở

Đảng bộ thị xã Thái Hòa phát huy vai trò, thẩm quyền của UBKT cơ sở


Công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng


Sự cần thiết ban hành hướng dẫn thực hiện quy trình kép trong một cuộc kiểm tra

Sự cần thiết ban hành hướng dẫn thực hiện quy trình kép trong một cuộc kiểm tra


Quản lý, sử dụng hiệu quả tài chính đảng phục vụ công tác xây dựng Đảng ở cơ sở

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài chính đảng phục vụ công tác xây dựng Đảng ở cơ sở


Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới


Nghiên cứu về công tác kiểm tra góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và phương pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Nghiên cứu về công tác kiểm tra góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và phương pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng


Bộ Chính trị ban hành Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Bộ Chính trị ban hành Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung


Phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên qua công tác kiểm tra của Đảng

Phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên qua công tác kiểm tra của Đảng


Trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong kỷ luật tổ chức đảng

Trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong kỷ luật tổ chức đảng



Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng

Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng


Sự phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng

Sự phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng