Trước yêu cầu cấp thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được Đảng ta xác định là một trong những giải pháp trọng tâm. Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên cần được tăng cường hơn để ngăn ngừa vi phạm và xử lý kịp thời nếu có vi phạm. Qua đó, phát huy tính giáo dục, tính nhân văn, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Song qua thực tế công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên thời gian qua cho thấy, để phát hiện ra dấu hiệu vi phạm là việc không dễ vì rất khó phân định rạch ròi ranh giới các biểu hiện có dấu hiệu vi phạm. Nhất là đối với những tổ chức đảng không chấp hành nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, nể nang, ngại va chạm, che giấu khuyết điểm; hoặc cán bộ, đảng viên có vi phạm nhưng thiếu tự giác, che giấu chứng cứ, không hợp tác với cán bộ kiểm tra, với đoàn kiểm tra và tổ chức đảng trực tiếp quản lý gây khó khăn trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm và thu thập chứng cứ có liên quan. Mặt khác, không ít tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên khi nhận quyết định kiểm tra thường có tâm lý lo lắng, e ngại, né tránh nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác kiểm tra.
Để góp phần vào công tác xây dựng Đảng ở khu vực phía Nam, thời gian qua, Vụ Địa phương VII, Cơ quan UBKT Trung ương đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương và quán triệt nghiêm túc các hướng dẫn của Trung ương, của UBKT Trung ương, chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, từ dư luận xã hội, phản ánh của báo chí truyền thông, thông qua công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan, kết hợp với công tác giám sát, theo dõi địa bàn, Vụ đã phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các dấu hiệu vi phạm, lựa chọn đối tượng, nội dung, tham mưu UBKT Trung ương thành lập các đoàn kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp và cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi có dấu hiệu vi phạm. Với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực UBKT Trung ương và các thành viên UBKT Trung ương, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ, kiểm tra viên tham gia các đoàn kiểm tra, các vụ việc đã nhanh chóng có kết luận, bảo đảm nguyên tắc không có vùng cấm, không ngoại lệ, mọi vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên đều được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng lỗi vi phạm. Các kết luận kiểm tra và xử lý kỷ luật đảng được đưa ra kịp thời, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; đã góp phần quan trọng ổn định tình hình cơ quan, đơn vị, địa phương.
Qua thực tiễn công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và các bộ, đảng viên diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ở các tỉnh phía Nam từ năm 2015 đến nay, điển hình như các vụ: Trịnh Xuân Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015; Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; tỉnh Trà Vinh, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh...có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
1. Chú trọng công tác thu thập thông tin: Thông qua kênh thông tin báo chí, phản ánh, tố cáo, kết hợp với công tác thường xuyên nắm tình hình địa bàn, lĩnh vực kịp thời phát hiện, xác định và tham mưu quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Trước hết, cần tăng cường công tác nắm tình hình, giám sát thường xuyên, để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu, hiện vật từ các nguồn tin cậy, qua đó phát hiện, nhận biết, khoanh vùng, lựa chọn chính xác đối tượng, nội dung dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Việc nắm tình hình cần phải chủ động và tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua các kênh, như dự các cuộc họp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hằng tháng, hằng quý, kiểm điểm đảng viên, cấp ủy viên hằng năm, kê khai tài sản, thông qua công tác thẩm định nhân sự để đề bạt, khen thưởng; thông qua sinh hoạt đảng của đảng viên, dựa vào tổ chức đảng để nắm tình hình của đảng viên… Thực tế cho thấy, thông tin về dấu hiệu vi phạm của đảng viên được thu thập và phát hiện thông qua sinh hoạt đảng là nguồn thông tin có tính chính xác cao, có ý nghĩa quan trọng.
Thông tin tài liệu, hiện vật về nội dung dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên được phản ảnh bằng nhiều hình thức, nhiều nguồn và được biểu hiện, bộc lộ, phản ánh dưới nhiều dạng với tính chất, mức độ khác nhau. Cùng một sự việc cụ thể có thể được phản ánh qua nhiều nguồn khác nhau với mức độ cũng khác nhau, thậm chí trái chiều, thiếu cụ thể, không thống nhất hoặc không khớp với nhau. Điều đó, đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải thường xuyên theo dõi, cập nhật, tích lũy một cách đầy đủ, có hệ thống, chủ động thẩm tra, phân tích, sàng lọc, kiểm chứng liên tục trong quá trình thu thập, tích lũy để có cơ sở tổng hợp, phân tích, so sánh, đối chiếu, phân loại thông tin; tài liệu trùng, thừa, không đủ căn cứ, cơ sở...từ đó lựa chọn để đề xuất việc xác định cụ thể, chuẩn xác nội dung, đối tượng có dấu hiệu vi phạm.
Khi đã phát hiện, thu thập được nội dung dấu hiệu vi phạm và đối tượng trực tiếp, chính yếu liên quan chủ yếu đến dấu hiệu vi phạm thì tiến hành sàng lọc, lựa chọn nội dung và đối tượng có dấu hiệu vi phạm để đề xuất quyết định kiểm tra; nếu chưa đủ yếu tố để xác định thì cần phải tiếp tục thu thập, thu nhận, nghiên cứu, xác định, làm rõ thêm thông tin, tài liệu làm căn cứ, cơ sở, điều kiện để xác định chính xác, lựa chọn sát đúng nội dung dấu hiệu vi phạm, đối tượng chủ yếu để đề xuất việc quyết định kiểm tra kịp thời, chuẩn xác.
Việc phát hiện, nắm tình hình, xác định dấu hiệu vi phạm phải bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, yêu cầu đề ra; phải phát hiện đầy đủ, cụ thể, kịp thời, phân tích dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên có liên quan chính, trực tiếp, của tổ chức đảng, đảng viên có liên quan gián tiếp khác dựa trên các quy trình, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; sau kiểm tra phải kết luận được có hay không có vi phạm, mức độ, nguyên nhân vi phạm và xử lý nghiêm minh; đối tượng kiểm tra phải chấp hành nghiêm túc kết luận sau kiểm tra. Từ thực tiễn công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn Vụ Địa phương VII thời gian qua cho thấy, chính nhờ việc thận trọng trong nắm tình hình, cân nhắc kỹ lưỡng khi tham mưu cho UBKT Trung ương quyết định các nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nên nội dung cũng như đối tượng kiểm tra đều đúng và trúng, qua kiểm tra đều phát hiện có khuyết điểm, sai phạm, thậm chí có những sai phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng (điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh).
2. Tranh thủ, tạo sự đồng thuận của cấp ủy, thường trực cấp ủy quản lý trực tiếp tổ chức đảng, đảng viên được phát hiện có dấu hiệu vi phạm là yếu tố rất quan trọng, giúp cho việc nắm tình hình được đầy đủ và toàn diện; là nhân tố bảo đảm cuộc kiểm tra được tiến hành thuận lợi. Qua các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn của Vụ Địa phương VII, trong quá trình nắm tình hình đồng chí lãnh đạo UBKT Trung ương phụ trách khu vực, đồng chí Vụ trưởng và cán bộ được phân công trực tiếp theo dõi địa bàn có nhiều cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBKT Tỉnh ủy, gặp và trao đổi, lắng nghe ý kiến của các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã nghỉ hưu trên địa bàn… qua đó chủ động nắm tình hình, xác định tương đối chính xác nội dung dấu hiệu vi phạm, đồng thời tạo được sự đồng thuận cao của Thường trực Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy, là chỗ dựa quan trọng cho Đoàn kiểm tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Lựa chọn cán bộ kiểm tra có bản lĩnh vững vàng, có kinh nghiệm và năng lực, trình độ nghiệp vụ. Kết quả xác định đối tượng, nội dung dấu hiệu vi phạm là của tổ chức đảng hay của đảng viên phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, phẩm chất, khả năng, kinh nghiệm thực tế của mỗi cán bộ kiểm tra, của đơn vị giúp việc Cơ quan UBKT. Thực tiễn cho thấy, nếu cán bộ kiểm tra, cán bộ theo dõi địa bàn có kiến thức chuyên sâu về kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh nghề nghiệp, phương pháp làm việc khoa học, cập nhật, tích lũy, sàng lọc, xử lý thông tin, tài liệu về dấu hiệu vi phạm thì thuận lợi trong việc thu thập, tổng hợp, phân tích, lựa chọn đề xuất việc xác định chính xác nội dung, đối tượng có dấu hiệu vi phạm.
4. Tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề. Qua công tác giám sát thường xuyên, cán bộ kiểm tra có thể thu thập được một số thông tin nhưng để củng cố thêm thông tin để phục vụ việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tùy từng vụ việc cụ thể, phải tiến hành giám sát chuyên đề, trong đó có những nội dung nhằm phục vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Bằng phương pháp này, có thể thu thập thêm một số tài liệu có liên quan, giúp cho cán bộ kiểm tra có thêm cơ sở, củng cố chứng cứ, xác định rõ hơn biểu hiện vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để từ đó đối chiếu với các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xác định đúng và trúng nội dung, đối tượng, góp phần tham mưu đề xuất kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
5. Thực hiện tốt công tác phối hợp. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, liên quan đến nhiều người thì phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa UBKT cấp tỉnh, thành ủy với các cơ quan chức năng có liên quan để nhanh chóng có nguồn thông tin toàn diện, ý kiến thẩm định chuyên gia về nội dung tài liệu, chứng cứ,... liên quan đến vụ việc cần thẩm tra, xác minh. Vì vậy, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT Trung ương với UBKT các cấp và các cơ quan chức năng; giữa các vụ, đơn vị của Cơ quan UBKT Trung ương… là một yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
6. Công tác kiểm tra phải chủ động đi trước, nội dung có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp như công tác cán bộ và quản lý kinh tế... Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Ngành kiểm tra Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Một điểm sáng nổi bật trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thời gian qua là UBKT Trung ương đã vào cuộc rất tích cực, quyết liệt; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở Trung ương đã diễn ra khá sôi động, có nhiều việc làm và làm được nhiều việc, có kết quả rõ rệt, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, tạo ra một làn gió mới, niềm tin mới. Cái mới của thời gian gần đây là chủ động tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm khá nhiều, kết hợp kiểm tra thường xuyên với kiểm tra vi phạm; làm vụ nào ra vụ ấy, làm bài bản, khoa học, làm đến nơi, đến chốn; làm kỷ luật đảng trước không chờ kết luận của các cơ quan nhà nước, thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí, công luận...”. Với quyết tâm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quan điểm “không có vùng cấm”, “không ngoại lệ”, xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm, làm trong sạch bộ máy, điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh. Xuất phát từ dư luận xã hội và thông tin báo chí phản ánh Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe ô tô siêu sang Lexus 570 cá nhân nhưng lại gắn biển xanh (xe công), không đúng chế độ, tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước; UBKT Trung ương đã nhanh chóng vào cuộc tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, qua đó kịp thời xem xét, xử lý kỷ luật Trịnh Xuân Thanh và nhiều cán bộ, đảng viên cao cấp và tổ chức đảng có liên quan.
7. Công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua việc nhanh chóng tuyên truyền công khai các kết luận kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần định hướng dư luận, đã thu hút sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, việc làm này chủ yếu mới thực hiện được ở cấp Trung ương và một số địa phương; hiện vẫn còn không ít địa phương làm chưa thường xuyên, thậm chí có những địa phương chưa thực hiện thực hiện nội dung này. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền công khai, kip thời các kết luận kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, để tạo dư luận xã hội đồng thuận với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng: “Sắp tới cần phải tập trung kiểm tra toàn diện hơn các lĩnh vực như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; về chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, lĩnh vực kinh tế - tài chính, hành chính, tư pháp, lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý báo chí, sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ của nước ngoài, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là kiểm tra công tác tổ chức và cán bộ…” để góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực. Đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng phải được cấp ủy, UBKT từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục triển khai chủ động hơn nữa, quyết liệt hơn nữa./.
Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương VII, Cơ quan UBKT Trung ương
Nguồn: ubkttw.vn