Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường; Trung ương và cấp uỷ các cấp đã đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đang tạo nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Nhằm tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã tham mưu xây dựng Quy định của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng thay thế Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Từ đó, làm tiền đề để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy định, quy chế, quy trình về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cải tiến, đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, bảo đảm khách quan, dân chủ, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi.
Qua công tác tổng kết việc thực hiện Quy định 30-QĐ/TW, nhiệm kỳ XII của Đảng tại các cấp ủy trực thuộc Trung ương và tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại một số địa phương, đơn vị cấp tỉnh và ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương, thấy rằng:
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp đã kịp thời ban hành hệ thống các văn bản để cụ thể hoá Quy định 30-QĐ/TW, các quy định, quy chế, hướng dẫn về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được sửa đổi, bổ sung, ban hành bảo đảm đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ hơn, xác định rõ hơn nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát làm cơ sở để xem xét, đánh giá, kết luận, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp thực hiện thống nhất công tác kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến cơ sở.
Quy định 30-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng cơ bản phù hợp và phát huy hiệu quả, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng. Bám sát, cụ thể hóa Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính kế thừa; bố cục, cách trình bày rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, Quy định 30-QĐ/TW đã bộc lộ một số điểm bất cập, quá trình thực hiện còn vướng mắc và hạn chế như sau:
- Nội dung công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả, chuyển biến chưa đồng đều ở các cấp. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ chưa đi vào nền nếp. Công tác giám sát có nơi, có lúc chưa thực chất, phạm vi, đối tượng còn hẹp; giám sát thường xuyên và chuyên đề chưa được quan tâm đúng mức, nhất là giám sát cấp uỷ viên cùng cấp, người đứng đầu cấp uỷ và cán bộ chủ chốt ở các cấp hiệu quả phát hiện, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế. Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, có nơi còn né tránh, lãnh đạo công tác kiểm tra của ban cán sự đảng, đảng đoàn kết quả chưa rõ nét, chất lượng, hiệu quả chưa toàn diện…
- Một số nội dung trong Quy định 30-QĐ/TW còn thiếu, chưa đầy đủ, có nội dung chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh, khi áp dụng còn lúng túng, vướng mắc, khó thực hiện; có nội dung còn có cách hiểu, cách vận dụng khác nhau, gây khó khăn cho cấp uỷ, tổ chức đảng, UBKT các cấp trong quá trình thực hiện, có nội dung còn trùng lắp.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất đề nghị Đại hội XIII xem xét, quyết định giữ nguyên Điều lệ Đảng hiện hành. Đại hội XIII đã đồng ý không bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và giao Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII chỉ đạo, nghiên cứu, tiếp thu để điều chỉnh thông qua các quy định, hướng dẫn của Trung ương(2). Vì vậy, để công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo kịp thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua bảo đảm ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, việc sửa đổi bổ sung Quy định 30-QĐ/TW cần thiết tập trung vào một số nội dung chính sau:
1. Một số nội dung cần bổ sung, quy định mới
- Quy định việc không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát, để phòng ngừa việc đối tượng kiểm tra ghi âm, ghi hình lại các nội dung đang trong quá trình kiểm tra, chưa được phép công khai vì mục đích xấu, bảo đảm giữ bí mật danh tính người tố cáo; trong các quy định của Đảng cũng chưa có quy định để xử lý vi phạm này nên cần thiết phải bổ sung có quy định này.
- Quy định về nội dung giám sát chuyên đề có thẩm tra, xác minh để thực hiện thống nhất theo Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 01/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng trong các cấp ủy và tổ chức đảng và tăng cường hiệu lực và hiệu quả, công tác giám sát của Đảng.
- Quy định về thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vào nội dung giám sát, để cụ thể hóa các quy định của Trung ương thời gian qua, như Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư.
- Quy định thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chấp hành, vì hiện nay Quy định 30-QĐ/TW mới chỉ quy định thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát.
- Quy định thời gian cụ thể đối với thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, đình chỉ sinh hoạt đảng để thống nhất về thời gian cho các đơn vị liên quan có căn cứ thực hiện trong việc quy định thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, đình chỉ sinh hoạt đảng.
- Quy định thẩm quyền của tổ chức đảng trong việc giải quyết tố cáo đối với các trường hợp cán bộ về hưu bị tố cáo trong thời gian đang đương chức. Do hiện nay có một số trường hợp cán bộ về hưu bị tố cáo trong thời gian đang đương chức nhưng chưa được quy định tổ chức đảng nào có thẩm quyền giải quyết trong Quy định 30-QĐ/TW.
- Quy định thời hạn được gia hạn trong trong giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. Trong thực tế có nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại kéo dài, thậm chí từ năm này sang năm khác, tuy nhiên do không có quy định về thời hạn trong việc gia hạn giải quyết khiếu nại dẫn đến việc gây bức xúc, ảnh hưởng về quyền lợi cho đối tượng khiếu nại và khó khăn cho tổ chức đảng trong việc giải quyết đơn thư.
- Quy định thẩm quyền trong việc xử lý đối với các văn bản ban hành trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước của cấp ủy và UBKT trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát để cụ thể hóa Kết luận số 38- TB/TW, ngày 03/8/ 2017 của Bộ Chính trị(3) và ngăn chặn kịp thời những vi phạm, hạn chế hậu quả phát sinh do việc ban hành các quy định sai trái.
2. Một số nội dung cần sửa đổi
- Quy định chặt chẽ việc xem xét, quy định xử lý kỷ luật đối với các trường hợp bị “ốm nặng”. Theo Quy định 30-QĐ/TW, trường hợp ốm nặng là: "đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức hoặc bị bệnh đang điều trị nội trú tại bệnh viện, được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật”.(4). Tuy nhiên, thời gian qua, một số trường hợp đảng viên, trong đó có lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp cao vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, pháp luật của nhà nước, có người bị khởi tố, tạm giam, truy tố đã lợi dụng tính nhân văn trong quy định của Đảng để tránh né, kéo dài việc xem xét, xử lý kỷ luật dẫn đến giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Do vậy, để kỷ luật đảng được thực hiện nghiêm minh, chặt chẽ cần thiết phải sửa đổi quy định này để thống nhất với quy định của Bộ Luật hình sự tránh việc bị lợi dụng.
- Quy định thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật của tổ chức đảng đối với đảng viên khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng khác bị phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đối với nội dung vi phạm về sinh đẻ kế hoạch, đạo đức, lối sống... để việc xem xét, xử lý kỷ luật phù hợp với thực tiễn và lỗi phạm, tiết kiệm về thủ tục và thời gian của cấp ủy và UBKT, đề nghị bổ sung quy định tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay có quyền chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới có thẩm quyền xử lý đối với các vi phạm này.
- Quy định về hiệu lực của quyết định kỷ luật đảng, vì trong thực tế xảy ra trường hợp đảng viên đang chấp hành hoặc chấp hành xong quyết định kỷ luật nhưng khi tổ chức đảng cấp trên kiểm tra, giám sát việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng cấp dưới đã quyết định tăng hoặc giảm hình thức kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại đã thay đổi hình thức kỷ luật thì đảng viên đó vẫn phải chấp hành thêm thời gian của quyết định sau mặc dù đây là lỗi của các tổ chức đảng trong việc xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên.
- Quy định việc không xem xét giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo đã tự nguyện rút đơn. Thực tế trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo có người tố cáo sau khi làm việc với tổ công tác của UBKT đã tự nguyện rút đơn hoặc đã có thông báo không xem xét, giải quyết nhưng sau đó vẫn tiếp tục tố cáo lại, gửi nhiều lần, được các tổ chức, cá nhân chuyển đơn đến UBKT để xem xét, giải quyết làm mất nhiều thời gian, công sức mà nội dung đơn không khác với kết quả đã thẩm tra, xác minh của UBKT.
Ngoài ra, quy định mới cần phải bỏ quy định về UBKT của Đảng ủy Ngoài nước để phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) đã tổ chức lại 02 tổ chức đảng (Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao) và sửa đổi, bổ sung một số từ, cụm từ cho phù hợp với các quy định mới của Đảng.
Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc của cấp ủy, UBKT các cấp thời gian qua khi triển khai, thực hiện Quy định 30-QĐ/TW. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật thời gian qua cho thấy, sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quy định 30-QĐ/TW, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và phù hợp với thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ của cấp ủy và UBKT các cấp trong tình hình mới giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới./.
Nguyễn Thị Ngọc
Vụ nghiên cứu, Cơ quan UBKT Trung ương
Nguồn: ubkttw.vn