Mở đầu tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò chủ thể của Nhân dân:
“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Đảng, của dân tộc và là một trong những điều kiện tiên quyết để Đảng có thể giữ vững vai trò lãnh đạo của mình. Để Nhân dân tin Đảng, hết lòng ủng hộ Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, quyền lợi của Nhân dân lên trên hết, trước hết để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh".
Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc, ở bất cứ giai đoạn nào, công tác dân vận luôn là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đội ngũ cán bộ dân vận gồm các cán bộ, đảng viên đã thực hiện công tác vận động quần chúng với phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân”, vì vậy phải “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.
Khi tiến hành công tác dân vận, người cán bộ dân vận nhất thiết phải tìm hiểu thực tiễn, xâm nhập vào đời sống của quần chúng nhân dân. Bác Hồ đòi hỏi mỗi cán bộ phải thực sự hiểu dân: "Dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ. Nếu dân dậy sớm mà mình ngủ trưa, dân đang làm việc mà mình ngủ lì, thì sẽ bị dân ghét và ảnh hưởng xấu đến việc tuyên truyền. Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội". Những người có phong cách gần dân sẽ tránh được căn bệnh quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh; mới hiểu được cuộc sống tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân và mới tham mưu đúng, tham mưu trúng cho cấp ủy đảng, chính quyền những chủ trương chính sách phù hợp với lòng dân.
Muốn “học dân” thì người cán bộ phải hết sức khiêm tốn, cầu thị, biết lắng nghe. Chính Nhân dân là những người sáng suốt, nhiều kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, sáng tạo ra cuộc sống, làm nên lịch sử. Cán bộ dân vận muốn thực sự đến với dân, muốn thực hiện thành công các nhiệm vụ thì phải có trách nhiệm với dân, mọi việc đều vì hạnh phúc của Nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì cương quyết làm; việc gì có hại cho dân thì cương quyết tránh như Bác Hồ đã dạy. Gần dân, sát dân, hiểu dân sẽ nắm chắc tình hình nhân dân kịp thời hơn, có tư duy đánh giá tình hình nhân dân sát đúng hơn để tham mưu cho cấp ủy có hướng chỉ đạo đúng, xử lý kịp thời các điểm nóng, chú trọng công tác dự báo, để khi đề xuất phải có nhiều giải pháp trình cấp trên có thể lựa chọn các giải pháp tối ưu.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Mỗi công chức, đảng viên cần phải thông qua hoạt động của Mặt trận và đoàn thể để đến với Nhân dân, cần xem đó là cơ hội để gần dân, sát dân, hiểu dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân; kiểm nghiệm xem các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có đến được với Nhân dân hay không, có thuận lòng dân hay không?”
Một trong những phong cách dân vận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đó là “miệng nói, tay làm”, tức là nói đi đôi với làm, đội ngũ cán bộ dân vận phải phải biết nêu gương. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Phương pháp nêu gương đạo đức cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong mọi công tác của Đảng. Sự làm gương của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, của lãnh đạo với nhân viên là rất quan trọng. Người làm cha mẹ nêu gương cho con, anh chị làm gương cho em, ông bà làm gương cho con cháu, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên... Đảng viên phải làm gương trước quần chúng. “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bác cũng rất nghiêm khắc phê phán "bệnh nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh", nói không đi đôi với làm, ít đi cơ sở, thiếu sâu sát Nhân dân của một số cán bộ, đảng viên.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng người cán bộ, đảng viên giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, thời gian qua, cán bộ dân vận các cấp đã tăng cường công tác bám, nắm tình hình cơ sở, tình hình nhân dân. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế theo dõi địa bàn, phân công cán bộ hàng tháng xây dựng chương trình, kế hoạch đi cơ sở, dự sinh hoạt chi bộ, đoàn thể ở thôn, xóm. Căn cứ Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024, của Bộ Chính trị về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, hệ thống dân vận đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc 05 điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên gồm: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.
Đội ngũ cán bộ dân vận đã phát huy tốt vai trò và trách nhiệm trong thực nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp, tổ chức Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đội ngũ cán bộ dân vận đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện dân chủ ở cơ sở có nhiều kết quả nổi bật. Hệ thống chính trị toàn tỉnh đã vào cuộc và đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia; xây dựng được nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Phần lớn các mô hình có hiệu quả, tạo sức lan toả trong cộng đồng dân cư, trong đó có những mô hình mới, cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở. Từ đó, phát huy tính tích cực, sáng tạo, sự đồng thuận trong Nhân dân và huy động tối đa mọi nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tích cực vận động Nhân dân hiến hàng ngàn mét vuông đất, hàng triệu ngày công để mở đường, đóng góp hàng chục tỷ đồng xây dựng 319/411 xã đạt chuẩn NTM (đạt 77,61%), trong đó 88 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác dân vận đã tạo sự đồng thuận, thống nhất hành động trong Nhân dân góp phần quan trọng thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ phát huy tốt hiệu quả công tác dân vận, nên trong thời gian qua Nhân dân đã đồng thuận cao trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm như: Đường bộ cao tốc phía Đông đoạn đi qua Nghệ An, dự án WHA, Vsip, đại lộ 72m nối Vinh - Cửa Lò... đảm bảo tiến độ để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Công tác đảm bảo an sinh, xã hội và chăm lo cho đối tượng chính sách, hỗ trợ người nghèo luôn được quan tâm thực hiện tốt, góp phần ổn định đời sống cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Chỉ đạo kịp thời xử lý các vụ việc công nhân đình công, không để kéo dài, phát sinh điểm nóng phức tạp như liên quan đến vụ việc đình công của 6.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory tại huyện Diễn Châu, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc... từ đó củng cố niềm tin của Nhân dân, góp phần làm yên dân, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
Đội ngũ cán bộ dân vận đã có nhiều đổi mới về phương pháp theo hướng bám sát nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Nội dung công tác dân vận đã tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, như xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là tập trung đầu tư, ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...; gắn tuyên truyền, vận động Nhân dân với giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; gắn việc tập hợp, thu hút các tầng lớp nhân dân với thực hiện các dự án kinh tế - xã hội, củng cố các tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Hình thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khá đa dạng, phong phú, gắn với đặc điểm đối tượng và hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Những kết quả của công tác dân vận thời gian qua đã góp phần quyết định vào việc tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót, quan liêu, xa rời Nhân dân. Công tác dự báo tình hình, nhất là ở những địa bàn phức tạp còn chưa kịp thời, sâu sát; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu thiết thân của Nhân dân vẫn chưa thực sự chắc chắn để có biện pháp xử lý phù hợp, vẫn còn có lúc việc xử lý tình huống bức xúc, “điểm nóng” chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân có nơi còn giáo điều, xa rời thực tế, lý thuyết suông, chưa sát hợp với trình độ, phong tục, tập quán của người dân. Một số cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuẩn mực đạo đức, những điều đảng viên không được làm, để xảy ra những vụ việc sai phạm, tham nhũng trong phạm vi lãnh đạo, quản lý... Bộ phận cán bộ này đã làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Để củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đề ra là: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; gắn kết chặt chẽ việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu có phẩm chất và trình độ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và những yêu cầu cần có của người cán bộ tham mưu trong giai đoạn mới từ đó, xác định chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ tham mưu. Công tác đào tạo cán bộ tham mưu theo những tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn chung đối với người cán bộ thể hiện sự thống nhất đức, tài, trong đó đức là gốc, đó là: có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa, quyết tâm thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng; có kiến thức và năng lực tham gia các quyết định của tập thể và khả năng tổ chức thực tiễn, làm việc có hiệu quả; có đạo đức cách mạng trong sáng, đấu tranh bảo vệ các quan điểm, đường lối của Đảng, có ý thức tổ chức kỷ luật, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, gắn bó với Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm. Đặc biệt, cán bộ tham mưu công tác Đảng nói chung và công tác dân vận nói riêng phải có lòng yêu nước, thương dân, thấu hiểu lòng dân, phải thực sự gần dân, gắn bó với dân, nhiệt huyết, điềm tĩnh gần dân, nắm vững chủ trương, chính sách, có kinh nghiệm thực tiễn, tạo ra sự đồng hành của cán bộ với dân và hành động của dân trở thành hành động chung của nhiều người, trong đó có cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, nâng cao ý thức tự giác trong tự học tập, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phải coi quá trình tự học tập, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên là hình thức tiếp tục quy trình đào tạo, bồi dưỡng tại trường và là khâu then chốt trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu và là vấn đề có tính cấp thiết. Để nâng cao chất lượng tự đào tạo, bồi dưỡng, người cán bộ cần xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn, từ đó xây dựng ý thức tự giác, rèn luyện ý chí, quyết tâm tự học tập vươn lên.
Thứ tư, thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ, đảng viên, quy hoạch cán bộ đảm bảo cơ cấu, số lượng; đảm bảo phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, xử lý tình huống; lựa chọn bố trí cán bộ tham mưu công tác dân vận được rèn luyện qua nhiều môi trường công tác khác nhau, tạo môi trường rèn luyện trong thực tiễn./.
Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy
Trần Thị Thanh Hà, Ban Dân vận Tỉnh ủy