Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Giới thiệu về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY NGHỆ AN

I- GIỚI THIỆU

Trụ sở: Số 309, đường Võ Nguyên Hiến, phường Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tiền thân là Ban Tuyên truyền - cổ động tỉnh ra đời từ năm 1945. Là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa - văn nghệ, thông tin, báo chí, khoa giáo, nghiên cứu lịch sử Đảng… đồng thời là cơ quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện một số mặt công tác được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao.

1. Công tác tuyên giáo Nghệ An qua các thời kỳ lịch sử

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, công tác cổ động - tuyên truyền do Bí thư Tỉnh bộ kiêm nhiệm, chưa có bộ phận tổ chức riêng. Trong giai đoạn 1930 - 1945, mặt trận tư tưởng - văn hóa ở Nghệ An với bộ phận chỉ đạo của Đảng bộ bằng các tên gọi Ban Cổ động - tuyên truyền, Ban Tuyên truyền… đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong cao trào cách mạng (1930 - 1931), giai đoạn phục hồi cách mạng (1934 - 1935), phong trào vận động dân chủ (1936 - 1939), cao trào giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa (1939 - 1945). Nhờ tiến hành công tác tuyên truyền - cổ động sáng tạo, linh hoạt qua đó góp phần đáng kể trong công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Từ năm 1945, Đảng bộ Nghệ An đã có Ban tuyên truyền - cổ động được gắn với Văn hóa - Văn nghệ và không chỉ đóng khung trong tổ chức đảng mà đã phát triển mạnh trong các đoàn thể cứu quốc và các tầng lớp quần chúng (Năm 1948, Ban được đổi tên thành Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Nghệ An). Về mặt tổ chức, ở tỉnh, huyện đã có Ban Tuyên truyền - cổ động, Ban Tuyên văn - giáo huấn, Ban Tuyên huấn với biên chế tương đối ổn định, hoạt động ngày càng có nề nếp. Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 - 1954) là thời kỳ công tác Tư tưởng - Văn hóa hòa quyện vào nhau, là thời kỳ để lại những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An với nhiều bài học lớn về chỉnh Đảng, chỉnh quân, “rèn cán chỉnh cơ”… và phục vụ các cuộc vận động lớn, cũng như việc khắc phục những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện những chủ trương lớn.

Công tác tuyên giáo của tỉnh nhà trong 21 năm (1954 - 1975) tập trung cao độ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua mỗi bước chuyển của chiến tranh, công tác tuyên giáo đã tiến hành động viên chính trị sâu rộng, mạnh mẽ, liên tục trong Đảng bộ và nhân dân, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhất trí cao với đường lối chống Mỹ cứu nước của Đảng, đánh giá đúng địch - ta, nhận rõ tình hình nhiệm vụ, nâng cao tính tự giác, sáng tạo trong hành động, biến đường lối và quyết tâm của Đảng thành hiện thực. Bằng nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, công tác tư tưởng đã góp phần phát huy cao độ yếu tố dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Sau ngày hòa bình lập lại, giang sơn quy về một mối, từ 1976 - 1991, Nghệ An - Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh, trong 15 năm đó, Đảng bộ Nghệ Tĩnh đã có bước trưởng thành đáng kể, trong đó có hệ thống tổ chức tuyên giáo. Vượt lên mọi khó khăn, công tác tuyên giáo đã đưa tiếng nói của Đảng đến với mọi đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần đắc lực vào việc ổn định chính trị, giữa vững quốc phòng an ninh, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và hệ thống tuyên giáo của các cấp ủy đã phối hợp với các ngành trong khối, các đoàn thể quần chúng, làm tròn chức năng tham mưu, chỉ đạo, giúp việc cấp ủy, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng của Đảng và nâng cao chất lượng công tác khoa giáo phục vụ nhân dân.

Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và gần 30 năm kể từ khi tách tỉnh (1991) đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An với chức năng, nhiệm vụ của mình đã hoạt động tích cực, phong phú, thường xuyên đổi mới, đóng góp to lớn vào xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, nền tảng tinh thần của xã hội và tạo động lực phát triển của tỉnh nhà về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, phấn đấu đưa Nghệ An thành một tỉnh khá và gương mẫu của cả nước.

2. Cán bộ lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy qua các thời kỳ

- Năm 1930: Đồng chí Lê Mao làm Bí thư lâm thời Đảng bộ Vinh - Bến Thủy, phụ trách công tác tuyên truyền; Nguyễn Liễn[1] làm Bí thư lâm thời, phụ trách công tác tuyên truyền Đảng bộ Nghệ An. Tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Tiềm làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm phụ trách công tác Tuyên truyền - Cổ động.

- Đại hội năm 1938: Đồng chí Nguyễn Đức Dương làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tuyên truyền - Cổ động.

- Đại hội năm 1945: Đồng chí Nguyễn Xuân Linh làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tuyên truyền - Cổ động. Sau đó, đồng chí Hồ Viết Thắng làm Trưởng ban.

- Đại hội năm 1946: Đồng chí Hồ Mỹ Xuyên làm Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Tuyên truyền - Cổ động. Năm 1947, đồng chí Cao Ngọc Thọ làm Trưởng ban; đồng chí Nguyễn Song Tùng làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội năm 1948: Đồng chí Nguyễn Thượng Chí làm Trưởng ban Tuyên huấn; đồng chí Hồ Mậu Đường làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội năm 1949: Đồng chí Hoàng Trung Thông làm Trưởng ban Tuyên huấn; đồng chí Đặng Khương làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội năm 1950: Đồng chí Nguyễn Đức Thiệng làm Trưởng ban Tuyên huấn; đồng chí Đặng Khương làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội năm 1951: Đồng chí Nguyễn Đức Thiệng làm Trưởng ban Tuyên huấn; đồng chí Đặng Khương làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội năm 1959: Đồng chí Đặng Khương làm Trưởng ban Tuyên huấn; đồng chí Nguyễn Kim Ban làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội năm 1960 - 1961: Đồng chí Nguyễn Kim Ban làm Trưởng ban Tuyên huấn; đồng chí Trương Văn Kiện làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội năm 1963: Đồng chí Nguyễn Kim Ban làm Trưởng ban Tuyên huấn; đồng chí Nguyễn Văn Giản làm Phó Trưởng ban. Khi đồng chí Nguyễn Kim Ban được Trung ương điều làm chuyên gia giúp Lào, đồng chí Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh ủy kiêm nhiệm Trưởng ban Tuyên huấn; đồng chí Nguyễn Văn Giản làm Phó Trưởng ban Thường trực. Ban Tuyên huấn đổi thành Ban Tuyên giáo, lãnh đạo Ban thực tế gồm: Đồng chí Nguyễn Văn Giản làm Phó Trưởng ban Thường trực (coi như Trưởng ban); Phó Trưởng ban gồm các đồng chí: Phạm Đình Nguyên, Lữ Văn Hùng, Chu Thanh Lạc, Đặng Lộc.

- Đại hội năm 1972: Đồng chí Nguyễn Văn Giản làm Trưởng ban Tuyên giáo (năm 1974 là đồng chí Nguyễn Khắc Minh); Phó Trưởng ban gồm các đồng chí: Phạm Đình Nguyên, Lữ Văn Hùng, Chu Thanh Lạc, Đặng Lộc.

- Đại hội năm 1976 - 1977 (Đảng bộ Nghệ Tĩnh): Ban Tuyên giáo tách thành 2 ban: Tuyên huấn và Khoa giáo. Đồng chí Nguyễn Xuân Đích làm Trưởng ban Tuyên huấn; Phó Trưởng ban là các đồng chí: Lữ Văn Hùng, Ngô Cảnh Tú, Trần Nhật Tiến (Quyền Trưởng ban một thời gian ngắn). Ban Khoa giáo: Đồng chí Nguyễn Xuân Đích kiêm nhiệm Trưởng ban; đồng chí Nguyễn Ấm, Quyền Trưởng ban khi hợp tỉnh; đồng chí Đặng Lộc làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội năm 1979 (Đảng bộ Nghệ Tĩnh): Ban Tuyên huấn (đồng chí Nguyễn Văn Giản làm Trưởng ban; Phó Trưởng ban là các đồng chí: Đoàn Đình Quỳnh, Trần Tấn Hành, Trần Quang Thám). Ban Khoa giáo (đồng chí Đặng Lộc làm Trưởng ban; đồng chí Nguyễn Ấm làm Phó Trưởng ban).

- Đại hội năm 1982 - 1986 (Đảng bộ Nghệ Tĩnh): Ban Tuyên huấn do đồng chí Bạch Hưng Đào làm Trưởng ban; Phó Trưởng ban là các đồng chí: Trần Tấn Hành, Trần Quang Thám, Đặng Thắng Châu. Ban Khoa giáo do đồng chí Đoàn Đình Quỳnh làm Trưởng ban; Phó Trưởng ban là đồng chí Nguyễn Ấm.

- Đại hội năm 1986 (Đảng bộ Nghệ Tĩnh): Đồng chí Đặng Duy Báu làm Trưởng ban Tuyên giáo (nhập từ 2 ban Tuyên huấn và Khoa giáo vào năm 1987).  Phó Trưởng ban là các đồng chí: Nguyễn Văn Phùng, Trần Tấn Hành, Nguyễn Yêm, Nguyễn Thạc Phấn. Sau đó, đồng chí Phan Huy Đỉnh làm Phó Trưởng ban thay đồng chí Nguyễn Thạc Phấn chuyển sang làm Viện trưởng Viện Thiết kế tổng hợp tỉnh.

- Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIII - 1992 (vòng 2): Đồng chí Hồ Phi Phục làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đại hội giữa nhiệm kỳ năm 1994, đồng chí Lê Doãn Hợp làm Trưởng ban Tuyên giáo. Phó Trưởng ban là các đồng chí: Nguyễn Yêm, Phan Huy Đỉnh. Sau khi đồng chí Nguyễn Yêm nghỉ hưu, đồng chí Lê Thái Hòa làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIV - 1996: Đồng chí Trương Công Anh làm Trưởng ban Tuyên giáo; Phó Trưởng ban là các đồng chí: Phan Huy Đỉnh, Lê Thái Hòa, Nguyễn Quang Lý. Đầu năm 1999, đồng chí Phan Huy Đỉnh nghỉ hưu, đồng chí Trần Văn Sỹ làm Phó Trưởng ban; năm 2000 đồng chí Hoàng Xuân Lương làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XV - 2001: Đồng chí Trần Hồng Châu làm Trưởng ban Tuyên giáo. Năm 2003, đồng chí Hoàng Xuân Lương làm Trưởng ban Tuyên giáo thay đồng chí Trần Hồng Châu làm Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu. Đồng chí Bùi Đình Sâm làm Phó Trưởng ban Thường trực; Phó Trưởng ban là các đồng chí: Trần Mạnh Đồng, Thái Khắc Thư, Nguyễn Thế Kỷ.

- Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI - 2005: Đồng chí Nguyễn Xuân Đường làm Trưởng ban Tuyên giáo. Đồng chí Thái Khắc Thư làm Phó Trưởng ban Thường trực; Phó Trưởng ban là các đồng chí: Bùi Đình Sâm, Trần Mạnh Đồng.

- Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII - 2010: Đồng chí Tô Hồng Hải làm Trưởng ban Tuyên giáo. Đồng chí Thái Khắc Thư làm Phó Trưởng ban Thường trực; Phó Trưởng ban là các đồng chí: Bùi Đình Sâm, Trần Mạnh Đồng. Năm 2013, đồng chí Tô Hồng Hải nghỉ hưu, đồng chí Lê Bá Hùng làm Trưởng ban Tuyên giáo. Năm 2014, đồng chí Trần Mạnh Đồng nghỉ hưu, đồng chí Trần Quốc Khánh làm Phó Trưởng ban.

- Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII - 2015: Đồng chí Hồ Phúc Hợp làm Trưởng ban Tuyên giáo; Phó Trưởng ban là các đồng chí: Bùi Đình Sâm, Trần Quốc Khánh, Nguyễn Thị Hồng Hoa. Năm 2016, đồng chí Bùi Đình Sâm nghỉ hưu; đồng chí Kha Văn Tám về làm Phó Trưởng ban. Năm 2017, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; đồng chí Lê Thị Hoài Chung làm Phó Trưởng ban. Năm 2018 - nay: Trưởng ban là đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường; Phó Trưởng ban Thường trực là đồng chí Kha Văn Tám; Phó Trưởng ban gồm các đồng chí: Trần Quốc Khánh, Lê Thị Hoài Chung.

II- CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

1. Chức năng

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng thuộc các lĩnh vực chính trị tư tưởng, tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.

2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Tỉnh ủy.

2. Nhiệm vụ

1. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện

- Nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận xã hội, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị tư tưởng trên địa bàn tỉnh. Dự báo những diễn biến, xu hướng chính trị tư tưởng có thể xảy ra, kịp thời báo cáo, kiến nghị với Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, biện pháp giải quyết.

- Đánh giá hoạt động, nghiên cứu, đề xuất các đề án, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực tuyên giáo trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và tổ chức thực hiện; sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ tỉnh.

- Chỉ đạo nội dung giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, đất nước. Tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng.

- Nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, cơ quan thông tin, tuyên truyền, các hội văn học - nghệ thuật, hội nhà báo ở địa phương đảm bảo hoạt động đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Khi cần thiết, chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra về mặt quan điểm chính trị, tư tưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản... thuộc phạm vi phụ trách.

- Giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng trong đội ngũ trí thức, nhà khoa học và trong sinh viên, học sinh ở địa phương. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên theo phân cấp.

- Tham gia với chính quyền địa phương trong việc vận dụng, thể chế các quy định của cấp trên về các lĩnh vực có liên quan đến công tác tuyên giáo.

- Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Trung ương theo quy định.

- Sơ kết, tổng kết về công tác tuyên giáo.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát

- Hướng dẫn tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt và kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng. Kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh về thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy trong lĩnh vực tuyên giáo.

- Hướng dẫn tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị, thông tin thời sự, tuyên truyền chính sách theo các chương trình, kế hoạch triển khai của Trung ương và Tỉnh ủy; bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho ban tuyên giáo cấp ủy cấp dưới, các đảng bộ cơ sở, trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

- Hướng dẫn sưu tầm biên soạn lịch sử đảng bộ huyện, thành, thị và đảng bộ xã, phường, thị trấn.

3. Thẩm định, thẩm tra

Đề án, văn bản của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan đến lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, khoa giáo, lịch sử đảng bộ địa phương trước khi trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy.

4. Phối hợp

- Với các cơ quan liên quan đề xuất về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ ở địa phương; quản lý báo chí, xuất bản và xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản.

- Với các cơ quan chức năng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan trong khối tuyên giáo trực thuộc Tỉnh ủy.

- Với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong công tác cán bộ theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đề xuất chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ nhân tài.

- Với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu, giúp Tỉnh ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm thuộc lĩnh vực tuyên giáo.

- Với Văn phòng Tỉnh ủy giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

5. Thực hiện một số nhiệm vụ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy giao.

Quang Minh 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An 

 

[1] Sau bị thực dân Pháp bắt giam, nhụt chí, từ bỏ Đảng, làm việc cho thực dân Pháp.

Tin cùng chuyên mục

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (phần cuối)

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (phần cuối)


Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (tiếp theo)

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (tiếp theo)


Ngành tổ chức xây dựng Đảng: 90 năm xây dựng và trưởng thành

Ngành tổ chức xây dựng Đảng: 90 năm xây dựng và trưởng thành


Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An


Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai



Một số hoạt động tiêu biểu của Đảng bộ Nghệ An từ khi thành lập đến nay

Một số hoạt động tiêu biểu của Đảng bộ Nghệ An từ khi thành lập đến nay




Phông lưu trữ Đảng bộ tỉnh Nghệ An: “di sản vô cùng quý báu của Đảng và của dân tộc”

Phông lưu trữ Đảng bộ tỉnh Nghệ An: “di sản vô cùng quý báu của Đảng và của dân tộc”