Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại với nhân dân không chỉ là trách nhiệm gần dân, trọng dân, “lắng nghe tâm trạng, hơi thở của nhân dân” của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mà còn là cách làm hiệu quả để phòng, chống tệ quan liêu, mệnh lệnh, xa dân.
Tròn 50 năm, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta về cõi vĩnh hằng, cùng với Di chúc để lại cho đất nước, ngày 21/7/1969, Bác đã viết và gửi bức thư cuối cùng cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An với 19 lần có từ nhân dân, đây được xem là Di chúc Người dành riêng cho quê hương trước lúc đi xa. Trong 4 việc lớn Bác căn dặn, thì có 2 việc là vì nhân dân, đó là (1) Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa; (2) Hết sức chăm lo đời sống nhân dân, và đây cũng chính là nhiệm vụ lớn lao của những người làm công tác Mặt trận trên quê hương Bác.
Khắc ghi lời dạy của Người, nguyên tắc hiệp thương thực hiện dân chủ, được coi là “chìa khóa vạn năng”, và đã được Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phát huy dân chủ rộng rãi, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực phối hợp triển khai, hướng dẫn, thực hiện quy chế dân chủ gắn với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhiều phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, nhiều cuộc vận động thiết thực, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.
Mặt trận đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp trong công việc ở địa phương; Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã trực tiếp hướng dẫn MTTQ ở cơ sở phối hợp tổ chức gần 1.900 hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã với nhân dân, mỗi năm 2 lần (có trên 20 vạn lượt người dân tham gia, với gần 26 ngàn ý kiến đối thoại của nhân dân).
Có rất nhiều phương pháp để tiếp cận, giải quyết vấn đề của nhân dân thông qua hình thức gián tiếp (như: Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý, đảm bảo công bằng xã hội, công tác tuyên truyền…) hoặc thông qua hình thức trực tiếp (như: Tiếp xúc cử tri; tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; quy trình giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; cấp ủy các cấp dự sinh hoạt chi bộ thôn, xóm; sinh hoạt của các đoàn thể…). Tuy nhiên, thực tế cuộc sống luôn rất sinh động, phong phú nhưng cũng luôn ẩn chứa phức tạp và có những mâu thuẫn liên quan đến cá nhân hoặc một nhóm người, một tổ chức cần phải giải quyết. Vì vậy, cần phải theo nguyên tắc nhất quán “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”, đảm bảo nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân.
Ngoài các hình thức trên, có thể khẳng định rằng, đối thoại là một hình thức rất hiệu quả; là nấc thang cao trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua đó giúp cấp ủy, chính quyền trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, những vấn đề phức tạp phát sinh trong nhân dân ngay từ khi mới “manh nha”, từ đó làm giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh của công dân ngay từ cơ sở.
Ở Nghệ An kết quả này thể hiện rất rõ qua 2 nội dung: (1) Về đơn thư khiếu nại, tố cáo: Nếu như giai đoạn 2014 – 2017 tiếp dân tăng 18,4% - 20,5%, thì năm 2018 giảm còn 4,8% và tiếp nhận đơn giảm từ 5,3% còn 2,7%; (2) Về chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI): Năm 2016 xếp thứ 36/63, thì năm 2018, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành; trong đó, nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến người dân được cải thiện rõ rệt, đó là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
Mặc dù đạt được kết quả quan trọng, song, tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn ra ở một số cơ sở, trong đó khiếu nại, tố cáo sai vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội; chỉ số PAPI của tỉnh Nghệ An vẫn chưa ổn định (năm 2014 xếp thứ 27; năm 2015 xếp thứ 22; năm 2016 xếp thứ 36; năm 2017 xếp thứ 36; năm 2018 xếp thứ 4).
Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng chủ yếu do nhận thức về dân chủ chưa đầy đủ, chưa vững chắc; tình trạng vi phạm quyền dân chủ của nhân dân cũng như lợi dụng dân chủ để vi phạm kỷ cương, pháp luật vẫn còn xảy ra; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở chưa có sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị, giữa các cấp, ngành, cơ sở với nhiệm vụ thường xuyên, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Và nguyên nhân sâu xa là: Việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân tại một số địa phương, đơn vị còn hình thức; chưa thường xuyên, chưa rộng khắp ở các cấp, các ngành; nội dung đối thoại thiếu trọng tâm, trọng điểm; còn đồng nhất giữa đối thoại với tiếp xúc cử tri và tiếp công dân; một số nội dung giải quyết chưa thực sự thấu đáo; vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là thực hiện các kết luận sau đối thoại chưa được thường xuyên, rõ nét.
Để thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ sở cơ sở, hạn chế khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp cần phải tăng cường đối thoại, bởi đây chính là diễn đàn để người dân tham gia làm chủ; để hoạt động đối thoại có kết quả thực chất, lâu dài, không bị biến tướng thành phong trào “cán bộ hứa”, Ngoài việc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ, không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở, thiết nghĩ cần quan tâm một số nội dung sau:
Thứ nhất, phải xác định việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua yêu nước là căn cứ quan trọng để tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; nâng cao dân trí, từng bước mở rộng và hoàn thiện dân chủ cơ sở trên địa bàn nông thôn. Nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp; quan tâm khuyến khích và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ hai, cần nghiên cứu sửa đổi Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân đảm bảo đồng bộ trong hệ thống chính trị và sát thực tiễn của địa phương, theo đó, phải xác định rõ và bổ sung các nội dung cũng như cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại; xác định rõ trách nhiệm tham gia tiếp xúc, đối thoại của người chủ trì và cá nhân, tập thể tham gia đối thoại, nhất là đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, kỹ năng gợi mở của những người chủ trì đối thoại (tức là phải làm để cho dân muốn nói, muốn góp ý, muốn trao đổi…). Phải lấy hiệu quả hoạt động tiếp xúc, đối thoại làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của cá nhân, tổ chức để xếp loại thi đua hàng năm. Đây là cơ sở, nền tảng giúp nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc, đối thoại trong thời gian tới.
Thứ ba, cần phải thể hiện được vai trò chủ trì của Mặt trận, thường xuyên đổi mới cách thức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân theo từng nhóm đối tượng; chủ động nắm bắt tình hình và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, phức tạp để giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức tốt các cuộc đối thoại với nhân dân. Tăng cường hơn nữa vai trò giám sát việc giải quyết các kiến nghị của nhân dân sau đối thoại; phát huy vai trò giám sát tại cộng đồng, đẩy mạnh công tác hòa giải.
Thứ tư, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật sự thiết thực, hiệu quả, linh hoạt và bám sát thực tiễn cuộc sống, với phương châm “mỗi tổ dân cư, khối phố là 1 văn phòng làm việc” của cán bộ Mặt trận chuyên trách các cấp.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại với nhân dân không chỉ là trách nhiệm gần dân, trọng dân, “lắng nghe tâm trạng, hơi thở của nhân dân” của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mà còn là cách làm hiệu quả để phòng, chống tệ quan liêu, mệnh lệnh, xa dân. Vì vậy, cùng với các giải pháp khác, kính đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của Bộ Chính trị; đồng thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành cơ chế thực hiện đối thoại đồng bộ trên cả nước nhằm góp phần thực hiện tốt hơn dân chủ ở cơ sở, nhất là trước thềm Đại hội Đảng các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp sắp tới.
Võ Thị Minh Sinh
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An
Nguồn: nghean.vn