Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Vận dụng tư tưởng “Học không bao giờ cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập hiện nay

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và học tập. Người quan niệm học tập là việc rất quan trọng và cần học tập suốt đời: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi...

 

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về “Học không bao giờ cùng”:

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và học tập. Người quan niệm học tập là việc rất quan trọng và cần học tập suốt đời: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”; “Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về học tập suốt đời còn nguyên tính thời sự và là cơ sở cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày nay.

Học tập suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh là mọi công dân Việt Nam đều cần học tập: “Trai, gái, trẻ, già, cán bộ, công nhân đều phải học cả”. Học tập tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, về chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và phương pháp làm việc: “Chúng ta cần học nhiều thứ: học chính trị, học văn hóa, học kỹ thuật, nghiệp vụ”. Người nhắc nhở cần học ở mọi lúc, mọi nơi: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học Nhân dân, không học Nhân dân là một thiếu sót rất lớn”. Và mục tiêu cao nhất của học tập suốt đời là để luôn tiến bộ, để phụng sự Nhân dân, phụng sự Tổ quốc tốt hơn.

Quán triệt sâu sắc và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Xây dựng xã hội học tập là một mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta. Việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo được tiến hành theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập tạo môi trường thuận lợi để mỗi người dân đều có cơ hội được học tập theo nhu cầu, được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chỉ đạo chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.

2. Với quê hương Nghệ An:

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phải sống xa quê hương Nghệ An nửa thế kỷ. Từ năm 1906, Bác đã theo cha vào học ở kinh đô Huế. Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước và bôn ba khắp năm châu bốn bể suốt 30 năm. Đến năm 1941, Bác mới về nước. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mãi đến năm 1957, Bác Hồ mới có dịp về thăm quê hương lần thứ nhất, sau 50 năm xa cách. Năm 1961, Người về thăm quê lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng!

Mặc dù, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ về thăm quê có hai lần, nhưng tình cảm của Người dành cho quê hương thật là sâu nặng. Bác đã dõi theo từng đổi thay, từng tiến bộ của Nghệ An và đã gửi rất nhiều lá thư, nhiều bài báo nhắc nhở, động viên và khen ngợi cán bộ, Nhân dân tỉnh nhà. Bác đặc biệt quan tâm đến giáo dục và đào tạo Nghệ An, trong phần lớn các bức thư, bài viết về quê hương, Người đều nói đến vấn đề học tập của cán bộ, đảng viên, Nhân dân...

Bức thư đầu tiên "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà", ngày 17/9/1945, Hồ Chí Minh không lấy danh nghĩa Chủ tịch nước, mà chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già để san sẻ ít kinh nghiệm cho cán bộ, đảng viên Nghệ An. Người nhắc nhở: "... Khó thì khó thật, nhưng chúng ta quyết tâm, chúng ta vừa làm vừa học..."  1.

"Thư gửi toàn thể bộ đội và dân quân tỉnh Nghệ An" (năm 1948), Người viết: "... Mong từ nay trở đi, anh em cố gắng luyện tập, chuẩn bị học tập kinh nghiệm của các bộ đội khác...".

Trong "Thư gửi đội lão quân huyện Nam Đàn", ngày 17 tháng 02 năm 1949, Bác dặn dò: "... Văn hoá: Đôn đốc đồng bào hăng hái đi học để diệt giặc dốt...". Ngày 01 tháng 5 năm 1949, Bác gửi thư cho các hội Mẹ chiến sỹ Liên khu IV, Người khen ngợi: "Nhiều cụ, bà tuy tuổi tác đã cao, vẫn cố gắng học chữ, học làm tính. Thật là đáng kính, đáng quý".

Bài "Xã kiểu mẫu", đăng Báo Nhân dân số ra ngày 21/6/1955, Bác viết về Nam Thượng (Nam Đàn, Nghệ An) là một trong những xã kiểu mẫu, Người viết: "Bình dân học vụ được huyện khen".

Lần về thăm quê thứ nhất, tại buổi nói chuyện với Hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An ngày 14 tháng 6 năm 1957, Bác nhấn mạnh: "Bây giờ nói về thanh niên, trước hết nói về thanh niên là học sinh. Tỉnh ta có hơn 7 vạn học sinh. Thế là khá, nhưng trong đó chỉ có 32 học sinh gái ở cấp III và 865 học sinh gái ở cấp II là còn ít. Thế thì các cháu gái phải cố gắng, các vị cha mẹ đừng tiếc công mà giữ con gái ở nhà, không cho các cháu đi học...

Mục đích học để làm gì? Không phải như khi trước, học để kiếm bằng, để làm ông thông, ông ký. Chúng ta học cho tốt để lao động cho tốt. Chắc các cháu học hết lớp này rồi đến lớp khác. Mục đích cuối cùng là tú tài hay cái gì đó, có phải không? Phải! Nhưng đỗ tú tài rồi làm gì? Bây giờ công nghiệp ta càng ngày càng phát triển thì người công nhân trình độ văn hoá ngày càng cao. Tổ quốc cần những người công nhân có trình độ văn hoá cao. Nông nghiệp cũng dần dần tiến lên, người nông dân cũng cần có trình độ văn hoá. Có như thế thì mới đẩy nền kinh tế lạc hậu của chúng ta bây giờ thành nền kinh tế tiên tiến, chứ không phải học ra là để đi làm quan... Khi trước các cháu chưa nghe nói học để làm đầy tớ nhân dân, bây giờ phải biết học để làm đầy tớ tốt của nhân dân.

...Về bình dân học vụ, tỉnh ta cũng khá tiến bộ, như xã Diễn Liên đã xoá nạn mù chữ, được Chính phủ thưởng Huân chương. Chính phủ đang để sẵn một giải thưởng cho thành phố Vinh và mong thành phố nhà ta làm sao mà lấy được giải thưởng ấy... Huyện Con Cuông cũng là huyện thượng du, bình dân học vụ cũng tốt: trong 107 xóm đã có 105 lớp ...".

Ngày 19/12/1958, Bác gửi thư cho phụ lão xã Nam Liên, trong đó có đoạn viết: "Kính gửi: Các cụ phụ lão "diệt dốt"

            Tôi xin cảm ơn các cụ đã gửi thư cho tôi, và rất vui lòng được biết rằng xã ta đã thanh toán xong nạn mù chữ.

            Các cụ đã ra sức đôn đốc và giúp đỡ đồng bào trong việc bình dân học vụ, như vậy các cụ thật xứng đáng là "lão dương ích tráng".

            Tôi rất mong rằng từ nay các cụ sẽ tiếp tục đôn đốc và giúp đồng bào trong xã:

            - Cố gắng học thêm nữa để nâng cao hơn nữa trình độ văn hoá..."   2.

Lần về thăm quê thứ hai (tháng 12/1961), tại buổi nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh Nghệ An ngày 09 tháng 12 năm 1961, Hồ Chí Minh nhắc nhở: "Hiện nay tỉnh ta còn một số người mù chữ. Bình dân học vụ cần phải cố gắng xoá xong nạn mù chữ, càng sớm càng tốt".  Trong lời nói chuyện với cán bộ và đồng bào xã Nam Liên ngày 09/12/1961, Bác khen ngợi: "Lần trước Bác về chưa có mấy cái trường này mà nay đã có cho các cháu trong làng và các làng xung quanh đến học, thành một trung tâm nho nhỏ về văn hoá. Thế là văn hoá tiến bộ".  Sau đó Bác nhắc nhở: "Còn về văn hoá - lúc nãy Bác nói văn hoá khá đấy, nhưng khá là so với lần trước Bác về, còn hiện nay cả xã Kim Liên vẫn còn 33 người mù chữ. Như thế là bình dân học vụ có cố gắng, nhưng làm chưa triệt để. Tất cả những người đã biết chữ rồi, nếu hai người giúp một người đang mù chữ thì trong vài tháng là biết ngay".  Ngày 09 tháng 12 năm 1961, trong buổi nói chuyện với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm ở Nghệ - Tĩnh, Bác nói: "Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải đào tạo dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, Đảng viên già phải cố gắng mà học. Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải đi học... Công việc cứ tiến mãi, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm... Một người cách mạng phải hoạt động và học tập cho đến phút cuối cùng, không bao giờ tiêu cực".

Đặc biệt trong chuyến về thăm quê lần cuối này, Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Sư phạm miền núi Nghệ An vào ngày 09/12/1961, Người dặn dò: "Bác khuyên các cháu học tập tốt. Thế nào là học tập tốt? Học tập tốt là chính trị, văn hoá đều phải gắn liền với lao động sản xuất, không học rông dài. Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hoá đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau. Học để làm gì nữa? Để xây dựng chủ nghĩa xã hội... Muốn đi đến chủ nghĩa xã hội phải làm gì? Phải học tập, lao động, đoàn kết... Các cháu không phải học rồi ở đây, mà phải trở về giúp đồng bào".

Ngày 12 tháng 4 năm 1966, trong "Thư gửi đồng bào và cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong",  Hồ Chí Minh khen ngợi: "Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào và cán bộ các dân tộc trong toàn huyện đã cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm bổ túc văn hoá trước thời  hạn 1 năm. Bác mong rằng đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục học tập để tiến bộ hơn nữa..."   3.

Bức "Thư gửi các cháu học sinh xã Nam Liên", ngày 15 tháng 3 năm 1967, Bác viết: "Bác đã nhận được thư của các cháu, Bác rất vui mừng. Các cháu học sinh đã cố gắng thi đua học tập tốt, lao động tốt, góp phần xây dựng quê hương chống Mỹ, cứu nước. Bác hoan nghênh đồng bào, cấp uỷ Đảng, chính quyền, các thầy giáo, cô giáo xã Nam Liên đã chăm lo đến việc dạy và học và đảm bảo tốt phòng không an toàn cho các thầy giáo, cô giáo và các cháu"  4.

Trong "Thư gửi cán bộ và nhân viên Nhà Thương Nghệ An", ngày 16 tháng 3 năm 1967, Người khen ngợi: "... mặc dù công việc nhiều, các cô, các cháu vẫn học tập đều đặn để nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị. Bác rất vui lòng khen các cô, các cháu và mong tất cả mọi người đoàn kết tốt và tiến bộ nhiều..."   5.

Ngày 27/01/1969, Hồ Chí Minh gửi thư khen Đội Thanh niên xung phong số 333 tỉnh Nghệ An, Người viết: "... Các cháu đã chăm học chính trị, văn hoá và làm văn nghệ khá, biết giữ gìn sức khoẻ tốt ... Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng". Và Bác nhắc nhủ: "... Luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hoá để ngày càng tiến bộ"  6.

Bức thư cuối cùng của Hồ Chí Minh gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, trước lúc Người mất 43 ngày, viết vào ngày 21 tháng 7 năm 1969. Bác vẫn không quên nhắc nhủ Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà phải quan tâm đến giáo dục và đào tạo. Bác viết: "... Phải tổ chức những lớp huấn luyện ngắn ngày, thiết thực cho các đảng viên, đoàn viên mới"  7.

3. Nghệ An vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Học không bao giờ cùng” vào các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập hiện nay:

Tại Nghệ An, công tác khuyến học từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố, phát triển về số lượng và chất lượng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU, ngày 20/12/2023 về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023 - 2030.

Công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025  được đẩy mạnh, nhiều mô hình học tập được xây dựng đạt kết quả tích cực. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập diễn ra rộng khắp toàn tỉnh, đóng góp chung vào thành tích giáo dục của tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Nghệ An. Hội Khuyến học các cấp đã có nhiều sáng kiến để xây dựng, vận động quỹ khuyến học, phong trào tháng khuyến học, tết khuyến học, phát động xây dựng, phấn đấu các danh hiệu thi đua gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học… Công tác khuyến học đã góp phần cùng ngành giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, học sinh Nghệ An giành được 90 giải tại kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm 2024, đứng thứ 4 toàn quốc.

Tuy nhiên, nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học thường xuyên, học suốt đời của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên ở một số đơn vị cấp cơ sở chưa đầy đủ. Hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng cấp xã ở nhiều nơi chưa hiệu quả, sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho hoạt động của Hội Khuyến học ở một số địa phương còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động khuyến học chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; huy động các nguồn lực hợp pháp từ xã hội chưa đáp ứng yêu cầu của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

4. Để các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng hiệu quả hơn chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn dân về xây dựng xã hội học tập, học thường xuyên, học suốt đời.

Thứ hai là, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, như: Kết luận số 49/KL-TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X); Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW; Quyết định số 1373/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.

Thứ ba là, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình xã hội học tập như “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”…. Xây dựng tiêu chí cụ thể với từng loại mô hình, sát đặc điểm đối tượng để triển khai thực hiện hiệu quả nhằm thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, phát triển phong trào tự học tập trong mọi gia đình, dòng họ, cộng đồng và cơ quan, tổ chức. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ hoạt động của các mô hình xã hội học tập với nội dung các phong trào thi đua ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo không khí thi đua sôi nổi, đồng thuận, đồng sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thứ tư là, củng cố lại các trung tâm học tập cộng đồng, các cơ sở giáo dục thường xuyên theo hướng áp dụng chuyển đổi số và dạy học trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người dân tiếp cận với các hình thức giáo dục. Đổi mới công tác quản lý các trung tâm học tập cộng đồng, các cơ sở giáo dục thường xuyên, quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, tin học... Xây dựng chương trình giáo dục thường xuyên theo hướng mềm dẻo, linh hoạt để mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ, mọi vùng miền đều có thể tiếp cận các tri thức ứng dụng vào thực tiễn đời sống, công tác và sản xuất. Bên cạnh đó, cần chú trọng áp dụng chuyển đổi số và dạy học trực tuyến, các chương trình đào tạo từ xa, các khóa học trực tuyến nhằm giảm chi phí, tạo cơ hội học tập cho các đối tượng; đổi mới phương thức học tập và áp dụng những tiện ích với công nghệ số, đặc biệt là các phương tiện dạy học cộng đồng.

Thứ năm là, huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong công tác xây dựng xã hội học tập. Xây dựng xã hội học tập không phải là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn lực cần thiết đầu tư xây dựng xã hội học tập. Để tránh tình trạng dàn trải, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quy định rõ định mức đầu tư cho các hoạt động tự học tập sát thực tiễn với từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực vật chất, trí tuệ, công nghệ bên ngoài bảo đảm đa dạng hoá các hoạt động xây dựng xã hội học tập, học thường xuyên, học suốt đời, như tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 06-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lênin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người phải ghi nhớ và thực hành điều đó” 8.

Tư tưởng và tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, “Học không bao giờ cùng”, học thường xuyên, học suốt đời là những kinh nghiệm quý báu và chỉ dẫn quan trọng để mỗi cấp uỷ, chính quyền và toàn dân học tập và làm theo. Vận dụng tư tưởng của Người vào các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập hiện nay góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

            1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.20.

            2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.271.

            3, 4, 5, 6, 7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.74, 239, 240, 434, 480.

            8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

 

Tin cùng chuyên mục


Tiếp tục nhận tác phẩm, công trình tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Tiếp tục nhận tác phẩm, công trình tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"


Kinh nghiệm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng khối đại đoàn kết ở tỉnh Nghệ An hiện nay

Kinh nghiệm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng khối đại đoàn kết ở tỉnh Nghệ An hiện nay


Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh và đặt nền móng cho báo chí Cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh và đặt nền móng cho báo chí Cách mạng Việt Nam


Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa đối với công tác dân vận của Đảng hiện nay ở Nghệ An

Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa đối với công tác dân vận của Đảng hiện nay ở Nghệ An


Hồ Chí Minh - Người xây dựng, rèn luyện Đảng ta trong sạch, vững mạnh

Hồ Chí Minh - Người xây dựng, rèn luyện Đảng ta trong sạch, vững mạnh


Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dân vận khéo” ở Nghệ An

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dân vận khéo” ở Nghệ An


Kết quả phong trào "Dân vận khéo" theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở Nghệ An

Kết quả phong trào "Dân vận khéo" theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở Nghệ An


Bác Hồ với Thanh niên Nghệ An

Bác Hồ với Thanh niên Nghệ An


Kết quả 01 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TU về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kết quả 01 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TU về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân ở Nghệ An hiện nay”

Tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân ở Nghệ An hiện nay”


Triển khai thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW trong toàn Đảng bộ

Triển khai thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW trong toàn Đảng bộ


Anh Sơn: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận

Anh Sơn: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận


Biên soạn, xuất bản tài liệu tuyên truyền, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An

Biên soạn, xuất bản tài liệu tuyên truyền, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An


Cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ở Đảng bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An

Cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ở Đảng bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An