Banner Ban dân vận tỉnh ủy sub-site-1

Nghệ An thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu

Nghệ An là một trong những tỉnh được đánh giá chịu ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra, biến đổi khí hậu đã có nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân các dân tộc của tỉnh.

Năm 2022, ở Nghệ An thiên tai diễn biến rất phức tạp, đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại, không khí lạnh, bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); chịu ảnh hưởng của 03 cơn bão (số 2, số 3 và số 4) và ATNĐ (ngày 04-08/7); 22 đợt không khí lạnh (trong đó có 15 đợt gió mùa Đông Bắc); 09 đợt nắng nóng, đáng chú ý là đợt từ ngày 24-27/4; 33 đợt lốc, mưa lớn, mưa đá, sét, trong đó có 05 đợt mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa trong năm trên địa bàn toàn tỉnh phổ biến 2.000-2.500mm, các trạm đều vượt so với trung bình nhiều năm từ 30-60%. Đặc biệt là đợt sáng ngày 02/10/2022 trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã có mưa lớn cục bộ gây ra lũ quét, ngập úng tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén; lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 01/10 đến 7 giờ ngày 03/10/2022 là 273mm.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 5500/UBND-NN ngày 21/7/2022 về việc triển khai hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cấp quốc gia; văn bản số 4470/UBND-NN ngày 20/6/2022 về việc thực hiện KHHĐ ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BĐKH. Các sở Tài nguyên - Môi trường, Thông tin - Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến các địa phương và các bộ, ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương, chính sách, thông tin về ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường sâu rộng, kịp thời đến người dân bằng nhiều hình thức (như tổ chức tập huấn pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, đất đai, khoáng sản; tập huấn công tác quản lý đới bờ, biển và hải đảo; tổ chức kỷ niệm, phát động các cơ quan, đơn vị, trường học lồng ghép, treo băng rôn, khẩu hiệu về chung tay bảo vệ môi trường...). Thường xuyên phối hợp các đơn vị truyền thông đăng bài, đưa tin tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và ứng phó BĐKH; các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày đất ngập nước (02/02), Ngày nước thế giới (22/03), Ngày khí tượng thế giới (23/03), Ngày môi trường thế giới (05/06), Ngày đại dương thế giới (08/06), Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam; tổ chức các lớp truyền thông cộng đồng về ứng phó với BĐKH, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; xây dựng các chuyên đề truyền thông về tài nguyên nước, biển và hải đảo. Tổ chức các cuộc thi về bảo vệ môi trường (vẽ tranh, giải báo chí, tuyên truyền viên giỏi về môi trường...). UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường vào các môn học, hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường học xanh, sạch, đẹp; trường học thân thiện, học sinh tích cực..., đem lại hiệu quả khá tốt trong việc hình thành thói quen, hành vi giữ gìn và bảo vệ môi trường của học sinh. Sở Thông tin và Truyền thông đã lồng ghép trong chương trình Giảm nghèo về thông tin để xuất bản tài liệu tuyên truyền phòng chống BĐKH; tổng hợp thông tin về BĐKH, về môi trường trong bản tin Điểm báo tuần. Các tài liệu, bản tin Điểm báo được phát hành đến các sở, ban, ngành, địa phương cấp tỉnh và các cơ quan báo chí, UBND huyện, thành phố, thị xã; xuất bản các tài liệu: "Hỏi - Đáp về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020" với 1.495 bản; "Một số thông tin cần biết về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An" với 1.670 bản; "Hỏi - Đáp về môi trường và rác thải nhựa" với 1.820 bản; "Một số điều cần biết về rác thải nhựa" với 2.000 bản, phát miễn phí về UBND, đài TT-TH, phòng VHTT của 21 huyện, thành phố, thị xã và 460 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các cơ quan báo chí Trung ương có cơ quan đại diện và phóng viên thường trú tại Nghệ An quan tâm tuyên truyền nội dung này. Đặc biệt là các bài viết mang tính phát hiện, giúp các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời chấn chỉnh khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến môi trường, vấn đề môi trường khi triển khai các dự án xây dựng, giao thông, nông nghiệp... Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã làm chuyển biến cơ bản về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng đối với công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với BĐKH.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ để nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo về khí tượng thủy văn nhằm chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ các tác động của thiên tai, thích ứng với BĐKH. Thường xuyên quan tâm và đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng lên, như: thực hiện các dự án xây dựng mới, nâng cấp hệ thống đê, kè tại các khu vực có mức độ tổn thương cao do BĐKH, trồng mới và bảo tồn rừng ngập mặn tại các cửa sông; tiếp tục xây mới, duy tu, bảo trì các công trình thủy lợi. Thực hiện nghiêm túc việc kiện toàn Ban Chỉ huy, phân công nhiệm vụ, ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho toàn tỉnh và từng đơn vị. Hoàn thiện Đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Nghệ An phục vụ công tác quản lý" để đảm bảo lưu trữ các thông tin thống nhất, đồng bộ, phục vụ cho hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai, tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH; đã ban hành kế hoạch theo Quyết định số 344/QĐ-UBND, ngày 22/6/2021 phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; mục tiêu tăng cường mạng lưới quan trắc, góp phần dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai nguy hiểm nhằm tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và các thảm họa. Tiếp tục sử dụng tài liệu "Đánh giá khí hậu tỉnh Nghệ An" để cung cấp các thông tin về khí hậu của tỉnh trong thời kỳ 2009-2019, làm cơ sở cho việc sử dụng các thông tin về BĐKH trong các dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch của tỉnh khi có yêu cầu.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm hạn chế thấp nhất việc phát thải khí nhà kính ra môi trường. Chỉ đạo đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật cho các cơ sở kiểm định phương tiện xe cơ giới; nâng cao chất lượng nhân lực để phục vụ khám, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải của các loại phương tiện giao thông. Xây dựng triển khai, phổ biến các mô hình sử dụng năng lượng mặt trời trong việc tưới tiêu, đồng bộ hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp sử dụng bơm tưới bằng năng lượng mặt trời, triển khai mô hình chăn nuôi, trồng trọt với hệ thống nhà lưới, nhà màng có hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hạn chế tiêu thụ năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tiết kiệm nước giảm phát thải theo công nghệ toàn hoàn khép kín kết hợp hệ thống Biogas. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thực hiện các chương trình về triển khai kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI; Chi cục Chăn nuôi thú y, Trung tâm Khuyến nông thực hiện các dự án, mô hình về giảm phát thải và đảm bảo vệ sinh môi trường theo công nghệ Biogas và đệm lót sinh học trong chăn nuôi (hàng năm toàn tỉnh có khoảng 6,7 triệu tấn chất thải rắn từ chăn nuôi có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường). Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được quan tâm chỉ đạo và có nhiều tiến bộ; toàn tỉnh đã huy động rất nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho phát triển sản xuất lâm nghiệp... Tập trung nghiên cứu, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững...; tăng cường công tác thẩm định, thanh tra, kiểm tra các dự án hoạt động khai thác vật liệu xây dựng nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật; thúc đẩy các mô hình tái tạo sau khai thác, hoạt động sử dụng nguồn năng lượng mới, vật liệu mới...

Nội dung phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đều được UBND tỉnh tích hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hàng năm; căn cứ khả năng cân đối vốn đế bố trí vốn cho các dự án phòng, chống thiên tai và ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh trong kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm. UBND tỉnh đang chỉ đạo thành phố Vinh triển khai dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 17/TTg-QHQT ngày 08/01/2021; với tổng mức đầu tư 194,49 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng và vốn vay IBRD, được triển khai từ năm 2022-2028.

Tuy nhiên, nhân lực cho công tác ứng phó BĐKH ở Nghệ An còn thiếu; kinh phí cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với các dự án có nguồn kinh phí lớn cần hỗ trợ từ Trung ương; chưa xây dựng được các hệ thống bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ rủi ro cao do tai biến thiên nhiên, BĐKH dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong kế hoạch, đề án đề ra. Nhận thức, ý thức của người dân trong thực hiện các quy định về ứng phó với BĐKH, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 còn hạn chế, chưa được đầy đủ, các hoạt động ứng phó với BĐKH còn thiếu đồng bộ, chưa đạt kết quả theo yêu cầu thực tiễn. Mặt khác, BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo, đã gây nhiều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội; một số chủ trương, chính sách, pháp luật chưa được thể chế hóa đầy đủ, thiếu kịp thời, chưa sát thực tế; chất lượng lồng ghép, đánh giá về BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch còn chưa đồng bộ với yêu cầu phát triển, thiếu tính tổng thể, liên ngành, liên vùng...

Để công tác ứng phó với BĐKH đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất là, tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức ngành tài nguyên và môi trường từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH.

Thứ hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, hình thành ý thức chủ động ứng phó BĐKH.

Thứ ba là, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với BĐKH, hướng đến phát triển bền vững.

Thứ tư là, tích cực huy động mọi nguồn lực, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, nâng cao năng lực trong phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó với BĐKH.

Thứ năm là, khẩn trương rà soát, cập nhật và thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Thứ sáu là, tăng cường hệ thống quan trắc, theo dõi cảnh báo sớm các hiện tượng khí hậu cực đoan, bao gồm cả hệ thống thông tin trên cơ sở trang thiết bị hiện đại và trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ của cán bộ chuyên môn được nâng lên./.

                              Phan Thanh Đoài 

 Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Công an huyện Hưng Nguyên tận tụy phục vụ Nhân dân

Công an huyện Hưng Nguyên tận tụy phục vụ Nhân dân


Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân


Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả


Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch

Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch



Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954

Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954


Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững


Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển

Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển


Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp


“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận

“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận


Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay


Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp

Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp


Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn

Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn