Banner Ban dân vận tỉnh ủy sub-site-1

Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954

Tỉnh Nghệ An nằm ở khu vực Bắc Trung bộ gồm có nhiều dân tộc cùng chung sống. Nhân dân các dân tộc Nghệ An luôn phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

 

Trong 94 năm qua, lịch sử công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An là dòng chảy xuyên suốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong từng giai đoạn cách mạng, công tác dân vận đã thực hiện tốt vai trò lịch sử to lớn góp phần tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, đồng sức, đồng lòng hoàn thành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tham gia đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng quê hương Nghệ An - Xô viết anh hùng ngày càng phát triển.

Trong 09 năm thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954 đã minh chứng cho nhận định, đánh giá đó:

Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - lời hịch cứu quốc, tuyên bố đanh thép trước kẻ thù xâm lược về ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Hưởng ứng Lời hiệu triệu cứu nước của Người, Nhân dân Nghệ An cùng với Nhân dân cả nước nhất tề đứng lên với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Bước vào giai đoạn này Đảng bộ tỉnh Nghệ An đề ra chủ trương công tác vận động quần chúng lúc này là vận động Nhân dân tích cực ủng hộ chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hậu phương vững mạnh phục vụ cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Xác định phương châm dù cách mạng có khó khăn, gian khổ đến đâu, nhưng khi đã được lòng dân, được dân tin yêu, đồng tình, giúp đỡ và ủng hộ, thì không một khó khăn nào mà không vượt qua, Đảng bộ vận động Nhân dân chịu gian khổ, ra sức thi đua sản xuất, học chữ Quốc ngữ, tập luyện quân sự, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Phân công cán bộ phụ trách vận động thường xuyên đi xuống các cơ sở, gần gũi, luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng, giúp đỡ Nhân dân, xây dựng mối đoàn kết toàn dân, tương thân, tương ái, đồng lòng, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Để ngăn cản việc đổ bộ và đóng quân của địch, hưởng ứng lời kêu gọi ngày 06/02/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Phá hoại để kháng chiến”, công tác vận động quần chúng lúc này tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu rõ lời kêu gọi của Người, ý nghĩa của sự phá hoại, phá để mà kháng chiến, kháng chiến thành công rồi thì ta lại tiếp tục xây dựng “…Ta vì nước hy sinh, chịu khổ một lúc. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, ta sẽ cùng nhau kiến thiết, sửa sang lại, nào có khó gì…”.

Thực hiện lời kêu gọi “Phá hoại để kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Nghệ An đã thành lập Ban vận động và đi xuống từng cơ sở để giải thích, động viên Nhân dân thành thị và vùng đồng bằng, thị trấn hiểu và tự nguyện làm theo lời Bác Hồ kêu gọi để Nhân dân tự nguyện trong việc đập phá nhà cửa của riêng mình. Ban vận động còn lên miền núi phía Tây, động viên đồng bào các dân tộc tham gia, hưởng ứng, giúp đỡ vận chuyển máy móc, xây dựng cơ sở sản xuất vũ khí, đạn dược, thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Vốn là quê hương cách mạng, hừng hực khí thế Xô Viết năm xưa, nay được sự lãnh đạo của Đảng, công tác vận động quần chúng đã phát huy hiệu quả trong công cuộc tiêu thổ kháng chiến. Ban vận động đã vận động Nhân dân Nghệ An nô nức tham gia hưởng ứng cuộc vận động, tự nguyện tiêu thổ nhà cửa của riêng mình. Đến cuối tháng 03/1947, quân dân Nghệ An đã chuyển lên vùng an toàn khu hàng vạn tấn máy móc, trang thiết bị để xây dựng và tiếp tục sản xuất ở các vùng chiến khu. 302 công sở ở địa phận Vinh, Bến Thủy, trường học; các nhà tư sản lớn bị phá sập; phá sập 11.046 nhà của dân; dỡ và vận chuyển các trang thiết bị máy móc trong các nhà máy khu vực Vinh - Bến Thủy để chuyển lên miền Tây (vùng Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông) để sản xuất vũ khí. Được cán bộ Ban vận động giải thích và đả thông tư tưởng, đồng bào các dân tộc đã hăng hái tự nguyện phục vụ kháng chiến. Các già làng, trưởng bản đã vận động đồng bào các dân tộc dùng voi để bốc dỡ và vận chuyển hàng chục km đường sắt từ Sông Lam vào chiến khu. Đào phá các trục đường chính quan trọng với gần 14.000 ngày công, để ngăn chặn xe cơ giới của địch đi lại. Trong công cuộc vận động “Tiêu thổ kháng chiến” đã thể hiện tinh thần yêu nước và sức mạnh phi thường của Nhân dân Nghệ An. Vì độc lập tự do của Tổ quốc, Nhân dân Nghệ An sẵn sàng hy sinh tất cả cho cuộc kháng chiến mau chóng thắng lợi.

Năm 1947, để phục vụ công cuộc “kháng chiến kiến quốc” nhân danh ủy viên Trung ương vận động đời sống mới, Bác Hồ đã viết tác phẩm “Đời sống mới”. Với tinh thần “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, ta phải bỏ hết tính lười biếng, ăn tham. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý”. Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo cuộc vận động toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy trong tác phẩm “Đời sống mới", tuyên truyền, vận động Nhân dân Nghệ An cố tránh và khắc phục những sai lầm đang diễn ra, cuộc vận động đã kịp thời uốn nắn được những sai lầm, lệch lạc, ấu trĩ, tả khuynh của một số cán bộ do trình độ văn hóa còn hạn chế. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, nhân dân Nghệ An hăng hái, nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động, phân khởi, tự tin, tích cực phục vụ cuộc kháng chiến và kiến quốc”.

Ngày 06-01-1948, Đảng bộ tỉnh Nghệ An tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. Sau Đại hội, Đảng bộ tập trung chỉ đạo và phát động sâu rộng công tác vận động quần chúng phục vụ cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng về công tác đoàn kết dân tộc và tôn giáo, vận động toàn dân tham gia. Trong phong trào vận động thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Mỗi người dân là một chiến sỹ", Hội phụ nữ cứu quốc Nghệ An đã thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả“Hội mẹ chiến sỹ” Nghệ An đã nhận đỡ đầu Trung đoàn 57 bộ đội chủ lực của tỉnh. Từ đầu năm 1947 đến tháng 6-1948 có các phong trào vận động thi đua tiết kiệm “Hủ gạo nuôi quân”', “Đảm phụ quốc phòng “mua công phiếu kháng chiến”, được dấy lên liên tục, sôi nổi khắp các huyện. Hưởng ứng cuộc vận động phong trào đỡ đầu bộ đội, kế hoạch Trung ương giao cho Nghệ An huy động 21 triệu đồng, thì Hội phụ nữ Nghệ An đã quyên góp vận động được 28 triệu đồng. Đầu năm 1949, cuộc vận động làm cấp dưỡng giúp đỡ cho Bộ đội 4 tháng, Nghệ An đã vận động được 2.610.000 đồng; 5.300 tạ thóc để nuôi quân.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ hậu phương, Tỉnh ủy chủ trương vận động Nhân dân các vùng tuyến đường 7 giúp đỡ, nuôi dưỡng cán bộ của Ban Biên Chính Việt - Lào. Suốt thời gian Ban Biên chính Việt - Lào đặt trụ sở tại Đình làng Phú Nhuận. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ Lào như Hoàng thân Xu Pha Nu Vông, Nu Hắc Phum Xa Vằn và nhiều đồng chí khác đã về đây làm việc, Bộ đội Pha Thét Lào và Bộ đội Trung đoàn 57 Nghệ An sát cánh bên nhau chiến đấu. Công tác dân vận lúc này gắn thêm công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, luôn đặt vấn đề hợp tác giúp bạn chính là đã giúp mình, đã chỉ đạo tốt công tác vận động Nhân dân ủng hộ, coi việc giúp cách mạng Lào là nghĩa vụ và trách nhiệm Quốc tế cao cả. Trong 09 năm kháng chiến chống Pháp, Nghệ An đã vận động Nhân dân đóng góp cho cách mạng Lào trong các chiến dịch Trung Lào và Thượng Lào 73.000 dân công hỏa tuyến; làm 300km đường bộ; huy động 25.000 dân công làm tuyến đường Quốc lộ 7 dài 170km; 1.468 xe đạp thồ; 1.066 thuyền vận chuyển 1.380 tấn gạo, 53 tấn muôi, 60 tấn vũ khí đạn dược.

Từ ngày 15 đến ngày 29/4/1949, tại xã Cát Văn huyện Thanh Chương, Tỉnh uỷ Nghệ An đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ công tác vận động Nhân dân trong giai đoạn này là tiếp tục động viên Nhân dân hăng hái thi đua tòng quân, sản xuất thật nhiều vũ khí, đạn dược để kịp thời cung cấp cho tiền tuyến. Vận động Nhân dân đi dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến trường; thi đua sản xuất, tăng cường hoạt động dân quân du kích. Tuyển chọn trong đội ngũ dân quân du kích những người tích cực, đủ sức khỏe bổ sung lực lượng cho bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực.

Bước sang năm 1950, đặc biệt là sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới (1950) tuyến đường biên giới Việt - Trung được khai thông, tình hình cách mạng của hai nước có nhiều thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Để đẩy nhanh công cuộc kháng chiến, ngày 12/02/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quyết định tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân để tiến tới tổng phản công". Tỉnh ủy đã nhanh chónh triển khai cuộc vận động, chỉ đạo cán bộ các địa phương, tổ chức tuyên truyền nội dung Sắc lệnh xuống tận các cơ sở để cho quần chúng nhân dân thực hiện. Phong trào vận động quân sự được dấy lên khắp nơi, đồng thời Tỉnh ủy chủ trương phát thẻ quân vụ cho nam, nữ công dân từ 18 đến 45 tuổi, chờ khi Tổ quốc cần, có lệnh tổng động viên là sẩn sàng lên đường làm nhiệm vụ phục vụ công cuộc kháng chiến.

Vào trung tuần tháng 5 năm 1950, tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ VII. Nhiệm vụ của công tác vận động Nhân dân lúc này là “Ra sức xây dựng lực lượng bảo vệ hậu phương, tổng động viên sức người, sức của cung ứng cho tiền tuyến". Để tăng cường phục vụ các chiến dịch lớn trên khắp chiến trường (Chiến dịch Biên giới 09-1950; Chiến dịch Bình Trị Thiên 11-1950; Chiến dịch Trung du Bắc bộ 12-1950; Chiến dịch đường số 8 (03-1951); Chiến dịch Hà Nam Ninh (5-1951), Tỉnh ủy đã mở cuộc vận động tiết kiệm, toàn dân quyên góp, hăng hái thi đua sản xuất, sẵn sàng nhập ngũ lên đường đánh giặc, bổ sung cho Tiểu đoàn chủ lực, Trung đoàn 57, huy động 7000 dân công hỏa tuyến; đóng góp 15.000 tấn thóc, 13 triệu đồng công phiếu kháng chiến, 140 tấn kim loại để sản xuất các loại vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến..

Bị thua đau trên các chiến trường, thực dân Pháp đã cài bọn phản động làm gián điệp vào tổ chức cách mạng của ta để phá hoại. Ngày 13/4/1951, công tác dân vận tập trung vận động nhân dân tố giác, báo tin, lực lượng công an Nghệ An đã bắt gọn bọn phản động cầm đầu tổ chức gây bạo loạn, ẩn náu tại nhà thờ Xã Đoài. Cán bộ phụ trách công tác Tôn giáo vận luôn xuống tận cơ sở các xứ đạo để tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác, phát hiện kẻ xấu. Thông qua công tác Dân vận, bà con giáo dân càng nhận rõ bộ mặt của kẻ xấu, lợi dung tôn giáo để phá hoại cách mạng. Được giác ngộ, đồng bào Công giáo đã hăng hái sản xuất, tích cực quyên góp, tình nguyện lên đường nhập ngũ đánh giặc. Tỉnh ủy cử cán bộ có năng lực phụ trách công tác tôn giáo vận, in ấn tài liệu về tôn giáo, phổ biến xuống tận cơ sở.

Những năm 1950, Nghệ An là vùng tự do và nhiệm vụ là “Ra sức xây dựng lực lượng, bảo vệ hậu phương, tổng động viên sức người, sức của, cung ứng cho tiền tuyến”. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Nhân dân trong tỉnh đã tham gia vào việc xây dựng quỹ “Đỡ đầu dân quân, nuôi dưỡng bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực”... Song do tư tưởng nóng vội nên có nơi, có lúc huy động sức người, sức của quá khả năng hiện có của quần chúng, ảnh hướng tới sản xuất và tích lũy lực lượng, xây dựng hậu phương,... thường dùng biện pháp hành chính, mệnh lệnh, gò ép dân đóng góp quá sức, không phân biệt giữa kẻ tư lợi với người không còn khả năng đóng góp để có những biện pháp xử lý thích đáng. Có nơi đã dùng hình thức biểu dương, khen thưởng không thích hợp, có khi lệch lạc, gây mặc cảm trong quần chúng. Những thiếu sót đó nhiều khi đã gây nên tình trạng gay cấn, căng thẳng ở nông thôn, ảnh hưởng không tốt đến chính sách đoàn kết kháng chiến của Đảng và Chính phủ. Vì vậy, Bác đã viết Thư gửi Đồng bào Liên khu IV.  

Ngày 31/10/1950, Liên khu ủy IV đã chỉ thị cho toàn Đảng bộ Nghệ An tiến hành đợt kiểm thảo sửa đổi công tác vận động quần chúng theo Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đợt kiểm thảo này đã “mở rộng phong trào đấu tranh, sửa chữa tư tưởng ra ngoài quần chúng..., Nhân dân phấn khởi vì được dịp cởi hết thắc mắc của mình với cán bộ”. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng được củng cố ngày càng chặt chẽ mật thiết. Những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên được uốn nắn, nhất là tư tưởng chủ quan, tác phong mệnh lệnh, quan liêu, không đi sâu, đi sát quần chúng. Những gia đình bị thiệt hại do cán bộ làm sai chính sách được trả lại tài sản. Ý thức trách nhiệm của các cấp bộ đảng đối với việc bảo đảm quyền lợi của Nhân dân được nâng cao.

Tháng 8/1951, Tỉnh ủy Nghệ An đã mở Đại hội đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, tại xã Quang Thành, huyện Yên Thành. Để thực hiện mục tiêu đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, nhiệm vụ của công tác vận động Nhân dân thực hiện bằng được các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ VIII đã vạch ra: “Xây dựng Nghệ An thực sự là hậu phương vững chắc, thành kho dự trữ dồi dào về người và của, làm tròn nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến”.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, từ tháng 3 đến tháng 6-1953, Nghệ An thực hiện “phóng tay phát động quần chúng đấu tranh triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức” ở các địa phương. Tin vui về cuộc vận động giảm tô, giảm tức từ quê nhà, theo đường liên lạc đến với các chiến sỹ quê hương Nghệ An đang chiến đấu trên các chiến trường, làm nức lòng anh Bộ đội cụ Hồ. Hậu phương thi đua với tiền phương, quân và dân Nghệ An làm hết sức mình cho Chiến cục Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” trong tác phẩm "Dân vận", công tác dân vận đã vận động toàn dân, thi đua lập công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương lớn của tiền tuyến lớn. Mở con đường lớn: 15A đi từ Nghệ An ra Thanh Hóa - Hòa Bình - Tây Bắc, với lực lượng hơn 6.600 dân công hỏa tuyến làm đường mới và sửa chữa 320km đường hư hỏng, bắc 3 cầu lớn, 32 cầu nhỏ, làm 53 cống - rải đá 150km đường. Để hoàn thành công việc khổng lồ đó trong chiến tranh, Nhân dân Nghệ An đã đóng góp 1.574.125 ngày công, hàng trăm công nhân thường trực bảo vệ đường, huy động 20.000 dân công và thuyền, 1.500 xe thồ phục vụ chiến dịch Trung Lào,... Ngày 07/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong thắng lợi chung của toàn dân tộc, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ trong công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An.

Từ thực tiễn công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, có thể rút ra một số bài học đối với công tác vận động quần chúng hiện nay như sau:

Thứ nhất, trên cơ sở hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách về công tác dân vận của Đảng, trong mỗi giai đoạn, thời kỳ cách mạng, Đảng bộ tỉnh Nghệ An lựa chọn, đề ra những chủ trương, định hướng, những vấn đề trọng tâm về công tác dân vận phù hợp với thực tiễn địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Thứ hai, chăm lo xây dựng và củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng bộ tỉnh từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do đó, để thực hiện thành công nhiệm vụ của các giai đoạn phát triển, Nghệ An luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ và củng cố, phát triển các tổ chức dân vận. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có thái độ và phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; luôn luôn tin tưởng vào lực lượng và sức mạnh của Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân.

Thứ ba, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh đã góp phần xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, xây dựng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức tập hợp, hoạt động phù hợp với từng giai đoạn của nhiệm vụ cách mạng. Đổi mới hình thức hoạt động, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng thời kỳ, từng đối tượng để đoàn kết, tập hợp Nhân dân.

Thứ tư, công tác dân vận phải bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước gắn với chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân, động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, làm cho đất nước phát triển bền vững. Công tác dân vận luôn gắn chặt với công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh, của Dân, do Dân và vì Dân.

Thứ năm, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, tập trung hướng về cơ sở, mang lại lợi ích thiết thực cho quần chúng nhân dân. 

Thứ sáu, phải quan tâm công tác kiểm tra, đánh giá, kiểm thảo, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, phê bình, xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân vi phạm khuyết điểm.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An là những trang sử vẻ vang, đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về công tác vận động quần chúng. Chúng ta tự hào, trân trọng, giữ gìn và tiếp tục phát huy để cùng Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương Nghệ An ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

                                             Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Công an huyện Hưng Nguyên tận tụy phục vụ Nhân dân

Công an huyện Hưng Nguyên tận tụy phục vụ Nhân dân


Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân


Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả


Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch

Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch



Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững


Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển

Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển


Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp


“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận

“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận


Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay


Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp

Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp


Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn

Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn


Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương

Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương