Banner Ban dân vận tỉnh ủy sub-site-1

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận, có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”.

Sức mạnh của Đảng ở mối liên hệ mật thiết với nhân dân
Chủ nghĩa Mác - Lênin luôn đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, coi sức mạnh của quần chúng nhân dân là vô địch, muốn lãnh đạo cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Lênin khẳng định, nguồn gốc chủ yếu sức mạnh của Đảng là ở mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Người còn chỉ rõ: “Một trong những nguy cơ lớn nhất và đáng sợ nhất của một Đảng cầm quyền là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”(1). Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc vun đắp mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị” viết năm 1953, Bác phân tích rõ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân: “Đảng viên thì phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng. Tức là: hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối”(2). Người nói: “Nước lấy dân làm gốc”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(3).

Phát huy truyền thống của ông cha ta qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đưa ra quan điểm hết sức đúng đắn: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Quan điểm đó khẳng định vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”... Chính nhờ quán triệt sâu sắc quan điểm và bài học kinh nghiệm nêu trên nên Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng các kẻ thù xâm lược và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong dựng xây, phát triển đất nước.

Để đạt được thành tựu to lớn đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là Đảng đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị nắm tình hình nhân dân, vận động, tập hợp nhân dân qua các thời kỳ cách mạng có kết quả tốt. Tuy nhiên, ở một số ngành, địa phương công tác dự báo, nắm tình hình nhân dân chưa chặt chẽ, nhất là những tâm tư, tình cảm, lợi ích, những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại với công dân không nền nếp theo quy định của Trung ương, của Chính phủ; chậm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết sớm những mâu thuẫn, bức xúc ở cơ sở; phương pháp, hình thức xử lý “điểm nóng” có nơi thiếu linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả thấp. Đảng, Nhà nước đã ban hành một số văn bản như Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị về ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Luật Trưng cầu ý dân và bộ Luật Dân sự (năm 2015) của Quốc hội, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở… nhưng việc nắm và giải quyết những vấn đề liên quan đến dân hiệu quả chưa cao, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị thiếu chặt chẽ. Thực tiễn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, có một số “điểm nóng”, khiếu kiện phức tạp rất đáng để chúng ta nghiên cứu, rút bài học kinh nghiệm trong việc chủ động nắm chắc tình hình nhân dân và phương pháp giải quyết khi khiếu kiện xảy ra.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Một là, tiếp tục làm chuyển biến nhận thức cho cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nắm tình hình nhân dân trong thời kỳ mới.

Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển  đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(4) và nêu rõ yêu cầu: “cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội”, “lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”(5). Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận, có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”(6). Dự báo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội là một nhiệm vụ rất quan trọng của công tác tư tưởng. Trên cơ sở những điểm mới, nội dung trọng tâm nêu trên, các cấp ủy đảng phải lãnh đạo, tổ chức học tập, quán triệt đến các tổ chức trong hệ thống chính trị, đến mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Nắm chắc, dự báo đúng tình hình nhân dân mới định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần làm ổn định tình hình chính trị - xã hội. Kinh tế - xã hội chỉ có thể phát triển khi tạo được sự đồng thuận của nhân dân, khi chính trị - xã hội ổn định. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác nắm tình hình nhân dân càng có ý nghĩa, vai trò quan trọng.

Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách tiếp công dân ở các cấp.

Theo quy định của pháp luật, các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải thực hiện hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp tại địa bàn nơi đại biểu ứng cử. Hoạt động tiếp xúc cử tri trong những năm gần đây có nhiều đổi mới, được cử tri ghi nhận có kết quả tốt hơn các nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn có biểu hiện hình thức. Có địa phương vì bệnh thành tích nên chọn khu dân cư hay xã, phường, thị trấn không có hoặc rất ít đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân cho đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân đến tiếp xúc cử tri, cá biệt có nơi lãnh đạo địa phương chỉ mời đại diện cử tri đến dự nên không phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đông đảo cử tri.

Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, việc tập hợp ý kiến, kiến nghị có nơi không đầy đủ và việc theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng của Nhà nước có trách nhiệm xử lý, giải quyết thiếu chặt chẽ, kịp thời. Để hoạt động tiếp xúc cử tri có chất lượng, hiệu quả cao hơn, đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nên thông báo trước thời gian, địa điểm tiếp xúc và chỉ mời những cử tri cần đến để trình bày tâm tư, nguyện vọng hoặc các kiến nghị, đề xuất của mình. Nếu tổ chức tốt thì có thể tiếp xúc lần lượt từng cử tri một hiệu quả sẽ còn cao hơn (như kinh nghiệm ở Singapore). Đổi mới theo hướng đó vừa tiết kiệm thời gian cho cử tri, đặc biệt giúp cho cử tri nâng cao được quyền và trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hoạt động tiếp công dân được Đảng, Nhà nước rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên các cấp, các ngành thực hiện khá nghiêm túc, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân nhiều nơi giảm rõ rệt. Nhiều đồng chí bí thư, chủ tịch cấp tỉnh, cấp huyện đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, một số huyện do khó khăn về ngân sách nên trụ sở tiếp công dân chưa được đầu tư trang bị cơ sở vật chất kịp thời. Một bộ phận cán bộ chuyên trách giúp cấp ủy, chính quyền tham mưu việc tiếp công dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, kỹ năng tiếp dân nên hiệu quả tiếp công dân hạn chế.

Đặc biệt, việc theo dõi, cập nhật kết quả xử lý, giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của công dân sau khi được đồng chí chủ trì kết luận thiếu chặt chẽ, kịp thời nên còn tình trạng đơn thư vượt cấp... Việc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách giúp lãnh đạo xã, huyện, tỉnh và Trung ương, Chính phủ rất quan trọng. Nếu đội ngũ cán bộ chuyên trách giúp việc ở Ban tiếp công dân Trung ương, đến các tỉnh, thành, huyện, quận... có kiến thức pháp luật, am hiểu kinh tế - xã hội và kỹ năng tiếp dân, có quan điểm, trách nhiệm với dân thì sẽ giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân tốt hơn.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong việc chỉ đạo, điều hành nắm tình hình nhân dân thực chất, hiệu quả cao hơn.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật…”(7). Nắm tình hình nhân dân từng địa bàn, từng địa phương, đơn vị... trong từng thời kỳ là rất quan trọng nhằm giúp cho cấp ủy, chính quyền tăng cường hoặc điều chỉnh chính sách, chủ trương cho sát đúng để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nội dung nắm tình hình nhân dân rất phong phú và ngày càng có yêu cầu cao là nắm khách quan, chính xác, kịp thời cho từng giai tầng xã hội ở các vùng miền khác nhau như: nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, tình hình đời sống, việc làm, sức khỏe, học vấn, trình độ kỹ thuật, tình hình tôn giáo, dân tộc, môi trường, an ninh, trật tự, tình hình giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, đồng bào ở nước ngoài…

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và sự tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”(8). Thực tế hiện nay ở nước ta, các chỉ tiêu trên do nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều cấp nắm nên còn phân tán, chồng chéo, chậm đổi mới cách tiếp cận, điều tra, dự báo nên thiếu chính xác và kịp thời.

Nắm chắc tình hình nhân dân là vấn đề lớn, phức tạp, hệ trọng được nhiều quốc gia rất quan tâm, nhất là trong thời kỳ khoa học công nghệ, công nghệ số phát triển mạnh mẽ để hoạch định chính sách, chiến lược... Đề nghị Trung ương lãnh đạo Nhà nước sớm thể hóa thành văn bản pháp luật công tác nắm tình hình nhân dân để thực hiện thống nhất, hiệu quả. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” cũng phải có cơ chế, văn bản pháp luật thì mới có thể được thực thi có hiệu quả trên thực tế.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị để tổng hợp, phân tích tình hình nhân dân chính xác, kịp thời.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, kịp thời, đúng đắn của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp…”(9).

Thực tế hiện nay ở nước ta có rất nhiều cơ quan có chức năng, nhiệm vụ nắm tình hình nhân dân như: cơ quan thanh tra, kiểm tra, các Ban tiếp công dân, Ban Dân nguyện Quốc hội, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận cấp ủy các cấp, các cơ quan chuyên ngành như Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội…Theo chức năng, nhiệm vụ và theo phân công, phân cấp mỗi cơ quan, đơn vị nắm số liệu, tư liệu liên quan tình hình nhân dân có khác nhau. Tổng hợp, phân tích các kênh thông tin của cả hệ thống chính trị, kể cả từ các cơ quan truyền thông, nhất là báo điện tử… là cơ sở để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả cao hơn.

Trong những năm qua, công tác nắm tình hình nhân dân có tiến bộ, nhất là nắm tình hình đơn thư, khiếu kiện nên số “điểm nóng”, điểm có vụ việc phức tạp, số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm hẳn. Tuy nhiên, tình trạng nắm tình hình nhân dân còn phân tán, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ, việc tổng hợp lại chưa tốt nên chất lượng phân tích, dự báo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo còn có nhiều hạn chế.

Trong đó, công tác nắm tình hình tư tưởng trong công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trong đội ngũ trí thức, trong các tôn giáo, tình hình đơn thư khiếu nại tố cáo trên lĩnh vực đất đai... có địa phương, có vùng miền chưa tốt. Một số “điểm nóng” trước đây như vụ gây rối ở Bình Dương, Đồng Nai nhân sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên), ở Tiên Lãng (Hải Phòng); vụ Mường Nhé (Điện Biên); vụ Đồng Tâm (Hà Nội)... công tác dự báo, nắm tình hình, việc phối hợp tham mưu, phối hợp chỉ đạo thiếu thống nhất và kịp thời nên thời gian giải quyết, xử lý kéo dài, có những vụ việc hiệu quả không cao…

Để tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác nắm tình hình nhân dân, kiến nghị Bộ Chính trị sớm xem xét ban hành một quy định mới hoặc bổ sung thêm điều khoản cụ thể hơn khi tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị (khóa X).

Nắm chắc, nắm đúng, nắm khách quan tình hình nhân dân để phản ánh và tham mưu kịp thời cho cấp ủy đảng lãnh đạo công tác dân vận là góp phần quan trọng tổ chức đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống./.

---------------------------

1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.44, tr.426.

2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.281; t.7, tr.434.

4, 5, 6, 7, 8, 9. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.173, 175, 191, 196 - 197, 192, 198.

Nguyễn Thế Trung

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Nguồn: baonghean.vn

 

Tin cùng chuyên mục

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân


Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả


Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch

Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch



Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954

Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954


Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững


Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển

Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển


Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp


“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận

“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận


Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay


Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp

Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp


Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn

Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn


Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương

Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương


Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An

Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An