Banner Ban dân vận tỉnh ủy sub-site-1

Gắn công tác dân vận với phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tại Trường Đại học Vinh

Trường Đại học Vinh được thành lập năm 1959, tiền thân là Trường Đại học Sư phạm Vinh, là trường đại học đầu tiên của Trung ương đóng tại địa phương, trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, có vị trí địa chiến lược quan trọng của đất nước, gắn với trục Bắc - Nam và định hướng phát triển hành lang Đông - Tây.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Nhà trường luôn quán triệt, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo Dân vận: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Những năm gần đây, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tích cực chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị khoá X về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khoá XI... Các cấp ủy đảng, đơn vị đã cụ thể hoá các nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua "Dân vận khéo" và xây dựng "Đơn vị dân vận tốt". Nội dung vận động chi tiết, cụ thể, thiết thực để cán bộ, đảng viên và người học dễ tiếp nhận và thực hiện. Do vậy, công tác vận động cán bộ, đảng viên và người học thi đua dạy tốt, học tốt đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đưa tỉnh Nghệ An từng bước trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ.

Trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành Nhà trường, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Trường đã quán triệt quan điểm của Bác: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho" phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Thấm nhuần lời dạy của Bác: "Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ… Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn", các cấp ủy đảng, đơn vị, đoàn thể trong Trường đã quán triệt, triển khai thực hiện phong trào thi đua dạy tốt, học tốt với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp cụ thể.

Ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục, tỉnh Nghệ An, Trường đã có một cơ sở vật chất khá khang trang tại Thị xã Vinh. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ gây ra đối với miền Bắc, Nhà trường đã trải qua chín năm sơ tán, với bao gian nan vất vả, chịu tổn thất nặng nề nhất trong hệ thống các trường đại học. Vượt lên mưa bom bão đạn của kẻ thù, vượt qua bao khó khăn chồng chất, sự nghiệp đào tạo của Nhà trường vẫn luôn được giữ vững. Từ lãnh đạo Trường đến mỗi cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên, tất cả đều được tôi luyện, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng với phương châm: "vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao; lao động, học tập với tinh thần quyết tâm cao". Đến năm 1973, Nhà trường mới quay trở lại thành phố Vinh và phải xây dựng lại hoàn toàn. Trong những năm tháng khó khăn chung của đất nước trước đổi mới, Nhà trường đã ra sức khắc phục mọi khó khăn, thử thách, bằng ý chí tự lực tự cường, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thi đua dạy tốt, học tốt. Từ những năm 1990, tiếp thu tinh thần đổi mới của Đảng, đường lối, chính sách của Nhà nước, Nhà trường đã từng bước ổn định và mở rộng phát triển theo hướng đa ngành. Năm 2001, ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của tập thể Nhà trường trong việc chuyển từ một trường đại học sư phạm trở thành một trường đại học đa ngành, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Tháng 7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia. Đây là sự ghi nhận, đánh giá vai trò, vị thế của Nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, là thành quả của sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, học sinh, sinh viên Nhà trường.

Trong 64 năm xây dựng và trưởng thành, quán triệt lời dạy của Bác Hồ: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời bình cũng như thời chiến, khi ở thành phố Vinh hay ở các địa phương nơi sơ tán, Nhà trường đã đề ra và thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học. Khóa đầu tiên mới chỉ có hai ban Văn và Toán với 158 sinh viên, hiện nay Trường có 54 ngành đào tạo đại học; 37 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 17 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với gần 36.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đến từ 40 tỉnh, thành trong cả nước và lưu học sinh quốc tế đến từ các quốc gia Lào, Thái Lan, Liberia, Cameroon... Từ khi thành lập đến nay, Nhà trường đã đào tạo và cung cấp cho khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước trên 170.000 cử nhân và kỹ sư; 13.366 thạc sĩ và 244 tiến sĩ; hơn 9.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, có 12 em đoạt các giải Toán quốc tế và giải Toán khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 318 em đoạt giải quốc gia... Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kết quả trúng tuyển vào đại học hàng năm của học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên đứng top đầu của cả nước. Theo Tổ chức xếp hạng các trường đại học trên thế giới (CSIC) công bố trên Webometrics thì hiện nay Trường Đại học Vinh được xếp hạng thứ 9 các trường của Việt Nam. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chiếm trên 80%. Sinh viên tốt nghiệp của Trường được đào tạo toàn diện về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, kỹ năng sống... nên khi ra trường sớm khẳng định được năng lực chuyên môn, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Nhiều cựu sinh viên của Trường đã trở thành các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học, công nghệ, kinh tế lớn trong nước và quốc tế.

Trong mỗi giai đoạn phát triển của Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn chỉ đạo chọn việc nâng cao chất lượng thực học, thực nghiệp làm đòn bẩy để nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo. Từng bước mở thêm một số ngành, chuyên ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; mở hệ đào tạo đại học và trung học phổ thông chất lượng cao. Triển khai lấy ý kiến đánh giá của sinh viên về các hoạt động của Nhà trường; lấy ý kiến đánh giá của người học đối với giảng viên, giáo viên. Hàng năm, Nhà trường đều tổ chức hội nghị cán bộ trẻ, hội nghị trưởng bộ môn, trợ lý đào tạo, cố vấn học tập và hội nghị đối thoại giữa Hiệu trưởng với sinh viên để tuyên truyền, cung cấp thông tin. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... để lấy ý kiến phản hồi, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án tuyển sinh các ngành học, bậc học đáp ứng nhu cầu xã hội. Triển khai tuyển sinh và đào tạo theo nhóm ngành, khối ngành. Từ năm học 2017-2018, Nhà trường đã áp dụng chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO. Đây là mô hình đào tạo nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của người học đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đã được nhiều trường đại học lớn trên thế giới áp dụng. Tháng 3-2018, Trường Đại học Vinh chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế. Năm 2017, Nhà trường được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tháng 11-2017, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng - Trường Đại học Vinh. Đây là Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thứ 5 của cả nước. Tháng 4-2018, Trường Đại học Vinh chính thức trở thành thành viên liên kết của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Năm 2019, Trường có 3 ngành đào tạo: Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật Xây dựng và Ngôn ngữ Anh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Là một trong 8 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của cả nước, Nhà trường đã tham gia có hiệu quả các hoạt động thuộc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Tham gia ban chỉ đạo và trực tiếp biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Với khẩu hiệu hành động "Trường Đại học Vinh - Nơi tạo dựng tương lai cho tuổi trẻ", Trường đã thực hiện tốt công tác học sinh, sinh viên. Việc đánh giá, xếp loại người học được tiến hành nghiêm túc. Việc thực hiện chế độ, chính sách được triển khai kịp thời. Hàng năm Trường cấp 28-30 tỷ đồng học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên... Công tác Đoàn và phong trào thanh niên, công tác Hội và phong trào sinh viên là một trong những điểm sáng của tuổi trẻ cả nước, góp phần xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của sinh viên Trường Vinh: "Bản lĩnh, Trí tuệ, Văn minh, Tình nguyện". Thực hiện tốt công tác phát triển Đảng trong trường học, giai đoạn 2018 - 2023, Đảng ủy Trường đã kết nạp 1.560 quần chúng vào Đảng, trong đó có 105 cán bộ, 1.455 sinh viên, là trường đại học có số lượng quần chúng được kết nạp Đảng lớn nhất trong cả nước. Những năm gần đây, Nhà trường đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trường đã ký kết hơn 60 thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn  và thiết lập mối quan hệ hợp tác với gần 350 cơ quan, doanh nghiệp khác. Tổ chức hơn 80 chương trình hội thảo, hội nghị, diễn đàn tư vấn cho sinh viên. Tìm kiếm, giới thiệu hàng chục điểm thực tập, thực tế chuyên môn, hàng nghìn việc làm cho sinh viên. Tăng cường các chương trình định hướng nghề nghiệp, thực tập sinh, du học và làm việc sau tốt nghiệp tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Singapore, Israel, Australia… cho hàng trăm lượt sinh viên.

Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển các nguồn lực và nâng cao vị thế của Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Giai đoạn 2018 - 2023, cán bộ của Trường đã triển khai 554 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Nhà trường đã tổ chức 49 hội thảo cấp Trường, quốc gia, quốc tế. Cán bộ, giảng viên của Trường công bố 1.886 bài báo trên các tạp chí, trong đó có trên 300 bài báo quốc tế. Trường Đại học Vinh nhiều năm liền được xếp top 10 các cơ sở giáo dục đại học có số bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus. Nhà trường đã tích cực thiết lập các quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu quốc tế ở các quốc gia Ba Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... Mỗi năm có hàng chục lượt cán bộ được cử đi học tập, công tác ở nước ngoài cũng như người nước ngoài đến thăm và làm việc với Nhà trường.

Thực hiện Nghị quyết số 29, hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, được sự đồng ý của Tỉnh ủy Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, Nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc Trường Đại học Vinh. Trong quá trình triển khai có lúc, có nơi cán bộ, đảng viên còn băn khoăn, lo ngại, nhưng với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", Đảng ủy, Ban Thường vụ, Ban Giám hiệu Nhà trường và các cấp ủy đảng, đơn vị, đoàn thể trong toàn Trường đã khai thông thông tin, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện. Nhà trường đã thành lập 6 viện trên cơ sở chia tách, sáp nhập 11 khoa. Nhờ vậy, đã tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học có chuyên môn cùng khối ngành để tăng cường giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu, tăng tính liên thông trong học thuật và sử dụng chung trang thiết bị, cơ sở vật chất. Nhà trường cũng đã thành lập Trường Thực hành Sư phạm, Trung tâm Nghiên cứu và Khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm… Hiện nay, Nhà trường có 13 viện và khoa đào tạo, 24 phòng ban, trung tâm, trạm, hai văn phòng đại diện (giảm 10 đơn vị so với năm 2015). Toàn Trường có 62 bộ môn (giảm 27 bộ môn so với năm 2015).

Sinh thời Bác Hồ đã căn dặn "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Trong bất kì hoàn cảnh nào, Trường luôn thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng và đánh giá cán bộ, viên chức. Với phương châm: "Nuôi dưỡng say mê - Khuyến khích sáng tạo - Tôn trọng khác biệt - Thúc đẩy hợp tác", từ 17 cán bộ giảng dạy và một số cán bộ hành chính đầu tiên, đến nay Trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu với 1.045 cán bộ giảng viên gồm 60 giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp; 280 tiến sĩ, 505 thạc sĩ (tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ đạt 48,5%, cao hơn mức bình quân chung của các cơ sở giáo dục đại học trong nước). Cán bộ, giảng viên của Nhà trường luôn có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, tận tụy vì người học. Tập thể Nhà trường, các đơn vị và cá nhân trong Trường đã được Đảng, Nhà nước trao tặng: Danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2004), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2009, 2014), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1992, 2019), Huân chương Hữu nghị của Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (năm 2009, 2011, 2017, 2019) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thời gian tới, Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục chỉ đạo đổi mới căn bản công tác tổ chức và quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các hoạt động; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Vinh giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Rà soát cơ cấu lại các chương trình đào tạo theo hướng bám sát nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và các địa phương Bắc Trung Bộ. Đổi mới nội dung chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, gắn lý thuyết với thực tiễn, để người học luôn được tiếp cận và làm chủ tri thức mới, có các kỹ năng làm việc toàn cầu, đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên. Phối hợp để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng tham gia vào quá trình đào tạo; nâng cao chất lượng công tác thực hành, thí nghiệm, thực tập nghề nghiệp cho sinh viên, học viên. Thực hiện tốt phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học"; tích cực triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019 để tạo sự đột phá trong tự chủ đại học; phấn đấu thực hiện tốt sứ mạng là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Trường luôn hướng tới sự thành đạt của người học, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, đưa Nghệ An nhanh chóng trở thành tỉnh khá như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.

                                                                               Nguyễn Mạnh Khôi 

                                                               Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy 

Tin cùng chuyên mục

Kết quả công tác dân vận của cấp ủy và chính quyền trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ở Nghệ An

Kết quả công tác dân vận của cấp ủy và chính quyền trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ở Nghệ An


Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết 39-NQ/TW

Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết 39-NQ/TW


Nhiệm vụ trọng tâm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Nghệ An năm 2024

Nhiệm vụ trọng tâm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Nghệ An năm 2024


Nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận năm 2024

Nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận năm 2024


Kết quả 02 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận chính quyền

Kết quả 02 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận chính quyền


Hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh

Hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh


Kết quả phối hợp thực hiện công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào theo tôn giáo

Kết quả phối hợp thực hiện công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào theo tôn giáo


Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023 ở Nghệ An

Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023 ở Nghệ An


Kết quả nổi bật công tác dân vận chính quyền năm 2023 ở Nghệ An

Kết quả nổi bật công tác dân vận chính quyền năm 2023 ở Nghệ An


Làm tốt công tác dân vận chính quyền trong xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Con Cuông

Làm tốt công tác dân vận chính quyền trong xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Con Cuông


Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh thực hiện tốt công tác dân vận

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh thực hiện tốt công tác dân vận


Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh

Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh


Kết quả công tác dân vận năm 2023 ở Nghệ An

Kết quả công tác dân vận năm 2023 ở Nghệ An


Kết quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2023 ở Thị xã Cửa Lò

Kết quả thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2023 ở Thị xã Cửa Lò


Công tác dân vận của lực lượng vũ trang góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền

Công tác dân vận của lực lượng vũ trang góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền