Sáng 9/4, trong chương trình công tác tại Việt Nam, đoàn Đại học Harvard (Mỹ) do Tiến sĩ Anthony Saich - Giáo sư quan hệ quốc tế, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Châu Á thuộc Trung tâm Quản lý nhà nước, Trường Quản lý nhà nước và chính sách công Kennedy (HKS), Đại học Harvard, Chủ nhiệm Dự án "Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá" dẫn đầu đã đến thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn). Tiếp đoàn có đồng chí Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.
Các thành viên đoàn công tác và đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa làm lễ tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Quân |
Tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Di tích Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống thời niên thiếu.
Giáo sư, Tiến sĩ Anthony Saich (Đại học Havard) nghe thuyết minh về Di tích Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Minh Quân |
Dịp này, đoàn trao tặng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên một tập tài liệu bản sao microfilm là sổ ghi chép của một đơn vị quân đội ở chiến trường B3 - Tây Nguyên, trong đó, bày tỏ niềm kính yêu Bác Hồ là biểu tượng, động lực để người lính chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn công tác của Đại học Havard trao tặng bản sao hiện vật, tài liệu cho Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Minh Quân |
Tập ghi chép có những bài thơ dâng tặng ngày sinh của Bác. Đây thực sự là tập tài liệu quý giá thể hiện tình yêu, lòng tôn kính của nhân dân đối với Bác. Tài liệu được chụp qua microfilm và được thẩm định bởi các chuyên gia nghiên cứu của Đại học Harvard.
Trao đổi về những nội dung ý nghĩa của hiện vật, tài liệu. Ảnh: Minh Quân |
Bài thơ "Lá thư gửi Bác" viết dâng tặng sinh nhật Bác Hồ - bài thơ nổi bật trong sổ ghi chép của một đơn vị quân đội ở chiến trường Tây Nguyên. Ảnh: Minh Quân |
Trước đó, tại Hà Nội, đoàn Đại học Havard đã gặp gỡ với Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ để thúc đẩy sự hợp tác, trong đó có Dự án “Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá” nhằm giúp chính phủ và nhân dân Việt Nam xác định danh tính và tìm hài cốt liệt sĩ dựa vào các nguồn tư liệu lịch sử của Mỹ, trong đó có hàng triệu tài liệu của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam bị phía Mỹ thu giữ trên chiến trường.
Dự án này được tiến hành trên cơ sở Bản ghi nhớ của hai chính phủ Việt Nam và Mỹ thực hiện "Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh" được ký kết tháng 7/2021.
Chiều 9/4, đoàn dự kiến trao tặng một bản sao microfilm nhật ký của một người lính, trong đó có những trang phân tích Truyện Kiều cho Bảo tàng Nguyễn Du; gặp bà Nguyễn Thị Kim Lai ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nhân vật trong tấm ảnh “O du kích nhỏ giương cao súng…”. Sáng 10/4, đoàn sẽ đến thăm Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Nguồn: BNA