Từ nhận thức sâu sắc rằng, "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước", Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ - những người mang trong mình bầu nhiệt huyết, sức sống tràn trề, năng lực sáng tạo... đối với sự trường tồn của đất nước.
Vì vậy, xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng và hành động, Hồ Chí Minh không chỉ cuốn hút họ bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết cách mạng của mình mà còn kêu gọi, đánh thức, giác ngộ và cổ vũ họ tham gia cách mạng: chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sẵn sàng giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để họ được học tập, lao động, cống hiến...
Năm 1924, khi đã trở thành chiến sĩ cộng sản nổi tiếng với những hoạt động xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã về Quảng Châu (Trung Quốc) theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, Người đã gặp những người yêu nước Việt Nam trong nhóm thanh niên “Tâm tâm xã”. Bằng lý luận sắc bén và kinh nghiệm phong phú, tác phong cởi mở, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tạo niềm tin mạnh mẽ cho một số thanh niên và đưa họ dần đến với chân lý cách mạng: “Muốn đưa cách mạng thắng lợi, phải dựa vào quần chúng nhân dân, nông dân; đồng thời phải có một Đảng tiên phong theo chủ nghĩa Mác - Lênin lãnh đạo”.
Trong số những người Việt Nam xuất dương tìm đường cứu nước đầu thế kỷ XX thì Nguyễn Ái Quốc là người duy nhất có hướng đi độc đáo và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Năm 1924, Người trở về Quảng Châu, Trung Quốc tích cực chuẩn bị cho mọi điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Quảng Châu, tháng 6/1925, Người thành lập “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, ra tờ báo “Thanh niên”, mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ để tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin, lập tổ chức “Thanh niên cộng sản đoàn” đưa 9 thanh niên ưu tú vào tổ chức để bồi dưỡng. Đó là:
- Lê Hồng Sơn (tức Lê Văn Phan), quê Nam Đàn, Nghệ An.
- Lê Hồng Phong (tức Lê Huy Doãn), quê Hưng Nguyên, Nghệ An.
- Hồ Tùng Mậu (tức Hồ Bá Cự), quê Quỳnh Lưu, Nghệ An.
- Lê Quảng Đạt (tức Lê Doạt), quê Nam Đàn, Nghệ An.
- Vương Thúc Oánh, quê Nam Đàn, Nghệ An.
- Trương Vân Lĩnh (tức Lệnh), quê Nghi Lộc, Nghệ An.
- Lưu Quốc Long (tức Quý), quê Thanh Chương, Nghệ An.
- Lý Quý (tức Trần Phú), quê Đức Thọ, Hà Tĩnh.
- Lâm Đức Thụ (tức Nguyễn Chí Viễn), quê Kiến Xương, Thái Bình.
Trong số này, Người đã kết nạp 5 đảng viên cộng sản dự bị, trong đó có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong.
Con đường truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào giai cấp công nhân mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc thực hiện lúc đó là dựa vào thanh niên và qua đó lớp thanh niên được giác ngộ về giai cấp và dân tộc. Họ là lớp người trẻ tuổi có lòng yêu nước, căm thù giặc, hăng hái tham gia cách mạng, nhạy cảm với cái mới và có học thức. Nguyễn Ái Quốc tổ chức một nhóm bí mật, có chương trình và điều lệ của nhóm. Tất cả phải đọc lời thề tuân theo chương trình điều lệ và suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng. Đây là một tổ chức cách mạng kiểu mới tổ chức rất chặt chẽ và kỷ luật nghiêm minh. Việc ra đời của nhóm đoàn viên thanh niên cộng sản Việt Nam là một sự kiện đặc biệt quan trọng mở đầu quá trình hình thành và phát triển của tổ chức thanh niên cách mạng theo xu hướng cộng sản chủ nghĩa cũng như sự ra đời của Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương sau này.
Để làm hạt nhân cho Đoàn thanh niên cộng sản sau này, Hội đã chọn một số em gái và em trai, con Việt kiều ở Xiêm đưa đến Quảng Châu để giới thiệu các em vào Trưởng Tiểu học (thuộc trường Đại học Tôn Trung Sơn). Đồng chí Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh) nhận các em là họ hàng thân thích, đổi thành họ Lý; đồng thời trực tiếp dạy dỗ 8 thiếu niên Việt Nam:
1. Lý Tự Trọng (Lê Văn Trọng).
2. Lý Văn Minh (Đinh Chương Long).
3. Lý Thúc Chất (Vương Thúc Toại).
4. Lý Anh Tạo (Hoàng Tạo).
5. Lý Nam Thanh (Nguyễn Sinh Thản).
6. Lý Chính Thông (Hồng Sơn).
7. Lý Phương Thuận (Nguyễn Thị Tích).
8. Lý Phương Đức (Nguyễn Thị Đức).
Người cũng gửi thư cho Ủy ban Trung ương thiếu nhi Liên Xô và đại diện đoàn thanh niên cộng sản Pháp tại Quốc tế thanh niên cộng sản (7- 1926) đề nghị giúp đỡ các em sang Liên Xô học tập, "để trở thành những thanh niên lêninnít tí hon chân chính”.
Sau khi huấn luyện cán bộ, Người đã đưa họ về nước hoạt động trong phong trào cách mạng nước ta lúc bấy giờ. Nhờ vậy, vào những năm từ 1925 đến đầu năm 1930, các tổ chức tiền thân của Đảng ra đời, Nghệ An đã có cơ sở cách mạng rộng khắp, trở thành địa bàn hoạt động của Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, Đông Dương Cộng sản Đảng, Tân Việt cách mạng Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
Tháng 6/1929, hai chi bộ Đoàn thanh niên cộng sản được thành lập ở Hải Phòng trong phong trào đấu tranh rộng lớn của quần chúng. Khoảng tháng 10/1929, một nhóm đoàn viên thanh niên cộng sản ở các địa phương Nghệ Tĩnh được hình thành do các đảng viên Đông Dương cộng sản Đảng trực tiếp chỉ đạo. Đến năm 1930, những nhóm này đã nhanh chóng trở thành các chi bộ Đoàn.
Như vậy, cùng với sự ra đời của các tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản mà tiền thân là Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí, từ cuối năm 1929, trên đất nước ta đã hình thành những cộng sản Đoàn đầu tiên. Đó là các chi bộ Đoàn và các nhóm đoàn viên hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, do các đảng viên trực tiếp phụ trách.
Do điều kiện lịch sử lúc đó, tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản không thể hình thành ngay cùng một lúc từ Trung ương đến cơ sở, mà trên thực tế quá trình này được thai nghén từ cơ sở đến địa phương cấp tỉnh rồi mới hình thành tổ chức Đoàn ở Trung ương. Quá trình đó được xác lập bởi sự giáo dục, dìu dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Vấn đề thành lập đoàn thanh niên cộng sản đã được khẳng định trong hai văn kiện trọng yếu của hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 2/1930. Một là “Điều lệ vắn tắt củ Đảng Cộng sản Đông Dương”. Trong đó có ghi rõ: “Người dưới 27 tuổi phải vào thanh niên cộng sản đoàn”. Hai là “Điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản”.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, tháng 10/1930, trong “Án nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng”, phần nói thêm về thanh niên cộng sản Đoàn đã ghi rõ: “... Đảng phải thi hành ngay án nghị quyết của Quốc tế thanh niên cộng sản, phái ra một đồng chí trẻ tuổi phụ trách thanh niên cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tính chất độc lập...”. Tiếp sau các văn kiện quan trọng về xây dựng tổ chức Đoàn được nêu ra trong Hội nghị thành lập Đảng tháng 3/1931 tại Sài Gòn đã giành thời gian để bàn về công tác xây dựng Đoàn. Hội nghị đã nghiên cứu bức thư của Ban Chấp hành Quốc tế thanh niên Cộng sản gửi cho Đảng ta, kiểm điểm về thực hiện: “Án nghị quyết về cộng sản thanh niên vận động” của hội nghị Trung ương lần thứ nhất và đề ra nhiệm vụ “Cần kíp tổ chức ra thanh niên cộng sản Đoàn”. Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ II về công tác thanh niên đã chỉ rõ: “... lập tức các Đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức ra Đoàn, đốc xuất cho chi bộ tổ chức cơ quan báo cáo về việc vận động của Đoàn và phải chỉ đạo các chi bộ mới thành lập cả Đoàn bắt đầu hoạt động trong quần chúng thanh niên, đem những khẩu hiệu của thanh niên mà hiệu triệu quần chúng...”.
Do tính chất toàn diện, đầy đủ và triệt để của công tác thanh niên, từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn.
Trước sự phát triển lớn mạnh của Đoàn trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở nước ta xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở.
Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với cách mạng nước ta; đồng thời, phản ánh công lao trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính yêu - Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn. Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ III họp từ ngày 22 - 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối cùng của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng đối với công tác vận động thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn. Từ đó, ngày 26/3 trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đoàn thanh niên và thế hệ trẻ Việt Nam.
Xác định rõ vị trí của thanh niên trong tiến trình lịch sử xã hội và khẳng định vai trò của đoàn viên, thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Người cho rằng muốn vận động nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc thì trước hết cần giác ngộ thanh niên, học sinh, sinh viên. Nếu học sinh, sinh viên không được giác ngộ, không đủ nghị lực, không có sức sống thì dân tộc có nguy cơ diệt vong. Trong tác phẩm “Gửi thanh niên Việt Nam” (năm 1925), Bác đã viết: “... Hỡi Đông Dương đáng thương, ngươi sẽ chết mất nếu thanh niên già cỗi của ngươi không sớm hồi sinh”. Người đã phân tích rõ những âm mưu và thủ đoạn lừa bịp, mê hoặc cùng việc lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm sống trong thanh niên của bọn đế quốc và phong kiến các nước thuộc địa. Người đã nêu ra một luận điểm nổi tiếng là muốn hồi sih cả dân tộc, trước hết phải hồi sinh thanh niên. Bác khẳng định ưu điểm, đồng thời vạch rõ những nhược điểm và đề ra những vấn đề cần làm đối với thanh niên để đưa thanh niên vào phong trào cách mạng vô sản trong những năm 30 của thế kỷ XX.
Và chính Người đã sáng lập, tổ chức, xây dựng và phát triển Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Bác căn dặn đoàn viên chúng ta “Huy hiệu của thanh niên là tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên, ý nghĩa của nó là thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, đồng thời phải vui vẻ hoạt bát. Bác mong rằng toàn thể các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy”.
Theo Người, vận mệnh của quốc gia, dân tộc thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên - những người có trách nhiệm thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà các thế hệ cha anh đã chuyển giao vào tay mình. Do đó, nhất định thanh niên phải trở thành một lực lượng to lớn, vững chắc; phải là những người không chỉ gánh vác mà còn phải vượt lên những gì thế hệ trước mong muốn nhưng chưa thực hiện được do những hạn chế, những điều kiện lịch sử quy định...
Thấm nhuần và thực hiện những chỉ dẫn của Người, lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam đã nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu xứng đáng với niềm tin yêu, sự khen ngợi và kỳ vọng của cha anh. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, thế hệ trẻ Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp cách mạng; là nòng cốt, đội hậu bị xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. thế hệ trẻ Việt Nam - thế hệ nọ tiếp nối thế hệ kia, tre già măng mọc trưởng thành từ những Đội Cứu quốc, Tổng hội sinh viên, Hội truyền quốc ngữ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Đoàn quân Nam tiến đến phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "Năm xung phong".... đã góp sức mình vào chiến thắng chung của dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tiếp bước cha anh, thế hệ trẻ nước nhà hôm nay đã và đang tích cực “xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc. Những tấm gương điển hình tiên tiến xung kích, đi đầu trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế đã tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của thế hệ trẻ. Trên cơ sở quán triệt quan điểm “xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước”, các tổ chức cơ sở đoàn đã phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, sinh viên trong thi đua thực hiện các nghị quyết của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thông qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thế hệ trẻ trải nghiệm, tự rèn luyện mình, trưởng thành, phấn đấu, bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn./.
Nguyễn Thị Hồng Vui
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.