1. Sự tích luỹ nguồn lực văn hoá ở Hồ Chí Minh
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, thuở nhỏ đã hấp thụ các giá trị của nền văn hiến, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc và tinh hoa văn hoá phương Đông, sau này người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đồng thời có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu tư tưởng văn hoá phương Tây. Người nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”.
Với ý chí và hoài bão lớn lao, mẫn cảm với cái mới, Hồ Chí Minh không đi theo con đường của các bậc tiền bối mà muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao để học hỏi cứu giúp đồng bào, giải phóng dân tộc. Hành trang tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh có nền tảng quan trọng là tri thức văn hoá Đông - Tây và lòng yêu nước nhiệt thành.
Trên hành trình vừa kiếm sống vừa quan sát, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia phong trào công nhân, đồng thời tìm hiểu kỹ hơn văn hoá Pháp và văn hoá phương Tây. Người đã đọc nhiều đầu báo, nghiên cứu nhiều tác phẩm của các nhà tư tưởng, các nhà nghiên cứu kinh tế học phương Tây; vừa học tập vừa viết báo, viết kịch, tiếp xúc làm quen với nhiều trí thức, chính khách, nghệ sỹ để làm phong phú thêm trí tuệ của mình.
Quá trình tích lũy các nguồn lực văn hoá, trí tuệ đã đưa Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, đưa sự nghiệp hoạt động chính trị của Người mang giá trị phổ quát toàn nhân loại. Vì thế, năm 1924, hoạ sĩ Thuỵ Điển Êrích Giôhanxơn đã viết: “Cử chỉ văn hoá và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người”. Nhà báo Xô viết Ôxip Manđenxtam nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”.
2. Văn hoá và sự lựa chọn mục tiêu, lý tưởng
Từ hạt nhân văn hoá truyền thống, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Sau khi nghiên cứu Sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa và trở thành chiến sĩ quốc tế, với tri thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc khẳng định con đường cứu nước duy nhất đúng đắn là con đường cách mạng vô sản. Có được thái độ dứt khoát ấy là nhờ từ vốn văn hoá truyền thống phong phú. Nó đóng vai trò như màng lọc tự nhiên, như cơ sở thẩm định tính đúng đắn các học thuyết cách mạng: “Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình” và “Sau khi đã giải phóng nước Nga, còn muốn giải phóng tất cả các dân tộc khác nữa”.
Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa cộng sản còn do sự tương đồng giữa lý tưởng cách mạng với tư tưởng chính trị - xã hội phương Đông. Chính sự tương đồng trong tư tưởng “đại đồng” và truyền thống xã hội cộng đồng đã khiến chủ nghĩa Mác “thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu”. Văn hoá phương Đông chính là nền tảng để Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận những tri thức mới của học thuyết Mác - Lênin. Tuy nhiên, điểm hội tụ cốt lõi giữa sự nghiệp hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh với lý tưởng cộng sản là từ mục đích giải phóng con người, là sự thống nhất giữa văn hoá - con người - phát triển. Chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, còn Hồ Chí Minh chủ trương “xây dựng một triết lý nhân văn hành động giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người”. Trên cơ sở tiếp thu sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã suy nghĩ về “Ý nghĩa của văn hoá: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng”. Hồ Chí Minh đã thấy văn hoá là cơ chế tổng hợp để hình thành và phát triển con người - xã hội, sự lựa chọn lý tưởng, mục tiêu chính trị của Người là kết quả của quá trình tích luỹ văn hoá từ tri thức, kinh nghiệm kết hợp với truyền thống dân tộc và các giá trị tinh thần nhân đạo phổ quát để ứng xử trước tình thế cách mạng dân tộc và thời đại.
3. Văn hoá với vấn đề tập hợp lực lượng và phát huy các nguồn lực phục vụ cách mạng
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vấn đề tổ chức lực lượng là vấn đề cốt lõi của mọi cuộc cách mạng. Nhận thức rõ điều đó, từ năm 1923, khi còn ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải làm gì? ... Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”. Hồ Chí Minh cho rằng, thức tỉnh quần chúng là nhiệm vụ có tính tiên quyết. Người đã hoạt động không mệt mỏi trong lĩnh vực tuyên truyền cách mạng ngay từ những ngày đầu bước vào con đường cứu dân, cứu nước. Trong đó, văn hoá, văn nghệ là công cụ được Hồ Chí Minh sử dụng một cách thường xuyên. Người kêu gọi “văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”, phải “xúc tiến công tác văn hoá để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc’’.
Cùng với những yêu cầu về trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh yếu tố đạo đức trong xây dựng con người cách mạng. Đề cao nhân tố đạo đức trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên làm cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất độc lập, là hoà bình ấm no”.
Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ về chức năng và vai trò của người trí thức chân chính gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng đồng bào. Là một nhà hoạt động chính trị thực tiễn mang tầm vóc văn hoá lớn, Hồ Chí Minh luôn thấy được sự bức thiết của việc tìm kiếm và sử dụng nhân tài. Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh đã có hai bài viết: “Nhân tài và kiến quốc” (14-11-1945) và “Tìm người tài đức” (20-11-1946) có thể xem như Chiếu cầu hiền của thời đại mới. Người xác định: “Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân…”.
Với tinh thần đại đoàn kết toàn dân, hướng tới lợi ích chung của dân tộc, Hồ Chí Minh đã phát hiện, thu hút, cảm hoá, đào tạo được nhiều nhân tài, đưa họ vào hàng ngũ cách mạng, phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Tiêu biểu như các nhân sĩ trí thức Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hoè, Nguyễn Văn Tố; các nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hồ Đắc Di v.v..
Cách dùng người của Hồ Chí Minh xuất phát từ quan niệm hiện đại và nhân văn về con người, tập hợp một cách rộng rãi hiền tài, không giới hạn “người trong Đảng” hay “người ngoài Đảng”. Đó là trí tuệ, bản lĩnh của một vị lãnh tụ chiến lược, là tinh thần khoan dung, nhân ái của một nhà văn hoá lớn, tất cả đều hướng tới lợi ích của nhân dân và dân tộc. Nhà trí thức yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã nói: “Chí thành năng động, tấm lòng thành của cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi”.
4. Nhân cách văn hoá chính trị Hồ Chí Minh
Nhân cách nhà chính trị Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài năng chính trị với đạo đức, phong cách và năng lực sáng tạo văn hóa. Người là nhà chính trị, nhà hoạt động cách mạng, đồng thời là biểu tượng của lòng khoan dung, nhân ái, của việc thực hành lối sống và nhân cách văn hoá.
Mục tiêu, lý tưởng chính trị Hồ Chí Minh là hết sức cao quý: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đồng thời, có sự thống nhất cao độ về tính nhân văn giữa lý tưởng, mục đích chính trị và các phương pháp, phương tiện đạt đến mục đích đó. Cả cuộc đời Người đã sống hết mình vì tôn chỉ, mục đích đó với tất cả nghị lực phi thường được sinh ra từ tâm hồn, trí tuệ, niềm tin không gì lay chuyển đối với chân lý, cùng với sự mẫn cảm đối với cuộc sống của nhân dân và tương lai của dân tộc.
Hồ Chí Minh nêu tấm gương về sự khoan dung và yêu chuộng hoà bình. Phương pháp Hồ Chí Minh là phương pháp cảm hoá, thuyết phục, thu phục con người ở mọi đối tượng, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân. Ở nhân cách Hồ Chí Minh toát lên sự thanh cao, giản dị, không bị ham muốn vật chất làm vẩn đục tâm hồn, không để chiến tranh ảnh hưởng đến tinh thần nhân văn, lạc quan. Đó là cốt cách của một lãnh tụ chính trị thời đại mới nhưng lại mang dáng dấp của một nhà hiền triết phương Đông.
Nhân cách văn hoá chính trị Hồ Chí Minh, con người, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động chính trị Hồ Chí Minh là một chỉnh thể kết tinh những gì ưu tú, tốt đẹp nhất của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm của con người và bản sắc văn hoá Việt Nam./.
Trần Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Lâm Quốc Tuấn - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.