Banner Ban tuyên giáo sub-site-1

Học tập đồng chí Phùng Chí Kiên những phẩm chất cách mạng đáng quý

​Đồng chí Phùng Chí Kiên là một nhà chính trị kiên định, vững vàng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ quân sự xuất sắc của Đảng.

Đồng chí đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đã góp phần quan trọng vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng thời kỳ đầu cách mạng.

Đồng chí Phùng Chí Kiên có tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, trong quá trìnhhoạt động cách mạng, đồng chí còn mang nhiều tên khác, như Mạnh Văn Liễu, Nguyễn Hào, Như Bách, Can (hoặc Kan), Phùng Nguôn Bình, Mã Hữu Giác, Lý, Phùng... Đồng chí sinh năm 1901 trong một gia đình nông dân làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, triều đình phong kiến nhà Nguyễn ở vào giai đoạn suy vong, tận mắt chứng kiến bao nỗi đau thương của quê hương, đất nước, anh thanh niên Nguyễn Vĩ đã sớm giác ngộ và đi theo con đường cách mạng vô sản để cứu nước, cứu dân.

Nhiều năm được sống và hoạt động bên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người tin tưởng, dìu dắt, đồng chí Phùng Chí Kiên chịu ảnh hưởng rất lớn về tư tưởng, phẩm chất cách mạng của Người. Những phẩm chất cách mạng tiêu biểu được thể hiện trong quá trình hoạt động của đồng chí Phùng Chí Kiên.

Thứ nhất, ở bất cứ cương vị nào, hoàn cảnh nào, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ cộng sản.

Từ một công nhân làm thuê ở ga tàu Yên Lý cho đến các nhiệm vụ chủ chốt của Đảng như: Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I), phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, phụ trách công tác quân sự của Đảng; Tổng chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai; Chỉ hy trưởng Đội Cứu quân 1; là học viên xuất sắc Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Đại học Phương Đông... Trong hoàn cảnh khó khăn của cách mạng, lúc hoạt động bí mật, lúc công khai, hoạt động độc lập nhưng với ý thức của người cộng sản, đồng chí luôn trăn trở việc gì có lợi cho cách mạng thì làm, tìm mọi cách để hoàn thành xuât sắc nhiệm vụ. Đặc biệt sau giai đoạn 1930 - 1931, phong trào cách mạng Việt Nam bị đàn áp, khủng bố rất dã man, nhiều đảng viên chủ chốt bị giặc Pháp bắt tử hình hoặc bị cầm tù, một số cơ sở, tổ chức Đảng trong nước bị phá vỡ. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách lúc này là củng cố uy tín của cách mạng Việt Nam tại phong trào cộng sản quốc tế đồng thời bắt mối liên lạc với những người cộng sản trong nước, khôi phục, củng cố và xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đồng chí Phùng Chí Kiên vừa tích cực học tiếng nước ngoài (tiếng Trung, tiếng Nga) vừa tích cực hoạt động với những người cộng sản quốc tế, tham gia khởi nghĩa ở Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Đồng chí đã cùng với đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập trực tiếp nghiên cứu, biên soạn dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ nhất tổ chức ở Ma Cao (Trung Quốc). Đồng chí đã có vai trò to lớn, cùng với Trung ương Đảng củng cố tổ chức, đưa phong trào cách mạng phát triển rộng khắp, chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi.

Thứ hai, nhạy cảm, sắc sảo về chính trị, quân sự, ngoại giao

Với tư chất thông minh, có chí khí cách mạng, có khả năng nắm bắt và nhận định thời cuộc, được sự dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập,Nguyễn Vĩsớm trở thành nhà hoạt động cách mạng tài năng. Trong những năm học tại Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Đại học Phương Đông, đồng chí say sưa, tận dụng mọi thời gian nghiên cứu những tác phẩm về nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê nin, về phương pháp tổ chức quần chúng, tổ chức khởi nghĩa vũ trang, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và phong trào cộng sản quốc tế, tiếp xúc với những người cộng sản Liên Xô, tìm hiểu thực tiễn, tổ chức chính quyền Xô viết. Khi về nước, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phân công phụ trách huấn luyện chính trị cho lớp đào tạo cán bộ chủ chốt địa phương, đồng chí đã cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng vừa giảng dạy, vừa biên soạn tài liệu. Những bài giảng đó đã được tập hợp thành tác phẩm “Con đường giải phóng”, một tài liệu có giá trị cả về phương pháp luận và thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam

Cuối năm 1941, nhằm bao vây và tiêu diệt căn cứ địa cách mạng, thực dân Pháp huy động hàng nghìn quân, liên tục mở các trận lớn ở Bắc Kạn, Võ Nhai, cơ sở bí mật của ta bị uy hiếp nghiêm trọng. Trước tình thế hiểm nghèo, đồng chí Phùng Chí Kiên đã đề xuất với Trung ương tổ chức một bộ phận trung đội Cứu quốc quân vừa đánh địch, vừa bảo vệ các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng về xuôi an toàn, bộ phận còn lại do đồng chí chỉ huy ở lại tổ chức lực lượng chống càn, tiêu diệt địch, bảo vệ nhân dân và khu căn cứ cách mạng, góp phần làm thất bại thủ đoạn “tát nước bắt cá” của thực dân Pháp.

Thứ ba, suốt đời hy sinh phấn đấu vì lợi ích của Đảng, của nhân dân

Tận mắt chứng kiến bao nỗi đau thương của quê hương, đất nước, Nguyễn Vĩ sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên đã giành trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Những năm học tập, hoạt động ở nước ngoài (từ tháng 10/1926 dến tháng 7/1936 và từ tháng 12/1937 đến tháng 12/1940),hoặc lúc sa vào ngục tù đế quốc (1931 và từ tháng 10/12/1937) cũng như khi trở về Tổ quốc chỉ đạo và trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu chống thực dân phong kiến (tháng 8/1936 đến tháng 9/1937 và 1941), dù ở đâu, lúc nào, đồng chí cũng luôn nêu cao ý chí cách mạng kiên cường, bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó.

Trên mặt trận chính trị - tư tưởng, đồng chí là một người cộng sản kiên cường, hai lần được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1935, 1941) ở vào những thời điểm quan trọng của cách mạng Việt Nam. Năm 1935, trên cương vị là thành viên Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, đồng chí đã tích cực tham gia chuẩn bị dự thảo các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ nhất (3/1935), góp phần khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng và thúc đẩy phong trào cách mạng nước ta tiến lên một giai đoạn mới. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941), đồng chí góp nhiều ý kiến quan trọng vào các nội dung của dự thảo Nghị quyết, nhất là về chủ trương xúc tiến chuẩn bị điều kiện cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, góp phần vào sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.

Trên lĩnh vực quân sự, đồng chí là vị chỉ huy gan dạ và tài ba, một nhà quân sự xuất sắc, giỏi cả về lý luận và thực tiễn. Vận dụng những kiến thức quân sự được học tại Trường Quân sự Hoàng Phố, tại cuộc khởi nghĩa Quảng Châu (12/12/1927), đồng chí được giao làm Đại đội trưởng một đơn vị quân cách mạng, tổ chức, chỉ huy chiến đấu, bẻ gãy nhiều cuộc tiến công của bọn quân phiệt, góp phần bảo vệ khu Xô-viết Hải - Lục Phong. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941), đồng chí được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 1(một trong những tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay) để bảo vệ đoàn cán bộ đi dự Hội nghị Trung ương 8 về xuôi an toàn và cuối cùng đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu không cân sức để phá vòng vây của địch.

Thứ tư, có tinh thần lạc quan cách mạng, không khuất phục trước kẻ thù, sống anh dũng, chết vẻ vang

Từ trong đêm trường cách mạng, Phùng Chí Kiên vẫn thấy thắng lợi ở ngày mai, phong trào cách mạng nhất định giành thắng lợi, nếu biết tổ chức quần chúng đấu tranh theo phương pháp cách mạng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tư duy ấy được đồng chí gửi gắm, thể hiện trong tác phẩm “Con đường giải phóng”. Niềm tin ấy đã thôi thúc đồng chí vượt qua mọi khó khăn gian khổ, không sợ hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ cộng sản. Khi bị địch bắt, tra tấn dã man, vẫn giữ vững khí tiết, lạc quan cách mạng “Chúng tôi là người yêu nước, đi đánh Pháp, đuổi Nhật giải phóng đồng bào, chúng ta là người Việt Nam cần phải đoàn kết chống kẻ thù chung”. Niềm kiêu hãnh ấy đã làm lung lạc tinh thần của kẻ thù.

Thứ năm, say mê học tập, không ngừng rèn luyện về mọi mặt

Không có tri thức cách mạng thì không thể hoạt động cách mạng có hiệu quả, vì thế, đồng chí đã tranh thủ mọi điều kiện, mọi lúc, mọi nơi để học, như: tích cực tham gia nhóm đọc sách báo tiến bộ, học thêm chữ Hán, chữ Pháp... Trong thời gian học tập ở Trường Quân sự Hoàng Phố, đồng chí đã tận dụng tất cả thời gian để học tập, học lý thuyết và thực hành, học trên lớp và rèn luyện ở thao trường...

Với tinh thần học để phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong những năm học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng chí tranh thủ ngày đêm học lý luận cách mạng, học nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, xây dựng quân đội... Kết hợp học lý luận với rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí đã trang bị cho mình một hệ thống tri thức cơ bản, toàn diện cả về chính trị và quân sự, giỏi tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Pháp và biết cả tiếng Quảng Đông... Nhờ đó, đồng chí có đủ năng lực và trí tuệ đóng góp với Đảng những vấn đề chiến lược, sách lược và cùng với Đảng giải quyết thành công nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn cách mạng.

Ý chí phấn đấu của đồng chí là một tấm gương sáng về tinh thần say mê, khổ công học tập, không ngừng vươn lên chiếm lĩnh những tầm cao tri thức.

 Thứ sáu, luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm

Trong quá trình hoạt động, đồng chí Phùng Chí Kiên thường được Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao các trọng trách: phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài, hoạt động ở Trung Quốc, Liên Xô, hoạt động có tính độc lập cao ở các tổ chức bí mật, tổ chức huấn luyện, xây dựng lực lượng, căn cứ cách mạng. Đồng chí Phùng Chí Kiên rất cẩn trọng, chấp hành tốt sự phân công của tổ chức. Khi được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ phụ trách bộ phận công tác Đảng ở ngoài nước để giữ vững mối liên lạc và tranh thủ sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và các đảng bạn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đồng chí luôn giữ vững nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản.

Về nước hoạt động, đồng chí tham gia viết tài liệu, mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ quân sự, cán bộ chính trị... theo sự phân công chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí làm cẩn thận, chu đáo và với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Những điều đó thể hiện ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm rất cao của đồng chí Phùng Chí Kiên.

Thứ bảy, tác phong gương mẫu trong công tác và lối sống, được mọi người yêu quý.

Sớm được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giáo dục và được học qua nhiều trường lớp ở nước ngoài, đồng chí Phùng Chí Kiên có tác phong làm việc khoa học, sâu sát, luôn bám sát thực tiễn, bám sát phong trào cách mạng. Trong công tác, đồng chí rất nhiệt tình, năng nổ, hết lòng vì nhiệm vụ; luôn đề cao tình đoàn kết, kỷ luật, nhanh chóng tiếp cận, bắt mối liên lạc giữa những người cộng sản trong nước với những người cộng sản quốc tế.

Trong cuộc sống, đồng chí rất giản dị, tôn trọng, gần gũi mọi người và được nhân dân đùm bọc, che chở, đồng chí, đồng đội tin yêu, quý mến, giúp đỡ. Bởi vậy, suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở đâu, đến đâu, hay trên cương vị công tác nào, đồng chí cũng nhận được tình cảm yếu mến, quý trọng, sự giúp đỡ vô tư của đồng chí, đồng bào và đồng chí cũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Đặc biệt, đồng chí còn là tấm gương sáng về lối sống cần kiệm. Hoạt động trong Ban lãnh dạo của Đảng ở nước ngoài, nhưng đồng chí sống rất giản dị. Do điều kiện khó khăn, đồng chí đã sử nhà ở của mình làm trụ sở cơ quan và cũng là chỗ làm việc của Tòa soạn báo Đồng Thanh - do đồng chí phụ trách. Khi về Pắc Bó xây dựng căn cứ cách mạng (1941), Phùng Chí Kiên cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng được sống và làm việc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi với mọi người vì việc nước, sống chân thành và giản dị. Vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, kiên trung, bất khuất của đồng chí Phùng Chí Kiên trở thành một trong những di sản vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam, của quê hương Nghệ An. Tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên sẽ mãi được lưu danh cùng muôn đời hậu thế, với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, nhân dân ta.

Nguyễn Thị Hồng Vui 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội


Chuẩn bị đón Đoàn cấp cao tỉnh U-li-a-nốp đến thăm và làm việc tại Nghệ An và kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lê-nin

Chuẩn bị đón Đoàn cấp cao tỉnh U-li-a-nốp đến thăm và làm việc tại Nghệ An và kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lê-nin


Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ


Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới

Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới


Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em


Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)

Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)


Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới

Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới


Trọn niềm tin với Đảng

Trọn niềm tin với Đảng


Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam


Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024


Giới thiệu “Tài liệu Hỏi - đáp Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”

Giới thiệu “Tài liệu Hỏi - đáp Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”


Chào năm mới 2024, Nghệ An vững tin vào giai đoạn phát triển mới!

Chào năm mới 2024, Nghệ An vững tin vào giai đoạn phát triển mới!


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng


Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước