Banner Ban tuyên giáo sub-site-1

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong suốt 94 năm.

Ngày 3/2/1930 mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ mốc son ấy, cả dân tộc đoàn kết, bền lòng phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng lập nên những kỳ tích vang dội trong 94 năm qua đã chứng minh kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối đúng đắn sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và ánh sáng của Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nghĩ ngay đến việc phải thành lập một Đảng Cộng sản ở Việt Nam theo học thuyết đảng kiểu mới của Lênin. Tuy nhiên, Người là nhà yêu nước cách mạng có tư tưởng cách tân từ rất sớm, luôn thường trực tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Người đã sớm nắm bắt tinh thần của Lênin, vận dụng và phát triển sáng tạo vào hoàn cảnh một nước thuộc địa để sáng lập một Đảng Cộng sản mang bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn theo Học thuyết Mác - Lênin, đồng thời mang bản sắc Việt Nam, được nhân dân ta gọi một cách thân thiết là Đảng ta.

Sự kiện Đảng ta ra đời đầu năm 1930 có đặc điểm riêng không giống sự ra đời của các đảng cộng sản ở phương Tây nơi có giai cấp công nhân phát triển. Đặc điểm đó chính là có thêm một yếu tố mới là dân tộc trong “:bộ ba” nhân tố cấu thành Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam. Phong trào yêu nước là thành tố đặc trưng nói lên chỗ dựa, niềm tin, sức mạnh, đồng thời khẳng định trách nhiệm của Đảng đối với dân tộc. Đặc điểm đó cho thấy, Đảng ta ra đời từ cội nguồn dân tộc, ăn sâu bén rễ trong lòng dân tộc. mối quan hệ giữa Đảng ta với dân tộc bắt đầu từ đó, từ những ngày đầu sinh thành của mình. Rồi tiếp đó, Đảng “đồng hành” cùng dân tộc, lãnh đạo dân tộc, nhưng chính dân tộc lại nuôi dưỡng Đảng ta.

Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Tính chất giai cấp công nhân của Đảng được thể hiện cụ thể trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng phải được tổ chức chặt chẽ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phải đoàn kết thống nhất, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển và phải có kỷ luật nghiêm minh. Đó là nguyên lý cơ bản của học thuyết Lênin về xây dựng Đảng được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo trong việc sáng lập Đảng ta. Người đã khẳng định vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng Đảng là phải theo chủ nghĩa Mác - Lênin rằng: “Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bấy giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Song theo người lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt” nhưng không nên giáo điều, rập khuôn, mà phải hiểu được bản chất cách mạng và khoa học của nó, phải tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể nước mình, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn.

Trong điều kiện Việt Nam và các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh cho rằng, tính chất Đảng Cộng sản không chỉ ở thành phần xuất thân từ công nhân hết thảy, mà là ý thức tư tưởng, chính trị và đường lối Mác - Lênin. Vì thế, Người kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong việc sáng lập Đảng Cộng sàn Việt Nam. Đảng Cộng sản ra đời là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Nếu chỉ bản thân phong trào công nhân thì không thể dẫn tới việc thành lập đảng, mà “chỉ đi đến ý thức công liên chủ nghĩa”. Là một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam chưa có đủ những tiền đề cơ bản cho một Đảng Cộng sản ra đời như ở Nga và các nước khác. Hồ Chí Minh đã sáng tạo, kết hợp tính dân tộc và tính giai cấp để thành lập Đảng. Nhân tố dân tộc là chủ nghĩa yêu nước, nhân tố giai cấp là chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Người không chờ giai cấp công nhân Việt Nam phát triển đầy đủ về số lượng mới tổ chức Đảng Cộng sản, mà coi trọng việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Vì thế, hai phong trào này hấp thu chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hành động cách mạng cụ thể của các giai cấp và các tầng lớp trong dân tộc bằng việc tổ chức một hình thức quá độ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, gồm những thanh niên có học vấn, có tinh thần yêu nước để tiến tới thành lập Đảng. và trên thực tế, tổ chức này đã làm nhiệm vụ chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Phong trào yêu nước ở Việt Nam được Hồ Chí Minh nhận thức đưa vào là một yếu tố cấu thành nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào công nhân dù có tiên tiến, nhưng nếu không gắn bó với phong trào yêu nước, không trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước, thì không đứng được trong lòng dân tộc, không mở rộng được khối đoàn kết dân tộc, không đưa được sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp đến thắng lợi. Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là con đường mà Hồ Chí Minh đã đi qua, cho nên Người thấy rõ trong thời đại mới, phong trào yêu nước có khả năng tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin. Do đó, đối tượng để Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là công nhân mà còn là những người yêu nước, đã làm cho giai cấp công nhân Việt Nam chuyển mạnh từ tự phát đến tự giác.

Phong trào cách mạng Việt Nam ngày càng mang tính chất vô sản rõ nét vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX. Trải qua một quá trình chuẩn bị chu đáo và khoa học về tư tưởng, chính trị và tổ chức, Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Sau này, Người đã tổng kết thành một luận điểm quan trọng: Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930. Kết hợp nhân tố dân tộc và nhân tố giai cấp trong thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là sáng tạo nổi bật của Hồ Chí Minh.

Theo Người, một đảng cách mạng chân chính không thể là tổ chức biệt lập, đóng kín mà phải gắn bó mật thiết, hữu cơ với dân tộc và giai cấp, phải tiêu biểu cho cuộc đấu tranh của dân tộc và góp phần vào cách mạng thế giới. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăng ghen cũng đã chỉ ra rằng, giai cấp vô sản dù sinh sống trong từng quốc gia, dân tộc khác nhau, nhưng về bản chất có tính quốc tế, kẻ thù cách mạng của mỗi nước xét cho cùng, về bản chất, cũng là một lực lượng quốc tế. Tuy nhiên, cách mạng lại diễn ra tại địa bàn quốc gia, dân tộc nên giai cấp vô sản phải tổ chức thành chính đảng, đó là tất yếu bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng thắng lợi, mà trước hết là phải chiến thắng kẻ thù ở nước mình.

Tính thống nhất ấy được Hồ Chí Minh phản ánh trong lịch sử xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng phải là hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết dân tộc và giai cấp, phải đại biểu cho giai cấp và cho cả dân tộc... Tư tưởng chiến lược đó được thể hiện trong tác phẩm Đường kách mệnh (1927).

Về nhân tố dân tộc, trong Cương lĩnh đầu tiên (1930), Người xác định rõ, Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày và phải dựa vào dân cày nghèo, lãnh đạo họ làm cách mạng, phải liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông để kéo họ về với giai cấp vô sản. Đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ  và tư sản chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra cũng là cho họ trung lập. Chủ trương lôi kéo cả giai cấp tư sản dân tộc vào mặt trận đoàn kết dân tộc, được Hồ Chí Minh nắm chắc thực tiễn, đánh giá đầy đủ mặt tích cực của họ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bởi vì, trong Cương lĩnh, Người đã phân tích “tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được”. Trong khi đánh giá của Quốc tế Cộng sản đối với giai cấp tư sản dân tộc ở các nước phương Đông có phần nghiêng về tiêu cực.

Về đoàn kết quốc tế, Người vẫn xác định rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, đứng về phía cách mạng thế giới, đoàn kết chặt chẽ với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới. Trong Cương lĩnh đầu tiên (1930), Người nêu rõ: “...trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập phải đồng thời tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”[2].

Để thực hiện việc tập hợp lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến tính tiên phong và đường lối chính trị của Đảng. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Người khởi thảo khẳng định: “Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản gồm một số lớn của giai cấp công nhân”. Trong lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, Người nêu rõ vai trò lãnh đạo của Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đọ cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta”[3]. Các văn kiện thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, các bài viết và thư gửi Trung ương Đảng ta và Quốc tế Cộng sản trong những năm 30 của thế kỷ XX. Người dùng rất nhiều từ như “thu phục”, “lôi kéo”, “liên lạc”, “tập hợp”, “dìu dắt”... là khẳng định vai trò lãnh đạo tiên phong của Đảng trong việc tổ chức, tập hợp đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc và giai cấp. Tính tiên phong của Đảng, theo Hồ Chí Minh là thể hiện ở đường lối chính trị đúng đắn. Trong Cương lĩnh đầu tiên, Người “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mệnh và thổ địa cách mệnh để đi tới xã hội cộng sản”[4]. Nhiệm vụ của cuộc cách mạng tư sản là dân quyền được Người xác định, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Người đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu trong khi vẫn không xa rời lập trường giai cấp của giai cấp công nhân. Hồ Chí Minh coi trọng yếu tố dân tộc và kết hợp hai yếu tố đó một cách hài hòa, trong khi Quốc tế cộng sản vào thời gian này vẫn nhấn mạnh yếu tố giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người chủ trương giải quyết vấn đề Đảng trong khuôn khổ mỗi nước ở Đông Dương, trong khi Quốc tế Cộng sản có chỉ thị thành lập một Đảng Cộng sản chung cho ba dân tộc Đông Dương. Chủ trương đó của Người tuân thủ những nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác- Lê nin, có tính đến yếu tố dân tộc, nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc, khơi dậy sức mạnh của mỗi dân tộc, đồng thời tạo ra sự tin cậy về chính trị để đoàn kết quốc tế một cách tự nguyện, bình đẳng và có hiệu quả. Quá trình xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh cách mạng đúng đắn của Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng, chính trị để tập hợp lực lượng cách mạng trên phạm vi quốc gia và quốc tế của cách mạng Việt Nam. Chính vì thế, Đảng của Hồ Chí Minh vừa là lãnh tụ của giai câp công nhân, vừa là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, đồng thời là một bộ phận của cách mạng thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh cách mạng đúng đắn đã làm cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới.

Đầu năm 1941, Người về nước cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bác cùng Đảng ta xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của mặt trận dân chủ thế giới chống phát xít, đồng thời giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết và trước hết. “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu muôn đời, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[5]. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta, toàn dân Việt Nam không phân biệt đảng phái, tôn giáo, giàu nghèo, doàn kết dưới lá cờ Việt Minh, nhất tề đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.

Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng học thuyết xây dựng đảng của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa được thực tế cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam và cách mạng thế giới trong thế kỷ XX chứng minh và kiểm chứng tính đúng đắn và khoa học những sáng tạo trên của Hồ Chí Minh. Đây là sự cống hiến quan trọng của Người vào kho tàng lý luận Mác - Lênin về xây dựng đảng kiểu mẫu ở một nước thuộc địa.

Nguyễn Hồng Vui, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2002, t.2, tr.268.

[2] Sđd, t.3, tr.3.

3,Sđd, t.3, tr.10.

4. Sđd, t.3, tr.1.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, t.7, tr.113.

Tin cùng chuyên mục


Đưa thông tin chính thống về lĩnh vực bảo hiểm xã hội đến với nhân dân

Đưa thông tin chính thống về lĩnh vực bảo hiểm xã hội đến với nhân dân


Phát huy Xô viết Nghệ Tĩnh đưa Hưng Nguyên phát triển nhanh, bền vững

Phát huy Xô viết Nghệ Tĩnh đưa Hưng Nguyên phát triển nhanh, bền vững


Dấu ấn Xô viết Nghệ Tĩnh trên hành trình đấu tranh vì độc lâp, tự do

Dấu ấn Xô viết Nghệ Tĩnh trên hành trình đấu tranh vì độc lâp, tự do


Quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế


Một số nội dung cần tập trung chỉ đạo tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Một số nội dung cần tập trung chỉ đạo tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường


Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo


Tầm vóc của Cách mạng tháng 8 năm 1945 và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

Tầm vóc của Cách mạng tháng 8 năm 1945 và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay


Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành Đề án tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành Đề án tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước


Công tác tuyên giáo linh hoạt phương thức trong từng nhiệm vụ cách mạng và chủ động, đổi mới đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay

Công tác tuyên giáo linh hoạt phương thức trong từng nhiệm vụ cách mạng và chủ động, đổi mới đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay


Cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lê Hồng Sơn - tức Lê Văn Phan (1899 - 1933)

Cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lê Hồng Sơn - tức Lê Văn Phan (1899 - 1933)


Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045


Nghệ An - Biên soạn, xuất bản Chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội

Nghệ An - Biên soạn, xuất bản Chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội


Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW về phổ cập giáo dục

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW về phổ cập giáo dục


Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh