Bài báo được chia thành 4 phần, phần mở đầu: Nước ta là nước dân chủ; phần thứ hai: Dân vận là gì; phần thứ ba: Ai phụ trách dân vận; phần thứ tư: Dân vận phải thế nào. Với phong cách ngắn gọn, súc tích, bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát toàn diện nội hàm của khái niệm dân vận, nội dung, quy trình, phương pháp, đối tượng... của công tác dân vận. Những vấn đề Bác nêu trong bài báo rất dễ thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ ai cũng có thể tự liên hệ đến trách nhiệm của mình đối với công tác dân vận, đối với Nhân dân.
Thực hiện tác phẩm "Dân vận" của Bác, cán bộ dân vận toàn tỉnh đã tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả công tác dân vận, huy động sức mạnh của Nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị và giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh Nghệ An.
Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án về công tác dân vận; triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình, nhiệm vụ công tác dân vận năm 2024; chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo"; triển khai nhiệm vụ Quy chế dân chủ ở cơ sở, Dân vận chính quyền năm 2024; ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát công tác dân vận năm 2024; chỉ đạo triển khai nghiêm túc công tác dân vận thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 54-QĐ/TU ngày 07/8/2024 về trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền trong việc bảo đảm thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội và quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác tiếp công dân định kỳ hàng tháng, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy với Nhân dân được thực hiện nghiêm túc theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị, qua đó đã chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức 567 cuộc tiếp xúc, đối thoại, trong đó cấp huyện 36 cuộc, cấp xã 531 cuộc.
Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cụ thể hóa các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận và kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Công tác cải cách hành chính với phương châm chọn việc thành công - hành động quyết liệt đã lựa chọn chủ đề năm 2024 là đẩy mạnh chuyển đổi số - tập trung nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình - tỷ lệ số hóa hồ sơ - tỷ lệ thanh toán trực tuyến. Chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, nguồn lực nhà nước được công khai, minh bạch tới đông đảo người dân và doanh nghiệp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động, triển khai phương án Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và Phương án của giai đoạn 2026-2030 theo tinh thần Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 07/6/2024 về việc tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023-2025 và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 07/6/2024 về việc tán thành chủ trương điều chỉnh địa giới thành phố Vinh, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, theo đó sẽ sáp nhập 01 đơn vị cấp huyện (thị xã Cửa Lò sáp nhập vào thành phố Vinh) và sáp nhập 92 thành 48 đơn vị hành chính cấp xã. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan, đơn vị đã tiếp 2.946 lượt công dân; tiếp nhận 4.803 đơn, trong đó số đơn đủ điều kiện xử lý là 4.281 đơn (365 đơn khiếu nại; 196 đơn tố cáo; 3.720 đơn kiến nghị, phản ánh); khiếu nại, tố cáo phát sinh là 200 vụ việc, trong đó: các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 178/200 vụ việc, đạt tỷ lệ 89%.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Tích cực vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội tập trung vào các lĩnh vực được dư luận và Nhân dân quan tâm. Tổ chức phản biện các dự thảo luật, nghị định và các văn bản do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành dự thảo đề nghị hoặc có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên, của tổ chức. Trong 6 tháng đầu năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức 3.709 cuộc giám sát; tổ chức 218 hội nghị phản biện xã hội; góp ý 1.972 dự thảo văn bản phản biện. Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa được 8.440 nhà, trong đó 3.580 nhà lắp ghép; 3.780 nhà xây mới; 1.064 nhà sửa chữa.
Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận nên hệ thống dân vận đã vận động Nhân dân tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Trong năm 2024 toàn tỉnh duy trì 3.340 mô hình, điển hình của năm 2023; xây dựng mới 4.494 mô hình, trong đó 3.729 mô hình tập thể, 765 mô hình cá nhân; 1.212 mô hình kinh tế, 2.298 mô hình văn hóa - xã hội, 486 mô hình quốc phòng - an ninh, 507 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã góp phần xây dựng tỉnh Nghệ An ngày càng giàu mạnh, văn minh, xã hội tiến bộ, quy chế dân chủ ở cơ sở được đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,76%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ; thu ngân sách 6 tháng đầu năm được 11.897 tỷ đồng, đạt 74,8% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 140,2% cùng kỳ. Đến nay toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,62% tổng số xã; 94/319 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 16/319 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận theo tinh thần bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, chúng ta cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất là, cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận cho cấp ủy, chính quyền các cấp; làm cho cán bộ, đảng viên hiểu trách nhiệm thực hiện công tác dân vận. Trong bài báo “Dân vận” Bác viết: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh v.v...) đều phải phụ trách dân vận”, nghĩa là công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang... Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội làm tham mưu và nòng cốt như quan điểm đã nêu trong Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Thứ hai là, thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, dân vận trong các cơ quan nhà nước, chú trọng công tác cải cách hành chính, quan tâm công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, luôn vì lợi ích của Nhân dân; luôn đi đầu trong các phong trào, thực hiện nghiêm túc Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 về quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.
Thứ ba là, đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng gần dân, sát dân, bám cơ sở. Quan tâm công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị.
Thứ tư là, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” theo hướng trọng tâm, trọng điểm, định hướng xây dựng mô hình trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu thiết thực của Nhân dân. Chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình trong giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn tại cơ sở. Xác định nguồn lực xây dựng mô hình là phát huy nội lực Nhân dân là chính, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo.
Thứ năm là, chủ động tham mưu tiến hành công tác dân vận trên tất cả mọi lĩnh vực, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết đồng bào lương - giáo và đồng bào các dân tộc, ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chia rẽ, chống phá của các thế lực thù địch.
Thứ sáu là, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức và cá nhân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận./.
Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy