Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng; đó cũng vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước và đảm bảo tiến bộ xã hội. Thực hành dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, đảm bảo trật tự, kỷ cương xã hội là yêu cầu, điều kiện quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phản ánh tính ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam.

 

Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ được Người lý giải một cách giản dị, dễ hiểu. Người định nghĩa “dân chủ” là “dân là chủ”“dân làm chủ”. Định nghĩa này đã vượt ra khỏi những quan niệm thông thường trong nhận thức về dân chủ của các học giả tư sản, bởi Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chủ thể chân chính của chế độ mới là Nhân dân. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị” viết năm 1953, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Ở nước ta, chính quyền của nhân dân, do nhân dân làm chủ… nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”[1]. Xã hội nào đảm bảo cho điều đó được thực thi thì đó là một xã hội thực sự dân chủ.

 “Dân là chủ” khẳng định địa vị người chủ trong chế độ mới, chính là nhân dân. Điều này hoàn toàn đối lập với thân phận nô lệ, thần dân hay thảo dân trong chế độ phong kiến, thực dân trước đây. Người khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ[2]

Dưới xã hội phong kiến, với ý thức hệ phong kiến thì dân chủ được xem là chủ của dân. Ông vua được xem là thiên tử, cho nên mọi người phải có trách nhiệm cung phụng và trung thành với vua. Còn trong chế độ chính trị mới, khi nhà nước dân chủ ra đời, nhìn trong hệ quy chế địa vị quyền lực thì dân là chủ thể quyền lực, còn cán bộ, công chức là người thừa ủy quyền của dân, là “công bộc”,  “đầy tớ” của nhân dân, là người phục vụ nhân dân.

Trong chế độ dân chủ, Người đặt câu hỏi “Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”[3]. Tuy nhiên, Người không bao giờ chỉ nhấn mạnh một vế, mà luôn xem xét mọi việc một cách toàn diện. Người cho rằng, cán bộ nhà nước vừa là người phục vụ, đồng thời là người lãnh đạo, người hướng dẫn nhân dân. Người nói “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường”[4]. Trong Di chúc, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải làm thế nào để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

“Dân làm chủ” phản ánh năng lực thực thi dân chủ của Nhân dân. Năng lực đó biểu hiện ở trình độ văn hóa, bản lĩnh, ý thức, trách nhiệm thể hiện hành vi làm chủ, thể hiện sự kết hợp và thống nhất năng lực, địa vị của người chủ. 

 Dân làm chủ thì tuyệt đối không được phép ỷ lại. Hồ Chí Minh nói rõ: “Cứ chờ Đảng và chờ Chính phủ giúp đỡ thì không đúng đâu. Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, phái cán bộ về hướng dẫn, thế là giúp đỡ. Nhưng đó là phụ. Lực lượng Nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh[5].

 Thực hiện trách nhiệm “làm chủ” thì người dân còn phải tự giác đấu tranh với những hiện tượng phản dân chủ. Người nói: “nhà mình có rác thì phải cầm chổi mà quét chứ không phải kêu la mà nhà sạch được. Kêu la mà không tự mình quét là thiếu tinh thần cách mạng, tinh thần dân chủ[6]”.

Hồ Chí Minh cũng căn dặn, với vai trò là công dân của Nhà nước dân chủ, thì phải “làm chủ sao cho ra làm chủ, không phải làm chủ là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, làm bao nhiêu thì làm”[7], bổn phận của mỗi công dân phải “tận trung với nước”, góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ý thức, năng lực và trách nhiệm “làm chủ” chính là “thước đo” sự giác ngộ chính trị của công dân. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, nhà nước cần “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”[8] trong khuôn khổ pháp luật.  Đồng thời, Người cũng chỉ rõ: Học hỏi quần chúng, nhưng “tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng”[9]; “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”[10].

Trong bài viết “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”, Người lên án hiện tượng một số cán bộ “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”[11] Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”[12]. Từ đó dẫn đến việc lãnh đạo điều hành theo cảm tính, mệnh lệnh, “độc tài”, dẫn đến nhiều hành vi sai trái.

Về thực hành dân chủ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu như dân chủ là “của quý báu nhất của nhân dân”[13] thì thực hành dân chủ là “chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”[14].  Trong mọi hoạt động, Người luôn coi trọng việc thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ. Người nhấn mạnh: “Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân”. “Phải thật sự thi hành dân chủ trong Đảng và trong quần chúng[15]”. Để thực hành dân chủ tốt, Người yêu cầu đảm bảo các yếu tố sau:

- Phải xây dựng và hoàn thiện chế độ dân chủ. Điều 6, Chương II Hiến pháp năm 1946 do Người làm trưởng ban soạn thảo ghi rõ: “Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.

- Phải xây dựng các tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh để đảm bảo dân chủ trong xã hội. Trong đó, trước hết phải thực hành dân chủ trong Ðảng, có như vậy mới phát huy được trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong việc đề ra và thực hiện những đường lối, chủ trương đúng, sát với tình hình. Trong Di chúc, Người căn dặn: “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”. Một khi dân chủ được thực hành tốt trong Đảng sẽ càng làm cho Ðảng lãnh đạo được tốt hơn việc thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội. Ngược lại, việc thực hành dân chủ trong xã hội thúc đẩy việc thực hiện dân chủ trong Ðảng có hiệu quả do tăng cường được vai trò của nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội trong việc tham gia xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; giám sát cán bộ cho Ðảng trong công việc và cả đạo đức, lối sống; kiểm chứng tính đúng đắn về đường lối của Ðảng; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lộng quyền, độc đoán, lạm quyền. Như vậy, dân chủ trong Đảng trở thành yếu tố quyết định tới trình độ dân chủ của toàn xã hội.

- Dân chủ nhất thiết phải đi đến tập trung và tập trung phải trên nền tảng dân chủ. Mặc dù rất đề cao dân chủ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý: “Tập trung trên nền tảng dân chủ” và “Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung”; “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”[16]. Giữa dân chủ và tập trung là sự hòa quyện hữu cơ, là sự “tương sinh” mật thiết nên nếu thiếu một trong hai yếu tố thì chẳng những Đảng sẽ rơi vào căn bệnh vô tổ chức hoặc độc đoán, chuyên quyền, mà bản thân yếu tố còn lại cũng không thể trở thành “chính nó”, đúng như bản chất của nó. Thấu hiểu quan hệ biện chứng đó, nên theo Người, mở rộng dân chủ trong Đảng nhất thiết phải đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phải tránh căn bệnh “dân chủ quá trớn”. Mặt khác, do dân chủ là “của quý báu nhất” nên nó phải được bảo vệ nghiêm bằng cách triệt tiêu những yếu tố phản dân chủ, có nghĩa là phải nâng cao hiệu quả của pháp luật, tăng cường pháp chế. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ”.

Về pháp chế và kỷ cương xã hội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng một đất nước độc lập, dân chủ, tự do thực sự thì phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Khi có pháp luật rồi thì phải thi hành tốt, thi hành thật đúng để xây dựng một kỷ cương nhà nước, một trật tự xã hội nghiêm minh, từ đó mới có pháp chế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ tinh thần pháp chế trong các bài nói, bài viết và sự mẫu mực tôn trọng pháp luật của mình và trong chỉ đạo xây dựng nền pháp chế cách mạng, pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhất là trong việc chỉ đạo xây dựng các bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959. Tại Điều 4, Mục A, Chương II của Hiến pháp 1946, có 3 điều quy định nghĩa vụ công dân thì có 2 điều liên quan đến tinh thần pháp chế là: nghĩa vụ “tôn trọng Hiến pháp” và nghĩa vụ “tuân theo pháp luật”, hai nghĩa vụ này được đặt ra ngay sau nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Đến Hiến pháp năm 1959, tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa thể hiện rõ nét và đầy đủ hơn tại Điều 6: "Tất cả các nhân viên cơ quan Nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân” và tại Điều 39: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao động, trật tự công cộng, và những quy tắc sinh hoạt xã hội”. Như vậy, trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp chế đã được định hình rõ là tinh thần tôn trọng và tuân thủ luật pháp của mọi công dân và công chức nhà nước.

Để xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra những yêu cầu như sau:

Thứ nhất là phải xây dựng hệ thống thể chế quản lý đất nước thông qua pháp luật. Chỉ khi có một hệ thống pháp luật hoàn thiện thì mới xây dựng một đất nước độc lập, dân chủ, tự do thực sự. Đây là điều mà Người rút ra từ những trăn trở, trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng để tìm con đường cứu nước, cứu dân. Người viết: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”.[17]

Thứ hai là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chính quy, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ quản lý hành chính ở tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 197 thành lập Ban Pháp lý học tại Trường Đại học Việt Nam; năm 1950, ký Sắc lệnh số 76 ban hành “Quy chế công chức” để bảo đảm công bằng trong thi tuyển, bổ nhiệm vào ngạch bậc hành chính. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng nền móng cho pháp quyền Việt Nam.

Thứ ba là phải chú ý đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ giác ngộ và chấp hành pháp luật của nhân dân, nhấn mạnh sự nêu gương của đội ngũ thực thi pháp luật. Trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2 năm 1948, Người căn dặn: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên các bạn cần nêu cao cái gương “Phụng công thủ pháp (chăm lo việc công, giữ gìn pháp luật), chí công vô tư” cho dân noi theo[18]”. Người chỉ ra những khuyết điểm mà một số cán bộ công quyền thường mắc phải như: Làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... Đối với các hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức cách mạng, Bác nghiêm khắc lên án: “Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”[19].

Ngày 27/11/1945, Người ký Sắc lệnh ấn định hình phạt đối với người đưa và nhận hối lộ là từ 2 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 26/01/1946, Người ký Quốc lệnh “Khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình”. Người rất không hài lòng trước việc pháp luật có nơi không được thực hiện nghiêm minh, xét xử thiếu công bằng, còn tình trạng “che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể”[20], “thưởng có khi quá rộng mà phạt thì không nghiêm”, lẫn lộn giữa công và tội. Có công thì được thưởng mà có lỗi thì phải phạt, “không vì công mà quên lỗi, vì lỗi mà quên công”. Người yêu cầu “cần phải phân tách rõ ràng cái sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”[21].

Như vậy, mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội là tồn tại khách quan, tất yếu, mật thiết, không thể tách rời, hợp thành một chỉnh thể thống nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền.

Dân chủ và thực hành dân chủ là động lực, mục tiêu và tiền đề hoàn thiện pháp luật. Pháp luật với đặc trưng riêng của mình sẽ tác động trở lại đối với dân chủ. Pháp luật có thể thúc đẩy, hỗ trợ cho dân chủ phát triển và ngược lại, có thể kìm hãm dân chủ dưới nhiều hình thức. Việc tuân thủ pháp luật, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội giúp cho dân chủ vận động trong khuôn khổ, trật tự, hành lang hợp lý, đảm bảo cho thể chế dân chủ được thực thi, qua đó, người dân được thụ hưởng lợi ích, được thực hiện các quyền cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến pháp, được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Đồng thời, cũng phải thực hiện nghĩa vụ, bổn phận của mình đối với nhà nước và xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”[22]. “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: Tuân theo pháp luật Nhà nước”[23]. Luận điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ, lợi ích gắn liền với trách nhiệm. Đó là dân chủ thực chất.

Phương Thảo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 


[1] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t. 8, tr.263.

[2] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.9, tr.382.                                                                                    

[3] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.10, tr. 572.

[4] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.4, tr. 64.

[5] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.10, tr.310.

[6] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.12, tr.614.

[7] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.13, tr.67.

[8] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.15, tr.293.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.338

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.338

[11] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.7, tr. 176.

[12] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.14, tr. 417.

[13] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.10, tr.457.

[14] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.15, tr. 325.

[15] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.8, tr. 380.

[16] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.5, tr. 620.

[17] Hồ Chí Minh, tuyển tập, tập II (1945-1954), Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2002, tr.2.

[18] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.5, tr. 472.

[19] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.7, tr. 358.

[20] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.5, tr. 89.

[21] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.5, tr. 324.

[22] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.4, tr. 189.

[23] Hồ Chí Minh:  Toàn tậpSđd, t.9, tr. 258.

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An - Biên soạn, xuất bản Chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội

Nghệ An - Biên soạn, xuất bản Chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội


Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam


Trọng dụng nhân sĩ, trí thức trong kiến thiết đất nước của Hồ Chí Minh

Trọng dụng nhân sĩ, trí thức trong kiến thiết đất nước của Hồ Chí Minh


Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng


Bác Hồ với quê hương Nghệ An về đoàn kết

Bác Hồ với quê hương Nghệ An về đoàn kết


Bác Hồ với công tác phụ nữ và phụ nữ ở Nghệ An

Bác Hồ với công tác phụ nữ và phụ nữ ở Nghệ An


Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ


KẾ HOẠCH: xây dựng chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

KẾ HOẠCH: xây dựng chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa, văn nghệ

Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa, văn nghệ


Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng


Đẩy mạnh tuyên truyền 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021)

Đẩy mạnh tuyên truyền 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021)


Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam


Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong việc vận động, tập hợp công nhân, người lao động hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong việc vận động, tập hợp công nhân, người lao động hiện nay