Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm truyền bá, phổ biến hệ tư tưởng cách mạng trong xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương. Những quan điểm, lời dạy của Bác về công tác tư tưởng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.

 

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành toàn bộ tâm huyết, nghị lực, tài năng, kinh nghiệm của mình tiến hành công tác tư tưởng để giáo dục và tổ chức quần chúng, nhằm biến đổi sâu sắc, triệt để đời sống tinh thần của xã hội cũ, tạo ra đời sống tinh thần mới, Nhân dân trở thành người làm chủ, xây dựng và sáng tạo cuộc sống văn hoá tinh thần cho mình, cho dân tộc, cho đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn hoạt động của Đảng, là một sức mạnh to lớn, một vũ khí sắc bén, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Cho nên, Người rất chăm lo đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bởi trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng. Bởi theo Người “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”; rằng “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”(1). Công tác tư tưởng tự bản thân nó đã hàm chứa những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đa chiều, liên quan đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân; liên quan đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất, là bộ phận trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, là nhân tố cấu thành quan trọng hàng đầu trong sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Trong tư duy và hành động của Người, sinh mệnh của Đảng, sự thành bại của cách mạng có quan hệ trực tiếp với hoạt động tư tưởng của Đảng. Để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Người một mặt yêu cầu cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành phải thật thông suốt trong tư tưởng, phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ; mặt khác, mọi cấp ủy và mọi cán bộ, đảng viên đều phải làm công tác tư tưởng cho chính mình và đánh thông tư tưởng, động viên sáng kiến, lực lượng của toàn dân để mọi người tự giác, hăng hái tham gia cách mạng, ủng hộ cách mạng. “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”(3). Người chỉ rõ “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt. Phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng, tư tưởng cá nhân hoàn toàn thất bại”(4).

Cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình phải hiểu tư tưởng của quần chúng nhân dân, phải tuyên truyền để quần chúng thông suốt về tư tưởng để cùng thống nhất về hành động. Bởi vậy, Người định nghĩa và xác định rõ mục đích của tuyên truyền “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”(5). Người nói “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”(6). Do mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhất là tính chính xác và sức lay động lan toả đối với dân chúng nên Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ tuyên truyền “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”(7); rằng: Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại. Khi tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số, Người lưu ý: Phải nói thiết thực, rõ ràng để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu và làm được tốt.

Vì vậy, Hồ Chí Minh mong muốn làm sao trong mỗi bài nói, bài viết phải thấu cảm được ý tưởng và mong ước của nhân dân. Người yêu cầu “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(8). Có như vậy công tác tư tưởng mới đạt được mục tiêu “được người, được việc, được tổ chức” như nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định. “Phải đạt được mục đích tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong quân đội”(9).

Xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng nên Người luôn mong muốn “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Đến một địa phương nào cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và để hiểu biết tình hình địa phương”(10). Người còn chỉ giáo “Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”(11). Cán bộ Tuyên truyền cần phải chủ động học tập nâng cao trình độ, kiến thức, nếu không sẽ lạc hậu, thoái bộ; luôn nắm vững chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập quán, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng “nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng; phải đi sát thực tế, phải liên hệ mật thiết với quần chúng”(12).

Trong công tác tư tưởng, cổ động là khâu nối tiếp chuyển từ ý thức tư tưởng sang hành động, biến nhận thức thành sức mạnh vật chất. Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức, bóc lột, phải dạy cho quần chúng biết các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận thức rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ súy cho quần chúng kiên quyết làm cách mạng, làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi.

Muốn tiến hành cổ động có hiệu quả trước hết cần xác định "Khẩu hiệu hành động". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng phải căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới đề ra khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ngoài khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", có các khẩu hiệu: "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Tiếng hát át tiếng bom"... Ngày nay, ngoài các khẩu hiệu: "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa", "Hòa nhập, không hòa tan" còn có các khẩu hiệu: "Xây dựng nông thôn mới", "Chung tay chống dịch COVID-19"...

Công tác tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nội dung sâu sắc, đúng đắn đã đem lại những thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã vận dụng những lý luận và kinh nghiệm của Người về công tác tư tưởng để thực hiện đường lối đổi mới, khơi dậy sức sáng tạo, niềm tin của quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa đất nước vượt qua những khó khăn để có được những kết quả ngày hôm nay như lời của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Để công tác tư tưởng thật sự thuyết phục, hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân bằng lý lẽ, tâm huyết, kinh nghiệm và bằng thực tiễn cuộc sống, những người làm công tác tư tưởng phải chú trọng giáo dục bằng nêu gương, thể hiện tính gương mẫu về nhân cách, đạo đức, bản lĩnh chính trị, sự kiên định vững vàng; tinh thần trách nhiệm cao trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng của địa phương; nói đi đôi với làm, tốt nhất là thực hiện phương châm: nói ít, làm nhiều, nói cụ thể, thiết thực không cao xa, lý luận chung chung, cách nói trúng với từng đối tượng; vừa nói, vừa làm; nói được, làm được, để tạo sự tin cậy của Nhân dân đối với Đảng bộ và cán bộ, đảng viên, bởi “Một tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, và gương của cán bộ lãnh đạo cấp càng cao càng có giá trị./.

                                                                   Nguyễn Thị Hồng Vui 

                                                                   Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 

Tài liệu tham khảo

1, 2 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr.319, 466

3 , 4, 7 , 8, 10, 11 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 9, tr.288,277, 162, 305, 163.

5,  6 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 5, tr.162, 300 .

9 , 12 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, tr.353, 157..

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam


Trọng dụng nhân sĩ, trí thức trong kiến thiết đất nước của Hồ Chí Minh

Trọng dụng nhân sĩ, trí thức trong kiến thiết đất nước của Hồ Chí Minh


Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng


Bác Hồ với quê hương Nghệ An về đoàn kết

Bác Hồ với quê hương Nghệ An về đoàn kết


Bác Hồ với công tác phụ nữ và phụ nữ ở Nghệ An

Bác Hồ với công tác phụ nữ và phụ nữ ở Nghệ An


Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ


KẾ HOẠCH: xây dựng chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

KẾ HOẠCH: xây dựng chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa, văn nghệ

Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa, văn nghệ


Đẩy mạnh tuyên truyền 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021)

Đẩy mạnh tuyên truyền 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021)


Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam


Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong việc vận động, tập hợp công nhân, người lao động hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong việc vận động, tập hợp công nhân, người lao động hiện nay


Trưởng đại diện UNESCO nói về quan điểm ngoại giao độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trưởng đại diện UNESCO nói về quan điểm ngoại giao độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Di chúc của Bác là ngọn đuốc tiếp tục rọi sáng con đường cách mạng

Di chúc của Bác là ngọn đuốc tiếp tục rọi sáng con đường cách mạng