Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Trọng dụng nhân sĩ, trí thức trong kiến thiết đất nước của Hồ Chí Minh

Nhân sĩ, trí thức có vai trò rất quan trọng đối với sự hưng thịnh, suy vong của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đội ngũ trí thức nước ta. Dù bằng nhiều cách biểu đạt khác nhau, song Người luôn đề cao vai trò, trân trọng và động viên đội ngũ này đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Nhân sĩ và trí thức đều là những người có trình độ học vấn cao, dùng công sức thời gian của mình cho lao động trí óc nhằm mục đích sáng tạo (trong nghệ thuật, trong văn học...), phát minh (trong khoa học, kỹ thuật..., trong quản lý, lãnh đạo. Trong cơ cấu dân số của mỗi quốc gia - dân tộc, từ xưa tới nay, thành phần trí thức chỉ chiếm số lượng khiêm tốn, thế nhưng họ lại có vị thế cực kỳ quan trọng, vì thế mà ông cha ta đã khẳng định “Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp”. Bởi thế mà các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ bồi đắp nguyên khí là việc đầu tiên.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sinh trưởng trong một gia đình trí thức khoa bảng. Ngay từ bé, Người đã được học tập, tiếp nhận những tri thức cơ bản của Nho học, bước vào tuổi thanh niên, Người được tiếp nhận tri thức Tây học (học trường Quốc học Huế). Chứng kiến những buổi đàm đạo thân tình giữa phụ thân (cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) với các chí sĩ nổi tiếng như Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Vương Thúc Quý... không chỉ về văn chương chữ nghĩa, mà nội dung chính là thế sự, là sự nhu nhược của triểu nhà Nguyễn, là sự bạo hành, ác độc của thực dân Pháp, là các cuộc khởi nghĩa chống Pháp khắp vùng miền của đất nước nhưng đều không thành công. Dẫu còn nhỏ tuổi nhưng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng, các cụ đều là những người có nhiệt huyết, có chí hướng, yêu nước, thương nòi; Người khâm phục cụ Hoàng Hoa Thám, cụ Phan Đình Phùng... nhưng không tán đồng cách thức thể hiện của họ. Được theo cha đi nhiều nơi, Người thông cảm với nỗi khổ của nhân dân, chứng kiến tội ác của thực dân Pháp, Người phẫn nộ. Nhờ nghe các cụ đàm đạo, Người nhận ra rằng, chỉ có thể kháng Pháp thắng lợi, là phải tập hợp, phải đoàn kết được sức mạnh của toàn dân tộc, phải có sự hiểu biết thức thời, mới có thể giúp dân, giúp nước. Khi nghe các từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái mà người Pháp thường tô son, trát phấn, Người muốn tìm hiểu ngọn nguồn, nội dung, ý nghĩa của các từ đó và quyết định rời quê hương, ra nước ngoài để học hỏi, để tìm đường cứu nước. Năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc. Với khát vọng tuổi trẻ, với quyết tâm không ngừng nghỉ để học, để tích lũy vốn sống lẫn kinh nghiệm, Nguyễn Tất Thành bất chấp khó khăn, gian khổ, nguy hiểm đối với sinh mạng của chính mình. Để sống, để có điều kiện học tập, Người đã từng làm nghề phụ bếp, quét tuyết, làm bánh, làm ảnh, vẽ truyền thần... tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ, lúc rảnh rỗi đi thư viện đọc sách. Những năm 20, 30 của thế kỷ XX, tên tuổi Nguyễn Ái Quốc đã là mối đe dọa cho chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam. Cả bộ máy công quyền của Pháp tìm mọi cách thủ tiêu anh nhưng bất thành. Danh tiếng Nguyễn Ái Quốc đã trở thành huyền thoại. Hình ảnh cao đẹp của Nguyễn Ái Quốc đã thực sự hấp dẫn, lôi cuốn và cảm hóa bất kỳ vị trí thức, nhân sĩ nào có tâm với dân tộc. Với các trí thức làm cách mạng chuyên nghiệp như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Phan Thanh, Dương Bạch Mai, Nguyễn Ái Quốc vừa là bậc thầy, vừa là lãnh tụ. Với các chí sĩ, quan lại cao cấp trong triều đình Huế, trong Chính phủ Trần Trọng Kim, từ Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn đến Phạm Khắc Hòe, Hồ Đắc Điểm... Hoặc các chức sắc tôn giáo như Phạm Bá Trực, Nguyễn Mạnh Hà , Cao Triều Phát, các thủ lĩnh của đồng bào các dân tộc thiểu số Vi Văn Định, Nùng Chí Xin cũng tiếp nhận được từ Nguyễn Ái Quốc ánh hào quang, niềm tin vào sự tất thắng của sự nghiệp ấy. Năm 1941- sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp chèo lái con thuyền cách mạng chuyên nghiệp, một trí thức thực thụ, am tường, uyên thâm ở nhiều lĩnh vực; một nhà báo tài ba, một nhà chính luận xuất chúng, một nhà văn có bút pháp trào phúng, sâu lắng mà sắc sảo; một nhà hoạt động thực tiễn không mệt mỏi, có tư duy độc lập, không giáo điều, không rập khuôn...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị là Chủ tịch nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vốn là người từng trải nên rất coi trọng và sớm nhận thức được vai trò, vị trí của tầng lớp trí thức trong xã hội. Người viết: “Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm vị trí hàng đầu”[1], “Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã kích động một cuộc nổi dậy trong quá khứ”[2]. Theo Người, “nhân sĩ, trí thức là thứ men tốt, cần phải kéo về mình”[3]. Vì thế, một tháng sau khi đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một mặt Người chỉ thị: “Tìm người tài đức”. Trong chỉ thị đó, Người nhấn mạnh: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức”[4]. Mặt khác tự nhận thấy mình có lỗi là chưa phát hiện hết những người vừa có tài, vừa có đức để tập hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc, và, “nay muốn sửa điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.

Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”[5]. Thế là chỉ sau một thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có trong tay danh sách những người tài, đức hiện đang sinh sống ở mọi vùng miền trong cả nước để xem xét, cấn nhắc, bổ dụng vào những công việc, những vị trí thích hợp với khả năng chuyên sâu của họ. Hơn thế nữa, Người còn trực tiếp mời, tiếp kiến họ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, động viên, khích lệ họ hăng hái tham gia kháng chiến, kiến quốc, gạt bỏ tự ti, gạt bỏ những kỳ thị, những định kiến không hay. Về phần mình, số đông thuộc thế hệ nhân sĩ, trí thức thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và sau đó, khi biết rõ Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ Chí Minh - biểu tượng mà họ ngưỡng mộ, và, sau khi được Người tiếp chuyện thân tình, cởi mở, nhân ái, bao dung, vị tha, họ hoàn toàn bị chinh phục và tỏ ra thức thời, có sự lựa chọn sáng suốt vị trí của mình trước yêu cầu của dân tộc của thời đại. Thế là hàng loạt nhân sĩ, trí thức hưởng ứng nồng nhiệt lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự nguyện rời bỏ địa vị cao sang, cuộc sống sung túc, tự nguyện đóng góp trí tuệ và tài sản cá nhân cho sự nghiệp chung của cách mạng.

Có thể khẳng định: Bằng uy tín lớn, bằng nhân cách lớn, bằng lối sống giản dị “giàu sang không bị quyến rũ, uy vũ không bị khuất phục”, bao dung và độ lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được hầu hết các nhân sĩ, trí thức thuộc giới Nho học, cũng như Tây học, ở nông thôn cũng như thành thị; Người đã giành cho họ niềm tin, lòng quý mến, trách nhiệm và vinh dự tiếp tục đào tạo, sử dụng có hiệu quả cao tài năng của họ. Do đó, chúng ta không lấy gì là lạ, trong thành phần Chính phủ lâm thời do Người chủ trì, bên cạnh các nhà trí thức hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, có tên tuổi các nhân sĩ, trí thức Nho học và Tây học như: Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội), Nguyễn Mạnh Hà (Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc gia), Hoàng Tích Trí (Thứ trưởng Bộ Y tế), Phạm Ngọc Thạch (Bộ trưởng Bộ Y tế), Hoàng Minh Giám (Đổng lý Văn phòng Bộ Ngoại giao), Vũ Trọng Khánh (Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Dương Đức Hiền (Bộ trưởng Bộ Thanh niên), Đào Trọng Kim (Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Nguyễn Văn Xuân (Bộ trưởng không bộ). Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ II (từ ngày 28/10 đến ngày 9/11/1946) có 18 thành viên trong đó có 12 nhân sĩ, trí thức. Cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư bộ Hình của Triểu đình Huế được bầu làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội. Trong thành phần Chính phủ mới (chính thức thành lập ngày 3/11/1946) có cụ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Nguyễn Văn Tố (Bộ trưởng Bộ Cứu tế), Nguyễn Văn Huyện (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), Trần Đăng Khoa (Bộ trưởng Bộ Giao thông), Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Trịnh Văn Bình (Thứ trưởng Bộ Tài chính), Đặng Phúc Thông (Thứ trưởng Bộ Giao thông), Cù Huy Cận (Thứ trưởng Bộ Canh nông), Hoàng Minh Giám (Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ). Đến năm 1947 nhằm thực hiện tính liên hiệp rộng rãi hơn, một số nhân sĩ, trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhận các trọng trách mới như Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Kinh tế), Hoàng Minh Giám (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Tạ Quang Bửu (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), Đặng Văn Hưởng (Bộ trưởng không bộ). Không chỉ trọng dụng nhân sĩ, trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm chu đáo tới đời sống của họ, của gia đình họ, sẵn sàng san sẻ kinh nghiệm, động viên họ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, uốn nắn những lệch lạc, những hạn chế của họ, vui với niềm vui của họ và cũng kịp thời chia sẻ nỗi buồn, với những mất mát lớn của họ.

Được sống trong bầu không khí hồ hởi, phấn khởi và tự hào của một quốc gia vừa mới giành độc lập, dân tộc vừa giành được quyền tự do, lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, trọng dụng, về cơ bản tư tưởng của các nhân sĩ, trí thức đã được khai sáng, bản lĩnh chính trị được bồi đắp, ý thức công dân thực sự được trỗi dậy, và họ đã tình nguyện đứng trong hàng ngũ của những người cách mạng, đứng trong khối đại đoàn kết dân tộc, dù ở trong cương vị nào họ cũng đã toàn tâm, dốc sức hiến dâng tài năng và trí tuệ cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của dân tộc.

Chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trọng dụng nhân tài và quan trọng hơn là sắp xếp, bố trí họ vào những công việc đúng sở trường, đúng nghề để phát huy tốt năng lực chuyên môn sâu của họ đúng như Người nói “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở... Dùng người như dùng gỗ (dụng nhân như dụng mộc). Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được, khéo dùng cán bộ còn phải biết kết hợp cán bộ già, cán bộ trẻ, cán bộ cũ, cán bộ mới”[6].

Đi theo con đường của Người, nhiều nhân sĩ, trí thức thành danh đã trở thành doanh nhân, anh hùng lao động, có công lớn với cách mạng, với dân tộc như Trần Đại Nghĩa (tên thật là Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Lương Đình Của, Võ Quý Huân... Nhiều trí thức được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh như: GS.TS. Nguyễn Văn Huyên, GS.TS. Nguyễn Xiển, GS.BS. Nguyễn Văn Hưởng, GS.BS. Hồ Đắc Di, GS. Đỗ Văn Hỷ, GS. Tạ Quang Bửu, GS.BS. Phạm Ngọc Thạch, GS. Đỗ Tất Lợi, GS. Đào Duy Anh, GS. TS. Lê Văn Thiêm, GS.TSKH. Lương Đình Của, GS.VS.BS. Tôn Thất Tùng, GS.TS. Bùi Huy Đáp, GS.TS. Hoàng Xuân Hãn, GS.TS. Trần Đức Thảo, GS. Cao Xuân Huy, GS. NGND. Trần Văn Giàu...

Quý trọng trí thức là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến lược con người, chiến lược đại đoàn kết dân tộc. Kế thừa phát huy tính nhân văn của tư tưởng đó, ngay từ năm 1957, Đảng ta đã thể hiện rõ chính sách của Đảng đối với trí thức (công bố ngày 20/8/1957), Đảng coi trí thức là vốn quý của dân tộc. Không có trí thức hợp tác với công nông binh thì cách mạng không thể hoàn thành được. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, Đảng khẳng định: “Trong cách mạng dân tộc dân chủ, vai trò của trí thức đã quan trọng, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, vai trò của trí thức càng quan trọng”. Hơn thế, tại Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng, Đảng nâng vị thế của trí thức lên một tầm cao mới. Cùng với giáo dục, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, để thật sự có một nền kinh tế tri thức phải có nhân tài, trí thức phải được coi trọng và đó cũng là tư tưởng nhất quán của Đảng khi tiếp nối thực thi chiến lược “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Hồng Vui

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 


[1] Hồ Chí Minh- Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, tập 1, tr.398, 204.

[2] Sđd, tập 3, tr.197.

[3] Sđd, tập 3, tr.198.

[4] Báo Cứu quốc, số ra ngày 20/11/1948.

 

[5] Báo Cứu quốc, số ra ngày 20/11/1948.

 

[6] Hồ Chí Minh - Toàn tập, sđd, tập 5, tr.72.

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam


Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng


Bác Hồ với quê hương Nghệ An về đoàn kết

Bác Hồ với quê hương Nghệ An về đoàn kết


Bác Hồ với công tác phụ nữ và phụ nữ ở Nghệ An

Bác Hồ với công tác phụ nữ và phụ nữ ở Nghệ An


Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ


KẾ HOẠCH: xây dựng chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

KẾ HOẠCH: xây dựng chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa, văn nghệ

Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa, văn nghệ


Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng


Đẩy mạnh tuyên truyền 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021)

Đẩy mạnh tuyên truyền 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021)


Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh


Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam


Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong việc vận động, tập hợp công nhân, người lao động hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong việc vận động, tập hợp công nhân, người lao động hiện nay


Trưởng đại diện UNESCO nói về quan điểm ngoại giao độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trưởng đại diện UNESCO nói về quan điểm ngoại giao độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Di chúc của Bác là ngọn đuốc tiếp tục rọi sáng con đường cách mạng

Di chúc của Bác là ngọn đuốc tiếp tục rọi sáng con đường cách mạng