Banner Ban dân vận tỉnh ủy sub-site-1

Một số kinh nghiệm của Liên bang Nga trong thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân; công tác dân tộc; công tác tôn giáo; công tác vận động quần chúng

Nga nằm ở phía Bắc lục địa Á - Âu, có diện tích 17.125.191km2; dân số 146.880.432 người (tháng 01/2018); trên 180 dân tộc, trong đó người Nga chiếm 77,7%, người Tác-ta 3,7%, người U-crai-na 1,35%; GDP đạt khoảng 1.520 tỷ USD (9.264 USD/người/năm 2018, theo Quỹ tiền tệ quốc tế). Tôn giáo: Cơ đốc giáo Chính thống (75% dân số), Hồi giáo (5%), các tôn giáo khác: Phật giáo, Do Thái giáo, Tin Lành...

Mặc dù trong điều kiện bị phương Tây bao vây cấm vận, kinh tế Nga tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng GDP năm 2018 đạt 1,6%, dự kiến năm 2019 đạt 2%. Chính phủ Liên bang Nga đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu đến năm 2025 đưa Nga đứng vào nhóm 5 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

  Quan hệ và hợp tác giữa Việt Nam - Liên bang Nga có bề dày truyền thống, hữu nghị và độ tin cậy cao. Quan hệ giữa Đảng ta và các chính đảng của Liên bang Nga không ngừng được củng cố và phát triển. Đảng ta đã ký Biên bản hợp tác với Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền cho giai đoạn 2018-2021; ký Bản ghi nhớ về hợp tác với Đảng Nước Nga Công bằng; có quan hệ gắn bó với Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Liên bang Nga diễn ra vào tháng 9/2018 đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp, tạo những dấu mốc mới. Nội dung các cuộc hội đàm, hội kiến cũng như Tuyên bố chung thể hiện sâu sắc tầm nhìn chiến lược dài hạn và quyết tâm chính trị ở mức cao thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nga đi vào giai đoạn phát triển năng động, thực chất và hiệu quả hơn. Hợp tác trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Nga vẫn là nhà cung cấp chủ yếu vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, hai bên đã và đang thực hiện nhiều hợp động trang thiết bị quốc phòng trị giá trên 06 tỷ USD. Quan hệ kinh tế - thương mại phát triển tích cực. Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga đạt hơn 2,44 tỷ USD (tăng 12,81% so năm 2017) và xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD (tăng 53,38% so năm 2017). Tính đến tháng 7/2019, Liên bang Nga đứng thứ 24/131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 127 dự án và tổng số vốn đăng ký là 954,1 triệu USD. Nga đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí, năng lượng. Việt Nam có 22 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn đầu tư mới và tăng số vốn đạt gần 3 tỷ USD. Hiện nay, Nga vẫn tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Hằng năm, Nga đều tăng số lượng học bổng cho Việt Nam, đến nay khoảng từ 900 đến 1.000 suất/năm, là nước tiếp nhận nhiều nhất trong số gần 50 nước nhận lưu học sinh theo diện Hiệp định và ngân sách Nhà nước. Hiện có khoảng 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nhân văn, du lịch ngày càng được tăng cường. Lượng khách du lịch Nga sang Việt Nam đều tăng khoảng 30%/năm. Năm 2017 đạt 574 ngàn lượt, năm 2018 đạt hơn 600 ngàn lượt. Năm 2019 có các sự kiện lớn trong quan hệ hai nước: Kỷ niện 25 năm ký hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga; năm 2020 kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Liên bang Nga, khai mạc Năm chéo vào tháng 5/2019 và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự các diễn đàn quốc tế, thăm và làm việc tại Nga. Ngoài ra, hợp tác giữa các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, giao lưu nhân dân đang diễn ra sôi động trong năm 2019, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Một số kinh nghiệm trong thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân; công tác dân tộc; công tác tôn giáo; công tác vận động quần chúng của Liên bang Nga

Trước hết, người dân Liên bang Nga nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành và tự giác chấp hành pháp luật rất cao. Từ việc vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường, chấp hành giờ giấc… nghiêm túc, tự giác. Chế tài xử phạt của Nhà nước nghiêm khắc, ví dụ như: uống rượu, bia và lái xe có thể tước bằng lái vĩnh viễn hoặc ngồi tù. Nhà nước thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật như giờ tàu, máy bay… xuất phát hoặc kết thúc hành trình gần như chính xác tuyệt đối. Đặc biệt chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân như chính sách việc làm và trợ cấp thất nghiệp cho người dân: những người đăng ký tìm việc làm qua hệ thống mạng xã hội ba lần mà không có việc làm được xem là thất nghiệp và được trợ cấp bằng một lần mức lương tối thiểu/tháng, và sau 3 tháng, Nhà nước sẽ tìm việc làm cho người dân đó…

Thứ hai là, chế độ quản lý các tổ chức xã hội (hội, đoàn…)  được thiết lập ở Nga từ rất sớm bằng Sắc lệnh từ thời Nữ hoàng Ekaterina đệ nhị, với sự ra đời đầu tiên của Hội Địa lý từ thế kỷ XVIII, cho đến khi thành lập chính quyền Xô-viết đầu thế kỷ XX. Năm 1906, bắt đầu có quy định tổ chức thành lập hội, đoàn và để có tư cách pháp nhân, các hội, đoàn này phải đăng ký tại tòa án. Hiến pháp Nga quy định công dân có quyền được tham gia và quyền không tham gia hội, đoàn. Mặt trận Nhân dân Nga có vai trò quan trọng trong việc tham gia ý kiến đối với các dự án và các vấn đề liên quan đến đông đảo quần chúng nhân dân. Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: "Mỗi người đều có quyền liên kết, trong đó có quyền lập hội đoàn chuyên nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Tự do hoạt động hiệp hội được bảo đảm. Không một ai bị ép buộc, hoạt động trong một hiệp hội nào". Việc thành lập, hoạt động của hội đoàn được quy định cụ thể tại Bộ Luật Dân sự và các luật của Liên bang. Hội đoàn hoạt động không liên quan đến chính trị, không thuộc đảng phái nào lãnh đạo. Các tổ chức này hoạt động đúng nguyên tắc 3 tự, Nhà nước trả công qua các hoạt động của các tổ chức minh bạch, khách quan, trung thực, hiệu quả cao. Các tổ chức xã hội tại Nga đóng góp 17% kinh phí cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba là, Nga rất coi trọng vấn đề dân tộc, luôn chú trọng kết hợp hài hòa chính sách Liên bang và chính sách dân tộc. Nga thành lập cơ quan điều hành, giám sát thực hiện những vấn đề liên quan đến dân tộc, các địa phương có bộ máy làm công tác dân tộc và dưới quyền Tổng thống Liên bang Nga có Hội đồng phụ trách dân tộc, có nhiệm vụ tham vấn các vấn đề về dân tộc và chính sách dân tộc. Hội đồng họp 3 lần/năm, Tổng thống là người điều hành các cuộc họp đó. Chính quyền các địa phương dựa trên Chiến lược, chương trình của Nhà nước để triển khai thực hiện công tác dân tộc theo mục tiêu chung và hài hòa lợi ích các dân tộc. Qua thực tiễn lịch sử, Liên bang Nga rút ra một kinh nghiệm sâu sắc rằng, sự sụp đổ của Liên Xô có nguyên nhân không nhỏ từ vấn đề dân tộc, đó là sự bất bình đẳng, xung đột về dân tộc, bị nước ngoài lợi dụng kích động...

Thứ tư là, Hiến pháp năm 1993 của Liên bang Nga (Điều 28) khẳng định: "Mỗi người đều được đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có quyền riêng của mình hoặc cùng với người khác theo bất kỳ tôn giáo nào hoặc không theo bất cứ tôn giáo nào, tự do lựa chọn và phổ biến tôn giáo và các hình thức tín ngưỡng khác và hành động theo tín ngưỡng đó". Chính sách tôn giáo của Nhà nước Nga hiện nay là ủng hộ các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống ở nước Nga. Đặc biệt là Chính phủ Liên bang có chủ trương thí điểm đưa môn học về đạo đức tôn giáo vào trong trường phổ thông nhằm phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, qua đó hạn chế ảnh hưởng truyền giáo từ bên ngoài vào. Liên bang Nga có điều luật quy định về vấn đề tà đạo, cuồng tín và người vi phạm phải bị trừng phạt theo luật định. Hiện nay, Nga có danh sách các tổ chức tôn giáo bị cấm hoạt động, ngoài các tổ chức này thì được tự do hoạt động theo pháp luật. Nga quy định rõ thế nào là các tổ chức khủng bố; ủng hộ tôn giáo truyền thống và thực hiện đối thoại trực tiếp với chức sắc tôn giáo truyền thống để tìm ra những tà giáo ẩn sau tôn giáo truyền thống, phá hoại ổn định chính trị, xã hội ở Nga.

Thứ năm là, xây dựng Chính phủ điện tử và kinh tế số ở Liên bang Nga. Xây dựng và thực hiện chiến lược xã hội thông tin là một trong những quan tâm ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Putin, được ngiên cứu, xây dựng từ năm 2008. Năm 2011, Chương trình "Nhà nước và xã hội thông tin" được chính thức triển khai, ưu tiên phân bổ ngân sách để tổ chức thực hiện theo lộ trình đến năm 2024 với mục tiêu xây dựng nước Nga điện tử trên cơ sở thống nhất, đồng bộ hóa các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau. Trong đó, đặc biệt chú trọng vấn đề an ninh mạng bằng các biện pháp mã hóa, sử dụng thiết bị sản xuất tại Nga, xây dựng hệ thống bảo vệ toàn diện tấn công mạng. Trên cơ sở những kết quả đạt được, đến nay Nga chuyển mạnh sang giai đoạn "số hóa", xây dựng nền kinh tế với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đạt 25% GDP và tạo ra khoảng 10 doanh nghiệp lớn về kinh tế số, và khoảng 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo ra các hoạt động ứng dụng công nghệ số, tạo lập nền tảng liên lĩnh vực ứng dụng số hóa với hệ sinh thái hoàn chỉnh của kinh tế số. Cổng dịch vụ công của Nga có tính bảo mật cao, được thực hiện một quy trình khép kín, mỗi cơ quan nhà nước khi kết nối hệ thống đều được cung cấp một thiết bị bảo mật. Một trong những thành công của Chính phủ điện tử đến năm 2020 của Nga là: Không giấy tờ; không quan chức; không có sự cố trong tương tác và hình thành các hệ sinh thái số, cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thứ sáu là, chế độ tự quản đã xuất hiện rất sớm tại Nga, từ thế kỷ IX, với tính chất là một hình thức quản lý nhưng những nguyên tắc của chế độ tự quản hiện nay được hình thành dưới thời Xô-viết, những năm 1990, thông qua cơ chế Hội đồng Xô-viết địa phương, được tổ chức thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Đến nay, tự quản địa phương được xác lập là một nguyên tắc hiến định có tính cốt lõi trong Hiến pháp Liên bang Nga 1993 và là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của tổ chức, được xác lập ngay tại Chương I "Nền tảng của chế độ hiến định". Cơ quan tự quản địa phương không nằm trong cơ cấu quyền lực nhà nước của chính quyền Liên bang nhưng việc phát huy chế độ tự quản đã tác động tích cực để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Chế độ tự quản địa phương là hình thức phát huy dân chủ thông qua các hình thức khác nhau như các hình thức dân chủ trực tiếp (các cuộc bầu cử; trưng cầu dân ý; bãi miễn người giữ các chức vụ bầu cử; biểu quyết về địa giới hành chính...) hoặc dân chủ khuyến nghị (sáng lập hiến pháp; các câu lạc bộ, các nhóm cùng lợi ích; các cuộc họp dân tại nơi ở; các cuộc điều trần công khai về những vấn đề người dân quan tâm; đơn thư kiến nghị...). Chế độ tự quản được thực hiện thông qua hình thức hội đồng, người được bầu sẽ lựa chọn người lãnh đạo hoặc do lãnh đạo địa phương chỉ định. Đại diện Hội đồng tham gia các cuộc họp với người dân; tham gia các buổi điều trần công khai; thảo luận thông qua các hình thức trực tiếp, điện tử...

Thứ bảy là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại Liên bang Nga trong triển khai các dự án giao thông. Khi triển khai dự án liên quan đến đông đảo quần chúng nhân dân thì đều lấy ý kiến của người dân và người dân được chính quyền thông báo rộng rãi, công khai về các thông tin liên quan đến dự án. Nơi nào triển khai dự án cũng có website riêng về dự án, công khai khối lượng công việc, tiền đầu tư, các chỉ số, các yêu cầu về kỹ thuật, tiến độ thực hiện để người dân trực tiếp theo dõi, đánh giá. Những người chịu trách nhiệm về dự án thường xuyên phải tương tác với công chúng, ngoài ra còn tổ chức thăm dò dư luận xã hội thông qua mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả thăm dò dư luận sẽ là một căn cứ quan trọng để chính quyền phân bổ vốn cho đơn vị thực hiện dự án tiếp theo. Khi phát hiện ra sai sót, người dân có quyền khiếu nại và sẽ được các nhà thầu giải quyết ngay hoặc phản hồi trong vòng 2 giờ. Do đó, người đại diện dự án phải nắm rõ công việc, tiến độ và có kỹ năng tiếp xúc với công chúng. Khi có xung đột về lợi ích giữa người dân và đơn vị quản lý dự án thì sẽ giải quyết từng trường hợp và chính quyền các địa phương có trách nhiệm giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến dự án. Ngoài ra, việc giải quyết khiếu nại của công dân được cả cấp Trung ương xử lý và được kiểm soát kép bởi cả chính quyền Trung ương và người dân. Các ý kiến của công dân được lưu tại website dự án và công khai trên toàn quốc đồng thời công dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình cung cấp.

Ở Việt Nam, người dân nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành và tự giác chấp hành pháp luật chưa cao, nhất là bảo vệ môi trường, tham gia giao thông…   Việc quản lý và thành lập các hội đoàn ở Nga rất linh hoạt nhưng luôn đảm bảo dựa trên quy định của pháp luật. Đối với các tổ chức xã hội (hội đoàn quần chúng) ở nước ta cơ bản Nhà nước vẫn bao cấp, chưa thực hiện được nguyên tắc 3 tự theo quy định. Mặt khác, nước ta có các tổ chức chính trị xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và còn có các hội có tính chất đặc thù. Cơ chế đấu thầu công khai các nhiệm vụ công, dịch vụ công để các tổ chức xã hội, hội đoàn có thể tham gia thực hiện bằng ngân sách nhà nước cung cấp trên cơ sở kết quả đấu thầu là kinh nghiệm tốt cần sớm được nghiên cứu, vận dụng trong quá trình đổi mới cơ chế hoạt động hội quần chúng ở Việt Nam. Liên hệ, so sánh tình hình thực hiện chính sách dân tộc ở Nga qua các thời kỳ, càng có cơ sở để khẳng định tính đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của việc Đảng ta luôn thực hiện nhất quán đường lối chỉ đạo "các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển". Việc xa rời nguyên tắc này đã để lại những hậu quả to lớn, mà hậu quả lớn nhất là phá vỡ nguyên tắc kết hợp giữa địa giới hành chính lãnh thổ với vấn đề dân tộc của thời kỳ Liên Xô, tạo ra xu hướng ly khai. Rút kinh nghiệm và và khắc phục vấn đề này, từ năm 2012, chính quyền của Tổng thống Putin đã xây dựng và tập trung thực hiện Chiến lược chính sách dân tộc đến năm 2025. Chính sách dân tộc ở Việt Nam về cơ bản cũng giống như của Liên bang Nga, nhưng chúng ta chưa có luật về dân tộc. Chính sách "tôn giáo truyền thống" là một chính sách nhất quán của nước Nga suốt 3 đời Tổng thống. Tiêu chí "truyền thống" được hiểu là "truyền thống các dân tộc trong Liên bang Nga" thể hiện quan điểm độc lập, tự chủ trong chính sách tôn giáo; không chịu sự chỉ đạo của các giáo hội ở ngoài nước. Tuy nhiên, công tác dân tộc, công tác tôn giáo ở Nga cũng luôn đứng trước thách thức bị các phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, được sự hỗ trợ, tài trợ của các thế lực bên ngoài, lợi dụng dân chủ và quyền tự do tôn giáo để tiến hành các hoạt động tác động tới tư tưởng người dân, chia rẽ, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, đòi hỏi phải luôn đề cao cảnh giác, không xem thường hậu quả, tác hại của loại vũ khí phi vật chất nhưng được coi là có tính hủy diệt rất cao đối với  sự ổn định và đồng thuận xã hội. Quan điểmvà cách vận hành chế độ tự quản địa phương của Liên bang Nga là những gợi ý thiết thực tương đối phù hợp để tham khảo trong quá trình nghiên cứu thể chế hóa mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/W (2017). Không phải là một cấp chính quyền, không thuộc cơ cấu quyền lực nhà nước mà là thiết chế nhằm phát huy quyền lực của cộng đồng trong khuôn khổ giải quyết những vấn đề ở cơ sở, gắn bó trực tiếp với người dân; tuy không mang quyền lực nhà nước nhưng được đảm bảo bằng quyền lực nhà nước, trên cơ sở quy định minh bạch, rõ ràng của pháp luật. Đáng lưu ý là việc thiết lập chế độ tự quản không song song với sự phân chia địa giới hành chính, mà tùy thuộc theo các đặc diểm địa lý, kinh tế - xã hội, dân tộc, lịch sử... Do vậy, chế độ tự quản cộng đồng là sự bổ khuyết rất hiệu quả đối với hệ thống quản lý nhà nước nhưng cần xây dựng quy chế pháp lý rõ ràng, cụ thể để phát huy tốt hiệu quả của mô hình này. Việc thực hành dân chủ ở Liên bang Nga ngày càng được mở rộng và thực hiện dưới nhiều hình thức như chính phủ điện tử và có sự tham gia của các mạng xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện trao đổi thông tin trên mạng xã hội được kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn thông tin xấu; thông báo tới người đăng tin sai sự thật và cho phép tự gỡ bỏ trong vòng 24 giờ. Mọi công dân đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin mà mình cung cấp. Ở nước ta có pháp lệnh dân chủ cơ sở, chỉ thị của Đảng và các nghị định của Chính phủ nhưng chưa có luật về nội dung này./.

                                                       Phan Thanh Đoài   

                                          Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy  

 

Tin cùng chuyên mục

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân


Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả


Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch

Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch



Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954

Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954


Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững


Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển

Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển


Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp


“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận

“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận


Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay


Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp

Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp


Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn

Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn


Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương

Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương


Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An

Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An