Năm 2023, thực hiện Khoản 3 Điều 86 Luật An toàn, vệ sinh lao động, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành sát đúng của UBND tỉnh, công tác chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023 đạt những kết quả khả quan:
UBND tỉnh triển khai, chỉ đạo thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; ban hành văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo ATVSLĐ trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các sở, ban, ngành, địa phương theo thẩm quyền đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên môn về công tác ATVSLĐ; tổng hợp, báo cáo công tác ATVSLĐ và tình hình tai nạn lao động theo quy định.
Trong năm, có 04/06 mục tiêu đề ra đạt và vượt so với kế hoạch, gồm các chỉ tiêu: 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật; 100% làng nghề, hợp tác xã được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ; 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được bồi thường, trợ cấp, điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật; 100% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp huyện, thị xã, thành phố và trong các khu kinh tế, khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ.
Hội đồng ATVSLĐ tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đồng chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Hội đồng tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng Công nhân năm 2023 tại Khu công nghiệp Vsip, buổi lễ đã thu hút hơn 500 người sử dụng lao động, người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và trên địa bàn huyện Hưng Nguyên tham gia. Tại buổi lễ, các thông điệp về an toàn, vệ sinh lao động, chế độ, chính sách đối với người lao động đã được truyền tải đến đông đảo người sử dụng lao động, người lao động và có 10 người lao động bị tai nạn lao động nặng được ban tổ chức trao phần quà thăm hỏi, động viên.
Công tác tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ được quan tâm chỉ đạo, các Sở, ngành, đơn vị đã tổ chức gần 60 lớp tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho hơn 4.900 người, trong đó, Sở Y tế tổ chức 24 lớp cho 2.499 người sử dụng lao động, người lao động; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức 07 lớp tập huấn công tác ATVSLĐ cho gần 1.000 người, gồm có 480 lãnh đạo, chuyên viên phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động, xã hội các xã, phường, thị trấn của 21 huyện, thành phố, thị xã và hơn 500 người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Liên minh Hợp tác xã chủ trì, phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 02 lớp tập huấn cho hơn 200 người người sử dụng lao động, người lao động trong các làng nghề, hợp tác xã trên địa bàn thị xã Thái Hòa, huyện Nghi Lộc...
Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người lao động về công tác ATVSLĐ, nhiều doanh nghiệp đã tích cực cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; từng bước xây dựng văn hóa về an toàn lao động; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Các Sở, ngành, địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ trực tiếp tại các đơn vị, doanh nghiệp; chú trọng hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp triển khai công tác tự kiểm tra tại đơn vị.
Trong năm 2023, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Lao động - TB&XH, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại 10 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn. Qua thanh tra, Đoàn đã kiến nghị Chánh Thanh tra Bộ quyết định xử phạt công ty CP Nam Thuận Nghệ An số tiền 150.000.000 đồng với hành vi chậm đóng gần 8 tỷ đồng tiền BHXH (bao gồm BH TNLĐ-BNN), BHTN.
UBND tỉnh triển khai 02 Đoàn liên ngành kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản (trong đó có pháp luật về ATVSLĐ) tại 24 doanh nghiệp hoạt động khoáng sản. Các Sở, ngành, địa phương nhiều cuộc kiểm tra, giám sát về lao động, ATVSLĐ, BHXH gần 1.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh. Qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra, giám sát đã yêu cầu các đơn vị thực hiện khắc phục các tồn tại trong công tác ATVSLĐ. Tính đến 31/10/2023, có hơn 250 doanh nghiệp thực hiện tự kiểm tra pháp luật lao động, ATVSLĐ và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Qua báo cáo cho thấy cơ bản các doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện các nội dung về ATVSLĐ như: tập huấn, chăm sóc sức khỏe, tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân...
Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Mười tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn lao động làm 16 người bị nạn, trong đó có 07 người chết, 04 người bị thương nặng, 05 người bị thương nhẹ; làm thiệt hại về vật chất hơn 50 triệu đồng. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về ATVSLĐ như: hoạt động khoáng sản (01 vụ, 02 người chết); bốc xếp vật liệu (02 vụ, 04 người chết); lắp đặt thiết bị điện (01 vụ, 01 người chết).
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ, BNN: Qua điều tra cho thấy lỗi trực tiếp là do người sử dụng lao động không huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, không quan trắc môi trường lao động; vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn, thiếu kiểm tra, giám sát; người lao động còn chủ quan, thiếu ý thức phòng ngừa TNLĐ, vi phạm quy trình làm việc an toàn.
Tình hình chăm sóc sức khỏe người lao động: Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động được nhiều doanh nghiệp chú trọng quan tâm thực hiện khá tốt như: khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, quan trắc môi trường lao động,... Theo tổng hợp báo cáo của Sở Y tế, 10 tháng đầu năm 2023 đã khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 35 lượt đơn vị với tổng số 15.823 công nhân (trong đó: loại I: 3.854; II: 8.875; III: 2.614; IV: 384; V: 96); thực hiện khám các bệnh nghề nghiệp: Lao, bụi phổi Silic, hen phế quản, rung toàn thân, rung cục bộ, điếc, da do ẩm ướt, sạm da, nhiễm độc hóa chất, viêm phế quản cho 14 lượt đơn vị với 2.751 công nhân (trong đó: 3 TH theo dõi bệnh bụi phổi Silic NN; 02 TH theo dõi bệnh bụi phổi Silic); tiến hành quan trắc môi trường lao động tại 15 cơ sở sản xuất với tổng số 1.645 mẫu vật lý và 1.240 mẫu đo hóa học.
Việc quản lý và sử dụng quỹ TNLĐ, BNN được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đến ngày 31/10/2023, 278 lượt người hưởng chế độ TNLĐ-BNN, số tiền là 3.755 triệu đồng; quản lý và chi trả 2.733 lượt người hưởng với số tiền là 31.510 triệu đồng. Theo báo cáo của BHXH tỉnh, đến hết tháng 10 năm 2023 có 266.731 người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN (tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng số thu quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN đến tháng 10/2023 là 72.335 triệu đồng (tăng 81,36% so với cùng kỳ năm 2022).
Nhìn chung, Việc chấp hành chính sách, pháp luật ATVSLĐ của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động ngày càng tốt hơn. Quản lý nhà nước về ATVSLĐ được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quản lý công tác ATVSLĐ; công tác thông tin tuyên truyền được triển khai với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, cụ thể hơn; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường. Ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATVSLĐ của doanh nghiệp, người dân được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư về ATVSLĐ trong sản xuất, kinh doanh, trong số đó có nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn tác động của công tác ATVSLĐ đến năng suất, chất lượng sản phẩm nên đã quan tâm tới việc xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc. Việc chăm sóc sức khỏe người lao động được tăng cường giúp người lao động giảm tâm lý căng thẳng, lo sợ bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, giúp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thu nhập và phúc lợi của người lao động được nâng cao./.