Hiện toàn tỉnh có 920.436 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm tỷ lệ 25,9 % tổng dân số), trong đó có 425.340 trẻ em dưới 6 tuổi (chiếm tỷ lệ 11,9% dân số). Toàn tỉnh, có 13.027 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có 132.285 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 14,4% tổng số trẻ em, có 51.943 trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo. Những đặc điểm trên ảnh hưởng đáng kể đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh.
Trong năm, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 01 Nghị quyết, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và ban hành 13 văn bản để cụ thể hóa việc thực hiện bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCS&GDTE), các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành 143 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc tại các địa phương thực hiện tốt công tác trẻ em trên địa bàn.
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã thường xuyên đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, từng bước cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và Nhân dân về bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng phóng sự “Nghệ An tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trong bối cảnh hiện nay” và “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cnho trẻ em”; treo 305 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền chính sách, pháp luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì thực hiện xuất bản các tài liệu: Hỏi - đáp Luật Trẻ em 2017 (hơn 1.200 bản); Tờ rơi tuyên truyền phòng chống mua bán người, biện pháp bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng (hơn 60.000 tờ… MTTQ Việt Nam các cấp, tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác trẻ em bằng các hình thức như: Bản tin, đăng tải các văn bản và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Fanpage, facebook của Ủy ban MTTQ tỉnh với 977 tin, bài với 126.458 lượt theo dõi, 135.392 lượt thích. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Trẻ em, các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi tại chuyên mục “Đội TNTP Hồ Chí Minh” trên trang tinhdoannghean.vn; tích cực đăng tải tin bài, hình ảnh hoạt động trên Facebook Tình nguyện Nghệ An, Tỉnh đoàn Nghệ An, Học sinh - sinh viên tỉnh Nghệ An. Các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép, sinh hoạt CLB, nói chuyên đề, sinh hoạt tổ, chi hội phụ nữ, tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục làm cha mẹ, các kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình, về sức khỏe sinh sản, phòng chống đuối nước, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng chống tảo hôn...
Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn đội ngũ làm công tác trẻ em. Cán bộ làm công tác trẻ em từ tỉnh đến cơ sở cơ bản có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình và trách nhiệm trong công tác, đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án và thực hiện các mục tiêu BVCS&GDTE đạt hiệu quả trên địa bàn. Các Sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình đã lồng ghép, đa dạng hóa nội dung các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng về bảo vệ chăm sóc trẻ em. Năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức176 lớp tập huấn về nâng cao năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho 26.531 lượt cán bộ làm công tác trẻ em của các cấp, ngành, huyện, xã và cộng tác viên trẻ em của các khối xóm, bản, làng, các cha, mẹ của trẻ.
Thực hiện Công văn số 69/LĐTBXH-TTr ngày 09/1/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em và chỉ đạo của UBND tỉnh, 21/21 huyện, thành, thị đã tự kiểm tra và báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành, thị tiếp tục cập nhật dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý đối tượng; thực hiện chuẩn hoá và làm sạch dữ liệu để cập nhật dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em tại cơ sở theo hướng dẫn tại Công văn số 2513/LĐTBXH-TTTT ngày 14/7/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc chuẩn hoá và làm sạch dữ liệu trẻ em thực hiện Đề án 06.
Toàn tỉnh có 11 cơ sở chăm sóc, giáo dục, dạy nghề và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó có 4 cơ sở công lập: Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Giáo dục, dạy nghề người khuyết tật và Làng trẻ em SOS Vinh; có 7 cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập (Trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật và trẻ mồ côi mẹ Têrêxa, Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Lâm Bích, Trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật và trẻ mồ côi 19/3, Trung tâm Bảo trợ xã hội Hiền Lương, Trung tâm Bảo trợ xã hội Thiện Tâm, Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật Betania, Mái ấm An Tôn,.
Triển khai Quyết định số 1031/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, Sở Ngoại vụ đã phối hợp cho ý kiến tiếp nhận 03 dự án và 03 phi dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tài trợ cho trẻ em tỉnh Nghệ An với tổng kinh phí là 713.870 USD.
Triển khai dự án “Thúc đẩy thực thi quyền trẻ em, đảm bảo trẻ em được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục đối với trẻ em bị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ trên địa bàn 05 huyện: Anh Sơn, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Nghi Lộc. Do Quỹ Thúc đẩy sáng kiến Tư pháp (JIFF) - Dự án EU JULE tài trợ với tổng chi phí gần 1.4 tỷ đồng.
Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An đã làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thống kê số liệu liên quan đến tình hình thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về các nhóm tội phạm liên quan đến trẻ em; các số liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ, chính xác. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 6/6/2023 ban hành Quy chế phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh; kịp thời ban hành các văn bản để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công phòng chống xâm hại trẻ em...
Bên cạnh kế quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn tồn tại: Các vụ tai nạn, thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em, trẻ em tảo hôn có chiều hướng tăng. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể chiều cao, cân nặng tuy có giảm nhưng tỷ lệ vẫn còn cao. Tình trạng trẻ em lạm dụng đồ chơi công nghệ, nghiện game, điện tử, trẻ em truy cập các trang mạng internet có nội dung độc hại hoặc các trò chơi không lành mạnh; trẻ em bị lợi dụng, bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng có chiều hướng gia tăng. Còn thiếu các điểm vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em, nhất là ở đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Một số giải pháp thời gian tới:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về trẻ em; đưa mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em không còn phù hợp.
- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác bảo vệ trẻ em, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong đó, tập trung vào công tác phòng chống tai nạn thương tích đuối nước trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em, tảo hôn và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
- Tiếp tục tổ chức phối hợp thực hiện tốt công tác đấu tranh, điều tra, xác minh, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em đảm bảo nghiêm minh, kịp thời, đúng đối tượng, tránh bỏ sót, dung túng, bao che cho đối tượng.
- Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trọng tâm về phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em; bạo lực và xâm hại trẻ em, tảo hôn và phòng chống thiếu vi chất, sự gia tăng của tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em và các nguy cơ của tình trạng thừa cân béo phì trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho từng nhóm đối tượng, vùng, miền.
- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho chính quyền các cấp, cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.
- Tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội đoàn thể trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát động phong trào toàn dân bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; vận đồng đoàn viên, hội viên tham gia phát hiện, tố giác đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em; nhân rộng mô hình nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Tăng cường hợp tác quốc tế để học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em; vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Tiếp tục duy trì và mở rộng các dịch vụ bảo vệ trẻ em, Văn phòng tư vấn tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh; nhân rộng các mô hình, điểm tư vấn trẻ em tại cộng đồng và các trường THCS; tăng cường vận động xã hội hóa các hoạt động, dịch vụ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Thúc đẩy các mô hình sản xuất hợp lý để tạo nguồn thực phẩm sẵn có cho bữa ăn tại hộ gia đình.
- Tăng cường chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các Chương trình, kế hoạch của Trung ương, tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn 2021-2030.
- Bố trí kinh phí đầu tư cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống đuối nước trẻ em đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; cấp huyện, xã bố trí kinh phí thực hiện tốt công tác trẻ em./.