Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề văn hoá luôn có một vị trí quan trọng. Những quan điểm của Người về văn hoá là kim chỉ nam để Đảng ta hoạch định đường lối, sách lược phát triển văn hoá qua các giai đoạn cách mạng.
Những quan điểm và hoạt động văn hoá của Người không những làm phong phú thêm kho tàng văn hoá của dân tộc, mà còn góp phần vào sự tiến bộ và phát triển nền văn minh của nhân loại. Để cụ thể hóa nội dung tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh phát triển đất nước, cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ "...phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội". Theo đó để vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tác phẩm "Dân vận", để vận động đồng bào dân tộc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vào điều kiện cụ thể ở huyện miền núi Tương Dương đã và đang thực hiện, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.
Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tương Dương đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền huyện, cùng phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An trực tiếp tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xếp hạng công nhận "Đền Vạn - Cửa Rào" là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh (tại Quyết định số 152/QĐ-UBND-VX, ngày 15/01/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An), là nơi thờ Đốc Tướng quân Đoàn Nhữ Hài có công dẹp giặc "Ai Lao". Kể từ đó đến nay Lễ hội "Đền Vạn - Cửa Rào" luôn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa mang đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, là nơi khởi nguồn cho các hoạt động văn hóa thể thao hàng năm và tại các kỳ Đại hội thể dục thể thao các dân tộc thiểu số, thông qua đó để định hướng tập trung cho phát triển các môn thể thao truyền thống dân gian như: bắn nỏ, tung còn, đẩy gậy,... để vừa bảo tồn, vừa phát huy các môn thể thao là thế mạnh của đồng bào các dân tộc.
Tiết mục trong lễ hội Đền Vạn
Ủy ban nhân dân huyện rất quan tâm tổ chức mở các lớp tập huấn, mời các Nghệ nhân có tay nghề truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rèn,... Từ Năm 2006 đến nay huyện đã mở được 18 lớp đào tạo nghề truyền thống cho 660 học viên, với tổng kinh phí 502 triệu đồng (gồm: 11 lớp Dệt Thổ cẩm; 3 lớp Đan lát; 1 lớp Bển chổi đót; 1 lớp Cắt May; 2 lớp Rèn).
Cấp ủy, chính quyền huyện cho thành lập Câu Lạc bộ Văn học Nghệ thuật "Mường Xủng" huyện Tương Dương. Các hoạt động trong lĩnh vực Văn học Nghệ thuật của đồng bào các dân tộc huyện Tương Dương, gồm các mảng: Văn nghệ dân gian, mỹ thuật, ảnh, sân khấu biểu diễn, văn thơ,... của đồng bào dân tộc được phát huy có hiệu quả hơn. Mỗi năm xuất bản 2 số, mỗi số 500 cuốn và trên Trang điển tử "Mường Xủng" đã đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục, truyền tải các tác phẩm Văn học Nghệ thuật của đồng bào các dân tộc có giá trị về lịch sử văn hóa đến với độc giả trong và ngoài tỉnh, góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát huy hiệu quả những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp đồng bào các dân tộc miền Núi. Hiện nay huyện đã thành lập được: 14 Câu Lạc bộ (CLB), trong đó có 8 CLB dân ca, dân vũ, dân nhạc, 1 CLB hát Tơm, 2 CLB dân ca Ví Giặm, 3 CLB bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Thái. Nội dung hoạt động của các CLB rất phong phú và hiệu quả, là linh hồn của đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư; tiêu biểu có các Nghệ nhân: Vi Khăm Mun, Đinh Thị Minh Nguyệt, Lương Văn Pắn (Dân tộc Thái); Và Bá Đùa (Dân tộc Mông).
Cấp ủy, chính quyền huyện cấp kinh phí 20 triệu đồng để mời Cụ Lô Văn Thoại là người duy nhất còn biết và lưu giữ được bản gốc Chữ Thái Lai Pao để mở 1 lớp truyền dạy cho các cụ người cao tuổi và Bí thư Đoàn thanh niên, tiếp theo đó biên soạn cuốn giáo án đầu tiên để truyền dạy rộng rãi trong nhân dân. Huyện Tương Dương đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tổ chức mở các 20 lớp truyền dạy chữ Thái Lai Pao với 850 học viên, kinh phí thực hiện hơn 800 triệu đồng. Đã hoàn thành Đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu và xây dựng tài liệu giảng dạy chữ Thái hệ Lai Pao", được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá xuất sắc; Hiện nay UBND tỉnh đã cho in bộ tài liệu về chữ Thái hệ Lai Pao trị giá 300 triệu đồng. Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, mở các lớp truyền dạy tiếng dân tộc Ơ Đu, khôi phục lại trang phục của người Ơ Đu, phối hợp với Sở VHTT tỉnh Nghệ An phục dựng thành công Lễ hội truyền thống "Mừng tiếng sấm đầu năm mới" của dân tộc Ơ Đu. Duy trì lễ hội Cầu Mùa, lễ hội Mừng Nhà Mới của dân tộc Khơ Mú, lễ hội Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái tại cơ sở; tổ chức đưa đại biểu đồng bào Ơ Đu đi giao lưu văn hóa, tìm hiểu phong tục tập quán tộc người Ơ Đu tại bản Kháp, huyện Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng - Lào; phục dựng Lễ hội "Mừng nhà mới" của dân tộc Khơ Mú,...
Thông qua 5 đợt Hội diễn văn nghệ dân tộc thiểu số cấp tỉnh, trong đó 3 lần liên tục huyện Tương Dương được xếp nhất toàn đoàn, 1 lần xếp thứ 3 toàn đoàn. Đại diện cho các dân tộc tỉnh Nghệ An tham gia Festival Cồng chiêng Tây nguyên, đại diện tỉnh Nghệ An tham gia giao lưu Văn hóa Thể thao các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào tại Sơn La đạt thành tích cao. Ngoài ra công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc còn được thực hiện thường xuyên qua các hoạt động hội thi, hội diễn từ huyện đến cơ sở và các ngày lễ, ngày tết đặc biệt là tại Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào hàng năm. Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại huyện Tương Dương, huyện đã chỉ đạo bổ sung vào Quy ước, Hương ước bản làng; bài trừ những hủ tục, tập tục lạc hậu không còn phù hợp như: mê tín dị đoan, tục bắt vợ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tập quán canh tác lạc hậu, trồng cây thuốc phiện, du canh du cư qua biên giới, truyền đạo trái pháp luật,... bên cạnh đó cần phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống như: tục thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên; tục làm vía động viên tinh thần sức khỏe cho người già, làm vía cầu may mắn cho người trẻ khi đi học hay lên đường nhập ngũ; thực hiện phòng trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,... để làm cơ sở thực hiện việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng dân cư trong thời gian tới.
Có thể khẳng định rằng vận động đồng bào dân tộc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa ở Tương Dương đã góp phần xây dựng nền tảng tinh thần văn hóa xã hội và làm phong phú, đa dạng, khích lệ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc; việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa một cách lành mạnh, trong sáng như vốn có của nó, đã góp phần tích cực việc ngăn chặn và đẩy lùi các tập tục lạc hậu, văn hóa thiếu lành mạnh. Chống lại mọi biểu hiện kỳ thị, độc tôn về văn hoá; chủ trương kế thừa truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc phải đi đôi với việc học tập và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại. Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên cơ sở đó, hội nhập và giao lưu với các nền văn hoá khác trên thế giới, cùng nhau phát triển. Khẳng định sự giao hoà giữa các nền văn hoá của các dân tộc khác nhau, coi đó như một động lực thúc đẩy sự phát triển văn hoá của mỗi dân tộc, làm cho nó hoàn thiện hơn, phong phú hơn./.
Nguyễn Mạnh Khôi
Phó trưởng ban TT Ban Dân vận TU