Tuyên ngôn Độc lập - khởi đầu cho khát vọng tự do, độc lập dân tộc
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với toàn thể thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”[1]. Không chỉ là lời khẳng định về mặt pháp lý, đó còn là lời thề thiêng liêng của một dân tộc từng chịu đựng hơn 80 năm nô lệ và hàng nghìn năm phong kiến. Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ vang vọng trong lời Người, mà thấm sâu trong từng trang sử và khát vọng của nhân dân Việt Nam. Đó là giá trị nền tảng của mọi thắng lợi cách mạng, đồng thời là động lực tinh thần to lớn để kiến thiết một xã hội - nơi “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Tuyên ngôn Độc lập, đồng thời, cũng là bản cương lĩnh về quyền con người và quyền dân tộc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ khái niệm con người tự do đến dân tộc tự do. Người nêu rõ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[2]. Từ đó, Người khẳng định quyền dân tộc Việt Nam là chính nghĩa, là bất khả xâm phạm, là chân lý mà “không ai có thể vi phạm được”.
Phát huy tinh thần bất diệt của bản Tuyên ngôn Độc lập, dưới ngọn cờ độc lập và tự do, cách mạng Việt Nam đã từng bước giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại. Ngay sau khi giành được chính quyền chưa bao lâu, dân tộc ta lại phải đối mặt với âm mưu quay trở lại xâm lược của thực dân Pháp núp bóng quân Đồng minh. Một lần nữa, khát vọng độc lập, tự do trỗi dậy mãnh liệt trong trái tim của triệu người dân đất Việt. Với khí phách của một dân tộc từng trải qua hàng nghìn năm chống ngoại xâm, toàn thể nhân dân ta đã nhất tề đứng lên chiến đấu, thể hiện rõ ý chí sắt đá qua lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, quân và dân ta kiên cường chiến đấu với ý chí sắt đá, tinh thần tự lực tự cường, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Đó là thắng lợi của chính nghĩa, của lòng yêu nước và của khát vọng sống trong một đất nước độc lập thật sự, không chỉ trên danh nghĩa, mà bằng xương máu của nhân dân.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, nước ta tạm thời bị chia cắt. Miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh dưới gót giày của đế quốc Mỹ và chế độ tay sai. Trong hoàn cảnh đó, khát vọng độc lập chuyển hóa thành khát vọng lớn hơn - thống nhất non sông, hoàn tất sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Trải qua những chặng đường đầy hy sinh và thử thách, từ Phong trào Đồng khởi, Tổng tiến công Tết Mậu Thân, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập, thống nhất. Chiến thắng 1975 không chỉ là chiến công hiển hách, mà còn là kết tinh lịch sử của một khát vọng lớn lao, nhất quán: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Từ độc lập đến phát triển: Khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Nếu như trong giai đoạn 1930 - 1975, mục tiêu trọng yếu của dân tộc là giành và giữ vững độc lập, thì từ sau năm 1975, khát vọng phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân trở thành nhiệm vụ trung tâm. Đây là dấu mốc mở ra kỷ nguyên thống nhất, đổi mới và phát triển (1975 - 2025). Đại hội VI của Đảng năm 1986 đánh dấu bước ngoặt quan trọng với việc chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ nền kinh tế bao cấp, kém phát triển trở thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực. Năm 1986, GDP Việt Nam chỉ khoảng 8 tỉ USD; đến năm 2023 đã vượt 430 tỉ USD, bình quân đầu người đạt gần 4.300 USD. Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 Đông Nam Á, đứng thứ 35 thế giới, thuộc nhóm các nền kinh tế có độ mở cao nhất toàn cầu. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt; quốc phòng, an ninh, đối ngoại và uy tín quốc tế tiếp tục được củng cố. Đại hội XIII của Đảng xác định rõ tầm nhìn phát triển: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[3]. Hành trình từ độc lập chính trị đến độc lập kinh tế, từ bảo đảm quyền được sống đến nâng cao chất lượng sống đang được hiện thực hóa bằng những chiến lược phát triển có cơ sở, có lộ trình, có giải pháp.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, quy mô nền kinh tế vượt 500 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD. Cùng với đó là yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, 30% thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Đây không chỉ là các chỉ tiêu phát triển trước mắt, mà là bước đi cụ thể để hiện thực hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc trong giai đoạn phát triển mới.
…Đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
`Với thế và lực đã được tích lũy qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những thành tựu lịch sử đạt được qua hai kỷ nguyên đấu tranh và lao động sáng tạo bền bỉ đã tạo nên nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba, bắt đầu từ Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đây là kỷ nguyên phát triển và giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, hướng tới xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu cuối cùng là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đủ sức sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Trong kỷ nguyên mới này, ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược: đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; lấy nguồn lực con người làm nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm đột phá.” Kỷ nguyên mới đòi hỏi một sự đột phá kép: vừa tiến thẳng vào hiện đại, công nghệ số; vừa xử lý dứt điểm những điểm nghẽn đang cản trở phát triển. Triết lý chính trị ở đây là rõ ràng: khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển của dân tộc.
Khát vọng vươn mình hôm nay là sự kết tinh ở tầm cao mới của khát vọng độc lập, tự do, được cụ thể hóa bằng mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững. Từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, thống nhất đất nước 1975, đổi mới 1986 đến kỳ vọng 2045, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ ngừng khát vọng: từ giành độc lập, đến kiến thiết, đến vươn mình khẳng định tầm vóc quốc gia. Kỷ nguyên vươn mình không chỉ là khẩu hiệu chính trị, mà là một tất yếu khách quan của lịch sử, là biểu hiện cụ thể của một dân tộc tự tin, hội tụ đủ điều kiện để gia nhập hàng ngũ các quốc gia phát triển. Như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được nhiều thành tựu vĩ đại”, hay “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”[4].
Nghệ An hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc
Trong hành trình khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, Nghệ An – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, văn hiến, hiếu học, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với vị trí địa chiến lược, nguồn nhân lực chất lượng và tiềm năng kinh tế đa dạng, Nghệ An đang từng bước bứt phá, phát triển toàn diện. Những năm gần đây, tỉnh đạt nhiều thành tựu nổi bật: năm 2024, GRDP tăng trưởng 9,01%, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỉ USD, thu hút FDI đạt 1,75 tỉ USD – mức cao nhất từ trước đến nay, liên tục nằm trong top 10 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, các khu kinh tế và khu công nghiệp hiện đại như VSIP Nghệ An, WHA, Hoàng Mai I, cùng Khu kinh tế Đông Nam đang trở thành cực tăng trưởng mới, thu hút nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, logistics, năng lượng tái tạo.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Nghệ An xác định rõ các nhiệm vụ chiến lược: xây dựng nền kinh tế xanh và hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị; phát triển toàn diện con người và xã hội, đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ công; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và môi trường phát triển. Tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược như cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An, cảng nước sâu Cửa Lò, mở rộng sân bay Vinh, đồng thời quy hoạch phát triển thành phố Vinh trở thành đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Cùng với đó là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục mũi nhọn, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Sau khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, Nghệ An đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng nền hành chính phục vụ, minh bạch và hiện đại.
Với thế và lực đang lên, quyết tâm chính trị cao và chiến lược phát triển rõ ràng, Nghệ An đang hiện thực hóa mạnh mẽ khát vọng vươn mình, góp phần xứng đáng vào sự phát triển bền vững của quốc gia trong thời kỳ mới./.
Kim Lưu, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 4, tr.4
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 4, tr.1
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 14
[4] GS, TS Tô Lâm: “Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 1.050 (tháng 11-2024), tr. 3