Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Tổng quan về kết cấu hạ tầng của Nghệ An

Nghệ An có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ bao gồm sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt Bắc Nam, mạng lưới đường bộ và đường thủy dễ dàng kết nối trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ hoạt động kinh tế, đầu tư và du lịch ở quy mô quốc gia và khu vực.

1. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông

Nghệ An có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ bao gồm sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt Bắc Nam, mạng lưới đường bộ và đường thủy dễ dàng kết nối trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ hoạt động kinh tế, đầu tư và du lịch ở quy mô quốc gia và khu vực. Cụ thể:

1.1. Đường bộ:

Có 8 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh. Trong đó, có 3 tuyến dọc hướng Bắc Nam, 5 tuyến ngang hướng Đông Tây nối với Lào; có tuyến đường xuyên Á từ nước Lào qua cửa khẩu Thanh Thủy đến cảng Cửa Lò và Đông Hồi.

Các mạng lưới đường nội đô và ngoại thành đang được mở rộng xây dựng mới hoặc nâng cấp, nối liền trung tâm thành phố với các khu ngoại ô lân cận và các khu vực xung quanh.

Đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phận tỉnh Nghệ An dài 134 km, quy mô 6 làn xe, dự kiến hoàn thành đi vào sử dụng năm 2021, tạo ra sự đột phá về kết cấu đường bộ, kết nối Nghệ An - Trung tâm vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với cả nước.

1.2. Đường biển:

- Cảng Cửa Lò là cửa ngõ giao thương và là đầu mối giao thông quan trọng, thuộc tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối Lào, Thái Lan, Myanmar với biển Đông theo Quốc lộ 7, là một cảng biển nhiều tiềm năng của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của hàng hóa thông quan là 6%/năm. Cảng có 06 bến chính, 3 bãi chứa hàng diện tích 9ha, công suất bốc xếp trên 10 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu 30.000 DWT

- Cảng quốc tế Vissai giai đoạn 1 dài 2000m, phục vụ tàu 70.000 DWT, là cảng chuyên dụng phục vụ vận chuyển xi măng và clinker. Giai đoạn 2 xây dựng thêm 1 bến cảng, trở thành cảng quốc tế đa dạng, có thể đón tàu 100.000 DWT.

- Tổng kho và bến cảng xăng dầu DKC Petro phục vụ tàu trọng tải lớn 49.000DWT vào xuất nhập xăng xầu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cho tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đang chuẩn bị thủ tục đầu tư một số cảng như cảng cạn IDC, cảng Đông Hồi, cảng nước sâu Cửa Lò.

- Cảng Đông Hồi đã quy hoạch để thu hút đầu tư xây dựng phục vụ trực tiếp Khu công nghiệp Đông Hồi và các khu công nghiệp lân cận, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho khu vực Bắc Nghệ An.

1.3. Đường không:

Sân bay Quốc tế Vinh có tốc độ tăng trưởng hành khách lớn nhất cả nước với trên 56%, nhà ga hành khách có quy mô từ 2,5 đến 3 triệu hành khách/ năm. Hiện có đường bay quốc tế đi Viêng Chăn (Lào), Băng Cốc (Thái Lan) và 5 đường bay nội địa đến các thành phố lớn trong nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ và đang nghiên cứu mở thêm một số tuyến bay trong nước và quốc tế thời gian tới (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan).

Sân bay cách trung tâm thành phố chưa đầy 15 phút lái xe. Sân bay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước và là sân bay chính của khu vực Bắc Trung Bộ.

Nhà ga hành khách được thiết kế theo mô hình 02 cao trình đi và đến tách biệt, công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm.

1.4. Đường sắt:

Với 94 km đường sắt Bắc - Nam. Trong đó, Ga Vinh là ga hạng I, là ga hành khách và vận chuyển hàng hóa lớn thứ ba của cả nước.

1.5. Cửa khẩu:

Với 419 km đường biên giới trên bộ với nước CHDCND Lào (dài nhất cả nước), Nghệ An có 5 cửa khẩu đi sang Lào. Trong đó, 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn), 1 cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy (Thanh Chương) hiện đã được quy hoạch là cửa khẩu quốc tế và 3 cửa khẩu phụ: Thông Thụ (Quế Phong), Tam Hợp (Tương Dương) và Cao Vều (Anh Sơn).

2. Hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ đầu tư khác

2.1. Hệ thống cấp điện:

Điện lưới Quốc gia đã phủ hết 21 huyện, thành, thị trong tỉnh. Nhiều công trình thủy điện đã và sẽ hoàn thành đi vào hoạt động như: Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Hủa Na, Bản Cốc, Nhạn Hạc và hàng chục nhà máy thủy điện vừa và nhỏ khác đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt. Cụm nhà máy nhiệt điện Đông Hồi công suất 2.400MW đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

2.2. Hệ thống cấp nước:

Nguồn cung cấp nước có thể đáp ứng các hoạt động sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt của tỉnh Nghệ An. Riêng thành phố Vinh và khu vực lân cận có khả năng cung cấp nước là 90.000m3/ngày và dự kiến tương lai có thể lên 100.000m3/ngày.

2.3. Bưu chính – Viễn thông:

Cơ sở vật chất và mạng lưới Bưu chính viễn thông hiện đại, với đầy đủ các loại hình dịch vụ có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc trong nước và quốc tế. Trên địa bàn hiện có mặt hầu hết các mạng điện thoại cố định và di động, phủ sóng hết các huyện, thành, thị trong tỉnh. Điện thoại di động phát triển mạnh với 3.670 trạm BTS, tỷ lệ 135 thuê bao/100 dân. Mạng lõi băng rộng MAN-E, 10.000 km cáp quang, 80 % diện tích toàn tỉnh phủ sóng 4G. Năm 2018, Nghệ An được xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin.

2.4. Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm:

 Nghệ An có hệ thống ngân hàng từ tỉnh tới các huyện, thành, thị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có đầy đủ các ngân hàng và chi nhánh các ngân hàng thương mại lớn trong nước (hiện tại có 54 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng). Cùng với các Dịch vụ tài chính, bảo hiểm ngày càng hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn.

2.5. Cơ sở y tế:

Nghệ An có mạng lưới bệnh viện đồng bộ với trang thiết bị hiện đại từ tuyến tỉnh, huyện, các phòng khám đa khoa khu vực và mạng lưới y tế xã, phường tương đối tốt. Trong đó có 12 bệnh viện tuyến tỉnh đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân và các nhà đầu tư như Bệnh viện đa khoa Nghệ An quy mô 1000 giường. Các bệnh viện kỹ thuật cao làm vệ tinh cho cho Khu vực Bắc Trung bộ như: Ung Bướu, Tim mạch, Sản Nhi, Mắt, Quốc tế Vinh,...

2.6. Siêu thị - Khách sạn - Nhà hàng:

Có các siêu thị lớn tại TP Vinh như: Mega Market, BigC, Metro, Intimex, Nguyễn Kim, HC... và nhiều trung tâm thương mại, mua sắm khác trên địa bàn toàn tỉnh; Hệ thống cơ sở khách sạn, nghỉ dưỡng với đầy đủ các dịch vụ, tiện nghi. Trong đó, có 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao, cùng nhiều các khách sạn 3 sao, 2 sao. Hàng năm thu hút hơn 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 300.000 lượt khách du lịch quốc tế.

 

Tin cùng chuyên mục

Giới thiệu tổng quan về tỉnh Nghệ An

Giới thiệu tổng quan về tỉnh Nghệ An


Tiềm năng du lịch của tỉnh Nghệ An

Tiềm năng du lịch của tỉnh Nghệ An


Tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Nghệ An

Tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Nghệ An


Ngoại giao văn hóa Nghệ An - Một năm nhìn lại

Ngoại giao văn hóa Nghệ An - Một năm nhìn lại


Thư viện Nghệ An: Nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng

Thư viện Nghệ An: Nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng