Công tác dân vận luôn được xác định là một bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong những năm qua, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An luôn chú trọng thực hiện hiệu quả công tác dân vận thông qua tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò chủ đạo, xuyên suốt, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW, trước hết lưu ý nội dung: “Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác PBGDPL; xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội..”.
Xác định PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo cơ sở, nền tảng đảm bảo cho công tác dân vận đạt hiệu quả cao trong thực tiễn, với trách nhiệm là Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã chú trọng đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng công tác này.
Nội dung PBGDPL trọng tâm hàng năm được xác định theo nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào các luật, văn bản dưới luật mới được thông qua hoặc ban hành; các quy định có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các sự kiện chính trị, pháp lý lớn của tỉnh, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật phục vụ cho các đợt cao điểm theo chủ đề như: Ngày Pháp luật; Tháng hành động phòng, chống ma tuý; Tháng an toàn giao thông; Tháng Công nhân; Tháng Thanh niên...
PBGDPL được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hình thức PBGDPL trực tiếp được ưu tiên sử dụng thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại chính sách. Để đưa pháp luật đến gần hơn với Nhân dân, Sở Tư pháp đã thành lập các đoàn công tác về tận các xã, phường, thị trấn để phổ biến những nội dung quan trọng về Đề án 06/CP, chuẩn tiếp cận pháp luật, hoà giải ở cơ sở, xử lý vi phạm hành chính, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại... Qua đó, tăng cường trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, giúp người dân hiểu đúng, hiểu sâu hơn về các quy định của pháp luật.
PBGDPL thông qua việc biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật như: Tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, infographic…được chú trọng thực hiện. Tài liệu tuyên truyền, PBGDPL được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng, từng địa bàn, đáp ứng tính thời sự và yêu cầu phổ biến pháp luật trong từng giai đoạn. Tài liệu tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số được dịch sang tiếng dân tộc để người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận. Những tài liệu này là cẩm nang, phương tiện hoạt động hiệu quả của người làm công tác dân vận.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL là mục tiêu trọng tâm của Sở Tư pháp. Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 266/KH-UBND ngày 26/5/2020 về việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021” trên địa bàn tỉnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL ngày càng được các cơ quan, địa phương trong tỉnh nói chung và ngành Tư pháp nói riêng chú trọng. Nhất là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, hình thức tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện thông qua đăng tải các tin, bài phục vụ nhiệm vụ chuyên môn và cập nhật tình hình phòng, chống dịch; các chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra thông qua ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube... Việc tuyên truyền, PBGDPL thông qua Trang thông tin điện tử của Sở được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có tác động lớn đến đời sống xã hội, văn bản QPPL mới được ban hành, các tin, bài về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được đăng tải thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, các bài viết chuyên sâu về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Tư pháp được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, là kênh cung cấp thông tin quan trọng cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu.
Hình thức PBGDPL thông qua các cuộc thi/hội thi tìm hiểu pháp luật thu hút đông đảo cán bộ, Nhân dân tham gia. Thông qua việc trả lời câu hỏi, các quy định pháp luật dần đi vào nhận thức của người tham dự cuộc thi một cách chủ động, tự nguyện. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc thi như: “Thanh niên với an toàn giao thông” (năm 2017); Tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; Viết kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền về quyền dân sự, chính trị (năm 2018), hiện nay đang chủ trì tổ chức hội thi Hoà giải viên giỏi lần thứ V trên địa bàn toàn tỉnh… Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật là sân chơi bổ ích để người tham gia trau dồi kiến thức, hiểu rõ hơn các quy định pháp luật. Đây là hình thức tuyên truyền, PBGDPL mang lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện công tác dân vận.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh giới thiệu các văn bản pháp luật mới trong chuyên mục “Chính sách và cuộc sống”; thiết kế, lắp đặt pa nô tuyên truyền về phòng chống mua bán người, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông… tại các đơn vị cấp xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Biên soạn và phát hành gần 12.000 cuốn Bản tin Pháp luật và Đời sống mỗi năm cấp phát đến tận cấp cơ sở. Nội dung tin, bài của Bản tin tập trung tuyên truyền, phổ biến những văn bản QPPL mới, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt truyền tải dự thảo các văn bản QPPL của trung ương và của tỉnh có tác động lớn đến xã hội trong thời gian lấy ý kiến để người dân nắm bắt, thực hiện quyền tham gia ý kiến.
Những biện pháp PBGDPL trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, không chỉ vận động Nhân dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn phải tìm mọi cách giải thích cho dân hiểu, dân tin, thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của mình, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói trong tác phẩm Dân vận: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc.”.
Đặc biệt, Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 được tổ chức hàng năm là điểm sáng nổi bật trong công tác tuyên truyền, PBGDPL của Sở Tư pháp. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho người dân, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Để Ngày Pháp luật Việt Nam được thực hiện thực chất và hiệu quả, hàng năm Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch, Công văn gửi các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn về nội dung và hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Trong các tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật, nhiều hoạt động được tổ chức như: Biên soạn nội dung tuyên truyền pháp luật dưới dạng file mp3 cho các địa phương tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; tổ chức tuyên truyền lưu động phổ biến các quy định của pháp luật bằng tiếng dân tộc tại các địa bàn có đồng bào dân tộc sinh sống; tổ chức các Hội nghị trực tuyến về tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức cuộc thi vẽ tranh tại các trường học về nội dung tìm hiểu về pháp luật an toàn giao thông; lắp đặt các băng rôn, pa nô, phướn dọc có nội dung tuyên truyền về Ngày Pháp luật Việt Nam cấp phát cho các đơn vị cấp huyện để treo tại các trục đường chính, khu trung tâm, cơ quan trường học, địa điểm công cộng…
Năm 2022, tròn 10 năm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Nghệ An vinh dự được Bộ Tư pháp lựa chọn để tổ chức các hoạt động điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam khu vực miền Trung. Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức tại xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương với nhiều nội dung thiết thực như: Biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu; giới thiệu các mô hình hay, cách làm hiệu quả và tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Lễ hưởng ứng đã thu hút đông đảo sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần thực hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”, trong thời gian tới, Sở Tư pháp Nghệ An tiếp tục tăng cường thực hiện hiệu quả công tác dân vận; sáng tạo, đổi mới hình thức tuyên truyền, PBGDPL để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến gần với người dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.
Nguyễn Mạnh Khôi
Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy