Banner Ban tuyên giáo sub-site-1

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (phần cuối)

Chặng đường thứ tư, Đảng bộ lãnh đạo đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1976 - 1991)

Đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội thời kỳ 1976 - 1985

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất về mặt lãnh thổ, mở ra một thời kỳ phát triển đối với lịch sử dân tộc - thời kỳ cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) đã đề ra đường lối chung và đường lối kinh tế cho thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ II (1976-1980) với hai mục tiêu vừa cơ bản vừa cấp bách là, xây dựng một bước cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, hình thành bước đầu nền kinh tế mới trong cả nước; cải thiện môt bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng và để đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, ngày 27/12/1975, Quốc hội đã phê chuẩn hợp nhất một số tỉnh, trong đó có hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh nhằm tạo thế và lực mới cho Nghệ Tĩnh trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong các tháng đầu năm 1976, cùng với cả nước, ở Nghệ An đã diễn ra các hoạt động tổng tuyển cử bầu quốc hội khóa VI. Ngày 26/4/1976 trong toàn tỉnh các cử tri nô nức đi bỏ phiếu. Với 99,3% cử tri trong toàn tỉnh náo nức đi bỏ phiếu để lựa chọn 27 đại biểu trúng cử vào Quốc hội. Ngày bầu cử trở thành "Ngày hội thống nhất non sông".

Trong niềm vui đó, từ ngày 12 đến ngày 21/11/1976, tại thành phố Vinh diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh nhiệm kỳ 1976-1979 (vòng 1) với 674 đại biểu chính thức đại diện cho 146.931 đảng viên toàn tỉnh. Vòng 2, diễn ra từ ngày 09 đến ngày 12/5/1977 gồm 648 đại biểu chính thức đại diện cho146.931 đảng viên trong toàn tỉnh; Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 39 ủy viên chính thức, 06 ủy viên dự khuyết; đồng chí Nguyễn Sỹ Quế được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Trương Văn Kiện, Nguyễn Tiến Chương được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra phương hướng: "Phát huy sức mạnh và sức lao động dồi dào, tài nguyên phong phú, tiến hành tích lũy bằng lao động, thực hiện phương chậm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" ra sức xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp nhanh chóng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, đẩy nhanh xuất khẩu, kết hợp nông nghiệp với nghề rừng, nghề biển, kết hợp nông nghiệp với công nghiệp, kết hợp kinh tế địa phương với kinh tế Trung ương, kết hợp kinh tế với quốc phòng, nhanh chóng xây dựng tỉnh ta có nền kinh tế công, nông  nghiệp phát triển phong phú, có quốc phòng vững mạnh, nhân dân có đời sống vật chất, văn hóa cao"[1].

Với tinh thần phấn khởi sau Đại thắng mùa Xuân, với mong muốn xây dựng quê hương sau chiến tranh, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nghệ An như một công trường xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Hàng vạn lao động được huy động vào xây dựng các công trình thủy lợi lớn như: Công trình tiêu úng Vách Bắc, hoàn chỉnh hệ thống kênh chính Đô Lương, tu sửa công trình điều tiết nước Vực Mấu...

Cùng với việc xây dựng các công trình thủy lợi, Đảng bộ còn lãnh đạo cải tạo đồng ruộng, tiến hành phân vùng sản xuất nông lâm nghiệp (vùng lúa, ngô, chè...); điều hòa dân cư lao động, đi xây dựng vùng kinh tế mới; tiến hành xây dựng, mở rộng quy mô hợp tác xã nông nghiệp gắn với việc tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý, di dân để mở rộng diện tích canh tác (đưa dân lên vùng đồi núi, đưa dân đi các tỉnh bạn, chủ yếu là Tây Nguyên); thành lập đội thủy lợi 202 để đẩy mạnh công tác thủy lợi tập trung, thường xuyên.... Ngoài ra, Đảng bộ còn coi trọng việc giao đất, giao rừng, đẩy mạnh nghề cá, muối, chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, công tác quốc phòng an ninh...

Tuy nhiên, trong thời kỳ này nổi lên một số hạn chế, khuyết điểm chủ yếu sau đây: Quy mô hợp tác xã tăng lên nhưng năng suất lại giảm xuống; tình trạng di dời dân có nhiều nơi làm thiếu cân nhắc, gây ra sự xáo trộn không đáng có; đời sống nhân dân ngày một khó khăn; nền kinh tế có chiều hướng đi xuống... Nguyên nhân khách quan là do hậu quả nặng nề 30 năm chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt..., nhưng chủ yếu là do sai lầm khuyết điểm chủ quan, duy ý chí trong quá trình lãnh đạo và quản lý kinh tế từ Trung ương xuống địa phương.

Từ ngày 12 đến ngày 17/12/1979, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ Tĩnh nhiệm kỳ 1979 - 1982 diễn ra tại thành phố Vinh, với 321 đại biểu chính thức đại diện cho 150.393 đảng viên thuộc 2.013 chi bộ trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã khẳng định những thành tựu đạt được trong thời kỳ (1976 - 1979), chỉ rõ hạn chế và đề ra nhiệm vụ cấp bách trong 2 năm (1980 - 1981) là: Đẩy mạnh sản xuất và đảm bảo đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 45 ủy viên chính thức, 04 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Trương Văn Kiện được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Trần Quang Đạt, Nguyễn Tiến Chương được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Bước vào thực hiện Kế hoạch Nhà nước 5 năm (1981- 1985), cũng như cả nước, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An gặp phải nhiều khó khăn, thử thách, vừa khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phải đối phó với hai cuộc chiến tranh biên giới ở phía Tây Nam và phía Bắc chống các thế lực phản động quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của chúng ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đã có ý nghĩa to lớn, tiếp tục tăng cường tình hữu nghị hợp tác, góp phần củng cố hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.

Năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW, cho phép thực hiện khoản sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp; Chính phủ ra Quyết định số 25/CP về “Một số chủ trương, biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ tài chính của các xí nghiệp quốc doanh” và Quyết định số 26/CP về việc “Mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng các hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất kinh doanh của Nhà nước”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh, những chủ trương chính sách mới của Trung ương nhanh chóng đi vào cuộc sống. Như một luồng sinh khí mới, nền kinh tế Nghệ An có thêm động lực mới để phát triển; xã hội có thêm nông sản, hàng tiêu dùng; đời sống nhân dân giảm bớt khó khăn.

Từ ngày 11 đến ngày 18/01/1982, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh nhiệm kỳ 1982 - 1985 (vòng 1) được tổ chức tại Cửa Lò với 498 đại biểu thay mặt cho trên 156.000 đảng viên trong gần 2.000 tổ chức cơ sở đảng. Vòng 2 từ ngày 22 đến ngày 26/3/1983 diễn ra tại thành phố Vinh, với 485 đại biểu chính thức, thay mặt cho trên 156.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội quyết nghị giải quyết đời sống nhân dân trên cơ sở phát triển lương thực, thực phẩm. Bầu Ban Chấp hành gồm 51 ủy viên chính thức, 04 ủy viên dự khuyết; đồng chí Nguyễn Kỳ Cẩm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Giản được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Bá, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, trong khoảng 10 năm (1975 - 1985), tuy phải đối phó với những khó khăn, thử thách rất lớn, nhưng  Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh đã kịp thời chuyển khí thế cách mạng trong chiến đấu chống Mỹ sang sang khí thế sôi nổi trong lao động sản xuất và xây dựng. Nghệ Tĩnh đã đạt được một số thành tựu nổi bật như: giai đoạn 1978-1980, Nghệ Tĩnh là một trong những tỉnh đã mạnh dạn thí điểm cơ chế khoán đến hộ và người lao động, rất phù hợp với nguyện vọng của nông dân. Giai đoạn 1982- 1985, Nghệ Tĩnh có sáng kiến sản xuất vụ Hè - Thu đẻ tránh thiên tai. Sau khi làm thí điểm thành công đã phát triển ra diện rộng, biến vụ Hè - Thu thành vụ sản xuất chính, tự trang trải được lương thực trên địa bàn toàn tỉnh. 

Tuy nhiên, với khát vọng và mong muốn đưa phong trào toàn tỉnh phát triển mạnh lên nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã vấp phải sai lầm chủ quan, duy ý chí, nóng vội, vừa “tả” khuynh, vừa hữu khuynh. Thực trạng đó chỉ ra cho Đảng bộ những bài học quý giá về quan hệ giữa cách mạng và khoa học, giữa ý chí và trí tuệ, giữa khát vọng chủ quan và quy luật khách quan.

 Lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, từng bước khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội (1986 - 1991)

Từ 29/10 đến ngày 03/11/1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh nhiệm kỳ 1986 - 1991 diễn ra tại thành phố Vinh, với 617 đại biểu chính thức thay mặt cho gần 180.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội bàn về đổi mới tư duy, đổi mới toàn diện mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 51 ủy viên chính thức, 16 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Kỳ Cầm tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Bá, Bạch Hưng Đào, Nguyễn Văn Giản được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 12/1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đặt nền móng cho việc tìm ra con đường thích hợp đi lên chủ nghĩa xã hội  ở nước ta". Các nỗ lực hoạt động chỉ đạo của cấp ủy và lãnh đạo của Đảng bộ đều bám chắc vào sự chỉ đạo của Trung ương nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách của quá trình đổi mới. Nắm vững các nguyên tắc chỉ đạo đổi mới của Đảng trên các lĩnh vực, các định hướng và quan điểm lớn trong chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (tháng 4-1988), Nghệ An đã từng bước xác lập đơn vị tế bào kinh tế của hộ gia đình, giao quyền sử dụng đất lâu dài cho xã viên (15 năm)... Do vấn đề lợi ích nông dân được giải quyết đúng đắn, việc thực hiện chính sách một giá... được vận dụng sát hợp với tình hình cụ thể của địa phương nên đã tạo ra động lực mới, mạnh mẽ cho sản xuất.

Qua 5 năm lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Nghệ An đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đó là, bước đầu đã thực hiện đổi mới thành công; cuộc khung hoảng kinh tế - xã hội từng bước được giải quyết; đời sống nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Tuy nhiên, so với nhều địa phương trong cả nước, sự chuyển biến của Nghệ An vẫn còn chậm, chưa có được những bứt phá, nhảy vọt. Mặc dù vậy, những thành tựu đó đã khẳng định chủ trương đổi mới đúng đắn của Đảng được triển khai thực hiện ở Nghệ An là phù hợp, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ được nâng lên.

 

Chặng đường thứ năm, Đảng bộ lãnh đạo công cuộc đổi mới, bước đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1991 đến nay)

Ngày 23 đến ngày 28/4/1991, tại thành phố Vinh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh được tổ chức với 493 đại biểu chính thức và 9 đại biểu dự thính đại diện cho trên 185.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện dự thảo của Trung ương Đảng và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VII gồm 48 đồng chí.

Đại hội VII của Đảng tiến hành từ ngày 24-27/6/1991. Đại hội đã đánh giá bước đầu của việc thực hiện đường lối đổi mới được khơi xướng từ Đại hội VI và kết luận: Sự nghiệp đổi mới đang tiến hành là đúng đắn, khẳng định cách mạng Việt Nam quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; Báo cáo chính trị; Báo cáo xây dựng Đảng; Điều lệ Đảng sửa đổi.

Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh, tái lập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thực hiện chủ trương đó, ngày 19/8/1991, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh họp phiên cuối cùng để quyết định những công tác cụ thể nhằm triển khai việc chia tách tỉnh. Từ 01/9/1991, các bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Nghệ An chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị riêng. Trước tình hình đổi mới, việc chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là cơ hội tốt để Đảng bộ hai tỉnh lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thuận lợi hơn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, từ ngày 27 đến 29/2/1992, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIII được tổ chức tại thành phố Vinh gồm 367 đại biểu đại diện cho hơn 120.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã quyết nghị những vấn đề lớn: Nắm vững phương châm chiến lược và tư tưởng chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội quốc phòng - an ninh hoàn thành những mục tiêu chủ yếu trong kế hoạch từ năm 1992 - 1995; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế - xã hội; đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường công tác vận động quần chúng là nhân tố quyết định giành thắng lợi. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 49 ủy viên; đồng chí Nguyễn Bá được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Bạch Hưng Đào và Phạm Xuân Tùy được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Năm năm sau khi chia tách tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội ở Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực: Kinh tế tăng trưởng tốc độ khá nhanh, phát triển tương đối toàn diện, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Đại hội XIII đề ra; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh.

Thời kỳ 1996 - 2005: Đảng bộ tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đến năm 2000; các quyết sách nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện các định hướng đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV được tổ chức tại thành phố Vinh từ ngày 08 đến ngày 11/5/1996 với 347 đại biểu đại diện cho gần 120.000 đảng viên của toàn Đảng bộ. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 49 ủy viên, đồng thời bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII gồm 30 người (2 dự khuyết). Đồng chí Nguyễn Bá được bầu làm Bí thư, các đồng chí Hồ Xuân Hùng và Lê Doãn Hợp được bầu làm Phó Bí thư.

Đại hội đề ra mục tiêu phấn đấu của giai đoạn 1996 - 2000: "Huy động mọi tiềm năng trong tỉnh, kết hợp với mọi nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tiếp tục giữ vững  ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, đưa Nghệ An sớm thoát khỏi tỉnh nghèo và tạo điều kiện vững chắc cho bước phát triển những năm tiếp theo"[2]. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và có nhiều chuyển biến tốt.

Qua 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986 - 2000), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 1994 - 1999 đạt 7,1%, GDP bình quân đầu người của tỉnh năm 1999 đạt 270 USD, sản xuất lương thực tăng khá, đã hình thành được một số vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp. Kinh tế biển bước đầu được đầu tư khai thác, công nghiệp từng bước được hình thành đi đôi với đổi mới công nghệ và tăng năng lực sản xuất. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được củng cố và phát triển. Giáo dục - đào tạo đạt được những thành tựu đáng kể, phong trào thể dục - thể thao, công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và dân số kế hoạch hóa gia đình được quan tâm tốt hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. An ninh chính trị, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng có nhiều chuyển biến.

Bước sang thế kỷ XXI, cách mạng nước ta vừa đứng trước những cơ hội lớn vừa phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thế và lực của đất nước được tăng cường, đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, làm tăng thêm sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Ở Nghệ An, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những thắng lợi to lớn và tương đối toàn diện trên các mặt, đời sống nhân dân khá ổn định và có phần được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đối mới của đất nước. Tuy nhiên, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và sự suy thoái về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo đang trở thành thách thức không nhỏ trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp thu và vận dụng định hướng chiến lược của Đảng, từ ngày 17 đến ngày 20/1/2001, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XV được tiến hành tại thành phố Vinh với 400 đại biểu, đại diện cho hơn 12 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Trên cơ sở mục tiêu, phương hướng và quan điểm phát triển, cũng như tư tương chỉ đạo của Đại hội XIV là" Khơi trong, hút ngoài, đoàn kết, tiến công, tăng tốc", Đảng bộ đã lãnh đạo quân dân toàn tỉnh phấn đấu quyết liệt, đạt được những thành tích nổi bật trên các lĩnh vực, thế và lực về kinh tế, chính trị của Nghệ An không ngừng được tăng cường. Mục tiêu đưa Nghệ An sớm ra khỏi tỉnh nghèo, nhanh chóng trở thành một tỉnh phát triển kinh tế khá và gương mẫu trong cả nước từng bước hiện thực hơn.

Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát: "Phát huy thế và lực hiện có, khai thác có hiệu quả các công trình kinh tế xã hội đã được xây dựng; tận dụng mọi nguồn lực cho đầu tư sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trọng tâm là công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, có chất lượng và sức cạnh tranh cao.

Phát triển mạnh nguồn nhân lực, mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục và dạy nghề; chăm lo giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân; Đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; Bảo vệ môi trường sinh thái.,.. phấn đấu đến năm 2005 thu nhập nội tỉnh (GDP) tăng 1,6-1,65 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2000, tạo tiền đề vững chắc đưa Nghệ An ra khỏi tỉnh nghèo vào thời kỳ 2006 - 2010"[3].

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 49 ủy viên, đồng thời bầu đoàn đại biểu gồm 25 đồng chí đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Đồng chí Trương Đình Tuyển được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Lê Doãn Hợp, Nguyễn Như Vỹ được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Thời kỳ 2005 đến nay: Đảng bộ lãnh đạo nhân dân đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, quyết tâm đưa Nghệ An sớm trở thành một trong những tỉnh khá của cả nước.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI được tổ chức từ ngày 08 đến ngày 11/12/2005 tại thành phố Vinh với 400 đại biểu đại diện cho hơn 14 vạn đảng viên trong toàn đảng bộ. Đại hội được tiến hành vào thời điểm đất nước sau 20 năm đổi mới đã thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, diện mạo của tỉnh nhà có nhiều khởi sắc, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Đặc biệt từ khi có Kết luận số 20 KL/T.Ư ngày 2/6/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về "Một số chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2005 và 2010" và Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 đã tạo ra nguồn lực để kinh tế Nghệ An ngày càng phát triển cao hơn.

Đại hội đã xác định mục tiêu cho giai đoạn 2005 - 2010 là: "Đoàn kết phấn đấu đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo và kém phát triển vào năm 2010; cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020; xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng Bắc Trung Bộ; quyết tâm đưa Nghệ An sớm trở thành tỉnh khá trong cả nước".

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 59 uỷ viên và bầu 24 đồng chí dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Đồng chí Nguyễn Thế Trung được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Phan Đình Trạc, Hoàng Xuân Lương được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

Từ ngày 15 đến 17/10/2010, tại thành phố Vinh diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 với 450 đại biểu đại diện cho trên 16 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được cũng như nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, khuyết điểm sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh.

Đại hội khẳng định: Giai đoạn 2005 - 2010 tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội Nghệ An vẫn có bước phát triển khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; 21/28 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra đã đạt và vượt, tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển thời kỳ tới. Tình hình chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các vấn đề xã hội được chăm lo và có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển.

Tuy vậy, Nghệ An vẫn đang là một tỉnh nghèo; mức tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu Nghị quyết và chưa bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Lao động thiếu việc làm còn lớn; tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đời sống của một số bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. An ninh vùng đặc thù còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và năng lực chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền so với yêu cầu còn bất cập.

Để Nghệ An vươn lên thoát khỏi tỉnh nghèo, Đại hội xác định phương hướng và quan điểm phát triển: Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn nhân lực, ưu tiên đầu tư khai thác tiềm năng miền Tây, vùng biển và đô thị. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm và vùng kinh tế khó khăn; chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; giữ gìn và phát huy các truyền thống, bản sắc văn hoá Xứ Nghệ; kiểm soát, kìm giữ, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và tội phạm; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân ngày càng vững mạnh.

Mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường đoàn kết, thống nhất; đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015; tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015; tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; phấn đấu xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng Bắc Trung bộ.

Đại hội đã bầu 65 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá 17, nhiệm kỳ 2010-2015. Trong phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành đã tiến hành bầu 17 đồng chí vào Ban Thường vụ, 12 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ. Đồng chí Phan Đình Trạc được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Trần Hồng Châu, Hồ Đức Phớc được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội đã tiến hành bầu 28 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Ngày 30 tháng 7 năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng, với kỳ vọng mở ra đường hướng cho Nghệ An phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.

Từ ngày 11 đến 14/10/2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 được tổ chức tại thành phố Vinh với 450 đại biểu từ 162 tổ chức cơ sở đảng, đại diện cho gần 18 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đánh giá 05 năm lãnh đạo thực hiện Nghị quyết lần thứ XVII của tỉnh, 02 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Đại hội lần thứ XVIII nhận định: Giai đoạn 2010 - 2015 mặc dù gắn nhiều khó khăn thách thức lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, quản lý điều hành của chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt kết quả khá: kinh tế tiếp tục được duy trì và phát triển hợp lý, chất lượng tăng trưởng một số mặt được cải thiện; an sinh xã hội, phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội đạt được những kết quả xã hội tích cực; quốc phòng an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được cung cố và phát triển.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với yêu cầu, một số chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, thiếu bền vững, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, lao động thiếu việc làm còn lớn, tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến và tiềm ấn phức tạp, đời sống bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Năng lực lãnh đạo và chiến đấu của các tổ chức đảng và năng lực chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền có mặt còn bất cập.

Xác định trong những năm tiếp theo Nghệ An tiếp tục được Trung ương quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt; nhưng tình hình chính trị, kinh tế quốc tế thế giới, khu vực và biến đổi khí hậu, dịch bệnh dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường cùng với một số điều kiện không thuận lợi và hạn chế, yếu kém trước đây yêu cầu Đảng bộ, chníh quyền và nhân dân Nghệ An phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Đại hội đề ra phương hướng: "Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, duy trì sự phát triển chiều rộng, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các khu vực, lĩnh vực trọng điểm. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực, ngành, sản phẩm đã khẳng định được lợi thế, đồng thời hướng tới phát triển các ngành, sản phẩm sử dụng hàm lượng công nghệ, có giá trị tăng cap, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường. Phát triển mạnh mẽ du lịch và các ngành dịch vụ trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hoá xã hội. Củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh".

Từ phương hướng trên, Đại hội xác định rõ mục tiêu cần đạt được, trong đó mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, tăng cường đoàn kết, phát huy nội lục, đẩy mạnh thu hút ngoại lực, xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, công  nghiệp, công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ, quốc phòng- an ninh vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị vững mạnh. Đồng thời, Đại hội cũng đã xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng an ninh, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An

Đại hội đã bầu 71 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Trong phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành đã tiến hành bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ, 12 đồng chí vào Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ. Đồng chí Hồ Đức Phớc được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Các đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Đường, Lê Quang Huy được bầu giữ chức phó Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đại hội đã bầu 29 đại biểu chính thức và 03 đại biểu dự khuyết dự đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã nỗ lực vượt khó, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực mà Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, tổng sản phẩm (GRDP) 5 năm (2014 - 2018) tăng bình quân 8.0%; năm 2018 so với năm 2013 quy mô kinh tế cao gấp 1.44 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 1,57. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp và tăng tỷ trọng dịch vụ. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, toàn tỉnh có 218/431 xã đạt chuẩn nông thôn mới (50,58%)[4].

Cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng tốt hơn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có tiến bộ, một số lĩnh vực bước đầu khẳng định được vai trò trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc biên giới, biển đảo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác  xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên được chú trọng, có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả tích cực, tạo được niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân.

Tuy nhiên, sự phát triển của tỉnh đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra, đặc biệt là một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế và mục tiêu trở thành tỉnh khá, trung tâm vùng Bắc Trung Bộ trên một số lĩnh vực. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp.

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong 90 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An nguyện đem hết sức lực và trí tuệ, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành một tỉnh giàu mạnh, xứng đáng với quê hương Xô viết anh hùng, quê hương Bác Hồ muôn vàn kính yêu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của đất nước./.

Nguyễn Thị Hồng Vui 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 
 


[1] Trích báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ Nghệ Tĩnh tháng 5/1977.

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIV.

[3] Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XV.

[4] Thông báo số 55-TB/TW, ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020

Tin cùng chuyên mục

Chuẩn bị đón Đoàn cấp cao tỉnh U-li-a-nốp đến thăm và làm việc tại Nghệ An và kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lê-nin

Chuẩn bị đón Đoàn cấp cao tỉnh U-li-a-nốp đến thăm và làm việc tại Nghệ An và kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lê-nin


Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ


Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới

Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới


Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em


Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)

Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)


Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới

Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới


Trọn niềm tin với Đảng

Trọn niềm tin với Đảng


Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam


Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024


Giới thiệu “Tài liệu Hỏi - đáp Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”

Giới thiệu “Tài liệu Hỏi - đáp Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”


Chào năm mới 2024, Nghệ An vững tin vào giai đoạn phát triển mới!

Chào năm mới 2024, Nghệ An vững tin vào giai đoạn phát triển mới!


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng


Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước


Sáng mãi giá trị nhân văn, tiến bộ của Cách mạng Tháng Mười

Sáng mãi giá trị nhân văn, tiến bộ của Cách mạng Tháng Mười