Banner Ban dân vận tỉnh ủy sub-site-1

Nghệ An quan tâm lãnh đạo chăm lo đời sống cho đồng bào theo tôn giáo

Tỉnh Nghệ An nằm ở khu vực Bắc Trung bộ có diện tích tự nhiên rộng nhất cả nước với 16.487,49 km2 (trong đó miền núi chiếm khoảng 83% tổng diện tích), có 468,281 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, 82 km bờ biển; có 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 460 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó 150 xã loại 1, 283 xã loại 2, 27 xã loại 3).

Dân số toàn tỉnh gần 3,4 triệu người, trong đó có hơn 491.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14,6% dân số toàn tỉnh; có hơn 440.000 tín đồ các tôn giáo khác nhau, chiếm hơn 13% dân số toàn tỉnh. Đảng bộ tỉnh Nghệ An có 28 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy với 1.422 tổ chức cơ sở đảng, có 195.058 đảng viên (25.231 đảng viên người dân tộc thiểu số, 698 đảng viên theo tôn giáo).

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, cùng với ý chí quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Nghệ An đã có bước phát triển nhanh, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Năm 2022, kinh tế - xã hội được phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực với 27/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9,08%; nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tốt; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh; thu ngân sách đạt 21.805 tỷ đồng, tăng 35,7% so với dự toán và bằng 101,8% so với năm 2021; lần đầu tiên Nghệ An nằm trong nhóm 10 địa phương có thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 50,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,49% (năm 2021 là 7,8%); thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả nổi bật; công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại được thực hiện nghiêm túc; các lĩnh vực văn hóa - xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo, lao động việc làm, chính sách an sinh xã hội được quan tâm triển khai thực hiện tốt. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực. Đạt được kết quả đó là có sự đóng góp quan trọng của các tổ chức tôn giáo và đồng bào theo các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Nghệ An có 02 tổ chức tôn giáo hợp pháp là Công giáo và Phật giáo. Công giáo có 292.329 tín đồ; 02 giám mục và 218 linh mục; có Tòa giám mục Giáo phận Vinh; 366 nhà thờ xứ, họ đạo (14 hạt, 121 giáo xứ, 251 giáo họ, không tính họ nhà xứ) ở 174/460 xã, phường, thị trấn của 20/21 huyện, thành phố, thị xã. Phật giáo có khoảng 15 vạn tín đồ sinh hoạt ở 71 chùa, 01 niệm phật đường, dưới sự hướng dẫn của 109 tăng ni, tu sĩ; có 20 chùa được xếp hạng di tích (05 di tích cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh).

Quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, coi “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”; trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp về công tác tôn giáo, liên quan đến đời sống mọi mặt cho đồng bào các tôn giáo đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tỉnh ủy và các cấp ủy đã tập trung chỉ đạo các cấp chính quyền huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất của vùng đồng bào tôn giáo; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo điều kiện để tín đồ tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào tôn giáo với cấp ủy, chính quyền, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân.

Cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì tốt mối quan hệ thường xuyên với các tổ chức, chức sắc, chức việc các tôn giáo. Quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo đúng hiến chương, điều lệ và quy định của pháp luật. Nhân các ngày lễ trọng của các tôn giáo như: Lễ Phật đản, Vu lan, Phục sinh,  Giáng sinh, Quan thầy, Chầu lượt... và dịp Tết cổ truyền của dân tộc, các cấp ủy, chính quyền đều tổ chức các đoàn công tác đến chúc mừng, gặp mặt lãnh đạo các tổ chức, chức sắc, chức việc các tôn giáo để động viên, tranh thủ các chức sắc, chức việc, người có uy tín, đồng bào có đạo tích cực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đêm Noel của đạo Công giáo, Phật đản của Phật giáo, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đều đến tham dự và phát biểu chúc mừng các chức sắc, chức việc đồng bào theo tôn giáo trong tỉnh, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Duy trì cơ chế đối thoại với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo để giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng, hợp pháp của giáo hội và tín đồ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, vận động các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; tham gia các hoạt động xã hội. Nhiệm kỳ 2021-2026, có 394 tín đồ các tôn giáo tham gia đại biểu HĐND các cấp (02 vị cấp tỉnh, 20 vị cấp huyện và 372 vị cấp xã).

Định kỳ hằng năm, chỉ đạo ban dân vận cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc các cấp tham mưu tổ chức các hội nghị biểu dương “người tốt, việc tốt” trong đồng bào tôn giáo, nhằm tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; “Xây dựng xứ đạo bình yên - Gia đình văn hóa”; các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa… Từ năm 2020 đến nay, hàng năm Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đầu tư xây dựng 05 - 06 mô hình (hỗ trợ mỗi mô hình 10 - 18 triệu đồng), cấp huyện xây dựng 03 - 05 mô hình “Dân vận khéo” vùng đồng bào có đạo, các mô hình đã phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa cao, như: Mô hình “Xóm đạo đoàn kết chung tay xây dựng khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”; mô hình “Đường cờ, điện sáng đại đoàn kết”; mô hình “Đường cây Dân vận”; mô hình “Xây dựng đường cờ và thiết chế nhà văn hóa”; mô hình “Vận động giải phóng mặt bằng xây dựng đường sáng, xanh, sạch, đẹp”;... Từ một số mô hình điểm tại vùng giáo, hiện nay có 73,9% cơ sở, 64,3% hộ gia đình Công giáo; 100% cơ sở, 96,3% hộ gia đình Phật giáo treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ trọng, các sự kiện lớn của đất nước và của các tôn giáo; 84,3% hộ gia đình Công giáo, 100% hộ gia đình Phật giáo treo cờ Tổ quốc trong quá trình ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biên giới; cấp huyện và cơ sở huy động từ nguồn xã hội hóa, đóng góp của Nhân dân để xây dựng mô hình vùng giáo với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP vùng đồng bào có đạo bình quân giai đoạn 2017-2022 ở mức 8,44%, tăng 0,19%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu năm 2018 là 52,7%, đến nay là 55%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,5%. Đồng bào các tôn giáo trên địa bàn luôn tham gia giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa thông qua các hoạt động phong trào chung, hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Đến nay, có 7 huyện và 252 xã có đồng bào Công giáo được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có huyện Nam Đàn đang xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu. Năm năm qua, bà con các tôn giáo đã hiến 214.385m2 đất, tháo dỡ 85.250m tường bao, chặt bỏ 6.330 cây các loại, đóng góp 64.046 ngày công và 394,6 tỷ đồng, tự nguyện giải phóng mặt bằng đổ bê tông 425.000m đường giao thông nông thôn. Các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn kinh phí hợp pháp; tranh thủ vận động các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ, Nhân dân chung tay chăm lo hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào nghèo vùng giáo xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế lâu dài (năm 2021-2022, hỗ trợ xây dựng 183 nhà đại đoàn kết cho hộ tín đồ Công giáo, với tổng số tiền 11,5 tỷ đồng). Các tổ chức tôn giáo thành lập nhiều cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, người già không nơi nương tựa... Từ năm 2011-2022, các tổ chức Phật giáo đã tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội đạt khoảng 200 tỷ đồng; giai đoạn 2018-2022, đồng bào Công giáo tham gia trên 25 tỷ đồng; ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên 28 tỷ đồng (Công giáo trên 18 tỷ đồng, Phật giáo gần 10 tỷ đồng).

Tuy nhiên, hoạt động tôn giáo ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm chỉ đạo giải quyết như: hoạt động tôn giáo trái pháp luật; công tác quản lý và sử dụng đất đai tôn giáo; đời sống một bộ phận tín đồ tôn giáo còn gặp khó khăn, nhất là đồng bào Công giáo nghèo...

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo và chăm lo đời sống cho đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:

            Thứ nhất là, phải nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo; đồng thời, tích cực quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác tôn giáo. Trong chỉ đạo, các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, các ngành liên quan phải chú trọng xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với các chức sắc, chức việc tôn giáo; đây là một trong những yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu quả tuyên truyền, vận động trong tình hình hiện nay.

Thứ hai là, phải có thái độ thân thiện, thực sự gần gũi với quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo; cần thiết có những hiểu biết về đặc điểm, lịch sử hình thành, giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tổ chức của từng tôn giáo cụ thể; tin tưởng ở lòng yêu nước và bản chất cách mạng của tín đồ, không được mặc cảm, thành kiến, phân biệt đối xử.

Thứ ba là, phải thực hiện tốt công tác tranh thủ chức sắc tôn giáo, nhất là chức sắc cao cấp, biết thông qua chức sắc để quản lý các hoạt động của giáo hội, thông qua giáo hội để hướng dẫn các tín đồ tôn giáo. Khơi dậy, động viên chức sắc, tín đồ tôn giáo làm tròn nghĩa vụ công dân; tuyệt đối tránh xúc phạm đến tình cảm tôn giáo và những mặc cảm do lịch sử để lại. Thường xuyên gắn bó mật thiết với tín đồ, chức sắc các tôn giáo, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề phát sinh của tôn giáo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, các kiến nghị, đề xuất chính đáng, hợp pháp của các tổ chức và tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào tôn giáo vững mạnh; thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên là người có đạo vào các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương - giáo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và của tỉnh. Công tác vận động quần chúng tín đồ tôn giáo phải được gắn liền với phong trào thi đua yêu nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, quan tâm tới sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng, gắn bó “việc đạo, việc đời”. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những nhân tố tích cực, tiêu biểu, gương “người tốt, việc tốt”; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật.

Thứ năm là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, am hiểu sâu các tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của đảng viên theo các tôn giáo, người có uy tín trong các tôn giáo. Mặt khác, cán bộ làm công tác tôn giáo phải có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; phải thường xuyên trau dồi, củng cố kỹ năng, nghiệp vụ công tác vận động quần chúng tôn giáo.

Thứ sáu là, đối với quần chúng tôn giáo vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ngoài việc tuân thủ các nội dung trên, cần thiết phải có sự hiểu biết về đồng bào dân tộc thiểu số, nắm rõ đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán và tôn trọng các sinh hoạt văn hóa của từng dân tộc.

Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình tôn giáo trên địa bàn Nghệ An cơ bản ổn định, không có các điểm nóng và các vụ việc phức tạp về tôn giáo xảy ra. Mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với các tổ chức, chức sắc tôn giáo ngày càng chặt chẽ. Đồng bào các tôn giáo tin tưởng, phấn khởi trước sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng xã hội, tích cực thi đua lao động, sản xuất, tham gia xây dựng khối đoàn kết lương - giáo, đóng góp tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh./.

                                                Phan Thanh Đoài 

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

Tin cùng chuyên mục

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân


Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả


Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch

Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch



Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954

Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954


Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững


Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển

Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển


Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp


“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận

“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận


Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay


Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp

Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp


Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn

Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn


Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương

Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương


Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An

Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An