Banner Ban tuyên giáo sub-site-1

Công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng bộ Nghệ An góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống pháp (1946-1954)

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ (1946 - 1954), nhiệm vụ công tác tuyên huấn của tỉnh đã kiên trì, bền bỉ tuyên truyền giáo dục, làm cho cán bộ, nhân dân ngày càng thông suốt đường lối kháng chiến; đồng thời, phê phán những khuynh hướng lệch lạc, tư tưởng bi quan, dao động, ngại hy sinh, ngại kháng chiến lâu dài... tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

 

1. Tuyên truyền, động viên nhân dân thi đua yêu nước, giết giặc lập công; đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới (19/12/1946 - 1950)

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), nhân dân ta trên khắp các chiến trường trong cả nước nhất loạt đứng lên, một lần nữa chấp nhận sự đương đầu với thực dân Pháp để giữ vững nền độc lập dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nghệ An là vùng tự do và là hậu phương lớn của cả nước, đảm đương nhiều nhiệm vụ nặng nề, phức tạp. Với mục đích, yêu cầu của công cuộc tiêu thổ kháng chiến, mạng lưới tuyên truyền từ tỉnh xuống huyện đến các ban, ngành, đoàn thể đã làm tốt công tác giải thích, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia sơ tán các công sở, nhà máy, xí nghiệp, lập công binh xưởng mới, tháo dỡ đường sắt, nhà ga xe lửa, các cầu đường trọng yếu... di chuyển máy móc lên căn cứ mới.

Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều công sở và nhà của tư sản Pháp bị phá hủy, nhiều tuyến đường huyết mạch quan trọng; hàng vạn tấn thiết bị, máy móc được vận chuyển lên an toàn khu. Những thành tích đó của quân và dân Nghệ An được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư biểu dương, khen ngợi. Đảng bộ Nghệ An đã tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để phổ biến, quán triệt, học tập bức thư của Người, giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí và cải thiện mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Cũng trong thời gian này, một yêu cầu đặt ra hết sức cấp thiết đối với ngành Tuyên giáo là công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ chính trị để lãnh đạo phong trào cách mạng. Thực hiện chủ trương của Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 3/1947), Tỉnh ủy Nghệ An đã ra Quyết định số 850, ngày 18/11/1946 về việc thành lập Trường Đảng tỉnh.

Sau thất bại ở Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang đánh lâu dài với phương châm “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Chúng tăng cường mở rộng vùng chiếm đóng các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ, trong đó có một số địa phương ở Nghệ An như Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Tương Dương, Quỳ Châu.

Trước tình hình đó, công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng bộ Nghệ An tập trung vào nhiệm vụ huy động quần chúng bảo vệ hậu phương, không cho địch mở rộng địa bàn chiếm đóng, làm tốt công tác chi viện cho chiến trường Bình - Trị - Thiên và Bắc Bộ. Phong trào thi đua “Hướng về Bình - Trị - Thiên khói lửa” diễn ra dưới nhiều hình thức như: vận động quyên góp, lạc quyên, tổ chức diễn kịch, thi đá bóng, ngày hội sản xuất để lấy tiền mua quần áo, chăn màn, thuốc để gửi vào giúp đồng bào Bình - Trị - Thiên. Phục vụ cho công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng bộ, đã có nhiều tờ báo được lập ra như “Thanh niên kháng chiên” của Đảng bộ và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Nghệ An; “Xung phong” của Mặt trận miền Tây; “Giữ làng” của Tỉnh đội cùng nhiều tác phẩm được xuất bản như “Cách đánh du kích” của Tỉnh đội, “Kể chuyện lịch sử Việt Nam”, “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh[1], “Anh hùng Việt Nam[2]...

Ngày 11/6/1948, tại bản Là Non, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác tuyên truyền, cổ động nhân dân được tiến hành bằng nhiều hình thức, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong các giới, các ngành, với phương châm “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Lực lượng vũ trang thực hiện phong trào luyện quân, lập công, luyện tập kỹ thuật chiến đấu, chiến thuật đánh du kích để bổ sung cho các đơn vị bộ đội chủ lực. Các tổ chức đoàn thể phát động phong trào “Đỡ đầu dân quân”. Hội phụ nữ tích cực tham gia cuộc vận động dưới các hình thức “Mùa đông chiến sĩ”, “Quán quân nhân”. Phong trào yêu nước đã thực sự phát triển mạnh mẽ và lan rộng, huy động được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Công nhân ra sức thi đua phát triển ngành nghề, cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh, sản xuất ra nhiều mặt hàng. Nông dân hăng hái khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, áp dụng kỹ thuật thâm canh tăng năng suất... để đáp ứng nhu cầu quốc phòng và sinh hoạt của nhân dân

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, cổ động, phát động phong trào thi đua xây dựng đời sống mới cũng được đẩy mạnh, tiến hành với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra sôi động dưới nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, cổ động phục vụ kháng chiến. Nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ đã nổi danh: Hoàng Trung Thông, Nguyễn Minh Châu, Bùi Hiển, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Nguyễn Văn Tý... Nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật ra đời đã phản ánh được thực tiễn sinh động và hào hùng của Cách mạng Tháng Tám cùng các cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Thời gian này, còn xuất hiện nhiều loại hình khác như: Văn xuôi, tấu, kịch, họa, nhạc...đánh dấu bước trưởng thành của phong trào văn hóa, văn nghệ Nghệ An.

Bước sang năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển từ giai đoạn phòng ngự sang cầm cự, chuẩn bị điều kiện cho cuộc tổng phản công khi thời cơ tới. Việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chính trị cho cán bộ, đảng viên trở thành một vấn đề quan trọng. Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 họp từ ngày 14 đến ngày 18/1/1949 đã chỉ rõ “Năm 1949 phải ra sức đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ chính trị và lý luận của cán bộ, đảng viên”. Thực hiện chủ trương của Trung ương, ngày 28/12/1949, Ban Thường vụ Liên khủ ủy 4 đã ra chỉ thị về đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ. Chỉ thị nêu rõ: “Tình hình ngày càng phát triển, Đảng ngày càng đòi hỏi ở chúng ta một trình độ lý luận cho vững chắc hơn, khả năng công tác đầy đủ hơn”. Với tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, của Liên khu ủy 4, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (từ ngày 15-29/4/1949) đã quyết định các chủ trương, biện pháp quan trọng về xây dựng, củng cố Đảng, tích cực phát triển đảng viên mới, cải tiến lề lối làm việc, tăng cường công tác cán bộ và đào tạo cán bộ.

Tháng 6/1949, thực hiện Kế hoạch Rơve, thực dân Pháp tiếp tục tăng cường mở rộng phạm vi chiếm đóng để thực hiện chính sách “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Tại Nghệ An, một mặt thực dân Pháp tập trung phòng thủ các vị trí then chốt ở vùng biên giới phía Tây như Noọng Hét (Lào), Keng Đu (Kỳ Sơn, Nghệ An); mặt khác chúng dùng không quân ném bom vào các vùng đông dân, giết hại cùng một lúc hàng chục người ở thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu), Diễn Chau, Nam Đàn... đốt cháy hàng trăm nóc nhà. Từ năm 1950, mức độ đánh phá vùng hậu phương ngày càng ác liệt hơn. Chúng cho tàu chiến phong tỏa bờ biển, tung gián điệp, gây cơ sở phản động ở các xã dọc biên giới và ven biển. Đồng thời móc nối với bọn phản động trong Công giáo, thổ ty, lang đạo, ra sức tuyên truyền, kích động những phần tử xấu hoạt động chống phá việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Nhiệm vụ chung của của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An lúc này là “Tích cực cầm cự, chuẩn bị Tổng phản công”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân, góp phần huy động nhân tài, vật lực phục vụ cho cuộc kháng chiến. Đồng thời vận động nhân dân tham gia dân quân du kích bổ sung cho bộ đội chủ lực, đề cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời âm mưu, hành động lôi kéo, chống phá của địch ở các vùng biển, miền núi và tôn giáo. Động viên nhân dân ra sức thi đua xây dựng đời sống mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thanh toán nạn mù chữ; tích cực hưởng ứng chính sách ruộng đất, giảm tô, giảm tức của Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ của công tác tuyên truyền, Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc đã phát động tuần lễ “Đại hội tòng quân” với tinh thần: “Quân sự trên hết, tiền tuyến trên hết”, không khí ngày hội tòng quân diễn ra tưng bừng, náo nhiệt. Chỉ trong vòng một tuần lễ hàng ngàn thanh niên đã xung phong nhập ngũ.

Nhằm huy động nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân tiến tới tổng phản công, Đảng bộ Nghệ An đã rất chú trọng việc thực hiện sâu rộng sắc lệnh tổng động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chính quyền các cấp trong toàn tỉnh. Ở các vùng biên giới phía Tây, công tác tuyên truyền tập trung vào việc động viên xây dựng lực lượng dân quân trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát động nhân dân tăng gia sản xuất, tranh thủ vận động, thuyết phục những thổ ty, lang đạo tiến bộ ủng hộ kháng chiến. Vùng miền biển, hoạt động tuyên truyền hướng về vận động bà con bám làng, bám biển vừa đảm bảo đời sống, vừa bảo vệ quê hương. Đồng thời, thành lập các đoàn ngư công hướng dẫn ngư dân đánh cá du kích; phát triển các nghề phụ, giải quyết việc làm. Đối với các tầng lớp nhân sĩ, trí thức, Đảng bộ cũng hết sức quan tâm, nhất là những văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn tạo cho họ gia nhập Phân hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, Hội Văn hóa, Hội Công chức... phát huy hết tài năng phục vụ kháng chiến.

Công tác huấn luyện chính trị, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn này cũng được Đảng bộ đặc biệt coi trọng. Ngoài những nội dung bắt buộc của chương trình đào tạo huấn luyện, học viên còn được học tập các tác phẩm như Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chúng ta chiến đấu vì tự do dân chủ hay Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh... Nhờ đó mà trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên đã được nâng cao một bước.

Từ tháng 9/1950, quân ta liên tiếp mở các chiến dịch trên chiến trường, đòi hỏi phải có sự chi viện rất lớn sức người, sức của ở hậu phương. Cùng với cả nước, quân và dân vùng Thanh Nghệ Tĩnh đã làm hết sức mình, phục vụ tiền tuyến góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Biên giới (1950) đưa lịch sử nước ta bước sang một giai đoạn mới.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực củng cố hậu phương, chi viện cho tiền tuyến, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi tới thắng lợi hoàn toàn (1951 - 1954)

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950 đã làm cho tương quan giữa ta và địch có sự thay đổi. Địch từ thế chủ động tiến công buộc phải chuyển sang thế bị động đối phó với ta. Được sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp quyết định đưa ra kế hoạch mới với mục đích tăng cường đánh phá vùng hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh và kích động bọn phản động nội địa chống phá cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Đối với vùng hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, địch đánh phá ác liệt vào các huyện: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Tương Dương, Kỳ Sơn. Chúng dùng máy bay ném bom vào chợ Nội (Đô Lương), chợ Trâu (Hưng Nguyên)... gây nhiều thiệt hại. Thực dân Pháp còn lợi dụng việc truyền đạo để cài cắm những phần tử phản động, ngầm phá hoại cơ sở kháng chiến của ta. Chúng bắt ép giáo dân ra khỏi các đoàn thể cứu quốc, như: Hội Công giáo cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc... để tổ chức ra Hội Thanh niên công giáo, Đội tự vệ công giáo (Xã Đoài, huyện Nghi Lộc) hay đòi lập xã công giáo riêng (Anh Sơn)... Từ năm 1952, bọn phản động trong Liên đoàn Công giáo lại cấu kết với bọn phản động trong Phật giáo lập ra Mặt trận liên tôn chống cộng. Chúng trắng trợn xuyên tạc, công kích đường lối, chủ trương, chính sách kháng chiến của Chính phủ, cố tình lôi kéo giáo dân chống lại chính quyền.

Trước sự thay đổi trên chiến trường có lợi cho ta, tháng 2/1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là tiêu diệt thực dân Pháp, đánh bại bọn can thiệp Mỹ và giành thống nhất, độc lập hoàn toàn bảo vệ nền hòa bình thế giới. Tháng 8/1951, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ VIII đề ra mục tiêu: “Xây dựng Nghệ An thật sự thành hậu phương vững chắc, thành kho dự trữ dồi dào về người và của, làm tròn nhiệm vụ hậu phương với tiền tuyến”[3].

Triển khai nhiệm vụ Đại hội Đảng các cấp, công tác tuyên huấn của Đảng bộ là tổ chức tuyên truyền chủ trương hợp nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt Nghệ An thành Mặt trận Liên Việt Nghệ An, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là động viên nhân dân các dân tộc thiểu số tăng gia sản xuất, học văn hóa, tố cáo, vạch mặt bọn phản động, tranh thủ tuyên truyền vận động thuyết phục tầng lớp thổ ty, lang đạo ủng hộ kháng chiến; cử cán bộ, đảng viên ở các huyện đồng bằng trong đó có một số cán bộ tuyên huấn, giáo viên, y tế lên tăng cường cho các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong để vừa dạy chữ cho đồng bào thiểu số, vừa xây dựng cơ sở kháng chiến, tuyên truyền chủ trương, chính sách và chống sự phá hoại của bọn phản động.

Xác định công tác tôn giáo là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng bộ, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã cử cán bộ trực tiếp xuống vùng công giáo để tuyên truyền vận động giáo dân, củng cố lại tổ chức chính quyền và các đoàn thể quần chúng, vận động cải tổ lại tổ chức. Liên đoàn Công giáo phát động tăng gia sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân. Nhờ vậy mà đã có nhiều kết quả tốt, giáo dân hăng hái sản xuất, tham gia kháng chiến...

Bên cạnh đó, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy còn tập trung tổ chức triển khai quán triệt Sắc lệnh số 13/SL, ngày 1/5/1951 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm giúp nhân dân nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của thuế nông nghiệp trong việc chi viện kịp thời cho tiền tuyến. Thực hiện cuộc “Đại vận động tăng gia sản xuất và tiết kiệm” của Trung ương Đảng và Chính phủ, cao trào thi đua tăng gia sản xuất được phát triển rộng khắp ở các ngành, các vùng trong tỉnh, từ đồng bằng lên miền núi, không phân biệt lương giáo...

Theo yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng mở một đợt chỉnh Đảng và chỉnh huấn nhằm nâng cao lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, ý thức trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, xây dựng niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, từ tháng 10/1952 đến cuối 1953, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã mở 5 khóa chỉnh Đảng cùng nhiều khóa chỉnh huấn cho hàng ngàn đảng viên, cán bộ các cấp nhằm xây dựng chính trị, tư tưởng và tạo tiền đề cho công tác chấn chỉnh về tổ chức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến.

Từ đầu năm 1953, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa II), Đảng phát động triệt để giảm tô, chuẩn bị cho cuộc cải cách ruộng đất. Công tác tuyên truyền phát động quần chúng, giáo dục ý thức giai cấp cho nông dân, nâng cao khí thế cách mạng của nông dân vùng tự do được đẩy mạnh và có ảnh hưởng tới nông dân vùng sau lưng địch. Vì vậy đã động viên được nông dân hăng hái sản xuất, đi dân công hỏa tuyến cũng như làm cho con em của họ ở ngoài mặt trận yên tâm, hăng hái giết giặc lập công.

Trong chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954) và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ Nghệ An xác định nhiệm vụ trước mắt lúc này là hướng trọng tâm vào tổng động viên sức người, sức của để phục vụ tiền tuyến; cổ động cho cuộc phát động giảm tô và cải cách ruộng đất.

Thực hiện công tác tuyên truyền, tháng 4/1953, Nghệ An và Thanh Hóa được giao nhiệm vụ cung cấp sức người, sức của chi viện cho Mặt trận Xiêng Khoảng (Lào). Sau gần một tháng chiến đấu, Liên quân Lào - Việt Nam đã giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phôngxalỳ với hơn 30 vạn dân. Trong chiến công chung đó, đơn vị vũ trang Nghệ An đã có đóng góp xứng đáng. Chiến thắng Thượng Lào có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc kháng chiến của nhân dân hai dân tộc Việt Nam và Lào, mở ra một cục diện mới trên chiến trường Đông Dương. Đối với vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, chiến thắng này đã chọc thủng vành đai phong tỏa của địch ở phía Tây, nhằm bảo vệ hậu phương cũng như tạo điều kiện cho việc phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang của các tỉnh vùng biên giới nước ta với nước bạn Lào anh em.

Khi có quyết định về kế hoạch triển khai tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác tuyên huấn của Đảng bộ đã tập trung làm rõ quyết tâm chiến lược của Trung ương, đó là khắc phục tư tưởng hoài nghi, do dự, thiếu tin tưởng vào thắng lợi. Yêu cầu của cuộc chiến đấu càng to lớn, nặng nề hơn thì công tác tuyên truyền, động viên chuẩn bị cho chiến trường lại càng khẩn trương, sôi nổi hơn. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã biến thành hành động thực tế của nhân dân ta ở hậu phương, cả vùng tự do và căn cứ du kích. Nhân dân nhiệt tình cống hiến sức người, sức của cho tiền tuyến. lực lượng thông tin, tuyên truyền, văn nghệ của Trung ương, địa phương đã bám theo các đơn vị chiến đấu, đoàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến để tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên. Việc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành một cao trào cách mạng hào hùng, lập nên những kỳ tích mà kẻ địch không thể ngờ tới.

Ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu quyết liệt đã diễn ra trong thời gian dài với nhiều khó khăn, gian khổ. Trước tình hình đó, Đảng bộ đã tiến hành đợt sinh hoạt chính trị trong cán bộ và các chiến sĩ ngoài mặt trận, nhằm giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tích cực tiến công, ý chí quyết thắng, quyết tâm chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, khắc phục tư tưởng tiêu cực, ngại gian khổ hy sinh, uốn nắn tư tưởng chủ quan, khinh địch khi có thắng lợi.

Thực hiện chủ trương mở mặt trận ngoại giao của Trung ương Đảng, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã tuyên truyền, giải thích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ muốn có hòa bình và độc lập thật sự thì phải ra sức chiến đấu, hy sinh làm thất bại mọi âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên huấn cũng đề cao vai trò đoàn kết liên minh với nhân dân các nước Lào, Campuchia, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới.

Thắng lợi to lớn của cuộc tiến công trong chiến cuộc Đông - Xuân (1953-1954) mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo thế mạnh cho phái đoàn ta ở Hội nghị Giơ-ne-vơ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, chúng ta rút ra những bài học quý giá về vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng “đi trước mở đường, đi cùng cổ vũ - động viên, đi sau tổng kết”.

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, công tác Tuyên giáo lại càng phải nhanh nhạy, kịp thời để “đi trước, mở đường”, nhạy bén với cái mới, nắm bắt thông tin đa chiều, bám sát sự vận động của thực tiễn, đánh giá và dự báo đúng tình hình để làm tốt công tác tham mưu, định hướng tư tưởng. Đến nay, ngành Tuyên giáo “phủ sóng” hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều tuyến thông tin quan trọng đồng bộ, linh hoạt cả trên phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan, kể cả trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt thôn, tổ dân phố, hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội để phổ biến sâu rộng, tạo nhận thức đầy đủ trong Nhân dân tạo khí thế thi đua học tập, lao động sản xuất, thống nhất ý chí, hành động trong tổ chức đảng, sự đồng thuận trong xã hội; cổ vũ, động viên cán bộ đảng viên, nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Công tác Tuyên giáo phải làm tốt vai trò "đồng hành" với các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh toàn diện. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng, các đề án, kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đến với nhân dân nhanh nhất, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo nhất. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin tuyên truyền, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Cán bộ làm công tác chính trị tư tưởng của Đảng phải kịp thời tham mưu với cấp ủy tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý xã hội và thực tiễn cuộc sống, giải quyết những bức xúc nảy sinh ngay từ cơ sở, tạo được sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

 Sự chủ động, tích cực tham mưu, hướng dẫn thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện những nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp trọng tâm mà cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá của khu vực Bắc Trung Bộ./.

Hồng Vui, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 

[1] Do Ty Thông tin- Văn hóa xuất bản.

[2] Do Ty Bình dân học vụ xuất bản.

[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Lịch sử Dảng bộ tỉnh Nghệ An (1930 - 1954), tập 1, Nxb, Nghệ An, 2019, tr.202.

Tin cùng chuyên mục

Mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”

Mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”


Tăng cường tuyên truyền phòng, chống ngộ độc do cá nóc

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống ngộ độc do cá nóc



Đưa thông tin chính thống về lĩnh vực bảo hiểm xã hội đến với nhân dân

Đưa thông tin chính thống về lĩnh vực bảo hiểm xã hội đến với nhân dân


Phát huy Xô viết Nghệ Tĩnh đưa Hưng Nguyên phát triển nhanh, bền vững

Phát huy Xô viết Nghệ Tĩnh đưa Hưng Nguyên phát triển nhanh, bền vững


Dấu ấn Xô viết Nghệ Tĩnh trên hành trình đấu tranh vì độc lâp, tự do

Dấu ấn Xô viết Nghệ Tĩnh trên hành trình đấu tranh vì độc lâp, tự do


Quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế


Một số nội dung cần tập trung chỉ đạo tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Một số nội dung cần tập trung chỉ đạo tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường


Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo


Tầm vóc của Cách mạng tháng 8 năm 1945 và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

Tầm vóc của Cách mạng tháng 8 năm 1945 và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay


Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành Đề án tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành Đề án tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước


Công tác tuyên giáo linh hoạt phương thức trong từng nhiệm vụ cách mạng và chủ động, đổi mới đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay

Công tác tuyên giáo linh hoạt phương thức trong từng nhiệm vụ cách mạng và chủ động, đổi mới đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay


Cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lê Hồng Sơn - tức Lê Văn Phan (1899 - 1933)

Cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lê Hồng Sơn - tức Lê Văn Phan (1899 - 1933)


Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045


Nghệ An - Biên soạn, xuất bản Chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội

Nghệ An - Biên soạn, xuất bản Chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội