Banner Ban dân vận tỉnh ủy sub-site-1

Xây dựng mô hình “dân vận khéo” trong vùng dân tộc bằng những phần việc thiết thực

Những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp tỉnh đã tham mưu đẩy mạnh phong trào tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình có ý nghĩa thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp

Bản Phù Khả 1 (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) có 84 hộ/520 khẩu đồng bào Mông sinh sống, trong đó có 56 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo. Người dân chủ yếu trồng lúa, ngô, gừng và nuôi gia súc, gia cầm, tuy nhiên sản xuất khó khăn, người dân còn trông chờ vào thiên nhiên, khai thác rừng để kiếm sống, một số bị kẻ xấu lôi kéo vì những cái lợi trước mắt mà đòi phá dỡ bàn thờ tổ tiên, từ bỏ truyền thống văn hóa dân tộc mình. Trước những khó khăn đó, Ban Chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo hệ thống dân vận các cấp tập trung xây dựng mô hình “An dân” và mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng” với các nội dung chính gồm: vận động nhân dân tích cực sản xuất; gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp, phòng, chống nạn tảo hôn, truyền đạo trái pháp luật; giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư.

Các tổ tuyên truyền đã được thành lập, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân kí cam kết phòng, chống tảo hôn và sinh con sớm; hỗ trợ tập huấn kĩ thuật xử lý giống, dọn rẫy, phòng trừ sâu bệnh cho cây gừng; huy động các nguồn lực để hỗ trợ mua công cụ sản xuất cho hộ nghèo. Các thành viên tổ dân vận đã đến từng hộ dân tuyên truyền thay đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng thành công việc sản xuất 2 vụ/năm giống lúa thiên ưu 8.J02, ngô vụ đông xuân trên ruộng bậc thang, hạn chế tình trạng chặt cây, phá rừng làm rẫy; vận động các hộ gia đình có ruộng lúa tăng thêm vụ đông xuân để đảm bảo lương thực và có sản phẩm làm hàng hóa.

Bản đã ban hành nội quy được nhân dân hưởng ứng tích cực, trong đó có nội dung gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, không tin, theo các tôn giáo chưa được chính quyền công nhận, cấp phép hoạt động trên địa bàn. Bằng nhiều hình thức linh hoạt từ thành lập các tổ tuyên truyền tới hội viên, đoàn viên, phát huy vai trò người có uy tín, trưởng họ đến từng nhà tuyên truyền vận động, đồng bào Mông trong bản đã hiểu rõ bản chất của các đối tượng xấu, không tin, không nghe các luận điệu xuyên tạc, các hoạt động gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng bào yên tâm lao động sản xuất, giữ gìn sự đoàn kết trong họ tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông. Hoạt động vệ sinh làng bản được tổ chức định kỳ, đường liên bản, đường vào khu vực sản xuất, chăn nuôi được phát quang, dọn dẹp sạch sẽ.

Ban Dân vận Tỉnh ủy đã cử cán bộ đồng hành với cán bộ dân vận huyện, xã trong quá trình xây dựng kế hoạch, triển khai mô hình; dự sinh hoạt tổ dân vận  cùng bà con và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ dân vận, kinh phí mua cây, con giống phát triển sản xuất cho đồng bào.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn, ông Lầu Bá Chò là người trực tiếp tham mưu và theo sát mô hình từ ngày đầu hình thành. Ông cho biết: “Thành công nhất của mô hình là giúp đồng bào Mông tại bản Phù Khả 1 giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, không tin, không nghe theo kẻ xấu, chăm chỉ lao động, sản xuất. Người dân giảm bớt sự phụ thuộc vào khai thác rừng, tăng gia sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp, số hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm còn 44 hộ. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình này ra các xã trên địa bàn huyện”.

Thắp sáng đường quê

Về bản Khủn Na hôm nay, nhiều người sẽ không nhận ra những con đường đất đơn sơ, nhỏ hẹp đã được đổ bê tông chắc chắn và khoác tấm áo rực rỡ của lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Buổi tối người dân trong bản không còn sợ khi phải tham gia giao thông vì đèn đường chiếu sáng lối đi. Nhân dân trong bản mừng vui vì các tuyến đường đã được hệ thống dân vận các cấp vận động nguồn lực để xây dựng hệ thống đèn đường gắn với đường cờ.

Anh Vi Văn Bình, Bí thư chi bộ bản Khủn Na vui vẻ trao đổi lại các ý kiến của nhân dân trong bản với chúng tôi: “Bà con rất bằng lòng, ưng ý, trước đây không có điện đường nên đi lại khó khăn. Bây giờ bà con phấn khởi lắm, lại mong được thêm nhiều cột điện cờ nữa”.

Bản Khủn Na được sáp nhập từ bản Pù Khóng và bản Khủn Na, cách trung tâm xã Đồng Văn (huyện Quế Phong) 12 km. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên là 1.100 ha; dân số có 107 hộ/459 khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái, trong đó có 51 hộ nghèo (chiếm 47,6%), 27 hộ cận nghèo (chiếm 25,2%). Thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai thác lợi thế lòng hồ Thủy điện Hủa Na.

Nhận thấy đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, các tiêu chí nông thôn mới đạt thấp (8/15 tiêu chí bản đạt chuẩn nông thôn mới), nhất là tiêu chí về đường giao thông, Ban chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” đã triển khai mô hình xây dựng hệ thống đèn đường gắn với đường cờ.

“Khủn Na là bản đặc biệt khó khăn của xã Đồng Văn. Hướng tới mục tiêu xây dựng xã Đồng Văn về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện đã chỉ đạo ban dân vận, các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong bản phát triển sản xuất, xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng các hố chứa rác, công trình vệ sinh đảm bảo” - ông Nguyễn Minh Hoạt, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quế Phong chia sẻ.

Hệ thống dân vận toàn huyện đã vào cuộc tích cực, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền của xã, chi bộ, ban quản lý, ban công tác mặt trận của bản và đơn vị thi công triển khai xây dựng 72 cột đèn đường sử dụng năng lượng mặt trời có gắn cờ (Đảng – Tổ quốc) tại các đoạn đường thuộc khu dân cư của bản có đông các hộ dân sinh sống với tổng chiều dài gần 3km, tổng kinh phí gần 200 triệu đồng được đóng góp từ nguồn hỗ trợ của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Huyện đoàn Quế Phong. Các hộ gia đình đặc biệt khó khăn được hỗ trợ giống lợn đen bản địa để chăn nuôi nâng cao thu nhập từ  nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình “dân vận khéo” trong đồng bào dân tộc thiểu số của cơ quan Đảng- Đoàn thể cấp huyện.

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy, Huyện đoàn Quế Phong cùng cán bộ bản trong lễ bàn giao mô hình đưa vào sử dụng

Từ sự hỗ trợ của cấp trên, nhân dân trong bản đã tự lực vươn lên, thành lập các tổ nhóm để tìm nguyên vật liệu, đóng góp ngày công xây dựng các công trình vệ sinh, hố chứa rác thải đảm bảo tiêu chuẩn; xây dựng đường giao thông bằng bê tông với tổng chiều dài gần 2,4km. Những khó khăn tưởng chừng không thể xây dựng nông thôn mới thành công ở bản miền núi xa xôi nhưng “đốm lửa” nhen lên từ mô hình “dân vận khéo” đã khích lệ đồng bào chiếu sáng đường quê, hướng tới đích nông thôn mới không còn xa.

Đưa nước về làng

Nằm ở địa hình đồi núi khô cằn, không có các sông hồ nên đến mùa nắng nóng, bà con trong xóm Đồng Kho Đồng Thờ (xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ) lại dắt nhau lên núi tìm nguồn nước cách xa 4km để gùi về dùng. Toàn xóm có 357 hộ chủ yếu đồng bào Thái, thu nhập bình quân đầu người thấp (24 triệu đồng/người/năm), đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Luyến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghĩa Dũng cho biết: Trong nhiều năm người dân loay hoay tìm nước, khoan giếng thì nước không dùng được, dẫn nước từ nguồn về thì người dân không đủ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trước thực trạng đó, xã đã đề xuất Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Tân Kỳ xây dựng công trình “Hệ thống nước tự chảy phục vụ sinh hoạt” tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ.

Để đưa được nước về làng cần xây dựng 03 bể lắng, lọc, chứa với dung tích trên 160 m3; với tổng chiều dài đường ống dẫn chính là 5.300m (Chưa tính chiều dài ống từ đường chính vào các hộ gia đình). Tổng dự toán kinh phí thực hiện lên tới 1,1 tỷ đồng. Nguồn lực rất lớn đòi hỏi công tác vận động càng phải nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” huyện, Huyện đoàn Tân Kỳ, Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” xã Nghĩa Dũng đã ban hành kế hoạch vận động tuyên truyền, phân công nhiệm vụ, phối hợp thực hiện mô hình Dân vận khéo tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ; kế hoạch tổ chức giám sát công trình  nước tự chảy. Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành cấp xã, chi ủy chi bộ, ban cán sự, ban công tác mặt trận các xóm, các trường học trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình về mục đích ý nghĩa và tầm quan trọng cũng như công tác xã hội hóa xây dựng công trình nước tự chảy tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ.

Tổ dân vận xóm tổ chức tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình nước tự chảy; phát động toàn dân nhất là các hộ, các cơ quan trực tiếp được thụ hưởng từ công trình hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền, vật chất, tham gia ngày công xây dựng công trình. Sau quá trình vận động, các hộ dân trong xóm đã hiến 700m2 gồm đất vườn, đất rừng để xây bể và đặt đường ống dẫn, 500 ngày công vận chuyển vật liệu, đóng góp tiền mặt và nguyên vật liệu, máy móc… với tổng giá trị 229 triệu đồng. Các hộ dân có ống dẫn nước đi qua và vị trí xây dựng các bể chứa nước ký cam kết gìn giữ công trình ổn định lâu dài đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính hài hòa, bền vững.

Thành công từ mô hình nước tự chảy, Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Tân Kỳ tiếp tục vận động xây dựng đường giao thông tránh lũ “Nâng bước em tới trường” tại xóm Đồng Kho Đồng Thờ.

Trên địa bàn thiên tai diễn biến rất phức tạp và khó lường, lũ ống, lũ quét xẩy ra thường xuyên, nhiều bản làng, tài sản, của cải, đường giao thông tan hoang sau thiên tai, học sinh đến trường rất gian nan, nguy hiểm nên nhiều em muốn bỏ học. Nhận thấy sự cần thiết phải có con đường tránh lũ để bà con nhân dân cũng như các em học sinh đi lại an toàn, thuận lợi hơn mỗi khi mưa lũ về, Ban Chỉ đạo phong trào đã lên kế hoạch xây dựng đoạn đường với chiều dài 455 m, rộng 3-4 m, dày 20-25 cm với tổng kinh phí dự toán gần 300 triệu đồng. Hệ thống dân vận đã vận động các nguồn hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị; sự đồng hành, chung tay ủng hộ của các tổ chức, cá nhân với số tiền ủng hộ hơn 77 triệu đồng, tham gia hơn 100 ngày công, gần 200m3 cát, sỏi, đá và hiến hơn 30m2 đất vườn.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo phong trào thi  đua “Dân vận khéo” xã Nghĩa Dũng cho biết: “hai công trình từ hai mô hình “Dân vận khéo” đã giúp đồng bào có nước sạch để sinh sống, có đường giao thông đi lại thuận lợi để sản xuất, phát triển kinh tế, đặc biệt là giúp các em học sinh đến trường an toàn mỗi khi mùa mưa lũ về. Hai công trình liên tiếp trong hai năm từ phong trào “dân vận khéo” thể hiện sự quan tâm, động viên, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rất vinh dự và ý nghĩa khi công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Tân Kỳ (19/4/1963-19/4/2023)”.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tân Kỳ, Lãnh đạo Đảng ủy xã Nghĩa Dũng, các đơn vị đồng hành cùng cắt băng khánh thành công trình đường giao thông tránh lũ

Trần Thanh Hà 

Ban Dân vận Tỉnh ủy 

Tin cùng chuyên mục

Hiệu quả cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo" tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2023

Hiệu quả cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo" tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2023


Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng giáo góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo

Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng giáo góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo


Nhân dân xóm Mẫu Đơn (Hưng Lộc, Thành phố Vinh) làm "Dân vận khéo"

Nhân dân xóm Mẫu Đơn (Hưng Lộc, Thành phố Vinh) làm "Dân vận khéo"


Xuất phát từ nhu cầu thiết thực của nhân dân để xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Xuất phát từ nhu cầu thiết thực của nhân dân để xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo”




Công an thị xã Thái Hòa xây dựng mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng

Công an thị xã Thái Hòa xây dựng mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng


Xây dựng thành công thiết chế văn hoá từ “Dân vận khéo”

Xây dựng thành công thiết chế văn hoá từ “Dân vận khéo”


Hội nghị triển khai cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2023

Hội nghị triển khai cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2023