Quỳ Hợp là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, xung quanh tiếp giáp với các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Tân Kỳ và Con Cuông. Hiện nay, dân số của huyện có hơn 140 nghìn người, gồm ba dân tộc chủ yếu là Kinh, Thái, Thổ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53,6%.
Toàn huyện có 21 xã, thị trấn trong đó có 14/21 xã và 99/214 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, tình hình ANTT trên địa bàn huyện Quỳ Hợp cơ bản được giữ vững, không có các điểm nóng, đột xuất bất ngờ xảy ra, tình hình tệ nạn xã hội, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác được kìm giữ... phần nào nhờ việc làm tốt công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó, đáng chú ý là sự đóng góp của các mô hình, nổi bật như: “Tiếng kẻng bình yên”, “Đảm bảo ANTT trong chăn nuôi trâu bò”, “Móc khóa ANTT”, “Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh với công tác đảm bảo ANTT”, “Xóm, bản không có tội phạm và tệ nạn xã hội”..
Xác định việc thực hiện công tác “Dân vận khéo” phải gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong những năm qua Công an huyện Quỳ Hợp nói chung và Đoàn Thanh niên Công an huyện nói riêng luôn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo... góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng Công an với nhân dân, xây dựng hình ảnh người cán bộ Công an trên quê hương Bác Hồ bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Tuy nhiên, nhìn chung các hoạt động còn mang tính đơn lẻ, chưa có quy mô và chiều sâu, chưa thật sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Để phong trào “Dân vận khéo” có sức lan tỏa hơn nữa, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn, đặc biệt là tinh thần xung kích, tình nguyện của lực lượng đoàn viên thanh niên Cổng an huyện Quỳ Hợp, cần thiết phải xây dựng một mô hình nhằm quy tụ các hoạt động trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ kết hợp phong trào “Dân vận khéo” và các hoạt động thiện nguyện, trở thành một “chuỗi” các hoạt động liên kết. Xuất phát từ yêu cầu đó. Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo Đoàn thanh niên Công an huyện nghiên cứu tham mưu xây dựng mô hình “24h trải nghiệm” trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Sau 02 năm đi vào hoạt động, mô hình Dân vận khéo “24h trải nghiệm” của Đoàn Thanh niên Công an huyện Quỳ Hợp đã mang lại hiệu quả thiết thực, với những kết quả nổi bật, cụ thể: lực lượng Công an, trong đó Đoàn thanh niên làm nòng cốt đã về các xóm, bản đặc biệt khó khăn, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, hỗ trợ từng người dân phát triển kinh tế; bảo đảm an ninh trật tự và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho Nhân dân. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội; phát huy được sự tham gia của các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tham gia. Các hoạt động tình nguyện, nhân đạo, từ thiện với nhiều cách làm sáng tạo, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa lực lượng Công an huyện với Nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh, phong cách người chiến sĩ Công an nhân dân đẹp hơn trong lòng Nhân dân. Những kết quả đạt được có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đóng góp vào sự ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, cụ thể:
Qua nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng đến từng hộ gia đình: quần chúng nhân dân đã cung cấp 60 tin bài tố giác tội phạm có giá trị giúp lực lượng Công an điều tra, làm rõ 15 vụ vi phạm pháp luật hình sự và nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác. Qua đó nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của bà con, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa đồng bào các dân tộc, đồng thời tạo sự đồng thuận, tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, qua đó sống, lao động, học tập theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tiến tới từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các địa bàn trong huyện, nhất là về tiếp cận pháp luật.
Triển khai mô hình giúp đảm bảo an ninh xã hội, giữ vững ANTT tại địa bàn, không để phát sinh điểm nóng để các thế lực thù địch, tội phạm lợi dụng chống phá, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số ít người trong đảm bảo ANTT. Tình hình ANTT trên địa bàn huyện nói chung và tại địa bàn các xã, xóm, bản được triển khai mô hình “24 giờ trải nghiệm” nói riêng cũng đã có những chuyển biến rõ rệt: đã tổ chức 215 ca tuần tra vũ trang, trong đó có 90 ca tuần tra có kết hợp tuyên truyền pháp luật lưu động bằng loa phát thanh. Qua công tác tuần tra vũ trang, đã kịp thời phát hiện bắt giữ 13 vụ, 16 đối tượng về các hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, thu giữ 8,5 kg pháo tự chế, 02 thỏi thuốc nổ, 80 cm dây cháy chậm; 03 vụ, 13 đối tượng về hành vi đánh bạc, thu giữ 60,55 triệu đồng tiền mặt; 01 vụ, 01 đối tượng về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, thu giữ 0,15 gam heroin; 06 vụ, 08 đối tượng về hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy”; 01 vụ, 01 đối tượng vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, 01 vụ, 03 đối tượng vi phạm về môi trường; phát hiện, thu hồi 15 khẩu súng bắn hơi cồn, 50 kích điện và 155 dao kiếm các loại.
Nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi được giúp đỡ đã bớt đi phần nào gánh nặng vật chất, tinh thần; nhiều công trình đã được sửa sang tạo diện mạo mới cho địa bàn, giúp người dân phấn khởi, hăng hái lao động tăng gia sản suất, ổn định phát triển kinh tế; qua đó cũng giúp cho mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quỳ Hợp thêm gắn bó, bền chặt, người dân thêm tin tưởng và yêu quý hơn. Đoàn thanh niên Công an huyện đã vận động hơn 1.200 lượt cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên trong đơn vị phối hợp lực lượng Công an xã và kêu gọi các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm tổ chức các hoạt động thiện nguyện, nhân đạo. Các hoạt động mô hình đã thu hút người dân tham gia ủng hộ hơn 600 ngày công, 220 triệu đồng cho các hoạt động giúp đỡ các gia đình chính sách, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, lực lượng Đoàn Thanh niên Công an huyện Quỳ Hợp đã vận động xây dựng 07 ngôi nhà tình nghĩa cho 07 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mỗi nhà trị giá 70 triệu đồng; xây dựng 01 cầu dân sinh trị giá 250 triệu đồng; tu sửa 04 ngôi nhà, 04 chuồng trại và cung cấp 50 con giống (bò, dê, lợn sinh sản); hỗ trợ xây dựng hơn 500 mét đường bê tông; nạo vét hơn 400 mét kênh mương nội đồng; trao quà cho 10 hộ gia đình chính sách, 15 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập với tổng giá trị các hoạt động hơn 1,2 tỷ đồng.
Các hoạt động của mô hình đã tiếp tục khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của đoàn viên thanh niên trong các mặt công tác; tuyên truyền giáo dục nâng cao trách nhiệm của đoàn viên thanh niên Công an huyện với cộng đồng. Đồng thời, góp phần tiếp tục tăng cường mối quan hệ gắn bó, sẻ chia giữa Công an huyện Quỳ Hợp với nhân dân trên địa bàn; xây dựng hình ảnh, phong cách người chiến sĩ Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ, góp phần củng cố thế trận an ninh nhân dân vững chắc gắn với đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới.
Từ hiệu quả hoạt động của mô hình “24h trải nghiệm”, ngày 18/9/2023 Công an tỉnh Nghệ An đã thông báo biểu dương, nhân rộng toàn tỉnh; ngày 13/10/2023 Cụm Thi đua số 5, Bộ Công an đã thông báo biểu dương, nhân rộng trong Cụm thi đua, trong đó đề nghị Công an các đơn vị, địa phương căn cứ thực tiễn tình hình và yêu cầu đặt ra nghiên cứu triển khai mô hình này trên địa bàn đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Để mô hình có sức lan tỏa và nhân rộng, Công an huyện Quỳ Hợp đã đề ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới:
1. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác dân vận, về Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và Nhân dân trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình.
2. Tổ chức rà soát đánh giá, rút kinh nghiệm để duy trì mô hình hoạt động hiệu quả, đặc biệt là trong công tác hỗ trợ giúp đỡ Nhân dân, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở.
3. Tăng cường mối quan hệ giữa lực lượng Công an với cấp ủy chính quyền, đặc biệt với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
4. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện mô hình; định kỳ tổ chức sơ, tổng kết để có phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đồng thời nghiên cứu nhân rộng mô hình trong thời gian tiếp theo.
Vương Minh Đức, Ban Dân vận Tỉnh ủy