Banner Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy sub-site-1

Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành kế hoạch luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng theo nhiệm kỳ, hằng năm

Ngày 06/7/2023, Ban Bí thư ban hành Quy định số 110-QĐ/TW luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng, cụ thể:

 

Điều 1. Quan điểm, nguyên tắc

1. Công tác luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu và cán bộ ngành Kiểm tra Đảng.

2. Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch. Bảo đảm hài hoà giữa luân chuyển cán bộ với bố trí, sử dụng cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa tạo nguồn cán bộ cho ngành Kiểm tra Đảng.

3. Cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển và thực hiện chính sách, chế độ phù hợp tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu

1. Nâng cao hiệu quả việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng qua thực tiễn, góp phần để cán bộ ngành Kiểm tra Đảng phát triển toàn diện.

2. Kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ Kiểm tra Đảng cho những nơi yếu, khó khăn, thiếu cán bộ có chất lượng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Luân chuyên cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng là việc phân công, chỉ định, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại nơi khác trong ngành Kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cấp huyện trong một thời hạn nhất định để đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu, nhiệm vụ hoặc chức danh được quy hoạch.

2. Cơ quan nơi có cán bộ luân chuyển đi là ủy ban kiểm tra hoặc cơ quan ủy ban kiểm tra có cán bộ đi luân chuyển (gọi chung là cơ quan nơi đi).

3. Cơ quan nơi có cán bộ luân chuyển đến là ủy ban kiểm tra hoặc cơ quan ủy ban kiểm tra tiếp nhận cán bộ luân chuyển (gọi chung là cơ quan nơi đến).

Điều 4. Phạm vi, đối tượng, nguyên tắc bố trí chức danh luân chuyển

1. Phạm vi

Luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cấp huyện và tương đương; từ cấp trên xuống cấp dưới hoặc từ cấp dưới lên cấp trên hoặc cùng cấp.

2. Đối tượng

Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành Kiểm tra Đảng từ cấp huyện trở lên trừ cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý gồm:

- Thành viên chuyên trách ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương (chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, ủy viên ủy ban kiểm tra).

- Cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ thuộc Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cấp phòng thuộc cơ quan ủy ban kiểm tra cấp tỉnh.

3. Nguyên tắc bố trí chức danh luân chuyển

Cơ bản thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền có thể xem xét bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu của chức vụ được bố trí và bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Điều 5. Tiêu chuẩn, điều kiện

- Lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển.

- Có thời gian công tác trong ngành Kiểm tra Đảng ít nhất 3 năm và còn đủ tuổi để công tác ít nhất 10 năm tính từ thời điểm luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

Điều 6. Thẩm quyền, trách nhiệm

1. Thẩm quyền

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định luân chuyển cán bộ theo thẩm quyền; đề nghị cấp ủy liên quan xem xét việc quyết định luân chuyển cán bộ ủy ban kiểm tra, cán bộ cơ quan ủy ban kiểm tra của cấp ủy.

- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

2. Trách nhiệm

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện luân chuyển cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển theo thẩm quyền; kiểm tra, giám sát việc thực hiện luân chuyển cán bộ; định kỳ sơ kết, tổng kết công tác luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng.

- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, tổ chức luân chuyển cán bộ trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bổ trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển theo thẩm quyền.

- Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện chịu trách nhiệm tham mưu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy luân chuyển cán bộ theo thẩm quyền.

- Cơ quan nơi đi chịu trách nhiệm nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất luân chuyển; phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác quản lý và giữ mối liên hệ thường xuyên với cán bộ luân chuyển; tiếp nhận, bố trí hoặc đề xuất bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển.

- Cơ quan nơi đến chịu trách nhiệm thực hiện quyết định luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ luân chuyển rèn luyện, phát huy năng lực; quản lý cán bộ trong thời gian luân chuyển; phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu bố trí cán bộ sau luân chuyển.

- Cán bộ luân chuyển phải chấp hành nghiêm phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan nơi đi và nơi đến; tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chịu sự kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả công tác định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.

- Cơ quan tham mưu công tác tổ chức - cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của cấp ủy tỉnh, huyện và tương đương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch; thẩm định, thẩm tra, rà soát đối với nhân sự luân chuyển; phối hợp với cơ quan có liên quan tham mưu nhận xét, đánh giá, bố trí cán bộ trước và sau luân chuyển.

Điều 7. Quy trình luân chuyển

Bước 1. Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành kế hoạch luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng theo nhiệm kỳ, hằng năm.

Bước 2. Căn cứ nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, cho chủ trương.

Bước 3. Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổng hợp đề xuất của các địa phương, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển.

Bước 4. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì trao đổi với cấp ủy địa phương, đơn vị để dự kiến danh sách nhân sự, chức danh luân chuyển.

Bước 5. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo, cụ thể:

- Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.

- Gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan - trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp cán bộ để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.

- Xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định hoặc chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).

Điều 8. Thời gian luân chuyển và chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển

1. Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

2. Chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển trong ngành Kiểm tra Đảng thực hiện theo quy định.

Điều 9. Nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển

1. Việc bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của ủy ban kiểm tra các địa phương, cơ quan, đơn vị; kết quả công tác, năng lực, sở trường của cán bộ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp có thẩm quyền.

2. Trường hợp cán bộ luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi đến thì không còn là cán bộ luân chuyển theo quy định.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện Quy định này. Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương căn cứ Quy định này để hướng dẫn, tổ chức thực hiện luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra thuộc lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Ban Bí thư (qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương) xem xét, quyết định.

2. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác luân chuyển cán bộ ngành Kiểm tra Đảng; định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo Ban Bí thư theo quy định.

 

Tin cùng chuyên mục

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 45 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 45 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương


Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư



Quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực


Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương


Quy định mới của Bộ Chính trị về kỷ luật đảng viên vi phạm công tác trong lãnh đạo, quản lý, điều hành

Quy định mới của Bộ Chính trị về kỷ luật đảng viên vi phạm công tác trong lãnh đạo, quản lý, điều hành


Bài phát biểu của đồng chí Trần Cẩm Tú, UV BCT, Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng năm 2022

Bài phát biểu của đồng chí Trần Cẩm Tú, UV BCT, Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng năm 2022



Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương


Chú trọng khâu thẩm tra, xác minh nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Chú trọng khâu thẩm tra, xác minh nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng


Một số điểm mới trong Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

Một số điểm mới trong Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng