Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có 11 huyện với 248 xã, thị trấn, 3.809 khối, xóm, bản với tổng diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh, trong đó có 39 DTTS với hơn 491 nghìn người.
Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS luôn được các Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Những kết quả nổi bật
Giai đoạn 2020 - 2023, số lượng, chất lượng đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số (DTTS) tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên. Đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, sau khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy năng lực, sở trường, củng cố chuyên môn, góp phần quan trọng vào hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là tại các địa bàn có nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống; bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý: Từ tháng 1/2020 đến 30/6/2023, số CCVC người dân tộc thiểu số toàn tỉnh được tuyển dụng là 272 người trên 1.288 CCVC được tuyển dụng, chiếm 20,9%. Việc sử dụng, quản lý CCVC người dân tộc thiểu số được các cơ quan, đơn vị thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm, đồng thời gắn với năng lực, sở truờng công tác, bảo đảm tương đối hài hoà, hợp lý. Bên cạnh đó công tác quản lý, đánh giá CBCCVC cũng được quan tâm chú trọng; kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng là cơ sở quan trọng trong thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC nói chung và CBCCVC người dân tộc thiểu số nói riêng. Vì vậy, chất lượng đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số từng bước được củng cố, nâng cao, ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong công tác.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao kiến thức, các kỹ năng hoạt động cho đội ngũ CBCCVC người dân tộc thiểu số tỉnh đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho 4.372 lượt CBCCVC người dân tộc thiểu số về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, kiến thức quản lý Nhà nước.
Đến nay, toàn tỉnh có 9.159 CBCCVC người dân tộc thiểu số trên 83.894 CBCCVC hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương (chiếm 13,3%). Trong đó, cấp tỉnh là 1.560/16.565 người, chiếm tỷ lệ 9,4% tổng số biên chế hiện có; cấp huyện là 5.054/42.541 người, chiếm tỷ lệ 11,9% tổng số biên chế hiện có; cấp xã là 2.580/9.382 người, chiếm tỷ lệ 27% tổng số biên chế hiện có.
Công tác quy hoạch cán bộ là người DTTS luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã nhấn mạnh việc phấn đấu cơ cấu, tỉ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng yêu cầu tỉ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực. Việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện liên thông giữa tỉnh và huyện, huyện và xã, giữa các cơ quan, đơn vị... Nhờ vậy, tỷ lệ cán bộ DTTS trong quy hoạch từ tỉnh đến cơ sở từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay cơ bản bảo đảm theo quy định, cụ thể: Tỷ lệ cán bộ người DTTS trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 14/105 đồng chí, chiếm 13,33%; quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 5/24 đồng chí, chiếm 20,83%; quy hoạch cán bộ chủ chốt là 2/22 đồng chí, chiếm 9,09%. Tỷ lệ cán bộ người DTTS trong quy hoạch ban chấp hành đảng bộ huyện là 203/1.052 đồng chí, chiếm 19,3%; quy hoạch ban thường vụ huyện ủy là 44/486 đồng chí, chiếm 9,05%; quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp huyện là 83/577 đồng chí, chiếm 14,38%. Tỷ lệ cán bộ người DTTS trong quy hoạch ban chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn 1.630/8.996 đồng chí, chiếm 18,12%; quy hoạch ban thường vụ huyện ủy là 615/3.231 đồng chí, chiếm 19,03%; quy hoạch các chức danh chủ chốt xã, phường, thị trấn là 1.531/16.088 đồng chí, chiếm 9,52%.
Công tác bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ: Việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ DTTS nói riêng được thực hiện đúng quy định, bảo đảm quy trình, chặt chẽ, dân chủ, công khai. Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, cấp tỉnh đã bầu 3 đồng chí cán bộ người DTTS tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 1 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 1 đồng chí chủ tịch UBND huyện được luân chuyển, bổ nhiệm Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Cấp huyện thực hiện luân chuyển, điều động 23 cán bộ người DTTS cấp huyện về xã, 18 cán bộ là người DTTS từ xã lên huyện, 133 cán bộ là người DTTS từ xã này sang xã khác trong huyện và 44 cán bộ người DTTS luân chuyển từ phòng, ban này sang phòng, ban khác.
Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số nói chung và tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là người dân tộc thiểu số nói riêng đang từng bước được nâng lên so với tỷ lệ dân số người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cấp ủy các cấp đã quan tâm điều động, luân chuyển cán bộ xuống cơ sở hoặc giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị với nhau vừa bảo đảm tăng cường nhân lực cho các địa bàn, lĩnh vực cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ qua thực tiễn ở những nơi khó khăn.
Những khó khăn, hạn chế cần khắc phục
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế: Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS hiện nay trên địa bàn tỉnh nhìn chung cơ bản đảm bảo quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên có sự phân bố chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, vùng miền; một số cơ quan cấp tỉnh chưa có cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Cơ cấu cán bộ DTTS trong cấp ủy tỉnh chưa tương quan với dân số, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng vùng DTTS. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ người DTTS chưa đồng đều, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ cán bộ người DTTS giữ các chức vụ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện còn ít; nguồn cán bộ kế cận người DTTS còn hạn chế. Tinh thần, trách nhiệm của một số cán bộ người DTTS chưa cao, chưa có nhiều sáng tạo, đột phá trong công tác tham mưu nên việc triển khai thực hiện một số chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chậm, hiệu quả chưa cao. Một số chính sách về tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chưa ban hành thống nhất, đồng bộ như: Chính sách thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ vùng DTTS; chính sách tuyển dụng người DTTS; hướng dẫn về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS làm việc tại các cơ quan hành chính ở các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp, ...
Những giải pháp cơ bản
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp cơ bản sau sau:
Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc theo Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương khóa IX về công tác dân tộc; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12/NQ-CP, ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới.
Thứ hai: Tiếp tục rà soát, đánh giá đúng thực trạng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng, sử dụng cán bộ người DTTS, chú trọng cả số lượng hợp lý (theo tỷ lệ dân số) và bảo đảm chất lượng, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và đặc điểm xã hội của địa phương; rà soát lại một số văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến nội dung thực hiện công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS để tiếp tục đôn đốc, triển khai thực hiện.
Thứ ba: Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết để kịp thời đề ra các giải pháp để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ người DTTS, phù hợp với địa bàn.
Thứ tư: Nghiên cứu để có thêm chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong công tác và trong học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt.
Thứ năm: Đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đồng bộ, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để người DTTS được tuyển dụng vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là ở các vùng DTTS. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với DTTS ít người, nhóm DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho đội ngũ cán bộ người DTTS, cán bộ công tác tại vùng DTTS và cán bộ làm công tác dân tộc các cấp.
Vũ Hồng Hào
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ