Quy định số 2683-QĐ/TU ngày 04/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã xác định: Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu của Tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh uỷ về công tác dân vận (bao gồm cả công tác dân tộc, tôn giáo).
Có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; phối hợp, thẩm định, thẩm tra về công tác dân vận và các nhiệm vụ do Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy giao. Hiện có 19 biên chế. Cơ cấu bộ máy gồm Trưởng ban, 03 phó trưởng Ban và 03 phòng: Phòng Tổng hợp - Đoàn thể và các hội, Phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước, Phòng Dân tộc - Tôn giáo. Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay, vì trong mọi thời kỳ cách mạng Đảng phải luôn gắn bó máu thịt với nhân dân thì sự lãnh đạo của Đảng mới thành công, nhất là thời kỳ hiện nay vấn đề mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân lại càng được đặt lên hàng đầu. Do đó, Đảng phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của mình để củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân là hết sức cần thiết.
Trong thời gian qua Đảng đã lãnh đạo công tác Dân vận bằng việc ra các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án, quyết định... về công tác dân vận, công tác vận động quần chúng một cách kịp thời, sát với thực tiễn từng thời kỳ. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác dân vận, như: Nghị quyết Trung ương (8B) khóa VI (tháng 3/1990) về "Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân", Nghị quyết số 25 -NQ/TW khóa XI (tháng 6/2013) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", Quyết định số 23 -QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể, nhân dân. Tại Nghệ An Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 11 - NQ/TU, ngày 23/10/2007 về "Tăng cường công tác vận động quần chúng trước yêu cầu mới", Chương trình hành động số 25 - CTr/TU, ngày 20/11/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", đã chọn 9 đề án, nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân vận để chỉ đạo thực hiện; Quy chế số 07-QC/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; Đề án số 04 về công tác dân vận chính quyền, Đề án số 07 về tiếp xúc, đối thoại với nhân dân và Nghị quyết số 04-NQ/TU tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đói với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó công tác dân vận trong toàn tỉnh được triển khai có hiệu quả; đã xác định nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận, đồng thời xác định chủ thể, đối tượng, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ công tác dân vận.
Đảng lãnh đạo công tác dân vận thông qua công tác cán bộ và bằng sự gương mẫu của cán bộ trong hệ thống dân vận. Cán bộ trong hệ thống dân vận thường xuyên được cấp ủy quan tâm, trong thời gian qua cấp ủy bố trí đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm Trưởng Ban Dân vận các cấp và trực tiếp phụ trách khối dân. Hiện nay có 20/21 đồng chí trưởng ban dân vận cấp huyện là ủy viên ban thường vụ cấp ủy; đồng chí chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh và một số huyện là ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy; trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội là cấp ủy viên. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống dân vận; Mặt trận, đoàn thể ngày càng đáp ứng yêu cầu cả về năng lực và phẩm chất đạo đức, lối sống; cơ bản cán bộ trong khối dân vận gương mẫu, tận tụy với công việc. Đội ngũ cán bộ Ban Dân vận đã tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và tổ chức nhân dân thực hiện một cách có hiệu quả. Thông qua đội ngũ cán bộ này mà Đảng đã lãnh đạo công tác dân vận trong thời gian qua luôn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đảng lãnh đạo công tác dân vận thông qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Trong nhiệm kỳ qua, cơ bản các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận đều được kiểm tra thực hiện nghiêm túc, như kiểm tra 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25 - NQ/TW (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" tại 15/21 huyện, thành, thị ủy, 100% đơn vị tự kiểm tra Nghị quyết số 25; kiểm tra thực hiện Quyết định 23 - QĐ/TW của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; kiểm tra Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ, các đoàn thể. Thông qua công tác kiểm tra các cấp ủy đã thấy được những nội dung, những địa phương làm tốt và những nơi tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa có hiệu quả để có giải pháp chỉ đạo kịp thời, sâu sát hơn.
Thông qua hình thức giao ban để cấp ủy nghe kết quả công tác dân vận, từ đó định hướng lãnh đạo trong thời gian tới. Định kỳ Thường trực Tỉnh ủy làm việc với MTTQ và các đoàn thể để định hướng nội dung hoạt động phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức tổ chức và hoạt động, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, thuyết phục, giải thích rõ quan điểm, đường lối của Đảng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đổi mới phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng quan liêu, hành chính hóa trong hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hàng tháng Thường trực Tỉnh ủy giao cho Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì giao ban khối dân; hàng quý Thường trực Tỉnh ủy chủ trì giao ban khối dân. Sau giao ban có thông báo, kết luận của Thường trực Tỉnh ủy để giao cho các ngành giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm, vấn đề mới phát sinh ở cơ sở do Mặt trận và các đoàn thể đề xuất. Thông qua giao ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổng hợp các ý kiến góp ý về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của nhân dân để cấp ủy tiếp thu, điều chỉnh phương thức lãnh đạo cho phù hợp.
Đảng lãnh đạo công tác dân vận thông qua việc cử cán bộ dân vận đi cơ sở nắm tình hình nhân dân. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tiến hành công tác dân vận của Đảng gắn liền với đi cơ sở, tiếp xúc với nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải tiến hành công tác dân vận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và chức trách của mình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, Quyết định 5701 - QĐ/TU, ngày 13/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành "Quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp nhận, xử lý, tiếp thu ý kiến của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Định kỳ các đồng chí cấp ủy viên các cấp về dự sinh hoạt tại chi bộ ở khu dân cư. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, cán bô, đảng viên Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể đã về cơ sở quán triệt và tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó tham mưu cho cấp ủy có những chính sách, giải pháp kịp thời bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Với 21 ban dân vận cấp huyện, 460 khối dân vận cấp xã và 3906 tổ dân vận xóm, bản, khối phố đã phân công cán bộ của hệ thống dân vận thường xuyên xuống cơ sở, bám dân để nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời nắm những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện nghị quyết của Đảng tại cơ sở để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống của nhân dân.
Đảng lãnh đạo công tác dân vận thông qua việc lãnh đạo xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" để tạo lan tỏa trong xã hội và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị, tầm quan trọng và tác dụng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 06 -ĐA/TU, ngày 01/4/2014 về "Xây dựng các mô hình, điển hình, đẩy mạnh Phong trào thi đua "Dân vận khéo". Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 3226 mô hình "Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và phát huy được tính hiệu quả cao, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ các mô hình này đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi về gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong công tác dân vận và toàn xã hội. Với phương châm cầm tay chỉ việc, hướng về cơ sở, xây dựng các mô hình điểm để từ đó nhân ra diện rộng. Thông qua xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" đã phát huy được vai trò tích cực trong vận động nhân dân hiến đất, ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã vận động nhân dân hiến được 5.217.919 m2 đất, đóng góp 4.241.884 ngày công và 4.303,5 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, đưa số xã về đích trong xây dựng nông thôn mới đến nay là 309 xã và 08 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó khẳng định phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là vừa có chủ trương đúng, vừa phải có các mô hình, việc làm cụ thể để nhân dân noi theo.
Tại cơ quan Ban Dân vận Tỉnh ủy mối quan hệ công tác giữa lãnh đạo Ban với Chi ủy Chi bộ cơ quan trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đó là Lãnh đạo Ban đề ra nhiệm vụ chuyên môn, Chi ủy lãnh đạo đảng viên tiên phong, gương mẫu để thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm Lãnh đạo Ban đánh giá, xếp loại chuyên môn của cán bộ, công chức, còn Chi bộ đánh giá, xếp loại đảng viên, trên cơ sở lấy nhiệm vụ chuyên môn làm trọng tâm. Trong những năm qua đã phối hợp thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn đề ra. Về phối hợp trong công tác cán bộ, Lãnh đạo Ban quyết định về công tác cán bộ trong Cơ quan. Chi ủy tham gia ý kiến trước khi lãnh đạo Ban quyết định về công tác cán bộ. Trong thời gian qua việc thực hiện quy trình về công tác cán bộ Lãnh đạo Ban đều xin ý kiến của cấp ủy tham gia và Lãnh đạo Ban trân trọng ý kiến của cấp ủy.
Trong quá trình thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả Ban Bân vận thấy một số khó khăn, bất cập về tổ chức bộ máy, biên chế sau: Ban Dân vận Tỉnh ủy với chức năng, nhiệm vụ lớn, diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông (hơn 3,5 triệu người) nhưng số lượng cán bộ ít (19 biên chế). Vai trò, vị trí của cấp ủy đảng về công tác cán bộ trong cơ quan không rõ; Cấp ủy chỉ tham gia ý kiến về công tác cán bộ, mà không quyết định về công tác cán bộ. Tổ trưởng tổ dân vận và trưởng ban công tác mặt trận ở xóm, bản cơ bản đều do đồng chí bí thư chi bộ kiêm nhiệm, do đó một số nơi hoạt động của tổ dân vận và ban công tác mặt trận còn đan xem lẫn nhau, không rõ việc riêng của từng ngành.
Trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tập trung nâng cao chất lượng cán bộ tham mưu, giúp việc, cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở, có bản lĩnh, có trí tuệ, luôn luôn đổi mới, có tư tưởng tiến công làm công tác dân vận. Đề xuất có cơ chế để thu hút cán bộ giỏi về công tác tại Ban đủ sức tham mưu cho cấp ủy. Tập trung hướng về cơ sở, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, tôn giáo. Nắm tâm tư nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề bức xúc nổi cộm trong nhân dân để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành điểm nóng. Củng cố, kiện toàn Khối dân vận cấp xã, Tổ dân vận xóm bản, khối phố. Không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hệ thông Dân vận, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Nguyễn Mạnh Khôi
Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy