Về phát triển kinh tế: Quy mô kinh tế hiện đứng thứ 10 cả nước; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022, đạt 9,05%, đến 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,79%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện đạt gần 22.000 tỷ đồng (đây là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước vượt mốc 20 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trong cả nước), 6 tháng đầu năm 2023 thu ngân sách ước đạt 8.489 tỷ đồng (đạt 53,5% dự toán HĐND tỉnh giao); Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều khởi sắc, năm 2022 tỉnh ta lọt vào top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với số vốn xấp xỉ 1 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2023, hút được 08 dự án FDI với số vốn đăng ký 613,8 triệu USD, tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh 725,4 triệu USD, xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước. Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, như y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng v.v... Đời sống sinh hoạt của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được nâng lên rõ rệt.
Dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh tăng mạnh; định danh điện tử xếp thứ 3 toàn quốc (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); là một trong 22 địa phương sớm hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp đối với 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn... Một số chỉ số năm 2022 được cải thiện tích cực: Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, đạt 66,60 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước; thứ 3 trong khu vực Bắc Trung Bộ, tăng 7 bậc so với năm 2021 (30/63); Chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) xếp thứ 16 (tăng 1 bậc), đặc biệt chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp (SIPAS) xếp thứ 14 (tăng 21 bậc); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), xếp thứ 17/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Đến nay, toàn tỉnh có 309 xã/411 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 75,18%; 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 06 xã đạt NTM kiểu mẫu; có 197 thôn/bản đạt chuẩn NTM theo tiêu chí của tỉnh; 09 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM (Trong trong đó, huyện Đô Lương và Diễn Châu đã hoàn thành công tác thẩm tra, trình Ban chỉ đạo Trung ương thẩm định). Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực, Nghệ An được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá thuộc tốp 5 địa phương thực hiện tốt nhất Chương trình OCOP, đến nay, đã có 405 sản phẩm OCOP của Nghệ An được xếp hạng 3 sao trở lên, xếp thứ 2 cả nước; đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 – 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Về giáo dục tỉnh Nghệ An giành được 87 giải học sinh giỏi quốc gia năm 2023, đứng thứ 2 toàn quốc, 01 học sinh đạt huy chương vàng kỳ thi Olympic Vật lý Châu Âu; 02 học sinh đạt huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế; tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế TIMO năm 2023, có 09 học sinh đạt Huy chương Bạc và 01 học sinh đạt giải Khuyến khích; đạt thành tích cao trong các cuộc thi khác trong nước và quốc tế. Giáo dục toàn diện ngày càng chuyển biến, chất lượng dạy học các cấp được khẳng định vững chắc, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Kết quả học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế luôn thuộc tốp dẫn đầu cả nước. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh đã công nhận được 1.022 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 69%.
Lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, giải quyết việc làm cho 26.950 người, đạt 62,67% kế hoạch, bằng 90,18% so với cùng kỳ, trong đó: Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 11.500 người, đạt 79,3% kế hoạch, tăng 73,6% cùng kỳ. Cuối năm 2022, số hộ nghèo: 55.348 hộ (tỷ lệ 6,41%), số hộ cận nghèo: 53.571 hộ (tỷ lệ 6,20%). Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 đạt 1,39%/KH 1-1,5% (đầu năm là 7,80%) trong đó, vùng miền núi giảm 2,45% (từ 17,24% xuống còn 14,79%) đạt kế hoạch đề ra.
Một nét nổi bật và rất nhân văn, đó là Ban Thường vụ Tỉnh đã ban hành Chỉ thị 21-CT/TU, ngày 10/02/2023 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở”; đây là chủ trương được đông đảo nhân dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng, ủng hộ; qua khảo sát đến 30/6/2023 toàn tỉnh có 14.400 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở; trong đó có 13.814 hộ có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở; qua phát động đã có 148 tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ Chương trình với tổng số nhà hộ trợ trong 3 năm (2023 – 2025) là 12.549 căn, trong đó đăng ký năm 2023 là 6.761 căn; số tiền hộ trợ đã tiếp nhận là 262,641 tỷ đồng. Nổi bật là Bộ Công an đã hộ trợ 1.345 căn nhà, với số tiền 59, 998 tỷ đồng; Cục C03 Bộ Công an: 400 nhà; Công An Tỉnh Nghệ An 1.000 nhà. Tổng số nhà toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa trong 6 tháng đầu năm 2023 là 2.995 căn/12.549 căn cho giai đoạn 2023 -2025 (tương đương 24%).
Văn hóa, thể thao tiếp tục phát triển từng bước kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa và công tác gia đình triển khai thực hiện hiệu quả, có sức lan tỏa rộng khắp và gắn kết với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Về thể thao thành tích cao, 6 tháng đầu năm 2023, đoàn Nghệ An tham gia 21 giải, đạt 109 huy chương, trong đó tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32), Nghệ An có 8 vận động viên tham gia thi đấu đạt kết quả tốt với 03 huy chương vàng, 03 huy chương bạc, 01 huy chương đồng.
Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và kêu gọi thu hút đầu tư. Mặc dù tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục diễn biến phức tạp, sự gây rối, chống phá của các thế lực thù địch, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, lực lượng công an, quân đội và quần chúng nhân dân trên địa bàn với tinh thần chủ động, nắm chắc tình hình, sẵn sàng trong mọi tình huống đã bảo vệ thành công các sự kiện chính trị, các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để bị động bất ngờ, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp xử lý kịp thời, ổn định những vấn đề liên quan hoạt động tôn giáo trên địa bàn.
Về y tế, tỉnh ta cũng thuộc tốp đầu cả nước về cả hạ tầng cơ sở, về cả kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu của các bệnh viện tuyến 4 của khu vực và các bệnh viện Trung ương. Xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Tỷ lệ hài lòng của người dân do các đơn vị tự khảo sát đạt trên 90%.
Về cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ, hoàn thiện. Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Dự kiến đến tháng 9/2023, đường cao tốc từ Hà Nội sẽ thông đến Diễn Châu, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến Nghệ An chỉ 3 tiếng đồng hồ. Hạ tầng phục vụ cho đầu tư công nghiệp ngày càng được đồng bộ và hoàn thiện, có nhiều nhà đầu tư lớn uy tín tiếp tục đầu tư như VSIP, WHA, …; tỉnh đứng tốp 5 cả nước, về tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn; thu hút đầu tư FPI của tỉnh đang đứng tóp 10 cả nước.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh, song với tư duy đột phá, quyết liệt đổi mới cách lãnh đạo, chỉ đạo, sâu vấn đề, sát cơ sở, gần dân, có trách nhiệm với dân của từng cấp ủy, tổ chức Đảng đã tạo ra được một số kết quả rõ nét ở từng cấp, địa phương, góp phần vào việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đề ra.
Nội bộ từ tỉnh đến cơ sở đoàn kết, thống nhất tạo sự đồng thuận cao trong hành động. Điều đó được thể hiện việc đưa vào các quyết sách, quyết tâm chính trị của tỉnh để giải quyết các điểm nghẽn, các vấn đề còn ách yếu trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Chuyển thể tinh thần của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, không dàn trải, phấn đấu đưa tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, đột phá.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của cơ sở cũng cho rằng, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn. Đó là, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá nhưng tính đột phá chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; tỉnh chưa thu hút được các dự án lớn có tác động lan tỏa mạnh, tạo đột phá trong phát triển và thu ngân sách; mức tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra, GRDP bình quân còn thấp hơn vùng và toàn quốc; một số hạ tầng chiến lược chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; khu vực miền núi còn nhiều khó khăn; việc phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng ở vùng đặc thù gặp nhiều khó khăn…
Hy vọng chủ đề cuộc gặp mặt, đối thoại lần này là “đoàn kết - dân chủ - sáng tạo – phát triển” sẽ thành công tốt đẹp. Sau buổi gặp mặt, đối thoại ban hành thông báo Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành trả lời, giải quyết tất cả các kiến nghị, đề xuất của các xã, phường, thị trấn có ý kiến đã gửi về ban tổ chức Hội nghị./.