Năm 2022 sẽ được ghi nhớ là năm mà cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã đẩy nhanh
cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Ảnh: Sputnik)

Đối với ngành năng lượng, năm 2022 sẽ được ghi nhớ là năm mà cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây sau đó đã tạo ra áp lực mới đối với nguồn cung khí đốt vốn đã căng thẳng do sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch.

Bên cạnh đó, nguồn cung hạn hẹp, nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại cùng với đà mở cửa kinh tế sau đại dịch khiến giá hàng hóa, năng lượng tăng. Giá khí đốt chạm mức cao nhất trong nhiều năm. Giá dầu thô chạm ngưỡng gần 140 USD/thùng, gần mức kỷ lục mọi thời đại, thúc đẩy vòng xoáy lạm phát hậu đại dịch và gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.

Các dữ liệu từ thị trường cho thấy, các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu đã phải trả thêm 1.000 tỷ USD trang trải chi phí do giá năng lượng tăng vọt kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu có thể thiếu khoảng 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023, khiến Liên minh châu Âu (EU) phải tìm cách chuẩn bị tốt nhất cho mùa Đông năm nay và những năm sau.

2. Lạm phát toàn cầu tăng phi mã

Lạm phát của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng và đồng yen mất giá. (Ảnh: AFP) 
“Cơn bão” lạm phát, vốn hình thành từ giữa năm 2021, đã kéo dài hơn dự báo và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hầu hết các quốc gia thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu đều ghi nhận tỷ lệ này vượt mốc mà các Ngân hàng Trung ương đề ra, thậm chí còn liên tiếp lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, kể cả các nước phát triển. Có tới hơn 43% số quốc gia trên thế giới ghi nhận lạm phát ở hai chữ số.

Tháng 6/2022, lạm phát tại Mỹ đạt 9,1% - mạnh nhất kể từ năm 1982. Lạm phát tại Anh và Nhật Bản lập đỉnh trong vòng 40 năm trong tháng 10. Bên cạnh đó, cũng vào tháng 10, lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lập kỷ lục mới, với 10,7% - cao nhất kể từ năm 1997.

Một số nguyên nhân chính được cho là “chất xúc tác” đẩy lạm phát lan rộng trên phạm vi toàn cầu, bao gồm sự thiếu hụt nguồn cung, khan hiếm lao động sau đại dịch COVID-19 và các cú sốc giá cả liên tiếp do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine.

3. Các nước đồng loạt thắt chặt chính sách tiền tệ

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 7 lần năm nay, đưa lãi suất tham chiếu
lên cao nhất kể từ năm 2007. (Ảnh: Bloomberg)

Năm 2022, trong khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy do đại dịch COVID-19 chưa kịp phục hồi, xung đột Nga - Ukraine bùng nổ khiến giá năng lượng, hàng hóa tăng mạnh, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng trong giai đoạn đại dịch khiến lạm phát tăng vọt ở nhiều nước, gây ra tình trạng vừa lạm phát, vừa suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Lạm phát tăng cao kỷ lục đã buộc nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới phải ứng phó bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong vòng 15 năm qua. Các số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối quý III, khoảng 90 nền kinh tế trên toàn cầu đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất, cao hơn gấp đôi so với cả năm 2021.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 7 lần năm nay, đưa lãi suất tham chiếu lên cao nhất kể từ năm 2007. Châu Âu hồi tháng 7 cũng nâng lãi suất lần đầu sau 11 năm. Sau đó, cơ quan này tiếp tục nâng lãi suất trong phiên họp tháng 9,10 và 12. Ngân hàng Trung ương Anh tháng trước tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp năm nay, với mức 75 điểm cơ bản - mạnh nhất 33 năm. Tại các nền kinh tế mới nổi, lạm phát cao cũng buộc giới hoạch định chính sách phải mạnh tay hành động. Quy mô các đợt tăng lãi suất tại khu vực này hiện đã cao gấp đôi cả năm 2021.

Việc kiềm chế lạm phát đang là ưu tiên hàng đầu của các Ngân hàng Trung ương. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên theo các chuyên gia, việc hành động quyết liệt vào lúc này là hết sức cần thiết, bởi điều này sẽ đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.

4. Kinh tế toàn cầu đối mặt rủi ro suy thoái

Ngân hàng Thế giới cảnh báo các Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đồng
loạt tăng lãi suất sẽ gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu. (Ảnh: AFP)
 
Theo cảnh báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), việc các Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đồng loạt tăng lãi suất sẽ gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo thống kê của hãng tin Bloomberg, khoảng 90 Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã nâng lãi suất trong năm nay và một nửa trong số đó tăng lãi suất ít nhất là 75 điểm cơ bản mỗi lần. Nhiều ngân hàng hơn một lần tăng lãi suất ở mức này.

Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo, việc chống lại lạm phát có thể mang tới “một số đau đớn” đối với nền kinh tế Mỹ, khi lãi suất cao hơn khiến thị trường việc làm tăng trưởng chậm hơn, chi phí vay mượn đắt đỏ hơn và có thể dẫn tới làn sóng giảm nhân sự.

Ông Powell bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng, FED sẵn sàng chấp nhận một số tình trạng không lấy làm dễ chịu của nền kinh tế để chấm dứt tình trạng giá cả tăng và lạm phát cao. Trong khi đó, các Ngân hàng Trung ương khác cũng đã sẵn sàng cho kịch bản tương tự.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc tăng lãi suất trên diện rộng, song thiếu sự phối hợp và tính toán các tác động tới nhu cầu toàn cầu có thể dẫn tới những tổn hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới. Việc tăng lãi suất ở nước phát triển sẽ luôn tác động đến các nước có thu nhập thấp và có thể thắt chặt những điều kiện tài chính bên ngoài đối với những thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.

5. OPEC+ cắt giảm sản lượng mạnh nhất kể từ năm 2020

Các thùng dầu tại Parentis-en-Born (Pháp). (Ảnh: Reuters)

Ngày 5/10, tại cuộc họp chính sách tại thủ đô Vienna (Áo), Các Bộ trưởng Năng lượng thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm hơn nữa sản lượng khai thác dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11/2022.

Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa các Bộ trưởng Năng lượng OPEC+ kể từ khi các biện pháp hạn chế về COVID-19 được áp đặt hồi năm 2020.

Việc các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn trên thế giới giảm 2 triệu thùng/ngày sẽ đánh dấu mức cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ tháng 4/2020 của tổ chức này. Con số này tương đương với khoảng 2% nhu cầu dầu toàn cầu.

Quyết định này của OPEC+ đã làm gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu mỏ, khiến tình trạng lạm phát trầm trọng thêm và kéo lùi đà tăng trưởng trên toàn cầu.

6. Euro ngang giá USD lần đầu tiên sau 20 năm

Đồng euro đã bị đồng USD san bằng khoảng cách. (Ảnh: Reuters) 
Nửa đầu năm nay, euro liên tục mất giá so với USD, do cú sốc năng lượng từ xung đột tại Ukraine đẩy châu Âu đến bờ vực khủng hoảng kinh tế.

Đến giữa tháng 7, lần đầu tiên kể từ năm 2002 khi 1 euro đổi được 1 USD. Đồng euro giảm giá mạnh diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang phải hứng chịu cuộc hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua, hệ quả của xung đột Nga – Ukraine.

Bên cạnh đó, một yếu tố đẩy đồng euro xuống mức ngang giá với đồng USD là do sự chênh lệch về mức lãi suất ở Mỹ và châu Âu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất mạnh để giảm lạm phát, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho đến nay vẫn ngăn các đợt tăng lãi suất mạnh do lo ngại việc này sẽ làm đảo ngược quá trình tăng trưởng kinh tế.

Euro sau đó tiếp tục yếu đi, xuống mức 1 euro đổi 0,96 USD hồi cuối tháng 9. Dù vậy, đồng tiền này về cuối năm bật tăng trở lại, do USD mất giá khi nhà đầu tư đặt cược FED giảm tốc độ nâng lãi suất. Hiện mỗi euro đổi được 1,06 USD.

7. Năm "thảm họa" của thị trường tiền số

 Đồng Bitcoin đã trải qua năm 2022 đầy sóng gió khi mất đến 60% giá trị. (Ảnh: CNBC)
Theo số liệu của công ty quản lý tài sản kỹ thuật số CoinShares, các nguồn đầu tư ròng vào tiền kỹ thuật số trong năm 2022 đạt 498 triệu USD so với 9,1 tỷ USD trong năm ngoái.

Đồng Bitcoin, loại tiền điện tử được cho là lớn nhất thế giới, cũng đã trải qua năm 2022 đầy sóng gió khi mất đến 60% giá trị. Tháng 11/2021, giá trị đồng Bitcoin đạt mức cao kỷ lục 69.000 USD/Bitcoin và thị trường tiền số khi đó cũng chạm mốc 3.000 tỷ USD nhờ các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ của các quốc gia trên thế giới nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế do các hạn chế vì dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, khi các nước mở cửa trở lại, lạm phát gia tăng buộc các Ngân hàng Trung ương phải triển khai các biện pháp thắt chặt lãi suất và khiến các nhà đầu tư từ bỏ các loại tài sản rủi ro cao hơn như cổ phiếu công nghệ và tiền điện tử.

Theo số liệu của công ty quản lý tài sản kỹ thuật số CoinShares, các nguồn đầu tư ròng vào tiền kỹ thuật số trong năm 2022 đạt 498 triệu USD so với 9,1 tỷ USD trong năm ngoái.

8. Giá vàng chạm mức cao nhất mọi thời đại

 Giá vàng thế giới đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới trong lịch sử. (Ảnh: Reuters)
Tại phiên giao dịch ngày 8/3, giá vàng thế giới đã tăng vọt lên mức kỷ lục 2.078,8 USD/ounce, ghi nhận mức cao mới trong lịch sử.

Trong khi căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường vẫn ghi nhận biến động mạnh. Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga, giá dầu thô sau khi tăng xấp xỉ ngưỡng 131 USD/thùng đêm qua. Trong khi đó giá vàng thế giới đã tăng dựng đứng vượt đỉnh cũ 2.063 USD/ounce và ghi nhận mức cao mới trong lịch sử.

Vàng tiếp tục tăng giá trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế với ước tính lên tới 1.000 tỷ USD. Cuộc xung đột này cũng khiến giá hàng hóa tăng vọt và lạm phát toàn cầu có thể tăng thêm 300 điểm phần trăm (3%) trong năm 2022.

Sau khi vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, giá vàng thế giới có thời điểm chững lại do áp lực chốt lời. Tuy nhiên, vàng được dự báo có thể sẽ tăng tiếp nếu căng thẳng Nga - Ukraine còn leo thang.

9. Tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter

 Ngày 27/10, tỷ phú Elon Musk đã hoàn tất mua lại mạng xã hội Twitter Inc trong một thương vụ trị giá 44 tỷ USD. (Ảnh: news.sky.com)
Ngày 27/10, Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Tesla (Mỹ) Elon Musk đã hoàn tất mua lại mạng xã hội Twitter trong một thương vụ trị giá 44 tỷ USD.

Trước đó, vào tháng 4, Twitter chấp nhận lời đề nghị của tỷ phú Musk về việc mua lại trang mạng xã hội này. Tỷ phú 51 tuổi khi đó khẳng định Twitter đã không thành thực về những vấn đề liên quan đến thư rác và phần mềm gửi thư rác trên nền tảng của họ. Ông Musk cho rằng những vấn đề này có thể làm giảm đáng kể giá trị của Twitter.

"Tôi mua lại Twitter vì điều quan trọng đối với tương lai của văn minh nhân loại là chúng ta cần có một nền tảng kỹ thuật số chung, nơi chúng ta có thể tranh luận về nhiều tín ngưỡng một cách lành mạnh mà không cần dùng đến bạo lực" – tỷ phú Musk khẳng định trong tin nhắn viết hôm 27/10.

Sau khi mua lại Twitter ông Musk đang chịu áp lực phải xoay chuyển tình hình trong bối cảnh Twitter vốn đã gặp khó khăn từ trước với khoản lỗ ròng 221 triệu USD vào năm ngoái. Đến nay, ông Musk đã sa thải khoảng một nửa nhân viên của Twitter. Ngày 9/12, ông tuyên bố sẽ xóa 1,5 tỷ tài khoản khỏi mạng xã hội này trong những tuần tới, cũng như thêm một tính năng mới. "Twitter sẽ sống động hơn nhiều so với mọi người nghĩ", ông nói.

10. Kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn nhiều so với dự báo

 Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn nhiều so với dự báo trong quý III. (Ảnh: AP) 
Ngày 22/12, Bộ Thương mại Mỹ công bố nền kinh tế tăng trưởng 3,2% trong quý III/2022. Đây là lần đầu tiên trong năm nay nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy sự tăng trưởng dương trở lại sau 2 quý đầu tiên tăng trưởng âm khiến giới chức Mỹ lo ngại nguy cơ suy thoái có thể xảy ra.

Cũng theo Bộ Thương mại Mỹ, mức tăng trưởng 3,2% trong quý III đạt được chủ yếu nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tăng hơn hẳn so với dự báo được đưa ra trước đó. Với mức tăng trưởng của quý III như vậy, giới chức Mỹ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cả năm 2022 sẽ ở mức khoảng 2,9%, cao hơn so với dự báo được đưa ra trước đó hồi tháng 10 là 2,6%.

Giới chuyên gia nhận định rằng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng dương và các hộ gia đình tiếp tục chi tiêu là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất tới 7 lần trong năm nay nhằm kiềm chế mức lạm phát ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ nhưng vẫn tránh được nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực trong lĩnh vực kinh tế vẫn chưa giúp thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc./.    

 
 
Nguồn: DCS