Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Hiệu quả việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn ở Nghệ An

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hiện nay, trong lực lượng Công an đang tiến hành cuộc “cách mạng về tổ chức” theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” và thực hiện “xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Xây dựng bộ máy Công an nhân dân. Tức là phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân đồng thời phải dựa vào các đoàn thể mà tổ chức và giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian, trừ gian, để nhân dân thiết thực giúp đỡ Công an... Cách tổ chức Công an phải giản đơn, thiết thực”[1]. Thực hiện lời dạy của Người, Công an Nhân dân Việt Nam luôn không ngừng phấn đấu “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hiện nay, trong lực lượng Công an đang tiến hành cuộc “cách mạng về tổ chức” theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” và thực hiện “xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy”. Công an Nghệ An thời gian qua đã có những cách làm quyết liệt để thực hiện chủ trương trên, mở ra kỳ vọng hoàn thành chỉ tiêu Trung ương giao phó đạt hiệu quả cao.

Ngày 25/10/2017, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Sáu (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đối với lực lượng Công an Nhân dân, ngày 15/3/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đề ra mục tiêu tiên quyết: sắp xếp lại tổ chức bộ máy phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong đó nhấn mạnh “Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Trước mắt, bố trí Công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, tiến tới thống nhất trong toàn quốc sau khi hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan”. Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14 ngày 20/11/2018, trong đó Điều 17 quy định về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân gồm 4 cấp (Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an xã, phường, thị trấn); Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Bộ Công an ban hành Thông tư số 09/2019/TT-BCA ngày 11/4/2019 quy định về việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an Nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 05/03/2019 Ban Thường Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU và Công văn số 4433-CV/TU ngày 03/5/2019 về tăng cường bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã. Để triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 12/7/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND về một số chủ trương, biện pháp xây dựng lực lượng Công an xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An; ngày 02/12/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An” (kèm theo Quyết định số 4911/QĐ-UBND). Các văn bản trên đều tập trung nhấn mạnh: cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã phải xác định việc bố trí Công an chính quy tại các xã, thị trấn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách và phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, thuộc vùng Bắc Trung Bộ; phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay - nước CHDCND Lào. Theo báo cáo của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Nghệ An đứng thứ 4 của cả nước (với 3,3 triệu người). Biên giới đất liền dài 468,281 km, có 01 cửa khẩu quốc tế đường bộ, 01 cửa khẩu quốc gia, 03 cửa khẩu phụ và nhiều lối mở qua lại biên giới, tuyến biển dài 82km, có 2 đảo gần bờ (đảo Ngư cách bờ 5km, đảo Mắt cách bờ 18km). Nghệ An có 448 xã, thị trấn, trong đó 179 xã thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt có địa bàn xã cách trung tâm huyện trên 110km (xã Nhôn Mai, Mai Sơn, huyện Tương Dương).

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã đã tập trung chỉ đạo lực lượng công an các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn trật tự xã hội, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xây dựng lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tuy vậy, cùng với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều vấn đề phức tạp mới liên quan an ninh trật tự đã phát sinh. Các thế lực thù địch, các tổ chức, đối tượng phản động, cực đoan chống đối đã triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội nhạy cảm, sơ hở, thiếu sót trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở để tiến hành các hoạt động chống phá, kích động tụ tập đông người, nhằm gây mất ổn định chính trị trên địa bàn, an ninh biên giới, miền núi, dân tộc, an ninh kinh tế, văn hóa tư tưởng. Tình hình tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến đất đai tại vùng nông thôn còn diễn ra và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự (tại các xã thuộc các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Đô Lương, Anh Sơn, TP Vinh...); hoạt động của một số loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp (trung bình hằng năm toàn tỉnh xảy ra khoảng 1.000 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội; phát hiện, bắt giữ hơn 1.000 vụ tội phạm về ma túy)[2]; một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, manh động, nhất là tội phạm hình sự, tội phạm về ma túy, tội phạm công nghệ cao... Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự gắn với công tác cải cách hành chính đặt ra yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong tình hình mới. Những tình hình trên đặt ra cho lực lượng công an nhiệm vụ hết sức nặng nề trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở (cấp xã).

Lực lượng Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Nghệ An được tổ chức theo Pháp lệnh Công an xã năm 2008, có hiệu lực năm 2009 và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã. Tính đến ngày 15/10/2019, lực lượng Công an xã bán chuyên trách có 7.487 đồng chí (trong đó Trưởng Công an xã có 371 đồng chí, Phó Trưởng Công an xã có 647 đồng chí, Công an viên Thường trực có 1.085 đồng chí; Công an viên thôn, xóm, bản có 5.384 đồng chí[3]).

Trong những năm qua, lực lượng Công an xã đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Tập trung xây dựng củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật ở cơ sở; phối hợp quản lý, giám sát các đối tượng hình sự, ma túy và các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Đồng thời thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở, nhất là quản lý cư trú, quản lý nhân, hộ khẩu... Tuy vậy, hiện nay, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, việc hiểu rõ, nắm vững các quy định pháp luật của lực lượng Công an xã bán chuyên trách còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác đảm bảo an ninh trật tự phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Tính đến ngày 20/5/2020, Nghệ An đã bố trí 1.004 Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 428 xã, thị trấn (trong đó Trưởng công an: 428 đồng chí, Phó Trưởng công an: 111 đồng chí, Công an viên: 465 đồng chí)[4]. Dự kiến đến ngày 30/5/2020, bố trí thêm hơn 400 đồng chí về giữ chức Phó Trưởng công an và Công an viên đủ cho các xã, thị trấn trong toàn tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy, cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao và tạo điều kiện trong triển khai chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Tình hình an ninh trật tự, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn xã đã bố trí Công an chính quy được đảm bảo và có nhiều chuyển biến rõ nét; Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã được lựa chọn kỹ càng, có năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và kinh nghiệm công tác đã phát huy được vai trò, trách nhiệm, đóng góp tích cực trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cấp xã.

Tuy vậy, đội ngũ Trưởng Công an xã hiện nay đa số độ tuổi còn trẻ, mới chỉ được đào tạo trung cấp công an nên khó khăn cho việc điều chuyển, bố trí công tác khác phù hợp; số lượng các xã, thị trấn nhiều trong đó có nhiều xã thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự nên cần số lượng lớn cán bộ để bố trí. Đối với các xã đã bố trí Công an chính quy, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, thiết bị, công cụ hỗ trợ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác. Bên cạnh đó, việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã dẫn đến lực lượng bán chuyên trách có những tâm tư, trăn trở, lo lắng, tác động, ảnh hưởng nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự thường xuyên tại cơ sở. Đặc biệt, thời gian tới, các thế lực thù địch, tổ chức, đối tượng phản động cực đoan chống đối sẽ triệt để lợi dụng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để tiến hành các hoạt động chống phá, phạm tội và vi phạm pháp luật; đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sắp xếp, ổn định tổ chức lực lượng Công an xã (lực lượng bán chuyên trách và Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã) để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự từ cơ sở.

Để việc thực hiện chủ trương trên đạt được hiệu quả cao và kịp thời theo kế hoạch mà Trung ương đề ra, theo chúng tôi các cấp, ngành và đặc biệt Công an tỉnh Nghệ An có thể thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ chủ trương, biện pháp, lộ trình để bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tùy điều kiện thực tế, UBND cấp huyện, cấp xã quyết định hình thức tổ chức phổ biến để cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhận thức, nắm rõ, hiểu đúng, ủng hộ và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chủ trương xuyên suốt trên. UBND cấp huyện, xã, tổ chức đối thoại, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, đề xuất của lực lượng Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn. Phải nắm chắc và giải quyết tốt tư tưởng cho từng đồng chí Công an xã, có biện pháp vận động, thuyết phục để lực lượng này ủng hộ chủ trương bố trí Công an chính quy đảm nhận chức danh Công an xã. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động, cực đoan, chống đối lại chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác lựa chọn đúng Công an chính quy đảm nhiệm Công an xã phù hợp địa bàn cơ sở. Theo đó, các đồng chí được lựa chọn đưa về đảm nhiệm chức năng Công an xã phải là những cán bộ có trình độ nghiệp vụ, pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm thực tiễn và có khả năng vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt, địa bàn tỉnh Nghệ An tập trung nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số khác nhau, nhiều đồng bào theo tôn giáo, do đó căn cứ vào tình hình thực tế của chính địa bàn đó, đơn vị lựa chọn con người, xét thật kỹ trên nhiều khía cạnh như biết tiếng đồng bào, hiểu phong tục, tập quán... Nhân dân nơi mình sẽ tới làm nhiệm vụ.

Thứ ba, rà soát, đánh giá lại chất lượng, sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách. Đối với Trưởng Công an xã: ưu tiên sắp xếp, bố trí Trưởng Công an xã có năng lực, triển vọng, được tín nhiệm cao và có nhu cầu vào một trong các vị trí cán bộ ở xã phường, thị trấn thông qua Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 (như  Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc; Bí thư Đoàn thanh niên; Chủ tịch Hội nông dân...). Tập trung ưu tiên bố trí các đồng chí Trưởng Công an xã có đủ điều kiện và nguyện vọng vào các chức danh công chức cấp xã còn khuyết. Động viên những đồng chí Trưởng Công an xã sắp đến tuổi nghỉ hưu (trong năm 2020, 2021, 2022), các đồng chí đủ năm công tác nghỉ hưu trước thời hạn hoặc xin thôi giữ chức vụ và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Đối với những đồng chí Trưởng Công an xã không còn đủ khả năng, điều kiện để đảm đương nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn thì vận động nghỉ hưu sớm nếu đủ điều kiện theo quy định, hoặc giải quyết chế độ trợ cấp, hoặc tiến hành tinh giản biên chế. Đối với các đồng chí Trưởng Công an xã không thể sắp xếp, bố trí được theo các phương án trên thì cho thôi giữ chức vụ, được tham gia công tác khác phù hợp hoặc tiếp tục tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở, được hưởng chế độ chính sách theo quy định hiện hành cho đến khi có quy định mới... Đối với các chức danh Phó trưởng Công an xã, Công an viên Thường trực, Công an viên: nghiên cứu, sắp xếp bố trí công tác khác phù hợp nếu đủ điều kiện, hoặc  tiếp tục tham gia công tác bảm đảm an ninh trật tự ở cơ sở theo quy định của Pháp lệnh Công an xã. Trường hợp không thể bố trí, sử dụng thì giải quyết chế độ, chính sách theo điều 19 Pháp lệnh Công an xã. Đối với trường hợp Công an xã có nguyện vọng nghỉ công tác, UBND các huyện, thành phố, thị xã kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập danh sách, tổng hợp, báo cáo nhu cầu kinh phí để giải quyết, chi trả chế độ theo quy định hiện hành và báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

Thứ tư, quan tâm đầu tư kinh phí, trụ sở làm việc, phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở.

Thứ năm, tập trung đào tạo bồi dưỡng cho lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công án xã để phục vụ tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chú trọng các chuyên đề như: Công tác đảm bảo an ninh nông thôn, dân tộc, tôn giáo ở địa bàn cơ sở; công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc và kỹ năng tiếp xúc với Nhân dân; công tác phòng chống một số loại tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội…; các kiến thức cơ bản về pháp luật và phương pháp tiến hành các biện pháp nghiệp vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở trong tình hình mới.

Có thể khẳng định việc bố trí Công an xã chính quy vừa là “lời giải” cho “bài toán” sắp xếp tổ chức bộ máy trong lực lượng vũ trang, vừa là giải pháp để Công an Nhân dân được “về gần dân”. Có sát dân, gần dân như vậy mới có thể chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc ngay tại cơ sở, không để phát sinh phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng cán bộ, chiến sỹ Công an chính quy được điều động đảm nhiệm chức danh Công an xã sẽ phát huy hiệu quả tinh thần, trách nhiệm, tích cực học hỏi kinh nghiệm, thực hiện tốt phương châm “bám sát cơ sở” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

Nguyễn Thị Hồng Giang, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh 

 


[1] “Thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V ngày 15/01/1950”, Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG, 2011,

tập 6, tr312

[2] Số liệu theo Đề án “Bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An” ngày 02/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An

[3] Số liệu theo Đề án “Bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An” ngày 02/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An

[4] Số liệu theo Công an tỉnh Nghệ An cung cấp

Tin cùng chuyên mục

Công tác tham mưu xây dựng Đảng về chính trị ở Nghệ An – Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp

Công tác tham mưu xây dựng Đảng về chính trị ở Nghệ An – Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp


Phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh con người xứ Nghệ làm nguồn lực nội sinh cho sự phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ-TW

Phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh con người xứ Nghệ làm nguồn lực nội sinh cho sự phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ-TW


Đảng bộ Nghệ An tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị

Đảng bộ Nghệ An tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị


Công tác dân vận triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An

Công tác dân vận triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An


Kết quả thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU về Đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Kết quả thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU về Đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân


Kết quả 02 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận chính quyền

Kết quả 02 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân vận chính quyền


10 nhiệm vụ trọng tâm hướng tới mục tiêu đưa địa bàn Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy

10 nhiệm vụ trọng tâm hướng tới mục tiêu đưa địa bàn Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy


Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước


Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy


Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Nghệ An góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39-NQ/TW

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Nghệ An góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39-NQ/TW


Kết quả 9 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 18/9/2014 về xây dựng, phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo

Kết quả 9 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 18/9/2014 về xây dựng, phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo


Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác thanh niên ở Nghệ An

Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác thanh niên ở Nghệ An


Kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW về công tác phụ nữ trong tình hình mới ở Nghệ An

Kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW về công tác phụ nữ trong tình hình mới ở Nghệ An


Một số kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" ở Nghệ An

Một số kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" ở Nghệ An


Kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

Kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền