Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp

Từ xa xưa, Nghệ An được đánh giá là “nơi hiểm yếu như thành đồng, ao nóng của nước và là then khoá của các triều đại”, là nơi “được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền”1. Từ mạch nguồn lịch sử, vị trí địa chính trị, mảnh đất giàu truyền thống, hiện nay, Nghệ An vẫn tiếp tục là “thành đồng”, “ao nóng”, đóng vai trò lớn trong tiến trình phát triển của đất nước với niềm tin đến năm 2030, “Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước”, đến năm 2045, “Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại”2.

Muốn vậy, Nghệ An cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, nhất là đối với địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp để có đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”3.

Đảng bộ tỉnh hiện có 28 đảng bộ trực thuộc (21 đảng bộ huyện, thành phố, thị xã); 02 đảng bộ khối; 03 đảng bộ lực lượng vũ trang; 02 đảng bộ cơ sở được giao một số quyền cấp trên cơ sở; 1.388 tổ chức cơ sở đảng với tổng số 196.898 đảng viên. Cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 323 đồng chí, cán bộ diện ban thường vụ cấp ủy huyện quản lý có 5.510 đồng chí; cấp ủy tỉnh có 64 đồng chí, cấp ủy cấp trên cơ sở có 768 đồng chí, cấp ủy cơ sở có 6.513 đồng chí. Tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được giao năm 2023 là 71.474 biên chế, biên chế hiện có là 70.407 người, trong đó: Cán bộ, công chức khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện có 1.531 người; cán bộ, công chức khối Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có 3.090 người; cán bộ, công chức cấp xã có 9.382 người; khối đơn vị sự nghiệp có 56.404 người4. Nghệ An có nhiều thuận lợi, thời cơ nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển toàn diện địa phương. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn, thách thức. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quy định của Trung ương về công tác cán bộ, nhất là thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm, năm đột phá theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”.

Nghệ An là tỉnh có đa dạng và nhiều địa bàn trọng điểm, được xác định là địa bàn trọng điểm của cả nước “đang hướng tới trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao”. Chính vì thế, yêu cầu đội ngũ cán bộ nơi đây, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý phải “có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược”5. Lĩnh vực khó khăn, phức tạp dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dễ xảy ra các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội đòi hỏi người cán bộ có tài, có tâm, có tầm và phải có bản lĩnh vượt qua những cám dỗ về vật chất, chức vụ, tình cảm, để giữ mình trong sáng, chí công vô tư, để không bị tha hoá, dẫn tới những quyết định sai lầm.

Thực tiễn tăng cường đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực nhạy cảm phức tạp ở Nghệ An

Trong những năm qua, công tác phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời sửa đổi, bổ sung nhiều nghị quyết, quy định về công tác tuyển chọn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, chế độ, chính sách đối với cán bộ. Các quy định và cơ chế, chính sách của tỉnh đã gắn thẩm quyền trách nhiệm cho từng tổ chức theo phân cấp, trong đó, đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, giúp cho các cấp ủy, cơ quan, tổ chức chủ động lựa chọn được cán bộ có bản lĩnh, năng lực, phẩm chất để rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, phát triển toàn diện; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị.

Chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian qua luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, thực hiện; trên cơ sở thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 05/12/2017 của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 55-KH/TU, ngày 14/9/2021 về tuyển dụng công chức vào các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Nghệ An; kết quả đã tiếp nhận tuyển dụng được 12 người (02 người tốt nghiệp thủ khoa trong nước, 02 người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài). Thực hiện các chính sách tuyển chọn, thu hút do tỉnh ban hành đã tiếp nhận, tuyển dụng, thu hút được 325 cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao, có năng lực, kinh nghiệm, nhiều cán bộ trẻ, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi các trường; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; phát huy tốt năng lực, sở trường, trong đó nhiều người được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ quản lý cấp phòng, lãnh đạo chủ chốt của các sở, ngành, UBND cấp huyện và quy hoạch các chức vụ cao hơn. 

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch về đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng, đảng viên, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Các huyện, sở, ngành đã thực hiện nghiêm túc công tác nhận xét, đánh giá cán bộ theo thẩm quyền. Đồng thời, phân cấp việc đánh giá, xếp loại hàng năm của cấp phó các sở, ngành cấp tỉnh cho cấp trưởng sở, ngành đó nhằm nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Việc đánh giá, nhận xét cán bộ được thực hiện nghiêm túc, ngày càng thực chất và đi vào nền nếp; quy trình đánh giá cán bộ được thực hiện chặt chẽ từ bản thân cán bộ tự kiểm điểm, đánh giá đến tập thể nơi cán bộ công tác đánh giá, cấp ủy nơi cán bộ công tác và cư trú đánh giá, cấp trên và cấp dưới đánh giá. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, có 384 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được nhận xét, đánh giá; được sử dụng làm cơ sở để phát hiện, lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, có năng lực nổi trội, có triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch, cử đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử để bầu vào cấp ủy, bầu đại biểu HĐND các cấp.

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành văn bản chỉ đạo công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, ban hành quyết định phê duyệt kết quả sau rà soát, bổ sung và thực hiện công bố công khai theo quy định. Công tác quy hoạch cán bộ được tổ chức thực hiện đúng trình tự, ngày càng chất lượng, hiệu quả, định kỳ hằng năm rà soát để đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, kịp thời phát hiện, bổ sung vào quy hoạch những trường hợp có phẩm chất, đạo đức và năng lực công tác tốt; từ đó tạo điều kiện về nguồn cán bộ để lựa chọn luân chuyển, điều động, có thể đưa nhiều phương án nhân sự để nơi đến lựa chọn, cho ý kiến. Công tác quy hoạch cán bộ đã đi vào nền nếp và thực hiện đồng bộ ở cả 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở, theo hướng tiêu chuẩn hoá, quan tâm cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ trưởng thành qua hoạt động thực tiễn. Chất lượng quy hoạch từng bước được nâng lên, đảm bảo về số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu và tính kế thừa giữa các thế hệ. Từng bước khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác quy hoạch cán bộ của các địa phương, đơn vị. Nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch được lựa chọn rộng rãi, đảm bảo được yêu cầu. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 105 đồng chí (cán bộ trẻ 14 đồng chí, chiếm 13,3%); quy hoạch Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 24 đồng chí (cán bộ trẻ 03 đồng chí, chiếm 12,5%); quy hoạch lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có 656 đồng chí (tỷ lệ cán bộ trẻ 87 đồng chí, chiếm 13,3%). 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được coi trọng, gắn với công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ. Về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã chú trọng nghiên cứu, đánh giá kết quả thực tiễn làm cơ sở để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch, đặc biệt quan tâm đối với đối tượng cán bộ trẻ. Thực hiện Đề án 165, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn, cử 118 lượt cán bộ có năng lực nổi trội tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; nhiều cán bộ sau khi hoàn thành khóa học trở về địa phương công tác cơ bản đã phát huy tốt những kiến thức được học, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao; đã có 33 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay có 1.092 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý được tham gia các khóa đào tạo do Trung ương và tỉnh tổ chức.

Công tác luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý thời gian qua được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng, đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện về công tác luân chuyển, điều động cán bộ, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; có tác dụng và ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn tỉnh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 15/3/2016 về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết số 02-NQ/TU); cấp ủy ở tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai tổ chức quán triệt Nghị quyết số 02-NQ/TU và các quy định về luân chuyển cán bộ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp và đến các chi bộ, đảng viên. Việc quán triệt, học tập được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc; cán bộ, đảng viên nắm rõ hơn vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác luân chuyển, điều động cán bộ; tạo được sự thay đổi về nhận thức của cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, thời gian, chế độ chính sách đối với cán bộ được lựa chọn luân chuyển, điều động. Thông qua công tác luân chuyển, điều động cán bộ đã từng bước khắc phục những quan điểm và thói quen lạc hậu trong công tác cán bộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác luân chuyển cán bộ ngày càng đáp ứng yêu cầu đề ra, lựa chọn được cán bộ trẻ, cán bộ còn tuổi công tác từ hai nhiệm kỳ trở lên, thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, có quy hoạch để đào tạo, rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, tạo nguồn cán bộ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và kinh nghiệm để đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định về công tác luân chuyển của tỉnh đã đề ra nhiều chế độ, chính sách, quan tâm đối với cán bộ như: hỗ trợ kinh phí và thực hiện bảo lưu chế độ, phụ cấp trách nhiệm; cán bộ luân chuyển có thành tích đặc biệt xuất sắc được xem xét nâng lương trước thời hạn; được ưu tiên khi xem xét bố trí công tác sau luân chuyển.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, luân chuyển, điều động từ tỉnh về huyện: 14 đồng chí giữ chức vụ Bí thư, 06 Phó Bí thư, 10 Chủ tịch UBND, 09 Phó Chủ tịch UBND. Luân chuyển, điều động 01 đồng chí từ huyện và tương đương về tỉnh giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 09 đồng chí cấp trưởng sở, ban, ngành; 12 cấp phó sở, ban, ngành; từ ngành sang ngành: 20 cấp trưởng sở, ban, ngành; 14 cấp phó sở, ban, ngành; từ huyện sang huyện: 01 đồng chí giữ chức vụ Phó Bí thư, 01 Phó Chủ tịch UBND. Luân chuyển, điều động từ huyện về xã: 82 đồng chí Bí thư, 09 Phó Bí thư, 53 Chủ tịch UBND, 03 Phó Chủ tịch UBND; 26 đồng chí từ xã về huyện giữ chức vụ cấp trưởng phòng, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; 26 cấp phó phòng, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Luân chuyển, điều động 22 đồng chí từ huyện sang huyện, chủ yếu là các chức danh cấp trưởng, phó thuộc ngành dọc như Viện Kiểm sát, Tòa án, Thuế, Kho bạc, Hải quan, Bảo hiểm xã hội. Từ xã sang xã: 16 đồng chí giữ chức vụ Bí thư, 06 Phó Bí thư, 22 Chủ tịch UBND, 06 Phó Chủ tịch UBND. Đối với các huyện miền núi cao: Cơ bản thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp cho cán bộ được luân chuyển, điều động đến công tác ở những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa phương khó khăn, chậm phát triển theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg, ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ “về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt các xã thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ”. 

Luân chuyển, điều động cán bộ đã góp phần cùng các địa phương, đơn vị tranh thủ tốt ngoại lực, phát huy được nội lực làm chuyển biến đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Luân chuyển, điều động cán bộ đã góp phần thay đổi thói quen, phương pháp làm việc, quy trình xử lý công việc cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tạo được sự cân bằng về chất lượng đội ngũ cán bộ ở địa phương, đơn vị, vùng miền trong tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý phù hợp với các quy định về công tác cán bộ của Trung ương. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ được thực hiện bảo đảm đúng nguyên tắc; lựa chọn, sắp xếp, bố trí đúng người, đúng việc giúp cho cán bộ phát huy được năng lực, sở trường công tác, đóng góp nhiều hơn vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; tạo được niềm tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; từng bước khắc phục và đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền, tiêu cực trong công tác cán bộ; đặc biệt chú trọng việc lựa chọn cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ về tiếp cận cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận lâu dài. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, có 392 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; tính đến tháng 15/7/2023, tổng số Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 có 65 đồng chí (cán bộ trẻ là 06/65 đồng chí, chiếm 9,2%); cán bộ trẻ tham gia đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 11/83 đồng chí (chiếm 13,3%).

Thời gian qua, các cấp ủy đảng ở Nghệ An tập trung công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ và công tác cán bộ. Nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế dân chủ ở cơ sở; việc tổ chức sinh hoạt đảng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ... Từ 12/2017-12/2021, có 442 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường Tỉnh ủy quản lý được khen thưởng; 328 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã phân cấp cho ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý được khen thưởng; 08 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bị kỷ luật (trong đó có 04 cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp quản lý; 04 cán bộ đã phân cấp cho ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý).

Công tác cán bộ từ tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ngày càng đi vào nền nếp, quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch từ đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo bài bản, phần lớn được rèn luyện qua thực tiễn nên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực thi công vụ; có năng lực lãnh đạo, điều hành và khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn qua đó đã góp phần tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao của từng của cơ quan, địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác đánh giá cán bộ ở một số nơi còn hình thức, đánh giá chưa đầy đủ, thiếu chính xác; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, chưa đánh giá khách quan ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế về phẩm chất, năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước của một số cán bộ còn yếu, vẫn còn tư tưởng bảo thủ, trì trệ, làm việc theo kinh nghiệm, ngại học hỏi, tiếp thu kiến thức mới; lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt, ngại va chạm. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, vi phạm kỷ c­ương, kỷ luật. “Chất lượng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm nhiệm vụ”6...

Một số giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp

Thứ nhất, cần kịp thời phổ biến, quán triệt, thống nhất nhận thức về xây dựng đội ngũ cán bộ có có bản lĩnh, năng lực, trình độ, là tổng thể các biện pháp bao gồm cả việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức thực hiện có hiệu quả để phát hiện, lựa chọn được đội ngũ cán bộ các cấp đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu, đặc biệt các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ hai, quan tâm phát hiện, bồi dưỡng cán bộ trẻ có đạo đức tư cách tốt, có năng lực công tác tốt để tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tương lai. Đề cao nguyên tắc trọng dụng tài năng; tuyển chọn, giao việc, bổ nhiệm cán bộ theo năng lực, sở trường. Xây dựng môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức; kịp thời định hướng, giúp đỡ các cán bộ trẻ, cán bộ mới được tuyển dụng, cán bộ luân chuyển thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, đánh giá cán bộ một cách thực chất, tập trung vào hiệu quả thực thi công vụ, những tiêu chí khách quan, lượng hóa cụ thể công việc được gắn với việc hoàn thành các mục tiêu chung của cơ quan, đơn vị. Cần xây dựng các bảng mô tả công việc, quy định rõ yêu cầu và trách nhiệm đối với từng vị trí, chức danh, làm căn cứ khách quan để tuyển chọn đúng người, đúng việc; đề ra những tiêu chí đánh giá công việc sát thực; tạo cơ sở để cán bộ lập kế hoạch rèn luyện, nâng cao trình độ theo yêu cầu công việc.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, từng bước thay đổi nhận thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường cán bộ được đào tạo, rèn luyện thử thách qua thực tiễn, góp phần sắp xếp cán bộ một cách hợp lý hơn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, khuyến khích cán bộ, đảng viên phấn đấu vươn lên, đặc biệt là cán bộ trẻ, có năng lực, có bản lĩnh; tạo được môi trường làm việc và động lực mới trong công tác cán bộ, khắc phục một bước tình trạng trì trệ, khép kín và tư tưởng cục bộ trong công tác cán bộ; làm cho công tác luân chuyển, điều động cán bộ trở thành việc làm thường xuyên và ngày càng đi vào nền nếp.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên là người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...

Thứ sáu, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử phải bám sát quy hoạch cán bộ đã được phê duyệt; bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy trình, nhân sự phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện; chú trọng phát hiện cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ có triển vọng tăng cường đến những địa phương, đơn vị khó khăn để thử thách và rèn luyện cán bộ.

Thứ bảy, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, khích lệ cán bộ có năng lực, cán bộ được luân chuyển, điều động, đặc biệt là cán bộ luân chuyển về cơ sở, bố trí nhà ở công vụ, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí, nhất là ở địa bàn khó khăn; khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của địa phương, đơn vị.

Nghệ An là tỉnh có nhiều địa bàn trọng điểm, trong điều kiện Đảng ta duy nhất cầm quyền có nhiều lĩnh vực khó khăn, phức tạp, thì càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ không ngại khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực, tâm huyết cho sự nghiệp chung. Có như vậy mới huy động và sử dụng được một cách hiệu quả nhất các nguồn lực, mang lại lợi ích cho địa phương, cộng đồng, quê hương, đất nước ngày càng phát triển./.

 

                                       Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

                          Nguyễn Thị Hồng Giang, Giảng viên chính trường Chính trị tỉnh  

1 Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí- Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tập 1, trang 63

2 Theo mục tiêu của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

3 Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1995, t6, tr.184

4 Số liệu tính đến tháng 11/2023, Nguồn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy

5, 6 Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

 

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Công an huyện Hưng Nguyên tận tụy phục vụ Nhân dân

Công an huyện Hưng Nguyên tận tụy phục vụ Nhân dân


Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân


Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả


Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch

Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch



Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954

Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954


Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững


Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển

Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển


Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp


“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận

“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận


Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay


Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn

Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn


Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương

Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương