Công tác giáo dục lý luận chính trị có vai trò hết sức quan trọng là công việc cần thiết, cấp bách, thường xuyên và lâu dài của toàn hệ thống chính trị và của từng tổ chức, cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy Đảng ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của công tác lý luận chính trị (LLCT) nói chung và công tác GDLLCT ở cơ sở nói riêng. Thông qua công tác GDLLCT, từng cán bộ, đảng viên, từng tổ chức cơ sở đảng đã không ngừng nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp, giữ vững niềm tin và khát vọng cống hiến, dựng xây đất nước Việt Nam phát triển hùng cường với mục tiêu chiến lược 2030, tầm nhìn 2045.
Trong năm qua, bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ đã tác động ảnh hưởng sâu sắc đến công tác tư tưởng, tuyên giáo nói chung và công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Trước những khó khăn, thách thức công tác GDLLCT vì vậy luôn được cấp ủy các cấp quan tâm, chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị, triển khai thực hiện công tác giáo dục lý luận chính trị một cách tích cực, toàn diện. Ban tuyên giáo, trung tâm chính trị cấp huyện ngày càng khẳng định rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mình trong công tác giáo dục lý luận chính trị, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với sự chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự chủ động, tích cực của ban tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện. Trong năm 2023, Trung tâm Chính trị các huyện, thành, thị đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ tại địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh được các trung tâm thực hiện có hiệu quả, bảo đảm đúng tiến độ, đạt và vượt kế hoạch năm. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được TTCT cấp huyện thực hiện, bảo đảm nội dung, mục đích, yêu cầu. Quá trình giảng dạy, các giảng viên đã kịp thời cập nhật những kiến thức mới vào bài giảng, bổ sung quan điểm chỉ đạo của các nghị quyết, chỉ thị, kết luận nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, nhất là những vấn đề đặt ra đối với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Việc truyền đạt kiến thức chương trình theo hướng liên hệ, vận dụng kiến thức thực tiễn của địa phương, cơ sở được các TTCT các huyện, thành, thị đặc biệt coi trọng.
Trong năm 2023, Trung tâm Chính trị cấp huyện đã triển khai thực hiện kế hoạch đúng tiến độ được phê duyệt, toàn tỉnh mở được 12.159 lớp với 149.799 học viên. Ngoài các chương trình Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn, một số trung tâm chính trị còn thực hiện các chương trình bồi dưỡng của địa phương lồng ghép vào các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, đảng viên mới như: chuyên đề tình hình kinh tế - xã hội địa phương, chuyên đề lịch sử địa phương...
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực, chủ động của người học được các địa phương chú trọng, gắn lý luận với thực tiễn, tăng tương tác, đối thoại giữa giảng viên và học viên, kết hợp phương pháp giáo dục truyền thống với phương pháp giáo dục hiện đại, tạo khả năng thu hút, hấp dẫn người học… Trung tâm chính trị cấp huyện, Ban Tuyên giáo (tuyên huấn) đảng ủy trực thuộc đã tổ chức thao giảng, dự giờ thăm lớp để triển khai phương pháp dạy học tích cực cho giảng viên, giảng viên kiêm chức, rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Trong năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức thao giảng cụm Đảng ủy trực thuộc tại Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh để nâng cao chất lượng chất lượng dạy và học. Thông qua dự giờ, thăm lớp để góp ý những mặt được và chưa được trong công tác giảng dạy của các giảng viên, qua đó giúp cho các giảng viên học hỏi và rút kinh nghiệm để từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy. Việc học tập lý luận gắn với thực tiễn được các trung tâm chú trọng. Sau khi kết thúc các chương trình: Đối tượng nhận thức về Đảng, Đảng viên mới, Sơ cấp chính trị các trung tâm đã tổ chức tham quan thực tế các di tích lịch sử, các mô hình hay trong và ngoài tỉnh cho các học viên. Sau tham quan thực tế viết bài thu hoạch để đánh giá việc tiếp thu, lĩnh hội của học viên, từ đó học viên rút ra kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình công tác. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ công tác lý luận chính trị được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chú trọng, bảo đảm hoạt động quản lý, đào tạo, bồi dưỡng tại các TTCT cấp huyện hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức giao ban công tác giáo dục lý luận chính trị, kịp thời đánh giá và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới phù hợp với tình hình địa phương. Tổ chức kiểm tra hồ sơ công tác giáo dục lý luận chính trị của trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh nghiêm túc, có chất lượng. Công tác giáo dục lịch sử Đảng được cấp ủy các cấp chú trọng, đẩy mạnh tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử Đảng bộ ngành. Nhiều ấn phẩm tài liệu có ý nghĩa lịch sử và các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được xuất bản và phát hành vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, ngày truyền thống của các địa phương, các ngành góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh. Công tác thẩm định lịch sử đảng bộ được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo sự thống nhất các sự kiện lịch sử từ cấp tỉnh đến cấp xã. Công tác giáo dục lịch sử đại phương được quan tâm triển khai thực hiện rộng rãi trong các trường học. Sở Giáo dục và đào tạo đã biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử địa phương tỉnh Nghệ An và đưa vào tích hợp giảng dạy trong hệ thống giáo dục các cấp trên địa bàn tỉnh thông qua các giờ dạy, tiết dạy trong nhà trường, qua các hoạt động ngoại khóa như việc tham quan ở các địa điểm, di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống trong tỉnh… Đưa nội dung bồi dưỡng chuyên đề, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, đạo đức cách mạng vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên tại Trường Chính trị và Trung tâm chính trị cấp huyện.
Trước những biến động không ngừng của bối cảnh trong và ngoài nước, sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công tác GDLLCT vẫn còn tồn tại những hạn chế và bất cập. Công tác xây dựng TTCT đạt chuẩn đang gặp khó khăn, vướng mắc chưa đạt tiến độ... Việc chiêu sinh, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng gặp nhiều khó khăn. Biên soạn tài liệu chương trình Sơ cấp lý luận chính trị chậm ảnh hưởng trong quá trình giảng dạy và học tập. Đội ngũ giảng viên kiêm chức tại ban tuyên giáo (tuyên huấn) đảng ủy trực thuộc, trung tâm chính trị cấp huyện là kiêm nhiệm, năng lực sư phạm của một số đồng chí chưa cao, phương pháp giảng dạy còn nặng về thuyết trình, giáo án chưa thực sự đầu tư bài bản, soạn chưa đúng theo mẫu của Ban Tuyên giáo Trung ương. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc giảng dạy và học tập tại các trung tâm chính trị cấp huyện còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là ở các huyện miền núi. Một số hạng mục công trình xuống cấp do đó ảnh hưởng đến chất lượng học tập các lớp đông học viên. Một số quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên của các trung tâm chính trị còn bất hợp lý, nhưng chưa được giải quyết.
Năm 2024 dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những biến động, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Nhiều vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến đáng lo ngại. Trong nước sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; dịch bệnh thiên tai, bão lũ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự chống phá của các thế lực thù địch, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực... vẫn là thách thức đối với công tác tuyên giáo nói chung và công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Tình hình đó đòi hỏi phải tiếp tục nêu cao tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để nâng cao hiệu quả công tác GDLLCT góp phần xứng đáng vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong thời gian tới, để phát huy vai trò, nâng cao chất lượng công tác GDLLCT, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, các câp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Ban Tuyên giáo (tuyên huấn) đảng ủy trực thuộc, Trung tâm chính trị cấp huyện tập trung tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch Công tác giáo dục lý luận chính trị năm 2024 theo Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet. Trung tâm chính trị cấp huyện thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; chủ động bổ sung, cập nhật kiến thức theo nội dung các Hội nghị Trung ương khóa XIII; đồng thời gắn nội dung bài giảng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương thiết thực, hiệu quả. Chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên LLCT cấp huyện là vấn đề mang tính cốt lõi trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục lý luận chính trị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng địa phương; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện.
Thứ ba, tăng cường chỉ đạo, phối hợp với Sở giáo dục, Đoàn thanh niên cấp tỉnh giáo dục chính trị cho đoàn viên, thanh niên và thế hệ trẻ; phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong nghiên cứu, đề xuất và tuyên truyền về giáo dục chính trị, phát động các phong trào thi đua học tập, chia sẻ các bài học về lý luận chính trị trên internet, mạng xã hội… Cấp ủy tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên Trung tâm chính trị cấp huyện tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác giảng dạy. Ưu tiên cho các giảng viên đăng ký đề tài, đề án nghiên cứu khoa học, hoặc công bố sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy lý luận chính trị; tham gia vào công tác sơ kết, tổng kết, xây dựng các chương trình, đề án... thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp huyện.
Thứ tư, kiểm tra, giám sát thực hiện nền nếp việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên; chất lượng giảng dạy các chương trình lý luận chính trị; phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; công tác quản lý học viên; công tác nghiên cứu khoa học.
Thứ năm, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử đảng, lịch sử truyền thống cách mạng. Phát huy giá trị của các tài liệu lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đưa nội dung chuyên đề Đảng ta thật là vĩ đại, lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên tại trường chính trị tỉnh và trung tâm chính trị các huyện, thành, thị. Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc trung tâm chính trị các huyện, thành, thị triển khai thực hiện chương trình bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng “Đảng ta thật là vĩ đại” theo Quyết định số 2448-QĐ/BTGTW ngày 26/5/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương và chuyên đề Lịch sử địa phương.
Ái Vân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy