Hiện nay có hơn 1000 thành phố trên thế giới đã trở thành hoặc đang xây dựng “thành phố học tập”. Là thành viên của mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, thành phố Vinh xác định hướng đi cụ thể để phát triển mạnh mẽ giáo dục và đào tạo trong việc xây dựng thành phố học tập toàn cầu.
Nhận thức được những lợi ích thiết thực mà mạng lưới thành phố học tập toàn cầu có thể mang lại, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của tổ chức UNESCO, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh và các ban ngành liên quan, thành phố Vinh đã tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng theo các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số trong bộ tiêu chí thành phố học tập dành cho Việt Nam để xem xét đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Ngày 21/9/2020, UNESCO đã trao chứng thư công nhận thành phố Vinh trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu cùng với 55 thành phố từ 27 quốc gia trên thế giới, nâng tổng số lên 274 thành phố tại 64 quốc gia được công nhận trở thành mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu. Đây là niềm vinh dự và tự hào của thành phố Vinh trong quá trình phát triển thành phố trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung bộ trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo. Vinh từng bước hiện thực hóa được cơ bản nhiều quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Sau hơn hai năm trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, thành phố Vinh đã có sự phát triển mạnh mẽ trong việc xây dựng thành phố học tập.
Thời điểm tháng 3/2020 thành phố Vinh có 29/35 tiêu chí đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO. Bằng các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, đến thời điểm hiện nay thành phố đã có 34/35 tiêu chí đạt chuẩn theo quy định của UNESCO về thành phố học tập. Thành phố đã khắc phục và hoàn thiện các tiêu chí về: bình đẳng giới, tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực của kinh tế và các hoạt động khác của con người đối với môi trường tự nhiên, tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Quốc gia… Điều đó cho thấy việc trở thành thành viên của mạng lưới thành phố học tập toàn cầu đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ và mang lại những lợi ích thiết thực đến cho người dân thành phố.
Về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, trang thiết bị dạy học, hệ thống nhà văn hóa cộng đồng, các trung tâm học tập cộng đồng tại các phường xã, khối xóm luôn được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hàng năm. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh có 134 trường học từ cấp học Mầm non tới cấp Trung học phổ thông; 25 trung tâm học tập cộng đồng; 02 Trung tâm GDTX; 6 trường đại học, 13 trường cao đẳng và nhiều phân hiệu, cùng nhiều trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề, Trung tâm Ngoại ngữ, tin học… với đầy đủ hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất. Các cơ sở giáo dục đó đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập, phát triển đa dạng của nhân dân thành phố.
Để phát huy những lợi thế là thành viên của Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, thời gian tới, thành phố Vinh sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kế hoạch tổng thể và lộ trình để tiếp tục thực hiện xây dựng thành phố học tập phù hợp với các tiêu chí của Bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo và điều kiện của thành phố. Trong đó, tập trung vào các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, hàng năm kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng thành phố học tập, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường, xã để triển khai có hiệu quả các nội dung của kế hoạch xây dựng thành phố học tập; bố trí kinh phí ngân sách hàng năm để triển khai các nội dung, hoạt động trong kế hoạch đề ra, đồng thời có giải pháp để huy động sự đóng góp của các lực lượng xã hội nhằm thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng thành phố học tập theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường các giải pháp trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị dạy học, từng bước hiện đại hóa mạng lưới trường lớp, xây dựng trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế ở các cấp học, phấn đấu đến năm 2025 có 95% trường đạt chuẩn quốc gia; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở mức độ 3, chú trọng giáo dục hòa nhập, đảm bảo cho tất cả người dân đều có cơ hội học tập ở môi trường tốt nhất. Huy động các nguồn lực và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân để tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, củng cố và tăng cường hiệu quả của các trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, thư viện cộng đồng; đẩy mạnh phong trào xây dựng “gia đình học tập”, “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập”...
Thứ ba, mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, đảm bảo tất cả mọi người đều sử dụng được công nghệ thông tin trong học tập và làm việc, đặc biệt là sử dụng thiết bị thông minh và internet. Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học tập tại nơi làm việc và học tập vì công việc.
Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục và học tập, các trường phổ thông thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học và thực hiện dự án khoa học kỹ thuật gắn với thiết kế các chủ đề dạy học theo định hướng giáo dục STEM; thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ”; người dân tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa có khả năng vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề cơ bản cần thiết tối thiểu trong cuộc sống.
Thứ năm, sử dụng nhiều kênh thông tin để tuyên truyền, giới thiệu những hoạt động tích cực của thành phố Vinh sau khi trở thành thành viên của mạng lưới học tập toàn cầu đến các thành phố khác; qua đó thúc đẩy các mối quan hệ học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành phố; tạo động lực cho các thành phố khác tiếp tục đăng ký tham gia để được kết nạp vào hệ thống thành viên của mạng lưới học tập toàn cầu. Tham gia các hội nghị, hội thảo của UNESCO về các thành phố học tập, tăng cường giao lưu trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác; tiếp cận các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo dục của UNESCO. Đóng góp các giải pháp, ý tưởng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới học tập toàn cầu. Lắng nghe và thu hút sự quan tâm của các đối tác, trên cơ sở đó tìm kiếm các chiến lược tài trợ trên toàn cầu giữa các thành phố với mong muốn được hợp tác và thúc đẩy phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Với nỗ lực và bước đi thích hợp, thành phố Vinh đang dần trở thành một thành phố để tất cả mọi người dân được học tập suốt đời, tiến tới đạt danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO”.
Quang Minh