Chủ trương phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm bằng việc ban hành Đề án phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Quyết định số 5155-QĐ/TU ngày 08/02/2014).
Đến năm 2020, trên cơ sở đánh giá ưu điểm đạt được và tồn tại, hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 189-KL/TU, ngày 10/6/2020 về tiếp tục thực hiện Đề án 5155 trong giai đoạn 2020-2025.
Kết quả đạt được sau 3 năm Kết luận số 189-KL/TU
Ba năm vừa qua (2021-2023), trong bối cảnh nhiều khó khăn như dịch bệnh Covid-19; xung đột vũ trang ở một số nước... ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các ban tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực triển khai tham mưu nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; rà soát, khảo sát nguồn, ban hành kế hoạch giao chỉ tiêu kết nạp, thành lập tổ chức đảng; tuyên truyền, triển khai, quán triệt Kết luận 189-KL/TU, vai trò của việc phát triển đảng viên tổ chức đảng trong doanh nghiệp đến các cấp ủy, đảng viên, chủ doanh nghiệp; thực hiện đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án nên đã đạt được những kết quả khả quan. Toàn tỉnh đã bồi dưỡng, kết nạp 469 quần chúng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trong đó có 20 chủ doanh nghiệp). Thành lập thêm 40 tổ chức đảng, đưa tổng số tổ chức đảng trong doanh nghiệp thuộc phạm vi Đề án là 209, chiếm tỷ lệ 21%; thành lập thêm 74 công đoàn cơ sở với 10.491 đoàn viên, đưa tổng số tổ chức công đoàn thuộc phạm vi đề án là 527, chiếm tỷ lệ 52,1%; thành lập thêm 17 chi đoàn cơ sở, đưa tổng số tổ chức Đoàn thuộc phạm vi đề án là 527, chiếm tỷ lệ 52,1% so với tổng số doanh nghiệp trong phạm vi thực hiện Đề án.
Phần lớn các doanh nghiệp có tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách cho tỉnh và sự phát triển của doanh nghiệp. Chất lượng các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp thuộc phạm vi Đề án được nâng lên, hoạt động tương đối nền nếp, thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người lao động, vận động chủ doanh nghiệp chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường; tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lê Đình Lý, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các thành viên Đoàn giám sát việc thực hiện Đề án 5155 tại Thành ủy Vinh
Hạn chế và nguyên nhân
Việc phát triển đảng viên mới, thành lập tổ chức đảng, tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên trong doanh nghiệp nói chung và trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng. Đến cuối tháng 5/2023, toàn tỉnh có 12.584 doanh nghiệp, trong đó, số doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 12.472 (có 57 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Số doanh nghiệp thuộc phạm vi Đề án 5155 có 1.010 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính từ khi thực hiện Đề án, năm 2014 đến nay, tổng số tổ chức đảng trong doanh nghiệp thuộc phạm vi Đề án được thành lập, duy trì hoạt động là 209, chiếm 21% so với số doanh nghiệp thuộc phạm vi Đề án (chỉ tiêu từ 30%-40%). Tương tự, tổng số tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp thuộc phạm vi Đề án là 527, chiếm 52,1% (chỉ tiêu là 70%). Tổng số tổ chức đoàn thanh niên thuộc phạm vi Đề án là 105, chiếm 10,4% (chỉ tiêu là 60%). Nhìn chung, chất lượng các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp tuy có được nâng lên nhưng năng lực lãnh đạo, điều hành các hoạt động của một số cấp ủy chi bộ, chi đoàn, hoạt động công đoàn còn hạn chế, còn lúng túng trong nội dung và phương thức hoạt động, vai trò của tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thật sự rõ nét.
Đồng chí Phan Thị Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh trao quyết định thành lập Chi bộ Công ty cổ phần chế tác đá Nhật Huy
Các hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân khách quan như đã nêu trên. Tuy nhiên, qua xem xét cả quá trình thực hiện Đề án thì nguyên nhân chủ quan, quan trọng là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện Đề án chưa thật sự quyết liệt. Trên thực tế, việc thực hiện Đề án có thể xem là "bài toán khó", tuy nhiên, không phải là không có lời giải. Lời giải đó là cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó tìm được giải pháp, hướng đi thích hợp, có sự kiên trì trong chỉ đạo thực hiện. Qua kiểm tra, giám sát nhận thấy, nhiều cấp ủy, tổ chức, đơn vị triển khai rất bài bản, kịp thời, đầy đủ. Tuy nhiên, chưa xác định đúng nội dung mấu chốt, chưa có kế hoạch dài hạn, chưa đủ kiên trì để thực hiện, khi thấy khó khăn, vướng mắc thì sao lãng, khi có kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở thì thực hiện nhất thời, hiệu quả chưa cao.
Giải pháp căn cơ
Từ trước đến nay trong Đề án, trong các báo cáo, kết luận của cấp ủy cấp trên, ban chỉ đạo... đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của việc thành lập doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước; thực hiện khảo sát, định hướng, lập kế hoạch, giao chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cho cấp ủy, tổ chức đảng, các đồng chí cấp ủy viên, thành viên ban chỉ đạo; cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Nhà nước thành các chế độ chính sách cho các doanh nghiệp; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, thực hiện chế độ báo cáo... Do đó, cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần xem xét, nghiên cứu các giải pháp đã đưa ra để tìm giải pháp thích hợp cho tổ chức cơ quan, đơn vị mình. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, phải vào cuộc quyết liệt, phải kiên trì hơn nữa để tìm ra lời giải cho "bài toán khó"; phải thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên đối với các tập thể, cá nhân, có như vậy thì mới gỡ được cái khó lặp đi, lặp lại trong nhiều năm để thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án.
Nguyễn Văn Chung
Ban Tổ chức Tỉnh ủy