Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Nhìn lại 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ở Nghệ An

Ngày 04/11/2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Nghị quyết 29).

Nghị quyết đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước ta. Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành trên địa bàn toàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một số chuyển biến tích cực

Công tác tham mưu, ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chủ trương, chính sách phát triển bền vững giáo dục và đào tạo được chú trọng theo từng giai đoạn (Tỉnh ủy ban hành 17 văn bản, HĐND tỉnh ban hành 22 nghị quyết; UBND tỉnh đã ban hành hơn 80 văn bản).

Các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Thực hiện việc xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo. Tổ chức nghiên cứu, tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình từng năm học, đảm bảo nghiêm túc, khoa học, đúng quy định; mở thêm một số ngành đào tạo mới. Đảm bảo thực hiện nội dung dạy học, giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ lựa chọn sách giáo khoa; biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương để triển khai có hiệu quả chương trình lớp 1, 2, 3 ở tiểu học; lớp 6, 7 ở THCS và lớp 10 THPT đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Chú trọng các nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; giáo dục quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp; tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học tích cực phù hợp với chương trình phát triển phẩm chất, năng lực người học; thích ứng tình hình phòng chống dịch; yêu cầu chuyển đổi số.

Kết quả nổi bật về chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học đã được khẳng định vững chắc: Kết quả học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế liên tục ở tốp dẫn đầu của cả nước: Trong giai đoạn này, đã có 1087 học sinh đạt giải HSG quốc gia; Kết quả thi THPT quốc gia hàng năm có sự tăng trưởng (những năm gần đây, điểm trung bình năm 2017 là 4.84, xếp thứ 40; năm 2018 là 4.92, xếp thứ 39; năm 2019 là 5.29, xếp thứ 37; năm 2020 là 6.06, xếp thứ 36; năm 2021 là 6.31, xếp thứ 34 năm 2022 là 6.44, xếp thứ 20); hàng năm số học sinh thi THPT quốc gia đạt điểm cao thuộc tốp đầu toàn quốc; chất lượng giáo dục miền núi được nâng lên, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và số học sinh khá giỏi tăng qua các năm (trong 3 năm gần đây, có 36/112 học sinh miền núi, dân tộc thiểu số đạt điểm cao kỳ thi THPT quốc gia được UBND tỉnh khen thưởng, vinh danh); Chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp được quan tâm và đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt khá, giỏi trong các trường cao đẳng, trung cấp tăng từ 12,8% năm 2013 lên 45% năm 2022. Tỷ lệ có việc làm chung sau đào tạo nghề nghiệp đạt 80,7% (tăng 13,7% so với năm 2013); 

Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo đảm bảo nghiêm túc, khách quan, phản ánh đúng chất lượng dạy và học, khắc phục bệnh thành thích trong giáo dục. Đổi mới thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT phù hợp với tình hình thực tiễn: Giai đoạn 2018-2020, đổi mới theo tinh thần thi trắc nghiệm khách quan bài thi tổ hợp 3 môn, từng bước thực hiện mục tiêu tích hợp nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học; hiện nay triển khai ổn định thi 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Tăng cường tổ chức các cuộc thi sáng tạo, là sân chơi phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Quy mô trường lớp học đáp ứng yêu cầu phát triển, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 trường đại học, 1 trường CĐSP, xếp thứ 3 trong vùng về số lượng trường đại học (sau Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng), Trường Đại học Vinh được lựa chọn xây dựng thành trường đại học trọng điểm Quốc gia cấp vùng, khu vực Bắc Trung Bộ. Có 10 trường cao đẳng (1 trường Sư phạm), 13 trường trung cấp, 9 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Có 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; có 1533 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT; 460 trung tâm học tập cộng đồng các phường, xã.

Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp đạt những hiệu quả nhất định: đối với việc tuyển sinh lớp 10 toàn tỉnh chỉ tuyển 75% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 các trường THPT (THPT công lập 69%; ngoài công lập 6%); phân luồng, hướng nghiệp sau THPT: Số học sinh tham gia dự thi THPT quốc gia (nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT) nhưng không có nguyện vọng xét tuyển đại học cao đẳng tăng lên: năm 2015 có 37,2%; năm 2016 có 42,2%; năm 2017 có 37,3%; 2018 đến nay có trên 42%.

Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới từ việc tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị của ngành, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những tồn tại trong giáo dục đào tạo đến việc thực hiện quản trị trường học, thực hiện giám sát, quản lý chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục, nâng cao tiêu chí, tiêu chuẩn và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục; đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục dựa trên tiêu chí chính là chất lượng đầu ra của học sinh.

Thực hiện rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Trình độ giáo viên ngày càng được nâng lên; giữ vững tỷ lệ 100% giáo viên mầm non và phổ thông đứng lớp đạt chuẩn đào tạo; nâng dần tỷ lệ trên chuẩn đào tạo. Công tác bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho đội ngũ nhà giáo được thực hiện thường xuyên thông qua các đợt bồi dưỡng chính trị vào dịp hè. Triển khai nghiêm túc bồi dưỡng đội ngũ đảm bảo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính; công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Trong giai đoạn này, tham mưu ban hành 10 Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành, cơ bản đảm bảo triển khai các cơ chế chính sách về tài chính, cơ sở vật chất và dịch vụ giáo dục. Tham mưu xây dựng và thực hiện tốt một số chủ trương xã hội hóa giáo dục, trong 10 năm qua, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã huy động được trên 2.586 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của phụ huynh học sinh và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Từng bước quan tâm đầu tư đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ chương trình dạy học mới, các địa phương đã huy động lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn lực của địa phương, đơn vị và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; cơ bản đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, chống xuống cấp, đảm bảo an toàn, phục vụ hoạt động của các nhà trường.

Nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý ngày càng có chất lượng và hiệu quả. Hàng năm có hàng ngàn sáng kiến của cán bộ, giáo viên của ngành tham gia đăng ký các cấp, trong đó có hàng trăm sáng kiến đạt cấp ngành và hàng chục sáng kiến được UBND tỉnh công nhận. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn; phong trào tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp được đẩy. Cùng với đó, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo được mở rộng với các nước trong khu vực và quốc tế.

Một số tồn tại và hạn chế chính

Một là, chất lượng giáo dục và đào tạo chưa thực sự là động lực bứt phá, là nguồn lực cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế, xã hội; có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân; chất lượng đào tạo nghề nghiệp tuy đã nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường sử dụng lao động.

Hai là, hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ; giáo dục tinh thần khởi nghiệp, tham gia chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa tương xứng với quy mô và tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Ba là, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bổ còn dàn trải, trùng lắp chức năng nhiệm vụ và phần lớn quy mô tuyên sinh nhỏ; năng lực đào tạo mới chỉ đáp ứng 74,3% nhu cầu học nghề của học sinh, sinh viên. Một số chính sách thực hiện còn có biểu hiện bất cập như sáp nhập và phân cấp quản lý đối với Trung tâm GDNN-GDTX; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng còn khiêm tốn.

Một số phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp mới

Phương hướng: Phát triển bền vững giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp Nghệ An: Quy mô hợp lý; đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất đạt chuẩn; cơ chế, chính sách phù hợp; chất lượng giáo dục, đào tạo dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ, thuộc tốp đầu cả nước; đảm bảo phẩm chất, năng lực người học đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; hình thành và phát triển ở người học các giá trị: Yêu nước - Nhân ái - Trung thực - Trách nhiệm - Hợp tác - Sáng tạo - Khởi nghiệp. Đến 2045, Nghệ An trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Đột phá phát triển bền vững giáo dục Nghệ An:

Một là, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, có tầm nhìn và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Giải pháp then chốt là tổ chức khoa học công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý theo chuẩn quốc gia, quốc tế; phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đảm bảo “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”.

Hai là, chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đơn vị trong nước; tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển giáo dục và đào tạo, về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đặc biệt về chuyển đổi số ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mục tiêu kép vừa thay đổi hình thức hoạt động quản lý, quản trị và dạy học, vừa đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao hình thành chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Ba là, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn; đáp ứng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế, xã hội miền Tây, kinh tế biển và các khu công nghiệp.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, tập trung nguồn lực đầu tư, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng: Đổi mới công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành; xây dựng quy hoạch phát triển từng giai đoạn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu học tập của người dân; đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.

Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động của ngành giáo dục, chú trọng: Ưu tiên xây dựng chương trình địa phương, chương trình nhà trường khoa học, phù hợp sự phát triển và chuẩn đầu ra người học, đáp ứng yêu cầu xã hội; đổi mới quản lý ngành và quản trị trường học; xây dựng môi trường giáo dục toàn diện.

Thứ ba, thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục từng cấp học, bậc học./.

                                                                   Hà Thị Thu Hoài 

Trưởng Phòng Khoa giáo và Văn hóa Văn nghệ, 

                                                                  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 

                                                                    

Tin cùng chuyên mục

Thực trạng và những vấn đề đặt ra với công tác tham mưu lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở Nghệ An hiện nay

Thực trạng và những vấn đề đặt ra với công tác tham mưu lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở Nghệ An hiện nay


Công tác tham mưu lĩnh vực Lý luận chính trị ở Nghệ An hiện nay – Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Công tác tham mưu lĩnh vực Lý luận chính trị ở Nghệ An hiện nay – Thực trạng và những vấn đề đặt ra


Chuyển biến trong cải cách hành chính và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT

Chuyển biến trong cải cách hành chính và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT


Công tác tham mưu xây dựng Đảng về chính trị ở Nghệ An – Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp

Công tác tham mưu xây dựng Đảng về chính trị ở Nghệ An – Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp


Phát triển đảng viên trong Đảng bộ khối Doanh nghiệp, một số kinh nghiệm

Phát triển đảng viên trong Đảng bộ khối Doanh nghiệp, một số kinh nghiệm


Vào Đảng chưa bao giờ muộn với người đàn ông dân tộc Thái có khát vọng ở tuổi 59

Vào Đảng chưa bao giờ muộn với người đàn ông dân tộc Thái có khát vọng ở tuổi 59


Ngành Du lịch Nghệ An kỳ vọng và đổi mới trong thu hút du khách năm 2024

Ngành Du lịch Nghệ An kỳ vọng và đổi mới trong thu hút du khách năm 2024


Tiếp tục nâng cao hiệu quả câu lạc bộ thời sự trên địa bàn thị xã Thái Hòa

Tiếp tục nâng cao hiệu quả câu lạc bộ thời sự trên địa bàn thị xã Thái Hòa


Phát huy truyền thống xây dựng Bộ đội Biên phòng ngang tầm nhiệm vụ mới

Phát huy truyền thống xây dựng Bộ đội Biên phòng ngang tầm nhiệm vụ mới


Đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc dịp Tết Giáp Thìn năm 2024

Đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc dịp Tết Giáp Thìn năm 2024


Thu ngân sách năm 2023 – Tín hiệu chuyển biến tích cực cho kế hoạch thu năm 2024

Thu ngân sách năm 2023 – Tín hiệu chuyển biến tích cực cho kế hoạch thu năm 2024


Hiệu quả từ đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Hiệu quả từ đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn


Đảng bộ thị xã Hoàng Mai: Nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phát triển đảng viên

Đảng bộ thị xã Hoàng Mai: Nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phát triển đảng viên


Người được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao trọng trách lớn

Người được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao trọng trách lớn


Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy