Triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt Chỉ thị 30-CT/TW đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh;
Chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 340/KH-UBND ngày 13/6/2019, Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 09/02/2021 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW và Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 09/02/2022 thực hiện Quyết định số 1157/QĐ-TTg ngày 12/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch số 769/KH-UBND ngày 12/10/2023 về triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15. Sau 5 năm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nghệ An đạt được những kết quả tích cực.
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành các văn bản triển khai việc giám sát và đánh giá kết quả thực hiện tại đơn vị, địa phương trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cá nhân và tổ chức, người đứng đầu các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương. Quy định rõ các các tiêu chí và các biện pháp đánh giá, giám sát công khai, minh bạch.
Triển khai đồng bộ các hoạt động, trên các lĩnh vực có liên quan hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để từng bước cụ thể hóa nhiệm vụ tại Chỉ thị 30-CT/TW và Nghị quyết 82/NQ-CP. Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực như: Quản lý bán hàng đa cấp, khuyến mại, hợp đồng mẫu; quản lý hoạt động kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực xăng dầu, khí hóa lỏng, rượu, thuốc lá…; quản lý lĩnh vực y tế dự phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm; quản lý về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa; kỹ năng phòng tránh lừa đảo trên môi trường số và các quy định của pháp luật liên quan đến thương mại điện tử; hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng chống các hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm khác.
2. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong quá trình triển khai thực hiện, kiện toàn Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh.
Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 trên địa bàn tỉnh, trong đó giao nhiệm vụ các sở, ngành, địa phương bám sát lộ trình thực hiện cụ thể để các hoạt động được triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các cấp bố trí kinh phí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch trong công tác bảo vệ người tiêu dùng và các nhiệm vụ được giao khác.
Thực hiện công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nghiên cứu, xây dựng các tổ chức, bộ phận tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, đề nghị, phản ánh của người tiêu dùng trên địa bàn quản lý. Đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã và đang triển khai hệ thống đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường tỉnh; Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Sở Công Thương do Bộ Công Thương trang bị; tiếp tục phát huy vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Nghệ An và bộ phận tiếp dân tại các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các cấp để kịp thời nắm bắt thông tin từ nhân dân, xử lý theo quy định.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
UBND tỉnh đôn đốc các sở, ngành, cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền Chỉ thị số 30-CT/TW. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuyên truyền về công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của các cơ quan chức năng, chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng. Nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng, nhất là đối với những đối tượng người tiêu dùng yếu thế. Công tác tuyên truyền được sự quan tâm của các ngành, các cấp và thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời và trở thành việc làm thường xuyên của các địa phương cũng như các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể.
Tuyên truyền triển khai thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 19/5/2020 công tác thông tin, tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chủ động triển khai xây dựng chương trình, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác giáo dục trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không tham gia tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Từ năm 2019 đến tháng 8/2024, đã tổ chức 20 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về tập huấn công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bán hàng theo phương thức đa cấp, hợp đồng mẫu, các quy định trong hoạt động kinh doanh chợ, khí dầu mỏ hóa lỏng, kinh doanh xăng dầu; trên 20 lớp tập huấn kiến thức về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm; hàng chục cuộc tập huấn kiến thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng và phát sóng 02 chuyên đề truyền hình tuyên truyền về hoạt động bán hàng đa cấp và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia), Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước và các trường trực thuộc Bộ Công Thương tổ chức nhiều hội nghị phổ biến kiến thức về pháp luật cạnh tranh, kỹ năng bán hàng Việt, đảm bảo an toàn thực phẩm,… Ngay khi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 ban hành, đã tổ chức 05 hội nghị tuyên truyền, phổ biến tại huyện Nam Đàn, Con Cuông, Anh Sơn và Thành phố Vinh.
Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào sinh hoạt định kỳ; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể và là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại cuối năm để làm cơ sở bình xét thi đua.
Hằng năm, căn cứ Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Bộ Công Thương, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam theo các chủ đề do Bộ Công Thương phát động với đa dạng hình thức truyền thông từ trực tuyến tới trực tiếp, hội nghị, tọa đàm, bài viết trên hệ thống website các cơ quan, đơn vị; treo pano, phướn tuyên truyền tại các trục đường chính trên địa bàn tỉnh, tổ chức các buổi tọa đàm, mít ting…
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ, bảo vệ người tiêu dùng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND UBND tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không lành mạnh, ghim hàng, nâng giá, bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và từng bước thiết lập kỷ cương trong kinh doanh đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Lĩnh vực, đối tượng kiểm tra được mở rộng, đi sâu thanh tra, kiểm tra một số lĩnh vực mới như: Thương mại điện tử, vi phạm Sở hữu trí tuệ ... các mặt hàng, lĩnh vực, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, các mặt hàng có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng.
Về kết quả đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm: Từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức kiểm tra xử phạt hành chính 41,735 vụ; khởi tố hình sự: 2322 vụ. Tổng giá trị thu phạt 1,412,582 triệu đồng. Về việc tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo: Giai đoạn từ năm 2019 đến nay: Các đơn vị đã tiếp nhận, xử lý 533 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh các loại; tổng đài 1800-6838 của tỉnh đã tiếp nhận trên 10 cuộc gọi tư vấn và khiếu nại của người dân; Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tiếp nhận, tư vấn và giải quyết khiếu nại 05 kiến nghị của người tiêu dùng. Các đơn đã được xem xét, giải quyết theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, không còn người dân gửi đơn phản ánh về các vụ việc đã được giải quyết.
5. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Xây dựng và triển khai các đề án, chính sách, biện pháp cần thiết để gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cạnh tranh của tỉnh.
Vận động các tổ chức xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia các chương trình, hoạt động tri ân người tiêu dùng: Hỗ trợ bảo hành sản phẩm, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn tiết kiệm, giảm giá, khuyến mại và các hoạt động tri ân khác. Tổ chức các hoạt động ký kết, cam kết doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng; các sự kiện cộng đồng hướng về người tiêu dùng, trong đó khuyến khích các hoạt động thể thao, văn hóa, xã hội có tính chất kết nối cao đặc biệt trong tháng cao điểm Ngày quyền của người tiêu dùng hàng năm (ngày 15/3).
Hằng năm và đột xuất, UBND tỉnh kịp thời có chính sách khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm, thực thi pháp luật về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.
6. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế
UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đến các sở, ngành, UBND cấp huyện nhằm tìm kiếm phát triển thị trường và tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế nói chung và hợp tác bảo vệ người tiêu dùng nói riêng.
Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hội nhập quốc tế: Tổ chức hơn 15 cuộc hội nghị, tập huấn về xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ quản lý các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh; hoàn thành xây dựng trang thông tin thị trường quốc tế (https://thitruongquocte.nghean.gov.vn). Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin để kết nối, mở rộng thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và xuất khẩu thông qua Chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại hàng năm. Thông báo đến doanh nghiệp các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được tổ chức trực tuyến; cung cấp thông tin định kỳ về thị trường, giá cả các mặt hàng, cơ chế, chính sách thương mại của các thị trường nhập khẩu tiềm năng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu mục tiêu kịp thời cho doanh nghiệp.